Trong thời kỳ Giáo Hội sơ khai, ít là cho tới ngày nay, có hai hình thức ăn chay. Đó là “ăn chay hoàn toàn” trước tất cả các dịp đại lễ và lãnh nhận Bí tích. Người xưa gọi việc ăn chay này là “statio”, từ động từ “sto, stare” – đứng canh gác, đề phòng hay canh thức. Hình thức ăn chay thứ hai [abstinentia] là kiêng khem một số thực phẩm nhất định, như thịt hoặc chất béo. Điều này đúng hơn là một hành vi kỷ luật bản thân và tự chủ. “Statio – ăn chay” thì hoàn toàn và là một phương thế của việc canh chừng và trông chờ …cho một điều gì đó. “Abstinentia – kiêng khem” thì mang tính tổng quát và cá nhân hơn, giúp kỷ luật bản thân hoặc tự chủ. “Ăn chay hoàn toàn” thì vẫn được giữ cho đến ngày nay trước khi Rước Lễ [giữ chay Thánh Thể]. Sau khi Rước Lễ xong, việc ăn chay chấm dứt, bởi vì Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng rằng, chúng ta không ăn chay khi chàng rể ở với chúng ta; nói cách khác, điều chúng ta đang trông chờ đã đến, việc chờ đợi chấm dứt. Mặt khác, việc kiêng khem [abstinentia] được cho phép vào mỗi Chúa Nhật bởi vì sự liên tục của việc kiêng khem có thể rất quan trọng để cho nó [việc ăn chay] có hiệu quả.
Vì thế, những quy định của truyền thống ban đầu này dạy chúng ta rằng Bí tích Thánh Thể luôn là cùng đích của sự chuẩn bị. Nó luôn là sự hoàn thành của niềm mong đợi. Trong suốt Mùa Chay, Giáo Hội Chính Thống chỉ có Bí Tích Thánh Thể vào Thứ Bảy và Chúa Nhật. Nhưng vì các ngày Thứ Tư và Thứ Sáu là những ngày ăn chay hoàn toàn, nên hai ngày đó cũng có Nghi thức Rước Lễ (ngoài Thánh Lễ), được cử hành vào buổi tối, tức là sau ngày chuẩn bị. Việc ăn chay thì luôn mang tính chuẩn bị.
Nhưng làm thế nào mà chay tịnh trở thành một phương thế quan trọng như vậy để chuẩn bị cho Bí tích Thánh Thể và luyện tập nhân đức qua việc kỷ luật bản thân ? Việc ăn chay của Kitô giáo được mặc khải trong mối liên hệ giữa hai sự kiện trong Kinh Thánh: “sự phá vỡ chay tịnh” bởi Ađam và Evà; và “việc chay tịnh” của Đức Kitô khi bắt đầu sứ vụ.
Nhân loại xa rời Thiên Chúa và đi vào con đường tội lỗi bắt đầu từ việc ăn uống. Thiên Chúa đã truyền lệnh phải chay tịnh khỏi một trái cây duy nhất, cây biết lành biết dữ (x. St 2,17), và Ađam và Evà đã phá vỡ lệnh truyền đó. Việc ăn chay ở đây được kết nối với mầu nhiệm sự sống và sự chết, sự cứu độ và sự trầm luân. Lương thực kéo dài sự sống trong thế giới vật chất này, lại là đối tượng của sự hư hoại và chết chóc. Nhưng Thiên Chúa không làm ra cái chết (x. Kn 1,13). Nhân loại, trong Ađam và Evà, đã chối từ một cuộc sống lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa, vì người ta sống lệ thuộc vào Thiên Chúa còn hơn là vào cơm bánh (x. Đnl 8,3; Mt 4,4; Lc 4,4). Toàn thể công trình tạo dựng đã được ban cho con người như một thứ lương thực, nghĩa là phương tiện để mưu sinh, nhưng “sự sống” có nghĩa là hiệp thông với Thiên Chúa, chứ không phải lương thực (“chúa họ thờ là cái bụng” Pl 3,19). Bi kịch không phải là Ađam đã ăn thức ăn, nhưng ông đã ăn thức ăn đó vì lợi ích riêng của mình, “tách rời” khỏi Thiên Chúa và độc lập với Người. Tin rằng lương thực có sự sống trong chính nó và do đó ông có thể “giống như Thiên Chúa”. Và ông đã đặt đức tin của ông vào cơm bánh. Đây là kiểu hiện hữu dường như được xây trên nguyên lý mà quả thực nhân loại sống “chỉ nhờ cơm bánh”.
Tuy nhiên, Đức Kitô là Ađam mới. Bắt đầu sứ vụ công khai của Người trong Tin mừng Mátthêu, chúng ta thấy “khi đã ăn chay 40 ngày đêm, Người cảm thấy đói”. Đói khát là tình trạng mà trong đó chúng ta nhận ra sự lệ thuộc của chúng ta vào một cái gì đó – khi chúng ta đối diện với vấn đề tối hậu: “sự sống của tôi lệ thuộc vào cái gì ?” Satan đã cám dỗ cả Ađam và Đức Kitô, nó nói: Hãy ăn đi, vì đói khát là bằng chứng mà bạn hoàn toàn lệ thuộc vào cơm bánh, sự sống của bạn nằm trong cơm bánh. Ađam đã tin và đã ăn. Nhưng Đức Kitô đã nói “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Mt 4,4; Lc 4,4). Điều này giải thoát chúng ta khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào cơm bánh, vật chất, và thế gian này. Do đó, đối với người Kitô hữu, ăn chay là phương thế duy nhất mà nhờ đó con người tìm lại được bản tính thiêng liêng đích thực của mình. Sau đó, để việc ăn chay có hiệu quả, tinh thần phải là một phần của nó. Việc ăn chay Kitô giáo không liên quan đến việc giảm cân. Ăn chay là vấn đề của cầu nguyện và tinh thần. Và vì thế, bởi vì nó thực sự là một nơi của tâm linh, nên việc ăn chay đích thực có thể dẫn đến sự cám dỗ, yếu đuối, nghi ngờ và cáu kỉnh. Nói cách khác, đó sẽ là một cuộc chiến thực sự giữa thiện và ác, và rất có thể, chúng ta sẽ thất bại nhiều lần trong những cuộc chiến này. Nhưng chính việc khám phá đời sống Kitô hữu như “cuộc chiến đấu” và “sự nỗ lực” là một khía cạnh thiết yếu của việc ăn chay.
Truyền thống Kitô giáo đưa ra ít nhất 7 lý do cho việc ăn chay:
1. Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã truyền lệnh ăn chay, và tội lỗi đi vào thế gian bởi Ađam và Evà đã phá vỡ chay tịnh.
2. Đối với Kitô hữu, ăn chay cuối cùng là ăn chay khỏi tội lỗi.
3. Ăn chay bày tỏ sự lệ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa chứ không phải là lợi lộc trần gian này.
4. Ăn chay là một cách cổ xưa của việc chuẩn bị cho Bí tích Thánh Thể [Rước Lễ] – lương thực đích thực.
5. Ăn chay là sự chuẩn bị cho Bí tích Thánh Tẩy (và tất cả các Bí tích) – hầu đón nhận ân sủng Chúa.
6. Ăn chay là một phương thế tiết kiệm của cải để cho người nghèo.
7. Ăn chay là một phương thế kỷ luật bản thân, khiết tịnh và chế ngự những ham muốn.
Linh mục Daniel Merz
Hướng Dương chuyển ngữ từ usccb.org
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN