HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM A (Mt 3,13-17)
Đọc Mc 1,9-11, Lc 3,21-22 và Mt 3,13-17. Hãy cho biết những điểm giống nhau và khác nhau trong ba trình thuật này về Đức Giêsu chịu phép rửa.
Gioan Tẩy giả đã mời người dân Do-thái làm gì? Họ đã đáp lại như thế nào? Đọc Mt 3,1-2.6.
Bạn có ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu đến gặp Gioan để được ông làm phép
rửa cho mình không? Tại sao ngạc nhiên? Trong bài Tin Mừng này, ai là
người ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu làm như vậy?
Đọc Mt 3,14. Tại sao Gioan lại từ chối không chịu làm phép rửa cho Đức Giêsu? Đọc Mt 3,11.
Đọc Mt 3,15. Câu trả lời của Đức Giêsu có nghĩa là gì? “Giữ trọn toàn bộ đức công chính” nghĩa là gì? Đọc Isaia 53,11-12.
Đọc
Mt 3,16-17. Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu lập tức lên khỏi nước.
Những biến cố gì đã xảy ra sau đó? Bạn thấy có Ba Ngôi ở đây không?
Đọc
Mt 3,16-17. “Trời đã được mở ra” nghĩa là gì? Việc Đức Giêsu thấy Thần
Khí của Thiên Chúa ngự xuống trên mình, điều đó có ý nghĩa gì?
Đọc
Mt 3,17. Tiếng nói này của ai? Tiếng này nói với ai? Dựa trên tiếng nói
này, ta thấy Đức Giêsu là ai? Đọc Thánh vịnh 2,7 và Isaia 42,1-4. Sau
khi Đức Giêsu chịu phép rửa, cuộc đời Ngài thay đổi ra sao?
CÂU HỎI SUY NIỆM: Bạn nghĩ gì khi thấy Đức Giêsu khiêm hạ đứng chung với đám đông từ khắp nơi đổ về để chịu phép rửa của ông Gioan? Để liên đới với đồng bào, với con người hôm nay, bạn thấy Giáo Hội cần làm gì để nâng đỡ họ?
PHẦN TRẢ LỜI
Một vài điểm giống nhau giữa ba trình thuật: cả ba đều nói đến trời
(hay các tầng trời) mở ra (hay xé ra); cả ba đều đề cập đến tiếng từ
trời phán ra một câu giống nhau: Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về
Người; cả ba đều thuật chuyện Đức Giêsu được Thánh Thần ngự xuống tựa
chim bồ câu và có tiếng từ trời xảy ra, những biến cố này xảy ra sau khi
Đức Giêsu chịu phép rửa. Ngoài ra cũng có nhiều khác biệt giữa ba trình
thuật: Luca không nói về sông Giođan, cũng không nói rõ ai đã ban phép
rửa cho Đức Giêsu, nhưng Luca lại nói đến việc Đức Giêsu chịu phép rửa
sau khi toàn dân đã chịu xong (Lc 3,21). Luca cũng là tác giả duy nhất
nói đến chuyện Đức Giêsu cầu nguyện sau khi chịu phép rửa. Chỉ Mátthêu
và Máccô nói rõ Đức Giêsu thấy Thần Khí ngự xuống trên mình. Mátthêu nói
đến “Thần Khí của Thiên Chúa” (Mt 4,16), Máccô nói đến “Thần Khí” (Mc
1,10), còn Luca nói đến “Thánh Thần” (Lc 3,22). Câu nói từ trời trong
Máccô và Luca là câu Chúa Cha nói với Đức Giêsu (Mc 1,11; Lc 3,22), còn
trong Mátthêu có vẻ như Chúa Cha nói với những người có mặt về Đức Giêsu
(Mt 3,17). Đặc biệt chỉ trong Mát thêu mới có cuộc đối thoại giữa Đức
Giêsu và Gioan (Mt 3,13-15).
Gioan
Tẩy giả rao giảng trong hoang địa, mời dân Do-thái hối cải, vì Nước
Trời đã đến gần (Mt 3,1-2). Họ đã đáp lại bằng cách kéo đến với ông từ
khắp nơi, để xưng thú tội lỗi và để ông làm phép rửa cho (Mt 3,6). Như
thế những người đến với ông nhìn nhận mình là tội nhân, muốn xưng tội để
được ơn tha thứ.
Chúng
ta hết sức ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu gặp Gioan để được ông ban phép
rửa, vì như thế có vẻ Đức Giêsu nhận mình là kẻ có tội, cần chịu phép
rửa để được lãnh ơn tha thứ. Chúng ta tự hỏi nếu Đức Giêsu là một tội
nhân, làm sao Ngài có thể cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Bài Tin Mừng hôm
nay cho thấy các kitô hữu sơ khai cũng ngạc nhiên như vậy. Điều này được
phản ánh qua việc ông Gioan Tẩy giả đã từ chối không chịu làm phép rửa
cho Đức Giêsu (Mt 3,14).
Chắc nhờ một soi sáng đặc biệt Gioan mới nhận ra Đức Giêsu khi Ngài đến
xin chịu phép rửa, dù lúc đó ông chưa thấy Thần Khí chưa ngự xuống hay
chưa nghe có tiếng phán từ trời (x. Ga 1,32-34). Ông thấy mình không
xứng đáng và cố can ngăn Đức Giêsu (Mt 3,14). Ông biết người đang xin
ông ban phép rửa, là đấng tuy đến sau, nhưng quyền thế, cao trọng hơn
ông nhiều. Đấng này sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa (Mt 3,11).
Mt
3,15 cho thấy Đức Giêsu thuyết phục Gioan cứ làm phép rửa cho Ngài:
“Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy, để giữ trọn toàn bộ đức
công chính” (Mt 3,15). Giữ trọn đức công chính trong Tin Mừng Mátthêu
có nghĩa là làm tròn những gì Thiên Chúa đòi hỏi, là sống theo ý muốn
của Thiên Chúa. Dù vô tội, Đức Giêsu đã khiêm tốn đứng chung với các tội
nhân, chờ Gioan làm phép rửa, vì Ngài biết đó là ý muốn của Thiên Chúa.
Hôm nay Ngài liên đới với tội nhân ở sông Giođan, mai này Ngài sẽ hiến
thân chịu chết cho họ và gánh lấy tội của họ (Is 53,11-12).
Sau
khi chịu phép rửa, Đức Giêsu lập tức lên khỏi nước. Có 3 biến cố xảy ra
liên tiếp: trời mở ra, Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên Đức Giêsu, và
có tiếng nói từ trời về Ngài (Mt 3,16-17). Như thế ta thấy có sự hiện
diện của cả Ba Ngôi trong giây phút này, nơi sông Giođan: Thần Khí Thiên
Chúa ngự xuống trên Đức Giêsu, và Chúa Cha gọi Ngài là Con yêu dấu.
“Trời
đã được mở ra” cho thấy Thiên Chúa bắt đầu trực tiếp ngỏ lời với con
người sau một thời gian dài, và thời đại cánh chung đã được khai mạc.
“Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên Ngài,” biến cố này cho thấy Đức
Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng được xức dầu để thi hành sứ mạng trong thời
đại mới (Is 61,1-2).
Tiếng
nói ở Mt 3,17 là tiếng của Thiên Chúa Cha từ trời nói với đám đông về
Con của Ngài. Câu này gồm có hai phần. “Đây là Con yêu dấu của Ta” lấy
trong Tv 2,7 để nói về vị vua mới được xức dầu phong vương, vị vua Mêsia
này được Thiên Chúa gọi là Con yêu dấu. “Ta hài lòng về Người” là hình
ảnh của người Tôi Trung có Thần Khí ngự trên, trong Is 42,1-4. Vậy Đức
Giêsu là vua, là Đấng Mêsia, là Con của Thiên Chúa Cha, là người Tôi
Trung của Thiên Chúa.
Sau
khi chịu phép rửa của Gioan, nhận được Thần Khí và được Thiên Chúa Cha
giới thiệu là Con, Đức Giêsu biết đã đến giờ mình phải rời bỏ Nadarét để
lên đường để thi hành sứ vụ.