Giáo Hạt Cà Mau

Thắc mắc Phụng vụ: Việc tham dự Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời được cử hành vào buổi chiều Thứ bảy

Câu hỏi:


Ngày 02/11/2019 năm nay nhằm ngày thứ bảy, vấn đề được đặt ra: Theo truyền thống, hôm nay mỗi linh mục sẽ cử hành 3 thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời. Nếu thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời được cử hành vào buổi chiều thứ bảy theo giờ lễ của Chúa nhật theo thói quen các họ đạo thường làm, vậy giáo dân tham dự thánh lễ này đã chu toàn luật buộc giữ ngày Chúa nhật không ?

Trả lời:


Để trả lời cầu hỏi được đặt ra, trước tiên cần đọc lại giáo luật qui định cho việc giữ lễ ngày Chúa nhật và các ngày lễ buộc:


“Điều 1247: Vào ngày Chủ Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ, và hơn nữa, kiêng làm những công việc hay hoạt động làm ngăn trở sự thờ phượng Thiên Chúa, sự hưởng niềm vui riêng của ngày của Chúa, hoặc sự nghỉ ngơi cần thiết cho tâm trí và thân xác.


Ðiều 1248 §1: Ai tham dự Thánh Lễ, cử hành theo lễ nghi Công giáo bất cứ ở đâu, hoặc vào chính ngày lễ hay vào chiều ngày trước lễ, thì người ấy đã chu toàn việc buộc dự lễ ”.


Như vậy, điều 1248 §1 luật dạy là “tham dự Thánh Lễ được cử hành theo nghi thức Công giáo”, chứ không ấn định loại Thánh Lễ (bài lễ). Cho nên tín hữu có thể tham dự bất cứ Thánh Lễ nào (lễ cưới, lễ an táng, lễ giỗ, lễ tạ ơn) miễn là được cử hành theo nghi thức Công giáo.


Còn về thời gian “ngày Chúa Nhật” thì luật phụng vụ cũng nói rõ: “Ngày phụng vụ kéo dài từ nửa đêm cho đến nửa đêm. Nhưng việc cử hành ngày Chúa Nhật và các ngày lễ trọng bắt đầu ngay từ chiều hôm trước”. (1)


Như vậy, cần hiểu đúng là việc dự lễ “ngày Chúa Nhật” được tính từ Chiều Thứ Bảy vào giờ mà sách Phụng Vụ Giờ Kinh gọi là “Kinh Chiều I” (hôm trước lễ – (vespere) (2) . Cũng cần hiểu “trúng” là việc thực hành này đúng luật chung chứ không phải như vài người thường nói “chưa chuẩn” : lễ “Chiều Thứ Bảy là thay thế cho Chúa Nhật” !


Trong mục vụ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khuyên các mục tử rằng: “Vì luật buộc người tín hữu phải tham dự thánh lễ Chúa nhật, trừ khi có ngăn trở trầm trọng, nên các vị mục tử có nghĩa vụ phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ có thể giữ trọn điều luật này. Chính theo chiều hướng này mà có những quy định theo luật Giáo Hội, chẳng hạn như linh mục có quyền được cử hành hơn một lễ vào Chúa nhật và các ngày lễ buộc, sau khi được phép của vị Giám mục giáo phận, việc lập ra các thánh lễ vào buổi chiều và việc ấn định thời giờ thích hợp để giữ trọn luật buộc – bắt đầu từ chiều thứ Bảy, vào lúc đọc Kinh Chiều I của Chúa nhật. Thật vậy, theo quan điểm phụng vụ, ngày lễ bắt đầu từ Kinh Chiều I này. Vì thế, phụng vụ thánh lễ đó thỉnh thoảng được gọi là: “lễ vọng”, thật ra là “ngày lễ Chúa nhật”, mà vị Chủ tế buộc phải giảng và đọc lời nguyện tín hữu.


Ngoài ra, các vị mục tử nên nhắc nhở cho các tín hữu hiểu rằng: trong trường hợp họ vắng mặt ở nơi thường trú vào ngày Chúa nhật, họ phải lo tham dự thánh lễ ở nơi họ đến, và như thế làm phong phú cho cộng đoàn tín hữu địa phương bằng chứng tá cá nhân của mình. Đồng thời, các cộng đoàn địa phương ấy nên nhiệt tình đón các anh chị em đến từ bên ngoài cộng đoàn. Đặc biệt, trong những nơi thu hút được nhiều du khách và khách hành hương đến viếng thăm, cần phải cung cấp sự trợ giúp tôn giáo đặc biệt”. (3)


Vậy Lễ Cầu Cho các Tín Hữu Qua cử hành vào Chiều Thứ Bảy, vào giờ “Kinh Chiều I – Chúa Nhật”, như năm 2019 này, thì người tín hữu sẽ được “2 trong 1”, vừa chu toàn luật buộc giữ này Chúa Nhật, vừa chu toàn bổn phận cầu nguyện cho Các Tín Hữu đã Qua Đời.

Thân ái,
Lm. Gs. Lê Ngọc Ngà

Tài liệu tham khảo:

1. Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch, số 3.
2. Bộ giáo luật dùng từ “vesper” (evening) chứ không nói là “post meridiem” (afternoon). Nếu như thế thì “chiều” phải tính từ 16 giờ (4:00 P.M). Tuy nhiên trong Tông thư “Ngày của Chúa” Dies Domini, ban hành ngày 31-5-1998, số 49, ngày lễ bắt đầu từ Kinh Chiều 1, nghĩa là vào khoảng sau 15 giờ (3:00 P.M), vì sau giờ kinh trưa “Giờ Chín”.
3. GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Ngày của Chúa (Dies Domini), ban hành ngày 31-5-1998, số 49.

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *