Giáo Hạt Cà Mau

Hiệp Nguyện Lần Chuỗi Mân Côi: Ngày 07.12.2022

Ngày 07.12.2022, THỨ TƯ – NĂM MÙA MỪNG

(cầu cho tổ quốc và thế giới…)
Ý CẦU NGUYỆN
+ Cầu cho các tình nguyện viên phi lợi nhuận,
+ Cầu cho thế giới được hoà bình,
+ Cầu cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới XVI được tốt đẹp,
+ Cầu cho quê hương, đất nước,
+ Cầu cho gia đình, người thân, bản thân mình,
+ Cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục,…

LỜI HAY Ý ĐẸP VỀ KINH MÂN CÔI
Kinh Mân Côi của Đức Trinh Nữ Maria là một dụng cụ được thích nghi tốt để duy trì đức tin và là khuôn mẫu sáng ngời về nhân đức hoàn thiện, thường phải nằm trong tay người tín hữu chân chính và sốt sắng cầu nguyện với suy niệm.
Đức giáo hoàng Leo XIII

1. KHAI MẠC
Làm Dấu Thánh Giá
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.

THẦN KHÍ CHÚA SAI ĐI (hát hoặc nghe: một câu hoặc hết bài)
ĐK. Thần Khí Chúa đã sai tôi đi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng. Thần Khí Chúa đã thánh hiến tôi, sai tôi đi Ngài sai tôi đi.
1. Sai tôi đến với người nghèo khó, sai tôi đến với người lao tù, đem Tin Mừng giải thoát Thiên Chúa đã cứu tôi.
2. Sai tôi đến với người than khóc, sai tôi đến với người âu sầu. Đem Tin Mừng an ủi Thiên Chúa đã cứu tôi.
3. Sai tôi đến với người đau yếu, sai tôi đến với người thất vọng. Đem Tin Mừng chân lý Thiên Chúa đã cứu tôi.
4. Sai tôi đến với người tội lỗi, sai tôi đến với người lao nhọc. Đem Tin Mừng cứu rỗi Thiên Chúa đã cứu tôi.

HỒI TÂM (im lặng xét mình và thầm nguyện)

2. LẦN CHUỖI MÂN CÔI: NĂM SỰ MỪNG
{Lời dẫn: Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới XVI với chủ đề “Vì một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”, được tổ chức theo các cấp độ từ giáo hội địa phương (10.2021 – 04.2022), châu lục rồi đến Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới vào tháng 10.2023. Trong tâm tình đó, chúng ta cùng suy niệm và cầu nguyện cho Giáo Hội (cụ thể là cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới XVI này) dựa trên Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (viết tắt: LG) của Công đồng Vatican II}.
MẦU NHIỆM 1: ĐỨC CHÚA GIÊSU SỐNG LẠI.
Cũng như dân Israel theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc, đã được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. Ds 20,4; Dnl 23,1tt), dân Israel mới tiến bước trong thời đại này đang tìm về thành thánh tương lai bất diệt (x. Dt 13,14) cũng được gọi là Giáo Hội Chúa Kitô (x. Mt 16,18). Thực vậy, chính Người đã lấy máu mình mà chuộc lấy Giáo Hội đó (x. Cv 20,28), Người đổ tràn Thánh Thần và ban các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu hình. Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người. Với bổn phận phải lan rộng khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào lịch sử nhân loại. Tuy nhiên Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng không hề tắt.” (LG 10)
{Thinh lặng suy niệm chốc lát, rồi dâng lời cầu cho các linh mục}:
Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Chúa đến trần gian làm tư tế của giao ước mới để thánh hoá loài người và làm cho danh Chúa được vinh quang rạng rỡ. Xin cho các linh mục là những người mà Con Chúa đã chọn để phục vụ và phân phát các mầu nhiệm thánh, được trọn đời trung tín với nhiệm vụ của mình. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.[1]
{Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh, Lời Nguyện Fatima}.
+++(Có thể hiệp ý lần hạt trực tuyến tại đây)+++:

MẦU NHIỆM 2: ĐỨC CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI.
Hành sử chức tư tế cộng đồng trong các bí tích. Ðặc tính thánh thiện và có tổ chức của cộng đoàn tư tế được thể hiện trong hành động nhờ các bí tích và các nhân đức. Các tín hữu tháp nhập vào Giáo Hội bởi phép Thánh Tẩy, và nhờ ấn tích, họ được đề cử thi hành việc phụng thờ Kitô giáo và, được tái sinh làm con Thiên Chúa, họ có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Giáo Hội. Nhờ ơn bí tích Thêm Sức, họ gắn bó với Giáo Hội cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần, do đó họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô. Khi tham dự thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, họ dâng lên Thiên Chúa Lễ Vật thần linh và cùng với Lễ Vật ấy họ tự dâng chính mình họ. Khi dâng lễ cũng như khi hiệp lễ, không phải cách lộn xộn, nhưng mỗi người một cách góp phần vào việc cử hành phụng vụ. Hơn nữa, được bổ dưỡng bởi Mình Thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, họ biểu lộ cách cụ thể sự hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, sự hiệp nhất ấy được diễn tả đầy đủ và thực hiện cách kỳ diệu trong bí tích cực trọng này.” (LG 11)
{Thinh lặng suy niệm chốc lát, rồi dâng lời cầu cho các thừa tác viên của Giáo Hội}:
Lạy Chúa, Chúa đã dạy cho những ai có chức phận trong Hội Thánh là phải biết phục vụ anh em chứ không phải để cho người ta phục vụ mình. Xin ban cho họ luôn hành động theo tinh thần Phúc Âm, hiền hoà trong cung cách đối xử, gắng tìm hiểu ý Chúa và mau mắn thực hành. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.[2]
{Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh, Lời Nguyện Fatima}.
+++(Có thể hiệp ý lần hạt trực tuyến tại đây)+++:

MẦU NHIỆM 3: ĐỨC CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG.
Những ai đến nhận lãnh bí tích Cáo Giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Ngài. Ðồng thời họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương. Nhưng Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải họ. Bằng phép Xức Dầu Thánh và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo Hội phó thác các bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và hiển vinh để Người an ủi và cứu rỗi họ (x. Gc 5,14-16); hơn nữa, Giáo Hội còn thúc giục họ sẵn sàng kết hợp với Chúa Kitô chịu đau khổ và chịu chết (x. Rm 8,17; Cl 1,24; 2 Tm 2,11-12; 1 Pr 4,13) để mưu ích cho Dân Thiên Chúa. Còn những người trong các tín hữu có hân hạnh lãnh nhận chức thánh, được đặt lên nhân danh Chúa Kitô để chăn dắt Giáo Hội bằng ân sủng và Lời Thiên Chúa. Sau cùng, nhờ sức thiêng của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Kitô giáo biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hiệp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Ep 5,32); họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái; cũng vì đó, họ được những ơn riêng cho đấng bậc mình trong Dân Chúa. Từ sự kết hợp ấy phát sinh ra gia đình, nơi các công dân mới của xã hội loài người được sinh ra, và nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bí tích Thánh Tẩy, họ trở nên con cái Thiên Chúa, hầu Dân Chúa tồn tại mãi trong dòng lịch sử. Trong gia đình như một Giáo Hội nhỏ, ước gì cha mẹ là những người đầu tiên dùng gương lành và lời nói mà truyền dạy đức tin cho con cái, cũng như phải lo chăm sóc đến ơn gọi riêng của từng đứa con, và phải đặc biệt chăm sóc đến ơn kêu gọi làm linh mục.
Ðược ban cho những phương tiện cứu rỗi dồi dào như thế, mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tùy theo con đường của mỗi người.” (LG 11)
{Thinh lặng suy niệm chốc lát, rồi dâng lời cầu cho gia đình}:
Lạy Chúa, chính Chúa đã tạo lập gia đình để trở thành tổ ấm cho tình thương và sự sống phát triển. Xin ban cho hết mọi gia đình biết noi gương Thánh Gia Thất để lại, mà ăn ở theo lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình bác ái; hầu được chung hưởng niềm vui vĩnh cửu trong nhà Chúa trên trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.[3]
{Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh, Lời Nguyện Fatima}.
+++(Có thể hiệp ý lần hạt trực tuyến tại đây)+++:

MẦU NHIỆM 4: ĐỨC CHÚA TRỜI CHO ĐỨC MẸ LÊN TRỜI.
Cảm thức của đức tin và đoàn sủng trong Dân Thiên Chúa. Dân Thánh Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô bằng cách phổ biến chứng tá sống động về Người, nhất là qua đời sống đức tin và đức ái; và dâng lên Thiên Chúa của lễ ca tụng, hoa trái của những miệng lưỡi ngợi khen thánh Danh Người (x. Dt 13,15). Toàn thể tín hữu, được Chúa Thánh Thần xức dầu (x. 1 Ga 2,20 và 27), không thể sai lầm trong đức tin. Họ biểu lộ đặc tính ấy nhờ cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi ‘từ các giám mục cho đến người giáo dân rốt hết’ đều đồng ý về những điều liên quan đến đức tin và phong hóa. Thực vậy, nhờ cảm thức về đức tin được Thánh Thần chân lý khơi dậy và duy trì, dưới sự hướng dẫn và giáo huấn thần linh của Giáo Hội mà họ trung thành tuân theo, Dân Thiên Chúa nhận lãnh không phải lời nói của loài người nữa, mà thực sự là lời của Thiên Chúa (x. 1 Tx 2,13; họ gắn bó hoàn toàn ‘với đức tin chỉ một lần được ban bố cho các thánh’ (Gđ 3), họ tiến sâu hơn trong đức tin nhờ phán đoán đứng đắn, và sống đức tin cách hoàn hảo hơn.” (LG 12)
{Thinh lặng suy niệm chốc lát, rồi dâng lời cầu cho các tu sĩ}:
Lạy Chúa, chính Chúa đã đặt trong lòng nhiều Kitô hữu niềm khát vọng hiến dâng cuộc đời cho Chúa, và cũng chính Chúa đã ban cho họ những năng lực cần thiết giúp họ đáp lời Chúa mời gọi. Chúa đã kêu mời họ chỉ kiếm tìm Nước Chúa mà thôi, thì xin hướng dẫn họ trên đường về với Chúa. Xin cho họ biết từ bỏ chính mình, luôn ra công gắng sức bước theo Chúa Kitô nghèo khó và khiêm nhường để xả thân phụng sự Chúa và phục vụ anh em. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.[4]
{Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh, Lời Nguyện Fatima}.

+++(Có thể hiệp ý lần hạt trực tuyến tại đây)+++:

MẦU NHIỆM 5: ĐỨC CHÚA TRỜI THƯỞNG ĐỨC MẸ TRÊN TRỜI.
“Hơn nữa, cũng chính Thánh Thần ấy, không chỉ thánh hóa và hướng dẫn Dân Thiên Chúa bằng các bí tích, các chức vụ, và trang điểm họ bằng các nhân đức, nhưng Ngài còn ban phát các ân sủng đặc biệt cho mọi cấp bậc các tín hữu ‘phân chia ân huệ cho mỗi người theo ý Ngài’ (1 Cr 12,11), khiến người lãnh nhận các ân sủng ấy có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội như lời chép rằng: ‘Thánh Thần hiển hiện trong mỗi người hầu mang lại lợi ích’ (1 Cr 12,7). Phải lãnh nhận những đoàn sủng này, từ các ơn chói lọi nhất đến các ơn thường mà nhiều người lãnh được, với lòng tri ân và yên ủi vì các ơn đó mang ích lợi và phù hợp với nhu cầu của Giáo Hội. Nhưng không nên liều lĩnh kêu nài những ơn đặc biệt, và cũng đừng vì đó mà tự đắc mong rằng việc tông đồ sinh kết quả. Những vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự sử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại những điều thiện hảo (x. 1 Tx 5,12 và 19-21).” (LG 12)
{Thinh lặng suy niệm chốc lát, rồi dâng lời cầu cho giáo dân}:
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Tin Mừng giữa lòng thế giới thành nắm men cho tất cả khối bột dậy lên. Xin đưa mắt nhìn xem tất cả những ai đang sống giữa cảnh đời huyên náo nhưng lòng vẫn thiết tha đáp lại ơn gọi làm Kitô hữu. Xin cho tâm hồn họ luôn được Thần Khí Đức Kitô thiêu đốt, để họ vừa chu toàn bổn phận người công dân vừa tích cực mở mang Nước Trời. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.[5]
{Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh, Lời Nguyện Fatima}.

+++(Có thể hiệp ý lần hạt trực tuyến tại đây)+++:

KINH CẦU CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ
Chúa Giêsu Thánh Thể ngự thật trong Bánh và Rượu.
Đáp: Ngợi khen Chúa Giêsu Thánh Thể (câu nào cũng vậy).
Chúa Giêsu Thánh Thể là Con Thiên Chúa hằng sống.
Chúa Giêsu Thánh Thể là Ngôi Hai Thiên Chúa.
Chúa Giêsu Thánh Thể là Bánh Trường Sinh từ trời.
Chúa Giêsu Thánh Thể là Mục Tử nhân lành.
Chúa Giêsu Thánh Thể là Mục Tử hiến mình vì đàn chiên.
Chúa Giêsu Thánh Thể là Đấng Cứu Độ trần gian.
Chúa Giêsu Thánh Thể là Đấng Chữa Lành.
Chúa Giêsu Thánh Thể là Đấng khoan dung.
Chúa Giêsu Thánh Thể là đại dương Lòng Thương Xót.
Chúa Giêsu Thánh Thể là kho tàng nguồn ân sủng.
Chúa Giêsu Thánh Thể là tình yêu của mọi tâm hồn.
Chúa Giêsu Thánh Thể là chốn náu thân của các linh hồn.
Chúa Giêsu Thánh Thể khiêm nhường và dịu dàng trong lòng.

Lời nguyện theo Kinh Thánh: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đã bao lần Chúa muốn tập họp chúng con lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà chúng con không chịu (Lc 13,34). Ước chi hôm nay chúng con nhận ra những gì đem lại bình an cho chúng con! (Lc 19,42). Chúa chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chúng con (Ga 10,11). Chúa vẫn yêu thương chúng con là kẻ thuộc về Chúa còn ở thế gian, và Chúa yêu thương chúng con đến cùng (Ga 13,1). Thiên Chúa Cha đã yêu mến Chúa thế nào, thì Chúa cũng yêu mến chúng con như vậy (Ga 15,9). Không ai có tình thương nào cao cả hơn/ tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Chúng con là bạn hữu của Chúa, chúng con hãy ở lại trong tình thương của Chúa (Ga 15,13-14). Ai ăn thịt và uống máu Chúa, thì ở lại trong Chúa, và Chúa ở lại trong người ấy (Ga 6,56). Nếu các con ở lại trong Chúa và Lời Chúa ở lại trong các con, thì muốn gì, các con cứ xin, các con sẽ được như ý (Ga 15,7). Hỡi các con đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Chúa, Chúa sẽ cho các con nghỉ ngơi bồi dưỡng. Các con hãy mang lấy ách của Chúa, và hãy học nơi Chúa, vì Chúa hiền hậu và khiêm nhường trong lòng; và tâm hồn các con sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách của Chúa thì êm ái, và gánh của Chúa thì nhẹ nhàng.” (Mt 11,28-30). Chúa sẽ không để chúng con mồ côi (Ga 14,18). Chúa muốn rằng Chúa ở đâu, thì các con cũng ở đó với Chúa (Ga 17,24). Chúa nói với các con những điều ấy, để trong Chúa các con được bình an (Ga 16,33). Chúa sẽ gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng; và niềm vui của các con, không ai lấy mất được (Ga 16,22).
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con yêu mến Ngài. Amen.

3. KẾT THÚC
Kinh Cám Ơn
Con cám ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con, chẳng để con không đời đời, mà lại sinh ra con, cho con được làm người, cùng hằng gìn giữ con, hằng che chở con, lại cho Ngôi Hai xuống thế làm người chuộc tội chịu chết trên cây Thánh Giá vì con, lại cho con được đạo thánh Đức Chúa Trời, cùng chịu nhiều ơn nhiều phép Hội Thánh nữa, và đã cho phần xác con đêm nay {tối thì đọc: ngày hôm nay} được mọi sự lành, lại cứu lấy con kẻo phải chết tươi ăn năn tội chẳng kịp. Vậy các thánh ở trên nước thiên đàng cám ơn Đức Chúa Trời thể nào, thì con cũng hợp cùng các thánh mà dâng cho Chúa cùng cám ơn như vậy. Amen.

Kinh Trông Cậy
Chúng con trông cậy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin chớ chê chớ bỏ lời chúng con nguyện trong cơn gian nan thiếu thốn, Đức Nữ Đồng Trinh hiển vinh sáng láng. Hằng chữa chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Các Câu Lạy
Thưa: Lạy rất thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu.
Đáp: Thương xót chúng con.
Thưa: Lạy Trái Tim cực Thánh cực tịnh Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đáp: Cầu cho chúng con.
Thưa: Lạy Ông thánh Giuse là bạn thanh sạch Đức Bà Maria trọn đời đồng trinh.
Đáp: Cầu cho chúng con.
Thưa: Các thánh Tử đạo Việt Nam.
Đáp: Cầu cho chúng con.
Thưa: Nữ Vương ban sự bằng an.
Đáp: Cầu cho chúng con.
Thưa: Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi.
Đáp: Cầu cho chúng con.

LỜI MẸ NHẮN NHỦ (hát hoặc nghe: một câu hoặc hết bài)
1. Năm xưa trên cây sồi, làng Fatima xa xôi. Có Ðức Mẹ Chúa Trời, hiện ra uy linh sáng chói. Mẹ nhắn nhủ người đời: “Hãy mau ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năng lần hạt Mân Côi.”
ÐK. Mẹ Maria ơi, Mẹ Maria ơi! Con vâng nghe Mẹ rồi. Sớm chiều từ nay thống thối. Mẹ Maria ơi! Xin Mẹ đoái thương nhận lời, cho Nước Việt xinh tươi, đức tin sáng ngời.
2. Ðôi môi như hoa cười, Mẹ Maria vui tươi. Có biết bao lớp người, gần xa đua nhau bước tới. Lòng trút khỏi ngậm ngùi, mắt khô đôi suối lệ đời. Ngước trông về Mẫu Tâm, sống trong tình Mẹ yên vui.

Làm dấu Thánh Giá +++ (kết thúc) +++

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *