Giáo Hạt Cà Mau

Chúa Giêsu Lương Y Của Sự Sống

Chúa Giêsu Lương Y Của Sự Sống

Chúa Nhật 13 Thường Niên B

vo ha

Theo Thánh Kinh Do Thái và Kitô Giáo, Ông A-ben là  con thứ của Nguyên Tổ nhân loại Ađam và Êva. Aben là người thứ nhất đã chết, vì bị người anh  cả Ca-in giết hại. Đó là hậu quả khốc liệt trước tiên của tội nguyên tổ do hai con người đầu tiên kiêu ngạo muốn bằng Thiên Chúa, nên bất tuân lệnh của Ngài, do ma quỉ hóa trang thành hình dạng con rắn cám dỗ  Bà thủy tổ nầy  ăn trái  cây “tri thiện tri ác” mà Thiên Chúa cấm. Cái chết đầu tiên dẩn đến cái chết của mọi chúng sinh sau nầy. 

Trong lịch sử  nhân loại và Tôn Giáo Học, Đức Cồ Đàm (chừng 624-544 TCN) được xem là Vị đã tìm ra, nhờ duyên lành, do có dịp gặp liên tiếp  bốn giai đoạn khổ của con người, qua bốn biến cố đoạn trường, cách chung xảy ra theo thứ tự  là sinh lão bệnh tử của đời người. 

Trở lại chủ đề, trong những bài Lời Chúa Chúa Nhật 13 Thường Niên B nầy, bệnh và tử đã xảy ra cho hai phụ nữ, một trưởng  thành và một thiếu niên. Cô trưởng thành thì  bị bệnh băng huyết lâu năm. Còn cô gái trẽ thì coi như chết bất đắc kỳ tử. Cả hai nhờ có duyên lành lớn lao,   nên đã  đúng lúcgặp được  Chúa Giêsu là Bậc Thầy Thuốc kỳ tài chuyên trị bá bệnh thân xác và cả tâm hồn. Cả hai đã được cứu chữa.

 Nhưng trước khi được lành lặng, thì người trong cuộc hoặc thân nhân phải tin tưởng và mong cầu tìm. Vậy ta cùng đọc những dòng Lời Chúa bên dưới, coi sự việc diển tiến ra sao và cũng xin Chúa giúp cho con thấy thêm những bài học mới. 

BÀI ĐỌC I: Kn 1, 13-15; 2, 23-25

“Bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian”.

Bài trích sách Khôn Ngoan.

Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian. Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.

BÀI ĐỌC II: 2 Cr 8, 7. 9. 13-15

“Sự dư thừa của anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó”.

 Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, cũng như anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong việc phúc đức này. Vì anh em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Nhưng không lẽ để cho kẻ khác được thư thái, mà anh em phải túng thiếu, nhưng phải làm sao cho đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em, hầu có sự đồng đều như lời đã chép rằng: “Kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu”.

 PHÚC ÂM: Mc 5, 21-43

“Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía. {Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.} Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình

Bài đọc I được trích từ Sách Khôn Ngoan. Sách nầy là một Bộ Tổng Hợp những lời hay ý đẹp chuyên chở Đức khôn ngoan được coi như của Vua Salomon, của những cậc tiên hiền Do Thái và những Triết Gia trong vùng nhiều thế hệ. Sách được thành hình khoảng thế kỷ thứ I trước công nguyên.  

Đoạn sách Khôn ngoan trên cho ta biết chân lý nền tảng của sự sống và sự chết :

Thiên Chúa là nguồn gốc mọi Khôn Ngoan, cách riêng sự sống,  đã dựng nên loài người giống hình ảnh Ngài để cho con người được hạnh phúc và sống vĩnh viễn (St. 1: 26-31).

Nhưng  sự chết đã vào thế gian vì tội lỗi, do ác quỷ ghen tương và con người chịu làm theo lời xúi dại của chúng.

Nhưng Chúa là Đấng giải thoát, cứu con người khỏi chết muôn đòi về tinh thần.

Tới bài Phúc Âm, đoạn tường thật người phụ nữ bị bệnh băng huyết,  như Covid 19 hôm nay, phải tự “cách li xã hội” theo luật lệ xưa của Môsê đã có. Qua 12 năm, tiêu tài tốn của mà không hết. Nên cô nghĩ thầm, chỉ cần liều mình mà cả lòng đụng đại tới viền áo Chúa Giêsu thì được khỏi.

 Đúng như vậy, đức tin của cô, như chìa khóa mật mã điện tử thời hiện đại, đột nhập được vào kho thần lực của Chúa và cô đã trộm được nguồn sống đó. Nhưng bị IT Giêsu khám phá, nên cô phải tự  thú tự sự. Bấy giờ Chúa Giêsu lại khen tặng người phụ nữ cách công khai, làm nguyên lý sống đạo cho mọi người đời sau rằng: đức tin của con đã chữa con, để đưa dẩn con trên đường bình an. 

Thêm một phép lạ khác, nhờ lòng tin của ông Trưởng Hội Đường Do Thái Giai-rô. Ông là bậc cha mẹ đi cầu Thầy, nên Chúa Giêsu chịu đến chữa cho con gái  đang bệnh nặng của ông. Nhưng khốn nỗi, con ông chết trước khi Chúa đến. Phải hiểu thêm rằng có sự xếp đặt quan phòng của Chúa ở đây, để nhân cơ hội nầy, Chúa  dạy cho các môn đệ, dân chúng thời đó và mọi người đời sau bài học lớn về đức tin. Cứ vững tin và hi vọng vào Chúa dù trong tuyệt vọng, thì kết quả tốt sẽ tới. 

Ở đây, Chúa gọi cái chết của em bé là giấc ngủ, rồi cầm tay em ngồi dây. Chúa lại truyền cho em bé ăn, để chứng tỏ em hồi phục sự sống thật, chớ không phải là ma trơi như  dân gian đồn thổi.

Phần con, rất kinh ngạc khi thấy Chúa cải tử hoàn sinh cho em bé nầy. Trong lịch sử đạo đời, có ai làm được như vậy đâu. Rồi từ đó con cũng nghiệm ra rằng tin yêu Chúa thì không mát mát gì, mà trái lại còn được cho thêm mọi điều tốt lành. Nhưng phải sống hiện tại làm sao để tới quả vị đó. khi mà ngày kia, người ta thấy con chết thể phách và tiêu hủy thể xác. Nhưng tâm hồn con lại chỉ tạm thời ngủ yên trong Chúa, để chuyển qua giai đoạn mới là  cùng thức dậy với Ngài, là Đức Kitô Phục Sinh. 

  Trong Bài Đọc II, Thánh Phaolô đặt mục tiêu cao hơn nhân viên xã hội hay nghệ sĩ showbiz Việt chỉ dựa vào lòng nhân đạo của con người. Khi kiêu gọi  tín hữu Côrintô lạc quyên giúp  giáo đoàn Giêrusalem đang bị nạn đói, Ngài đưa những lý do siêu phàm:  

Hãy noi gương quảng đại của Đức Giêsu: dù giàu sang, Ngài đã tự ý trở thành nghèo khó để làm cho loài người được giàu có.

 Tín hữu phải biết chia xẻ cho nhau để ai nấy đều có mức sống đồng đều với nhau: sự dư dả của người này bù đắp sự túng thiếu của người kia. Có như thế, “Kẻ được nhiều thì cũng không dư, mà kẻ có ít thì cũng không thiếu”.

Đức khó nghèo của anh em là nguồn phúc lộc cho kẻ khác ( 6: 7). Đây cũng là hình thức hợp nhất Do thái và dân ngoại, không gốc Do Thái trong Is. 60: 62.

Từ những lý lẽ tinh thần trên mà cuộc lạc quyên mang lại kết quả lớn lao, làm cho  mọi người thêm tình thân ái thiên đàng đời nầy, là hình bóng thiên đàng mai sau cao hơn nữa. Tất cả vật chất và tinh thần của cuộc lạc quyên, là bài học cho người thời nay vậy. 

Xin dâng lời cầu  

 Con tin cậy vào Chúa Giêsu, Người đã chữa mọi bệnh tật và  cho kẻ chết sống.   

Xin cho mọi thành phần của Hội Thánh luôn vững tin và  hiệp thông với Chúa trong mọi nơi mọi lúc. 

Xin cho những  nhà cầm quyền trên thế giới không tin  Chúa và quyền năng của Ngài, tìm gặp Chúa là Đấng  toàn quyền trên sinh lão bệnh tử của mọi chúng sinh.   

Xin Chúa tỏ quyền năng của Chúa cho những người thiện chí muốn tìm đến với Chúa. 

Xin cho anh chị em  trong họ đạo chúng con   đức tin mạnh hơn, để can đảm giới thiệu Chúa cho mọi người. 

Xin cho chúng con biết tin tưởng và chạy đến với Chúa dù trong hoàn cảnh vô vọng.    

 Xin giúp chúng con chấp nhận thiên ý của Ngài, trong hạnh phúc cũng như gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như khi sắp lìa đời. 

Xin cho chúng con biết rằng ngoài bệnh tật và cái chết thể xác này còn có cuộc sống khoẻ mạnh và cuộc sống vĩnh cửu trong Chúa. Amen. 

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *