Giáo Hạt Cà Mau

Giải Đáp Một Số Thắc Mắc Về Ân Xá

WCT: Xin gởi đến quý độc giả một số giải đáp thắc mắc về ân xá nhân dịp tháng cầu cho các tín hữu đã qua đời.

(trích từ trang web GP/BMT: http://gpbanmethuot.com/kien-thuc-ve-phung-vu/tim-hieu-ve-an-xa-cua-giao-hoi-cong-giao-44787.html) Tác giả: Phó Tế Anrê Phạm Văn Tuyền.

TẢI VỀ file Word

MỘT SỐ THẮC MẮC

1. H: Ai có quyền ban Ân Xá?

Đ: Ngoài thẩm quyền tối cao của Giáo hội, chỉ những ai được Luật ban cho, hoặc Đức Giáo Hoàng ban cho, thì mới có thể ban ơn xá – Quy tắc N5, §1.

– Giám mục Giáo Phận có quyền ban Ơn Phần Xá cho các tín hữu thuộc thẩm quyền các ngài, trong hay ngoài lãnh thổ Giáo phận – Quy tắc N7, 1.

– Các Hồng Y có quyền ban Ơn Phần Xá bất cứ ở đâu, nhưng chỉ cho những ai hiện diện và chỉ lần ấy mà thôi – Quy tắc N10.

2. H: Tại sao Ân Xá không được phổ biến rộng rãi?

Đ: Để tránh lạm dụng và xuyên tạc, việc phổ biến Ân Xá có phần hạn chế:

– Phải có phép của Toà Thánh mới được xuất bản Sổ Bộ Ân Xá (Enchiridion Indulgentiarum) dưới bất cứ ngôn ngữ nào – Quy tắc N11, §1.

– Không có phép của thẩm quyền địa phương, thì các ơn ban Ân Xá không được in thành sách, tờ rơi, hoặc hình thức tương đương – Quy tắc N11, §2.

3. H: Ai được hưởng Ân Xá?

Đ: Người được hưởng Ân Xá phải là người đã chịu Phép Rửa Tội, không mắc Vạ tuyệt thông, đang có ơn nghĩa cùng Chúa ít là đến khi làm xong việc – Quy tắc N17, §1.

– Muốn hưởng Ân Xá, người ấy phải có ý xin (Giáo Luật 996), phải làm việc buộc làm, làm đúng thời điểm chỉ định, và theo quy định của ơn ban – Quy tắc N17, §2.

4. H: Nếu thực hiện không đầy đủ các quy định, Ân Xá sẽ như thế nào?

Đ: Nếu việc thực hiện thiếu hoàn hảo, hoặc nếu việc làm và việc thi hành ba điều kiện không đầy đủ, (trừ khi có ngăn trở hợp lệ được miễn chuẩn nêu ở Quy Tắc số 24 và 25), thì hiệu quả Ân Xá bị giảm: Ơn Toàn Xá chỉ còn là Ơn Phần Xá – Quy tắc N20, §4.

5. H: Hiệu lực của Ân Xá kéo dài bao lâu?

Đ: Ân Xá chỉ tha hình phạt tạm cho các tội quá khứ đã được tha, nghĩa là đã xưng. Cho nên Ơn Xá chỉ kéo dài đến khi nào cần ơn tha hình phạt tạm mới của tội mới. Nói cách khác, nếu phạm tội mới thì tội ấy cần được tha và cần Ơn Xá mới để tha hình phạt tạm mới.

6. H: Có thể nhường Ân Xá không?

Đ: Người tín hữu lãnh được Ơn Xá thì lãnh cho chính mình, hoặc có thể nhường cho người đã chết, không được nhường cho người đang sống (GL 994) – Quy tắc N3.

7. H: Hiện nay vẫn còn lưu hành một số các Kinh có ghi “Ơn Xá 100 ngày”, 300 ngày, hoặc 1 năm, 2 năm . . . còn hiệu lực không?

Đ: Quy tắc số 4 của Hiến Chế về Ân Xá – Indulgentium Doctrina – do Đức Phaolô VI ban hành ngày 1/1/1967 có ghi: “Ơn Phần Xá từ nay chỉ được định bằng chữ ‘Ơn Phần Xá’ mà thôi, không định ngày và năm nữa”. Những ghi chú của một số Kinh như thế không còn hiệu lực gì. Đó là những chú thích còn sót lại từ những ấn bản cũ trước 1967, hoặc sai sót không bỏ đi khi tái bản.

8. H: Điều kiện Đọc Kinh Mân Côi thì phải đọc thế nào?

Đ: Trong Ơn Ban N17 có ghi rằng: “Regarding the plenary indulgence for the recitation of Marian Rosary, … The recitation of a third part of the rosary is sufficient, but the five decades must be recited without interuption.” (Để được Ơn Toàn Xá trong việc đọc Kinh Mân côi, đọc năm chục là đủ, nhưng không được gián đoạn). Nếu một lần đọc thêm các Mùa khác nữa thì cũng chỉ được một Ơn Toàn Xá.

9. H: Ở đây nói rằng cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng, nhưng có nơi bảo: một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, lại có chỗ khác nói một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng và một Kinh Sáng Danh. Vậy đâu mới đúng?

Đ: Có sự lầm lẫn gì chăng (?),

– Quy tắc số N19 ghi: Việc làm để lãnh Ơn Toàn Xá liên hệ tới nhà thờ hay nhà nguyện thì gồm Kính viếng nhà thờ hay nhà nguyện ấy và đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, trừ khi có chỉ dẫn khác. Đây là việc làm được chỉ định của Ơn Toàn Xá. Còn việc cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì vẫn phải thi hành, không nên hiểu cách khác và không được tự miễn.

– Nói rằng cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì đọc Một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính là SAI. Trong tất cả các Bản Sổ Bộ Ân Xá được công bố sau Công Đồng Vatican II, không bản văn nào ghi rằng cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha thì đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, mà đều ghi một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng. Hơn nữa, Kinh Tin Kính là bản Tuyên Xưng Đức Tin, chứ không phải là một kinh cầu nguyện.

– Quy tắc số N20, §5 ghi: Điều kiện cầu theo ý Đức Giáo Hoàng thì đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Kính Mừng là đủ. Tuy nhiên, Tín hữu có thể đọc thêm bất cứ Kinh gì khác, tùy mỗi cá nhân. Do đó, thêm vào sau Kinh Lạy Cha và Kính Mừng bất cứ một hoặc nhiều Kinh khác đều tốt, nhưng không được kể thành điều kiện ấn định.

10. H: Về điều kiện Xưng tội, có nơi nói: xưng trước hay sau một tuần ngày làm việc có Ơn Toàn Xá, có chỗ nói: có thể xưng trước 21 ngày, lại có người người suy rằng: nếu không có tội trọng thì không cần phải xưng tội.Vậy hiểu như thế nào mới đúng?

Đ: Quy tắc N20, §3 nói: The three conditions may be fulfilled several days before or after the performance of the prescribed work; it is, however, fitting that Communion be received and the prayer for the intention of the Holy Father be said on the same day the work is perforrmed. (Ba điều kiện có thể làm trước hoặc sau khi làm việc chỉ định mấy ngày; tuy nhiên, rước Lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng nên cùng ngày với ngày làm việc có Ơn Toàn Xá). Several days – mấy ngày – nêu ra một ấn định không chính xác. Chính vì thế mà có sự cắt nghĩa khác nhau về thời hạn xưng tội, cũng không nên tự suy rằng không cần xưng tội nếu không thấy mình có tội, vì có thể không có tội trọng, nhưng có thể có tội nhẹ, hoặc các tội do thiếu sót không làm việc phải làm. Theo thiển ý: thời gian 21 ngày là quá lâu, nhiều lắm là 7 ngày thôi. Nếu xưng tội đều đặn hai Tuần một lần, thì đủ điều kiện về xưng tội để lãnh Ơn Toàn Xá cho mọi ngày.

11. H: Ơn Toàn xá của Năm Thánh, Ơn Toàn Xá của những dịp đặc biệt, và Ơn Toàn Xá của ngày thường có mức độ hiệu quả khác nhau không?

Đ: Chỉ có một cách hiểu: Toàn Xá nghĩa là tha hoàn toàn. Như vậy, được Ơn Toàn Xá là được tha hoàn toàn mọi hình phạt tạm. Hiệu quả của Ơn Toàn Xá bất cứ khi nào cũng như nhau, nhưng việc làm được chỉ định của từng khi, từng dịp, có phần khác nhau.

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *