Giáo Hạt Cà Mau

GPCT: Học Hỏi 5 Phút Mỗi Chúa Nhật

Giáo phận Cần Thơ

Hội đồng Mục vụ

—oOo—

 

HỌC HỎI 5 PHÚT MỖI CHÚA NHẬT

 HỌC HỎI THƯ CHUNG

CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM 2022

VỀ GIÁO HỘI HIỆP HÀNH

Số 1 – 4

 

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

GIÁO HUẤN Số 1

NỘI DUNG CHÍNH CỦA THƯ CHUNG 2022

  1. Nội dung chính của Thư Chung năm 2022 là gì?
  2. Là lời mời gọi sống tinh thần hiệp hành trong Giáo hội, hoà nhịp với Giáo hội hoàn vũ, theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Con đường hiệp hành chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”.

GIẢI THÍCH

Như chúng ta đã biết, Giáo hội hoàn vũ đang trong tiến trình hướng đến một Giáo hội hiệp hành, từ năm 2021 đến năm 2024. Vì thế, Trong Thư Chung gởi toàn thể Dân Chúa, Hội đồng Giám Mục Việt Nam đã viết:

Cùng với Giáo hội hoàn vũ, trong Thư Chung này, chúng tôi mời gọi anh chị em sống tinh thần hiệp hành. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”. Hưởng ứng lời mời gọi của Đức Thánh Cha và theo hướng dẫn của Văn phòng trung ương Thượng Hội đồng, 27 giáo phận Việt Nam đã thực hiện tiến trình Thượng Hội đồng cấp giáo phận cách tích cực. Những buổi gặp gỡ để thỉnh ý Dân Chúa đã được tổ chức ở cấp giáo xứ, giáo hạt, dòng tu và giáo phận. Đông đảo tín hữu đã nhiệt tình tham gia tiến trình này. Tiến trình Thượng Hội đồng cho chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, trong đó có những điều tốt và những điều chưa tốt. Tiến trình này được coi như một cuộc thao luyện thiêng liêng, nhằm thúc đẩy một cách thể hiện mới của Giáo hội tại Việt Nam. Sau khi đón nhận những bản tổng kết của các giáo phận, Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục đã tổng hợp và gửi về Rôma, với mục đích góp phần soạn thảo Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI (Thư Chung, số 3).

Và như vậy, cho dù giai đoạn Thượng Hội đồng cấp giáo phận đã kết thúc, nhưng tinh thần hiệp hành vẫn cần phải được tiếp tục và phát huy trong đời sống của Giáo phận và trong từng Giáo xứ.

 

 

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

GIÁO HUẤN Số 2

CHỦ ĐỀ MỤC VỤ NĂM 2023-2025

  1. Chủ đề Mục vụ ba năm tới của Giáo hội Việt Nam là gì?
  2. Hội đồng Giám Mục Việt Nam đề ra chủ đề mục vụ cho 3 năm sắp tới như sau:

– Năm 2023Củng cố sự hiệp thông;

– Năm 2024Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội;

– Năm 2025: Cùng nhau loan báo Tin Mừng.

GIẢI THÍCH

Đại hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam được tổ chức mỗi 3 năm một lần, mục tiêu là để đưa ra đường hướng Mục vụ cho 3 năm tiếp theo. Trong Thư Chung hậu Đại hội của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2022 vừa qua, các vị chủ chăn của Giáo hội Việt Nam đã chọn định hướng Mục vụ cho 3 năm sắp tới là “hướng đến một Giáo hội hiệp hành”, để hoà nhịp sống cùng với Giáo hội hoàn vũ, và được khai triển cụ thể trong từng năm với những chủ đề mục vụ mang tính liên tục và gắn kết với nhau :

– Năm 2023Củng cố sự hiệp thông;

– Năm 2024Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội;

– Năm 2025: Cùng nhau loan báo Tin Mừng.

Thật vậy, Hiệp hành biểu lộ bản chất của Hội Thánh, là cách thức, lối sống và sứ mạng của Giáo hội, còn Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ là 3 điểm mấu chốt trong tiến tình hiệp hành của Giáo hội, nó như “kiềng ba chân” nâng đỡ đời sống của Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba này.

Và theo Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, thì cho dù từ ngữ Hiệp hành “có thể là mới mẻ khó hiểu, nhưng đừng quên rằng sau từ “hiệp hành”, có hai chấm (:), nghĩa là dù không hiểu hết ý nghĩa của từ “hiệp hành”, chỉ cần thực hiện được ba nội dung: hiệp thông, tham gia và sứ vụ, thì đã là đạt được mục tiêu rồi”.

***

CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

GIÁO HUẤN Số 3

CHỦ ĐỀ MỤC VỤ NĂM 2023: CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG

  1. Chủ đề mục vụ “Củng cố sự Hiệp thông” của năm 2023 được thực hiện thế nào?
  2. Bằng những thực hành cụ thể như sau:
  3. Một là sự hiệp thông phải dựa trên nền tảng là Lời Chúa;
  4. Hai là sự hiệp thông phải được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể;
  5. Ba là sự hiệp thông cần được thể hiện trong cuộc sống qua việc thực thi Bác ái;
  6. Bốn là sự hiệp thông cần được củng cố nhờ việc tiếp cận và sử dụng tốt các phương tiện truyền thông.

GIẢI THÍCH

Hội đồng Giám mục Việt Nam đề nghị những thực hành cho Năm Mục vụ 2023 : Củng cố sự hiệp thông, hết sức cụ thể như sau:

  1. a.Sự hiệp thông phải dựa trên nền tảng là Lời Chúa:

– Cá nhân siêng năng đọc Thánh Kinh;

– Gia đình hoặc những nhóm nhỏ tích cực tham gia các buổi chia sẻ Lời Chúa;

– Mọi người hăng say tham dự các lớp học hỏi và tìm hiểu Thánh Kinh.

  1. b.Sự hiệp thông phải được nuôi dưỡng bằng Bí tích Thánh Thể:

– Các tín hữu cần tham dự thánh lễ cách tích cực và sống động;

– Các tín hữu hiểu biết Phụng vụ, cụ thể bằng học hỏi Tông Thư về đào tạo Phụng vụ cho Dân Chúa (Desiderio Desideravi), ban hành ngày 29-6-2022.

  1. Sự hiệp thông cần được thể hiện trong cuộc sống qua việc thực thi Bác ái:

– Biết thành tâm lắng nghe nhau trong cộng đoàn;

– Biết thực thi bác ái đối với mọi người : người cao tuổi, người mắc ngăn trở hôn phối hoặc gặp khó khăn trong hôn nhân, người khuyết tật, người nghèo khổ, dân tộc thiểu số, anh chị em xa quê và những nạn nhân thiên tai.

  1. d.Sự hiệp thông cần được củng cố nhờ việc tiếp cận và sử dụng tốt các phương tiện truyền thông:

– Mọi người cần khôn ngoan và cần thận trọng trong việc đón nhận và chuyển tải thông tin;

– Những người làm truyền thông cần lưu ý đến lương tâm và đạo đức, theo nguyên tắc: loan báo Sự Thật trong Đức Ái.

 

****

 

CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

GIÁO HUẤN Số 4

KHÔNG NGỪNG HOÁN CẢI

  1. Để sống tinh thần Hiệp hành, tại sao Hội đồng Giám mục lại mời gọi mọi thành phần Dân Chúa không ngừng hoán cải?
  2.  Vì hoán cải là điều kiện thiết yếu giúp chúng ta biết gặp gỡ, lắng nghe và phân định cách phù hợp thánh ý Thiên Chúa.

GIẢI THÍCH

Tài liệu làm việc cho Giai đoạn châu lục của Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành 2021-2024 (4.1), đã chỉ ra những điểm cốt lõi của hành trình hoán cải như sau :

– Việc đồng hành với nhau với tư cách là Dân Thiên Chúa, đòi hỏi chúng ta phải nhận ra nhu cầu hoán cải liên tục, cá nhân và cộng đồng. Trên bình diện thể chế và mục vụ, hoán cải chính là cải tổ liên tục các cấu trúc và phong cách của Giáo hội (x. số 101).

– Trong hành trình hoán cải, chúng ta được nâng đỡ bởi những ân ban qua việc lắng nghe và đối thoại : đặc sủng, ơn gọi, tài năng, kỹ năng, ngôn ngữ và văn hóa, truyền thống thiêng liêng và thần học, những hình thức cử hành và tạ ơn khác nhau (…) để chúng ta học cách lớn lên trong sự hòa hợp chân thành (x. số 102).

Muốn được như vậy, chúng ta cần: từ bỏ thái độ an phận, vượt qua những thành kiến và khuôn mẫu sẵn,chữa trị căn bệnh giáo sĩ trị và virus tự mãn… để có thể xây những nhịp cầu lắng nghe nhau vì tình yêu, trong tinh thần hiệp thông và sứ vụ chung của chúng ta. Như thế quyền năng Chúa Thánh Thần được biểu lộ muôn vàn cách trong và qua toàn thể Dân Chúa.

*************************************

 

CHÚA NHẬT LỄ GIÁNG SINH

Không đọc Giáo huấn

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *