Giáo Hạt Cà Mau

Kinh Mân Côi là lời kinh có thể đọc ở khắp mọi nơi và trong mọi lúc

Một trong các lợi điểm đặc thù và hữu ích nhất của Kinh Mân Côi đó là có thể đọc nó ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào trong ngày sống.

Cầm trong tay một tràng hạt Mân Côi nhỏ và lần hạt một cách sốt sắng là điều mà ai cũng có thể làm khi đi trên đường, khi ngồi trên xe búyt hay trên xe lửa, khi đi dạo trong công viên, khi ngồi nghỉ trên ghế đá, trong những lúc ngồi trong phòng đợi bác sĩ khám bệnh, hay trong khi đợi xe, trong lúc xếp hàng chờ tới phiên mình ở bưu điện, hoặc khi leo lên một cầu thang, trong lúc ngồi nghỉ, hay khi đang lái xe…

Chúng ta hãy nghĩ tới thánh Antonio Claret, ngay từ ngày còn trẻ khi làm việc trong hãng dệt bông, đã cùng với các bạn đồng nghiệp vừa điều khiển các máy dệt vừa lần hạt Mâm Côi. Vào thời nhóm họp Công Đồng Chung Vaticăng II, cả trong những lúc tất cả các nghị phụ nghỉ để ra ngoài đi dạo hay giải khát, người ta thấy cha Giacomo Alberione qùy tại chỗ của mình lần hạt Mân Côi.

Kinh Mân Côi có thể được đọc riêng từng cá nhân hay trong nhóm, với người lớn cũng như với trẻ em, lớn tiếng hay trong thinh lặng. Việc lần hạt Mân Côi không đòi hỏi bất cứ lễ nghi hay thể thức nào, cũng không thay đổi khi cầu cho người sống hay kẻ chết, bên cạnh giường của một người đang hấp hối hay gần chiếc nôi của một trẻ em. Thật thế, Kinh Mân Côi là lời cầu nguyện tuyệt diệu, là lời cầu nguyện đơn sơ nhất, nhưng cũng đại đồng nhất.

Có đúng thật là chỗ lý tưởng để lần hạt Mân Côi luôn luôn là nhà thờ, qùy bên cạnh Nhà Tạm Thánh Thể, hay gần bàn thờ Mẹ Maria Rất Thánh, như cha Pio thành Pietrelcina thường làm mỗi ngày, hết giờ này sang giờ khác. Nhưng khi không thể được, thì có thể lần hạt ở bất cứ đâu mà linh hồn có thể ở trong sự hiện diện của Mẹ Maria, hướng về Mẹ và sốt sắng đọc lên các lời kinh Kính Mừng Maria.

Cả trong điều này nữa với các gương sáng của các ngài, các Thánh cũng chứng minh cho chúng ta thấy rằng có thể đọc Kinh Mân Côi ở bất cứ đâu; nó không bị điều kiện hóa bởi các môi trường hay giờ giấc, nhưng có thể lần hạt ở khắp mọi nơi và trong mọi lúc.
Một cách đặc biệt chúng ta có thể nói rằng đọc Kinh Mân Côi trong khi đi đường hay khi du hành đã là việc làm của các Thánh.

Có một vài vị Thánh đã chứng minh điều đó một cách rõ ràng, bằng cách đi từ đường này sang đường khác tay lần hạt Mân Côi. Thánh Gioan de la Salle đã luôn luôn di chuyển với tràng hạt trong tay. Chẳng những thế, thánh nhân còn bắt tất cả các con cái của ngài liên tục lần hạt Mân Côi khi đi qua các đường phố nữa.

Tràng hạt Mân Côi cũng đã là bạn đường không thể tách rời khỏi thánh Luigi Maria Grignion de Monfort trong các chuyến du hành truyền giáo bất tận của người. Người thánh hóa các con đường và vùng miền của nước Pháp với các lới Kinh Kính Mừng.

Thánh Philippo Neri, thánh Felice thành Cantalice, thánh Alfonso de Liguori, thánh Antonio M. Claret và biết bao nhiêu vị thánh khác cũng đã có thói quen lần hạt Mân Côi trong khi các vị di chuyển và du hành từ nơi này sang nơi khác.

Thật là đẹp khi thấy thánh Leonardo thành Porto Maurizio trở về tu viện vào ban chiều sau các công tác tông đồ mệt nhọc, vừa đi vừa lần hạt Mân Côi chăm chú và thanh thản. Cũng thế thật là gương sáng, khi thấy thánh Jean Berchmans và các bạn trẻ cùng nhau sốt sắng lần hạt Mân Côi trong các đường phố!

Thánh Corrado thành Parzhan là tu sĩ Capunicno khiêm hạ vùng Bavière, có thói quen tụ tập các trẻ em lang thang ngoài đường lại, và cùng chúng xếp hàng đi kiệu sốt sắng lần hạt Mân Côi, làm gương sáng cho cả vùng.

Người ta cũng thường trông thấy thánh nữ Jeanne d’Arc cầm trí cỡi ngựa đi bên cạnh nhà vua nước Pháp. Chính nhà vua đã có lần hỏi thánh nữ là đang ”mơ mộng” gì, khi cỡi ngựa mà im lặng và cầm trí như vậy. Thánh nữ trả lời: ”Thưa hoàng thượng, tiện nữ đang lần hạt Mân Côi”.

Trong thời đại của chúng ta ngày nay có thánh nữ Bertilla Boscardin ở Vicenza, thánh Massimiliano Kolbe ở Roma, Don Dolindo Ruotolo ở Napoli luôn luôn lần hạt Mân Côi, khi đi trong các đường của thành phố.

Thánh Giuse Cafasso kể lại rằng một ngày nọ vào tờ mờ sáng ngài gặp trên các đường phố Torino một bà cụ già trong thái độ rất cầm trí. Thánh nhân đến gần và nói với bà: ”Bà cụ già tốt lành của tôi ơi, làm sao mà bà lại ở trên đường phố vào giờ này vậy?”. Bà cụ trả lời: ”Tôi đi quét đường phố.” Ngạc nhiên thánh nhân hỏi: ”Nó có nghĩa là gì thế?”. Bà già trả lời: ”Đêm vừa qua là lễ hội carnavale, và người ta đã phạm biết bao nhiêu là tội. Vì thế tôi đi qua các đường phố lần hạt Mân Côi để thanh tẩy chúng khỏi các tội lỗi”. Bà già giỏi thật!

Chúng ta phải nói gì về các đường phố của chúng ta ngày nay? Gian tham hối lộ, các gương mù gương xấu, các hình vẽ bậy bạ tục tĩu trên tường, trên con người, trong các cử chỉ, các lời nói phạm thượng, các câu chuyện bẩn thỉu, bẫn thỉu cả trong các bài hát nữa… Ngày nay lại càng không cần thiết hơn lần hạt Mân Côi đi qua các đường phố để thanh tẩy các con đường bị bệnh dịch hạnh tình dục của thế giới này gây vấy bẩn hay sao?

Tuy nhiên lời Kinh Mân Côi không phải chỉ vang lên trong các đường phố của thành thị, mà cũng vang lên trong các chỗ hẻo lánh và không có ai nghĩ tới bao giờ nữa. Đài phát thánh Vaticăng đã nhiều lần cho chúng ta nghe tiếng lần hạt Mân Côi của Đức Giáo Hoàng Pio XII, từ trong các nhà tù, từ các trại tập trung, từ các nhà thương… cũng như trên truyền hình cứ lâu lâu lại chiếu cảnh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lần hạt Mân Côi. Qua đó có thể nói rằng không có chỗ nào mà Kinh Mân Côi lại không hiện diện, ít nhất vài lần.

Thánh Theophane Venard, tử đạo tại Việt Nam, bị bắt và bị tống ngục đã thánh hóa cái cũi của ngài với tràng hạt Mân Côi, mà ngài đọc với sự dịu hiền khiến cho mọi người nhìn thấy đều cảm động. Thánh Gaspare del Bufalo cũng làm như thế, khi bị tống ngục cùng với các linh mục khác.

Thánh Massimiliano Kolbe, hy sinh chết thay cho một người cha gia đình trong trại tập trung Auschwitz, bị bỏ đói trong ngục cùng với 9 bạn tù khác, đã biến căn hầm chết đói ấy trở thành một nghĩa trang kitô mới vang dội lời kinh Kính Mừng Maria khổ đau. Một người thợ làm việc tại căn hầm đó ghi nhận rằng: ”Xem ra cũng không còn là căn hầm đói nữa. Ở dưới này xem ra là đang đi xuống hầm của nhà thờ. Từ trước tới nay chưa bao giờ xảy ra như vậy… Từ căn phòng nơi các người bất hạnh ấy bị chôn sống mỗi ngày người ta nghe thấy tiếng lần hạt Mân Côi lớn tiếng và các bài thánh thi, cả các tù nhân bị giam trong các phòng bên cạnh cũng chung tiếng lần hạt Mân Côi… Mỗi khi tôi xuống dưới đó các lời kinh sốt mến và các thánh thi chúc tụng Đức Trinh Nữ Rất Thánh vang lên trong toàn căn hầm. Cha Massimiliano Kolhe đã bắt đầu và tất cả các người tù khác thưa kinh… ”.

Bây giờ chúng ta hãy di chuyển vào trong sa mạc Sahara và ở đây chúng ta tìm thấy anh Charles de Foucauld, tiểu đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta khám phá ra ngay rằng anh đã muốn nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Bổn Mạng tịch liêu của anh ở Benis Abbès. Và trong các bút tích thiêng liêng của anh chúng ta có thể đọc dòng chữ sau đây: ”Đọc trọn Kinh Mân Côi mỗi ngày, và đọc lớn tiếng, với lòng trung thành và tình yêu lớn lao”. Lại không là điều cảm động sâu xa hay sao, khi nghĩ tới các lời Kinh Kính Mừng Maria ấy đọc trong thinh lặng hay lớn tiếng vang vọng trong sa mạc từ đồi cát này sang đồi cát khác?

Ngày nay Kinh Mân Côi vẫn tiếp tục vang lên trong sa mạc, nơi có các cộng đoàn công giáo tụ họp nhau lần hạt kính Đức Mẹ. Vì Kinh Mân Côi là lời kinh đơn sơ, dễ học và dễ nhớ nhất, mà ai cũng thuộc và đọc được, kể cả các trẻ em chưa có trí khôn. Khi vang lên trên miệng lưỡi của các trẻ thơ trong trắng và vô tội, lời kinh Kính Mừng lại càng có sức mạnh kéo đổ ơn lành xuống trên Giáo Hội và trên toàn thế giới.

(Thánh Mẫu Học bài số 369)

Linh Tiến Khải

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *