Giáo Hạt Cà Mau

Lại chuyện ly hôn…

Cũng là những câu chuyện đời và rất đời …

Hôn nhân gia đình xem ra bình thường trong xã hội nhưng với Giáo Hội thì lại khác và ở vị trí cao, đơn giản là vì Chúa đã đặt hôn nhân lên hàng Bí Tích. Bí Tích Hôn Nhân Công Giáo thì quá rõ : Đơn hôn và vĩnh hôn.

Đơn hôn và vĩnh hôn ! Thế nhưng rồi giữa những cơn sóng xô của cuộc đời, ngày hôm nay nhiều gia đình Công Giáo cũng rơi vào cảnh ly hôn.

Ai nào đã đã qua “một lần đò” hay đứng ở bờ vực ly hôn thì đau hơn ai hết bởi lẽ họ không nghĩ ra ngày đó cũng như không muốn ngày đó xảy đến. Thế nhưng rồi đến mức cùng tận cũng không không còn cách xử lý nên đành ly hôn.

Đau lắm khi phải ly hôn bởi biết bao nhiêu hệ lụy phía sau tờ “chứng thư ly dị” để rồi có những gia đình lặng lẽ và chia tay trong êm ấm. Thế nhưng rồi chả phải ai cũng giống ai để mọi người thấy có những cuộc hôn nhân “đình đám” và chia tay cũng “đám đình”.

Lẽ ra họ dàn xếp với nhau cách nhẹ nhàng nhất nhưng rồi có khi họ mang ra tòa, có khi họ kể không biết dừng về tính xấu của người mà họ đã từng đầu ấp tay ôm. Xem chừng ra khi ai nào đó làm những điều như vậy thì trước tiên họ tự hạ giá chính bản thân họ. Tốt hơn hết là không nên nói gì và đừng nói gì khi không còn thương nhớ.

Chẳng bao lâu sau cuộc ly hôn đình đám của một gia đìn đại gia thì lại đến cuộc ly hôn của một chuyện tình sau 30 năm chung sống. Thật ra ly hôn không còn là chuyện hiếm nhưng giới truyền thông không ngần ngại “nhảy” vào đời tư của những người nổi tiếng và tha hồ bình loạn.

Với cái nhìn thiển cận, đắng lòng lắm khi phải ly hôn và đừng để cho báo giới phanh phui chuyện đời tư. Xem ra khi công chúng nhìn những chuyện ly hôn này thì người ta dè bỉu hơn là chung vui bởi lẽ bình thường và hết sức bình thường thì chả ai thích ly hôn. Hóa ra rằng khi ly hôn mà không khéo thì đâm ra là trò cười cho thiên hạ.

Với cuộc ly hôn sau 30 năm chung sống như là hồi chuông cảnh tỉnh cho rất nhiều gia đình. Chả phải 10 năm, 20 năm hay 30 năm như đôi vợ chồng nọ là đã an tâm. Có lẽ an tâm nhất khi cùng dắt tay nhau đi về phía cuối chân trờ ở cái tuổi đầu bạc răng long.

Thế cho nên khi đối diện với những chuyện đau buồn như thế này, nhiều người có lẽ sẽ rụt rè hay cũng như “xem lại” cái chuyện “anh hứa sẽ đưa em đi suốt cuộc đời nhưng … ” hay “anh hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan …”. Và khi ai nào đó cầm tay người bạn đời tuyên hứa xem ra cũng … chột dạ.

Thế đó ! Thương nhau chóng vánh, đến với nhau mau lẹ nhưng ở với nhau bao nhiêu năm mới là vấn đề.

“Tình yêu mang bóng dáng pha lê nên thầm mong không vỡ bao giờ !” Vâng ! Tình yêu mầu nhiệm lắm ! Tình yêu thiêng liêng lắm ! Tình yêu mong manh lắm ! Tình yêu dễ vỡ lắm ! Để rồi muốn nâng niu gìn giữ thì phải cùng cả hai. Khi một người buông rơi thì chắn chắn chiếc pha lê mà có khi 30 năm vun đắp cũng sẽ vỡ.

Với những người Kitô hữu, bí kíp gìn giữ đời sống gia đình có lẽ được Thánh Phaolô nhắn gửi trong ngày Lễ thành hôn nhưng e rằng ngày hôm đó đôi hôn nhân chỉ lăn tăn lo ba cái chuyện bên ngoài mà đánh mất điều cần thiết bên trong nên dễ vỡ. Lời khuyên của Thánh Phaolô rất chân thành : ” Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện.” (Cl 3, 12.13)

Khi và chỉ khi người ta không còn yêu thương nhau thì chả có gì gọi là còn ràng buộc nhau cả. Bí kíp để gìn giữ mái ấm gia đình đó chính là từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau …

Đứng trước những sóng xô của cuộc đời, ai nào đó đang, đã và sẽ sống đời hôn nhân hãy cứ bám vào Chúa và đặt để tình yêu của mình trong Tình Yêu của Chúa. Tất cả mọi sự hãy tín thác cho Chúa và xin Chúa gìn giữ gia đình mình trong mọi nẻo đường qua các giờ kinh chung, cơm chung, cầu nguyện chung và dự Thánh Lễ chung thì chắc chắn 40, 50 và thậm chí 60 năm cũng không hề tan vỡ.

Người Giồng Trôm

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *