1. Hãy nhớ khẩu hiệu Mùa Chay. Để giúp các tín hữu dễ nhớ các chân lý đức tin, Giáo hội đã tóm gọn những chân lý ấy thành các danh sách và khẩu hiệu như: 10 Điều răn, 7 Bí tích, 3 Ngôi vị trong Ba Ngôi. Đối với Mùa Chay, Giáo hội cũng cho chúng ta một khẩu hiệu gồm ba điều cần thực hiện trong suốt mùa Chay: Cầu nguyện, Ăn chay và Bố thí.
2. Thời gian cho cầu nguyện. Mùa Chay thực sự là một thời gian cầu nguyện trải dài trong 40 ngày. Khi cầu nguyện là lúc chúng ta đi trên một hành trình đầy hy vọng, mang chúng ta đến gần với Đức Kitô hơn và khiến chúng ta thay đổi nhờ việc gặp gỡ Người.
3. Thời gian cho chay tịnh. Với việc chay tịnh vào Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, các ngày Thứ Sáu kiêng thịt và xen kẽ đó là các việc rèn luyện bản thân, Mùa Chay thực sự là những ngày chay tịnh đối với nhiều người Công giáo. Và có lẽ đó là lý do tại sao Mùa Chay làm mọi người quan tâm. “Bạn đang từ bỏ cái gì trong Mùa Chay? Xúc xích? Bia? Kẹo dẻo?…” Chay tịnh gần như là một trò chơi đối với một số người trong chúng ta, nhưng ăn chay thực sự là một hình thức đền tội, giúp chúng ta tránh xa tội lỗi và hướng về Đức Kitô.
4. Thời gian cho việc rèn luyện bản thân. Cách chung, 40 ngày Mùa Chay cũng là một thời gian tốt cho việc định giờ đối với việc rèn luyện bản thân. Thay vì từ bỏ một cái gì đó, ta có thể làm một điều gì đó tích cực. “Tôi sẽ tập thể dục nhiều hơn. Tôi sẽ cầu nguyện nhiều hơn. Tôi sẽ trở nên tốt hơn với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của tôi.”
5. Việc chết đi với chính mình. Mặt rèn luyện quan trọng hơn trong Mùa Chay là việc tự kiểm soát bản thân – đó là việc nhận ra nơi bản thân những mặt nào ít giống với Đức Kitô và hãy để nó chết đi. Sự đau khổ và cái chết của Đức Kitô là điều quan trọng nhất trong tâm trí chúng ta trong Mùa Chay, và chúng ta liên kết vào những mầu nhiệm này bằng đau khổ và sự chết với Đức Kitô, để được phục sinh trong con người mới trong sạch.
6. Đừng làm quá nhiều. Ta bị cám dỗ thực hiện trong Mùa Chay những việc sửa mình đầy tham vọng nhưng tốt nhất là hãy giữ nó đơn sơ và tập trung. Giáo hội vẫn sống những mầu nhiệm này hàng năm mà. Chúng ta dành trọn cuộc đời để lớn lên trong việc gần Thiên Chúa hơn. Đừng cố gắng nhồi nhét tất cả mọi việc sửa mình trong Mùa Chay. Làm theo cách thức đó thì thất bại.
7. Mùa Chay nhắc nhở chúng ta về sự yếu đuối của chúng ta. Dĩ nhiên, ngay cả khi chúng ta đặt ra những mục tiêu đơn giản cho bản thân trong Mùa Chay, chúng ta vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện. Khi chúng ta ăn chay, chúng ta nhận ra chúng ta chỉ còn ăn một bữa là để khỏi bị đói. Mùa Chay cho chúng ta thấy sự yếu đuối của mình. Điều này có thể làm chúng ta đau khổ, nhưng khi nhận ra mình bất lực như thế sẽ khiến chúng ta tìm kiếm sự trợ giúp của Thiên Chúa với sự khẩn nài và chân thành mới.
8. Hãy kiên nhẫn với chính mình. Khi chúng ta đối diện với sự yếu đuối của chính mình trong Mùa Chay, chúng dễ làm chúng ta tức giận và thất vọng. “Tôi thật là một người xấu!”, đó là một bài học sai lầm. Thiên Chúa đang kêu gọi chúng ta hãy kiên nhẫn và nhìn vào chính mình như Người làm với một tình yêu vô điều kiện.
9. Vươn tới đức ái. Khi chúng ta kinh nghiệm về sự yếu đuối và đau khổ trong Mùa Chay, lòng cảm thương của chúng ta nên được đổi mới đối với những người đói khát, đau khổ hoặc thiếu thốn khác. Phương thế thứ ba trong Mùa Chay là bố thí. Không chỉ là việc bỏ thêm một ít tiền vào giỏ nhà thờ, nhưng nó còn đòi hỏi chúng ta tiếp cận với những người khác và giúp đỡ họ cách vô vị lợi. Đây là cách chia sẻ kinh nghiệm về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa.
10. Học yêu như Đức Kitô. Hy sinh và trao ban chính mình đang khi chúng ta đau khổ đưa chúng ta đến gần với tình yêu như Đức Kitô, Người đã chịu đau khổ và trút bỏ mình cách vô điều kiện trên thập giá cho tất cả chúng ta. Mùa Chay là một cuộc hành trình qua sa mạc cho đến chân thập giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh khi chúng ta tìm kiếm Đức Kitô, xin sự trợ giúp của Người, kết hợp với sự đau khổ của Người và học yêu như Người.
Dung Hạnh chuyển ngữ từ usccb.org
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN