Giáo Hạt Cà Mau

Mừng Xuân Canh Tý 2020 và Đạo Ăn Tết của Người Việt Nam

Vô Hạ

NB. Vài năm trước đây,  trong một dịp may, người viết nầy có  hân hạnh gặp Đức Cha Tri Bửu Thiên Cần Thơ nhà mình trong một bữa cơm chiều. Hôm ấy không biết hứng chí từ đâu, Ngài  chia sẻ  với năm bảy người trong  bàn ăn về cái hay cái đẹp tuyệt đỉnh  của Tết Việt Nam. Vì Ngày Tết của dân ta, bao gồm luôn   ý nghĩa của vài lễ trong đạo Công Giáo như Lễ Giáng Sinh dân  Tây Phương đoàn tưu gia đình,  Lễ Chư Thánh và các Linh Hồn thì mùng 2 Tết ta cũng bao luôn ý hướng. Mục 17 dưới đây, có liệt kê hơn chục lễ tôn giáo và  xã hội mà Tết ta bao gọn hết những lý nghĩa trong đó. Xin kính tặng Đức Cha, Quí Cha, Tu Sĩ và mọi người con Chúa mấy dòng ngắn gọn tổng họp lý nghĩa Đạo Ăn Tết của nòi giống Con Rồng Cháu Tiên, như tấm thiệp hồng Cung Chúc Tân Xuân Canh Tý 2020 nầy. 

  1.  Khi kẻ viết nầy còn trên ghế nhà trường  trước kia, thì một trong những Vị Thầy có đôi lần chia sẻ  với các học sinh trong lớp,   khi học về đề tài  Xã Hội và Nền Văn Minh Lúa Nước của những Bộ Tộc Bách Việt, rằng Đạo Ăn Tết, là một trong những tinh  hoa của nền văn minh thượng thừa mà người Việt ta tạo ra, còn giữ được và duy trì mãi qua bao thế hệ cho tới hôm nay. Nên Người Việt ta đi tới đâu, mang ĐẠO ĂN TẾT theo với mình tới đó. 

2.   Vậy Đạo  Ăn Tết là cái đi gì? Đặt từ ngữ Đạo  trước “Ăn Tết”, có làm cho người đọc bị đả kích, kích ngất (shocked) chăng?.  Xin thưa rằng không, vì  Đạo ở đây là Đường Đi , là Lẽ, như Đạo Đức: nguyên lý tự nhiên  là Đạo,  được vào trong lòng người là Đức, cái lý pháp người ta nên noi theo. (Tự Điển Hán Việt, Đào Duy Anh, 1904-1988, Nhà Xuất Bản Trường Thi  1957). Nói cho dễ hiểu hơn, Đạo ở đây là cách thế, phương cách, lẽ phải được lòng người công nhận và thực hành theo, như từ ngữ Trà Đạo vậy.   

3.  Không ai biết rõ Văn Hóa hay Đạo Ăn Tết bắt đầu từ lúc nào. Nhưng theo nhiều Nhà nghiên Cứu, chắc chắn rằng khi một hay nhiều sắc tộc, từ  bỏ đời sống du mục mà định canh định cư một nơi thì có nhiều cơ hội phát sinh văn hóa lễ hội. Và Văn hóa lễ hội Mùa Xuân nầy, đã  tồn tại nơi những nhóm Bách Việt, là Tết, ít nhất 4000 năm, từ khi hình thành nền Văn Minh Lúa Nước trên vùng Tam Giác Văn Hóa, mà cạnh thứ nhất từ Thượng Hải tới Côn Minh, qua đồng bằng Bắc Việt, cạnh thứ ba trở lên Thượng Hải.      

4. Một cách tổng quát về truy tầm ngữ căn (etymology) thì TẾT là lối nói tắt của hai từ ngữ, không là Hán Việt, mà phải đọc theo Việt Nho, theo cố Giáo Sư Triết Học Đông Phương  Lương Kim Định 1914-1997,   “Xuân Tiết“. Xuân là Mùa Xuân; Tiết là  khí hậu hay thời Tiết. Sau đó khuynh hướng nói gọn thu ngắn  chỉ còn TIẾT. Rồi với độ dài của thời gian, Tiết  được nói trại ra thành TẾT, theo định luật biến thiên của ngôn ngữ, như Nhà Văn Bình Nguyên Lộc ghi ra trong quyển Lột Trần Việt Ngữ, Nguồn Xưa xuất bản 1972 : cứ 1000 năm thì  30% của một ngôn ngữ bị biến đổi hay biến dạng.   

5.  Do đó, Tết là ba ngày Lễ Hội  của cả nước quan trọng nhất trong năm. Xưa kia khi đất nước còn thanh bình, dân Việt dành ra cả Tháng Giêng làm tháng ăn chơi. Vì trước khi chịu ảnh hưởng của văn minh Tây Phương, dân Việt ta, đa số canh nông vi bổn, làm việc bảy ngày mỗi tuần quanh năm, mà không có nghỉ cuối tuần dù chỉ Chúa Nhật. Nên ăn Tết một tháng đầu năm, được coi là thời gian bù lại. Ngày nay, Tết rút gọn còn ba ngày.   

6. Nhưng từ vài tuần trước, bầu khí Tết đã bắt đầu. Nhà nhà lo dọn dẹp lau chùi, sơn phết cẩn thận, chăm lo bông hoa cây cảnh. Riêng tại phần đất Phương Nam, người ta tính toán lặt lá khi nào và làm sao cho cây mai trổ  bông đúng ba ngày Tết, hầu tạo ra vượng  khí và nghị lực cho cả năm mới. Rồi nhiều người cũng còn khoan thai, lai rai hậu Tết cả chục ngày sau đó.   

 7. Từ  hai mươi ba tháng  Chạp Âm Lịch, trước Tết chừng 7 ngày,  nhiều nhà đi chợ, mua hoa quả nhang đèn, về cúng Ông Táo. Ông Táo được coi  là vị Thần Bếp. Thời mà chiếc bếp, chiếc hỏa lò, cà ràng, còn được làm bằng đất nung, dể bị sức mẻ hư hỏng sau thời gian dài cả năm xử dụng. Nên nhà nhà đều cần sắm sửa cà ràng mới, mà mỗi năm dịp trước Tết là thời điểm tốt nhất, vì phải nấu nướng khá nhiều đồ cúng trước, trong, và sau ba ngày trọng đại nầy, cũng như cần làm nhiều món khoái khẩu cho cả nhà và quí khách. Với chiếc bếp mới, gia chủ yên tâm hơn khi đặt soong nồi lớn nhỏ lên trên,  mà không lo bị trục trặc khi nấu nướng. Từ đó, trong giòng thời gian quá khứ, có lẽ kẻ sĩ  hay vị lãnh đạo tâm linh thời xưa, hoặc cũng có thể do niềm tin dân gian, tự phát sinh ra việc tiển đưa ông Táo chầu Trời ngày 23 âm lịch mỗi năm.   

8. Ông Táo về chầu Trời để báo cáo với Ngọc Hoàng mọi chuyện thành bại vui buồn sướng khổ trong nhà,  vì chỉ có Ông là Vị Quan của Nhà Trời,  được gởi tới từng gia đình và biết rõ mọi sự vui buồn sướng khổ trong nội bộ hơn ai hết.  Câu chuyện đó, cũng là động lực nhắc nhớ mọi thành viên trong nhà, phải sống sao cho mỗi năm được điểm tốt hơn, mà nhận được những lời chúc phúc của Thiên Đình.    Cũng có người cho rằng nhóm thương buôn đã lăn-xê việc cúng kiến ông Táo, tương tự như việc đốt giấy vàng bạc hay vàng mã gởi xuống Âm Phủ cho thân nhân quá vãng, chỉ với mục đích hưng thạnh cho việc buôn bán làm ăn  .    Nhưng nhìn chung,  tập tục và niềm tin phổ thông tốt lành nào, cũng giúp kiềm hãm cái tánh hư tật xấu và thăng tiến điều tốt lành nơi con người ít nhiều về mặt nào đó,  nhất là vào thời buổi mà cái tật hủ hoá – không phải văn hoá – lường gạt,   gian dối xẩy ra từ trong nhà ra tới ngoài ngõ,  đặc biệt chỉ mới nhiều nhất trong hơn bốn chục năm qua mà thôi.   

9. Trở lại chủ đề, Tết là những ngày đầu của Mùa Xuân mới, thời kỳ ấm áp hơn, giúp vạn vật phục hồi sức sống sau thời gian dài, ngủ yên lấy sức qua mùa Đông lạnh giá. Mọi nhà tuỳ khả năng, đều chưng dọn, trang hoàng những cành mai hoặc trúc đào, bông hoa nhang đèn, trái cây ít là ngũ quả, thức ăn nhiều thứ,  rượu nhiều loại cho gia đình và quí khách tới thăm.  

10.  Tết còn được thi vị và nhân cách hóa thành Nàng Xuân xinh đẹp.  Nàng đã trở thành nguồn cảm hứng căn bản,  sinh động,  mênh mong,  bất tận xưa nay, tạo nên những kiệt tác của bao nhà điêu khắc, thi sĩ, văn sĩ, chụp ảnh, nhạc kịch, ca sĩ … Trong ca khúc  Câu Chuyện Đầu Năm, Nhạc Sĩ Hoài Ân, từ lúc sáng tác, đã  ..  “Trên bước đường danh lợi rồng mây, duyên vừa đẹp ý đắp xây, ôm nàng Xuân đẹp vào tay“. Thêm nữa, Nhạc Sĩ Hoàng Trang, khi Ước Nguyện Đầu Xuân cũng không thua “Dù người sang hay nghèo. Đều mừng xuân ngát hương say. Ý mong phước lộc tràn tay. Ôm nàng xuân trong lòng. Môi hồng âu yếm nụ hôn …  Và cách riêng  Xuân cũng là nguồn cảm hứng phong phú cho những chiến sĩ nơi tiền tuyến xa xôi mỗi độ xuân về, như tâm tình trong bài hát “Xuân nầy con không về” và “Mùa Xuân của Mẹ” của Nhạc Sĩ Trịnh Lâm Ngân,  

11.  Tết cũng là dịp Lễ Hội quan trọng của âm thanh và ánh sáng. Ánh sáng le lói chớp nhán muôn màu muôn vẻ khắp nơi, nhà nhà, sân khấu, phố phường, tới những nơi thờ tự. Âm thanh gồm muôn bản nhạc du dương trầm bỏng, ca tụng cuộc sống đẹp tươi và Mùa Xuân tràn đầy sức sống mới, với hy vọng lớn lao, cùng âm cụ và tiếng hát nhiều thể loại, đưa dẫn hồn người vào những chân trời mới, với bao kỳ vọng lớn nhỏ trong và ngoài  tầm tay.  Ngày nay,  lên Youtube, đánh lên từ khóa: “ca nhạc mùa Xuân”  thì bạn có hàng  ngàn bản nhạc đủ mọi giai điệu, thể loại, đưa hồn người hòa nhập vào bầu khí vui xuân, ăn Tết từ chốn  trần tục  lên tới cõi thiên thai.  

12.  Hôm nay có hơn 1500 triệu người Việt, Hoa  và những người chịu ảnh hưởng văn hóa Bách Việt khắp thế giới, vui đón mùa Xuân  Canh Tý 2020 trong chu  kỳ 365 ngày đêm   của năm. Ba ngày Tết năm Con Chuột  Canh Tý nầy, bắt đầu ngày 25 tháng 01 năm 2020 DL. Chuột là động vật bốn chân, di động bằng cách bò và nhảy, tinh khôn, lanh lợi mưu sinh thoát hiểm giỏi, sinh sản nhiều và mũi rất thính.  Phải chờ 60 năm nữa, chu kỳ năm Canh Tý mới lại quay về. Những ai đang trong độ tuổi 20 thì còn ít nhiều hi vọng gặp lại năm Cầm Tinh đứng đầu 12 con Giáp,  Địa Chi Tý với Thiên Can “Canh” nầy. Còn thanh niên nào hôm nay 30 tuổi  trở lên, đến Tết Canh Tý tới,  năm 2080, thì nào còn mấy ai!  

13.  Tết là những ngày rất quan trọng về mặt xã hội và tâm linh. Bạn chỉ có thể hiểu được hết ý nghĩa của Tết  khi bạn đến và hoà mình vào những quốc gia hay cộng đồng nào có tổ chức chính thức đón Mừng Năm Mới.   

14.  Ngược dòng thời gian chừng hơn nửa thế kỷ trước kia, người Việt ta không có thói quen mừng sinh nhật – Birthday –  mà ngày Tết được coi là sinh nhật của mọi người. Ta thêm một tuổi vào đúng ngay giây phút bắt đầu năm mới Âm Lịch. Do đó một em bé sinh ra  vào 11 giờ 59 phút đêm giao thừa, thì ngay tíc tắc đầu tiên  của năm mới, tức 12 giờ sáng, em được ngay 2 tuổi.   

15.  Vì dân Việt không giữ lễ Tạ Ơn Thanksgiving và Noel/Christmas Chúa Giáng Sinh như Hoa Kỳ, nên ba ngày Tết được coi là những ngày trọng đại cho gia đình đoàn tựu. Cho dù sinh sống và làm ăn ở nơi đâu đâu, cũng ráng, khi có thể,  trở về nhà cha mẹ, để làm lễ đón ông bà và ngồi bên nồi bánh Tét, bánh chưng đang nấu trên bếp, nghe mẹ kể chuyện tích xưa.   

16.  Tết là thời điểm rất linh thiêng để dâng kính, cúng kiến tổ tiên. Dâng lên lòng tưởng nhớ và biết ơn  lên Ông bà cha mẹ, cô dì chú bác và người thân trong đại gia đình, đã ra đi trước.  Mừng tuổi những bậc hiện tiền, thăm viếng người thân, bạn hữu với lời cầu chúc phước, lộc thọ cao như Thái sơn, rộng như Nam hải… cùng đông con nhiều cháu đủ nuôi và giáo dục đúng mức.   

17.  Tết của dân Việt có thể so sánh với những ngày lễ trọng đại của thế giới: Ngày Chúa Nhật,  Ngày Lễ Noel, Lễ Phục Sinh, Lễ Các Thánh, lễ các Linh Hồn, Ngày Tổ tiên, Ngày của Cha, Ngày của Mẹ, Ngày Nhớ Ơn Thầy Cô, Ngày tết bà mụ (cô đỡ, nữ hộ sinh)  Ngày nhớ ơn ba vị Tổng Thống Quốc Phụ  Hoa Kỳ hay Nhà lập quốc nơi bạn sinh sống, Ngày Quốc Khánh, ngày Nhân Quyền, Ngày Gia Đình, Ngày Hiếu Để của con cháu, Ngày Thanh Tẩy sau tháng Ramadan, Ngày bảo Tồn Địa Cầu, Ngày kính Thần Thái Dương,  Ngày Mặt Trăng, Ngày Tinh Tú, Ngày Vũ Trụ, Ngày Đầu Năm Dương Lịch Tết Tây,  Ngày Gia Đình, Ngày Hoà Bình Thế giới  … Tất cả ý nghĩa của những ngày lễ trên, được coi như tổng hợp nằm gọn trong  những ngày Tết của dân tộc Việt, hàng ngàn năm suốt chiều dài lịch sử, từ thời đại Hồng Bàng, Bách Việt với Các Vua Hùng lập quốc, được duy trì và phát huy tới cháu con hôm nay.  

18.  Chiều ngày áp Tết, những gia đình nào còn nhớ cội nguồn với tập tục tôn kính tổ tiên, thường làm những mâm cơm chay hay mặn, gồm hoa màu rộng đất và lao công của con người, cộng với nhang đền, đón rước hương linh của tổ tiên ông bà cha mẹ quá vãng, về lại mái nhà xưa, vui Xuân cùng con cháu. Rồi chiều mùng ba Tết, một mâm cơm khác được dâng lên, đưa tiển linh hồn người thân đã qua đời, về lại nơi trường cửu của chư vị.  

19.  Thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới rất quan trọng. Người ta thường tới những nơi thờ tự,  nhà thờ, chùa chiền, thánh thất… để kinh nguyện, cúng lễ vật, dâng thánh lễ hầu thánh hóa những giấy phút giao thừa đầu tiên của năm mới. Suốt ba ngày Tết người ta cũng tiếp tục đến những nơi nầy, cúng dường, xin lễ, xin sâm, giao quẻ hay cầu duyên  đầu năm, hoặc hái lộc đầu Xuân, như nhận bao thư đỏ,  lảnh quả cam, trái quít qua tay vị Thầy chủ trì hoặc từ những vị chức sắc,  cùng với cuộn giấy nhỏ đỏ, trong đó ghi rõ lời dạy chân thật và khôn ngoan của Vị Giáo Chủ  mà mình tin tưởng .    

20.  Tết là thời điểm tốt nhất để canh tân cuộc sống thể chất và tinh thần. Như quyết tâm ăn uống lành mạnh.  Ngủ đủ và đúng giờ. Thể dục thường xuyên…  Tha thứ cho người những xúc phạm. Bỏ qua những hiểu lầm cũ trong niềm hi vọng  tương  lai tốt nhất. Nhiều người vẫn còn kiên cử những cấm kị cổ xưa, nhưng cũng tốt, như không được giận dữ, không tâm trí tiêu cực , không được khóc lóc, không nói lời tục tiểu hoa tình,  không hãm hại người, không giết thú vật hoặc cả đốn cây cảnh lớn nhỏ… trái lại phải thân  tâm an lạc, bình tịnh, có hi vọng, lành mạnh, tích cực, cầu phúc cho người và cho đời… Mọi thứ nợ nần phải cố trả cho hết sớm chừng nào tốt chừng ấy…  

21.  Trẻ con rất vui mừng mỗi khi Tết đến, vì được thêm tuổi, được nghỉ học, được quần áo mới, tiền lì xì, thức ăn, kẹo bánh nhiều hơn mọi ngày  trong năm, nhất là niềm hi vọng vào một tương lai tươi sáng của tuổi hoa niên …  

22.  Một trong những sinh hoạt rất đặc biệt của ba ngày Tết không nên thiếu,  là Múa Lân. Lân được làm bằng vải và khung xường bằng tre nứa hay gổ nhẹ, mang hình dáng sư tử. Có Lân  mang đầu sư tử và mình rắn, được trang sức màu mè hoa hoè, một sừng cong nhô trên đỉnh đầu và chòm râu đen cho lân trẽ hoặc râu bạc cho Lão Lân. Múa Lân, chất chứa ít nhiều mê tín dân gian ngày xưa,   là xua đuổi tà ma ôn dịch ra khỏi nhà, như ý nghĩa câu đối đầu trong hai câu,  vào mùa Tết của Cụ Nhà Thơ Nguyễn Công Trứ (1778 -1858)     “ Chiều ba mươi Tết, co cẳng đạp thằng Bần ra khỏi cửaSáng ngày mùng một, dang  tay bồng ông Phúc vào nhà”    Qua dòng thời gian, múa Lân đã đạt đỉnh điểm nghệ thuật rất điêu luyện, mang  lại niềm vui và sinh khí hào hứng cho người tham dự vào những dịp quan trọng trong sinh hoạt quần chúng quanh năm.   

23.  Ngoài ra, tiếng pháo đì đùng  mừng đón giao thừa và trong suốt ba ngày Tết  – nhưng VN cấm pháo hơn 20 năm qua –  làm cho niềm vui đã có rồi trong lòng người, lại tăng thêm tới tận trời xanh, cùng với  những bữa tiệc gia đình, bao gồm khách khứa  và cả kẻ qua người lại trong khu phố hay thôn làng, thức ăn đủ thứ, bánh trái ê hề, thức uống dư dật cùng với rượu trà thừa mứa.   

24.  Cuối cùng, trong ba ngày trọng đại mà Nàng Xuân rất xinh đẹp chủ trì, hai loại hoa biểu tượng mùa Hạnh Phúc mà Trời ban cho con người, không thể thiếu.  Hoa Đào vùng cao, xứ lạnh miền Bắc và Trung VN , cùng với Huỳnh Mai và Bạch Mai  của vùng đất Phương  Nam được trưng bày khắp nơi, từ trong nhà ra tới công sở, công trường,  chùa chiền, nhà thờ, thánh thất … Đào Mai khoe khoang sắc thắm, lan toả hương thơm  khắp nơi. Riêng Hoa Mai  gởi niềm tin yêu may mắn và niềm hi vọng Năm Mới Hạnh Phúc tới tận muôn nhà, mọi người  trong nước Việt Nam và khắp nơi trên toàn thế giới.   

25.  Đón Xuân nầy ta nhớ các Xuân qua. Nhớ  bao hồng ân Chúa ban cho ta. Nhất là đã được tạo nên giống hình ảnh Người, để làm chủ vạn hữu trên trời dưới đất về mặt vật chất (Sách Khởi Nguyên, ST,  1:26). Thêm nữa, cũng nhờ đó, con người tinh khôn hơn vạn vật, biết sáng chế những văn hoá sản phẩm tinh thần, mà lễ hội hay Đạo Ăn Tết  ở trên, là một trong những  phản ảnh về  hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa, thông truyền cho con người có Nam có Nữ một cách tuyệt hảo nhất vậy. 

  Mừng Xuân Canh Tý 2020.

Alleluiah. Amen.

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *