Giáo Hạt Cà Mau

“Tin giả – Fake news” giữa mùa đại dịch

Vô số bài viết chỉ nhằm mục đích câu khách. Những video clips được cắt xén, và lồng ghép vào những điều gọi là “sứ điệp” với giọng điệu hù doạ, làm hoang mang lòng người, nhưng lại thu hút được nhiều người quan tâm và chia sẻ. Có những bài viết được giật những cái tựa đề thật kiêu, nhưng nội dung thì không có gì. Có những bài là vay mượn ý tưởng từ tác giả khác, rồi xào chẻ lại như thể là ý tưởng của mình. Còn có cả những bài viết được lấy về từ trang web khác dán vào web của mình mà không cần phải trích nguồn. Công sức lao động của người khác được sử dụng như thể là của mình. Kết quả là những trang web hữu ích thì cứ âm thầm phục vụ không công, còn những web giỏi cắt xén vay mượn và tạo fake news thì được hưởng lợi cách bất công từ công sức của người khác.

“Fakes news” xưa và nay…

Với những người bình dân, “fake news” có thể là một thuật ngữ khá mới. Thật ra thuật ngữ này được sử dụng để chỉ về những hiện tượng đã rất cũ: chuyện thông tin sai sự thật. Người bình dân hay gọi nôm na là tin vịt, tin đồn nhảm, tin đặt điều bịa chuyện.

Trong đời sống xóm làng ngày xưa, chuyện “fake news” vốn đã là một vấn nạn gây ra nhiều rối loạn. “Cơ quan ngôn luận” chuyên phát tán “fake news” là những kẻ vô công rỗi nghề với thói tật ngồi lê đôi mách. Chỉ cần những người này lê chân một vòng từ đầu làng tới cuối xóm là tin tức tràn ngập khắp mọi ngóc ngách xóm làng. Tin được truyền đi từ tai này đến tai kia bao giờ cũng kèm thêm những đơm đặt và thêm thắt. Ngang qua những người độc mồm độc miệng, chuyện gì cũng có thể bị thổi lên, lan rộng ra và có sức huỷ hoại ghê gớm. Thông tin sai lệch với một chút ác ý có thể huỷ hoại danh tiếng và cả cuộc đời của một con người.

Ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, internet về đến tận mọi nhà, trên tay mỗi người là một chiếc điện thoại có thể cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi, chuyện “fake news” càng trở nên nguy hiểm hơn. Không cần phải lê chân từ đầu làng đến cuối xóm, những người gieo rắc tin giả chỉ cần ngồi một chỗ làm anh hùng bàn phím, thế là lời nói của họ không cánh mà vẫn có thể bay khắp thiên hạ.

Từ khi cơn đại dịch Covid-19 nổ ra, cơn dịch “fake news” cũng theo đó mà hoành hành. Ai cũng muốn mình có tiếng nói trong thế giới ảo. Ai cũng muốn làm nhà đưa tin nhanh nhất và hot nhất. Cả khi tin tức chưa được xác minh và chính bản thân mình cũng chưa cân nhắc được những thiệt hại có thể gây ra, người ta vẫn cho phép mình đăng tải và phát tán tin tức.

Chỉ khổ cho những người bình dân đơn sơ, gặp tin gì cũng tin. Chỉ tội nghiệp cho những người luôn bắt đầu lý luận bằng câu khẳng định: trên mạng nói thế này, trên mạng nói thế kia…

Trước hết, chúng ta thử tìm hiểu tại sao có “fake news”, và ngày nay “fake news” thường được sử dụng vào những mục đích gì?

Mục đích của “fake news”

1.     Câu khách

Với truyền thông hiện đại, một trong những tiêu chuẩn đầu tiên để lượng giá một bài viết đó là lượt người đọc hay người xem, số lượng likes và shares bài. Mỗi cái click chuột của người đọc có khả năng mang lại một phần nhỏ lợi nhuận và uy tín cho một bài viết và một trang web. Càng được nhiều người ghé mắt đến, càng dễ ăn tiền từ quảng cáo.

Ai cũng biết rằng những tin tức mang tính giựt gân thì mới thu hút được nhiều người. Nếu không có tin giật gân, người ta có thể thêm thắt hoặc thậm chí tạo ra những tình tiết giật gân để câu khách. Tính chính xác và chân thật trở thành tiêu chuẩn tuỳ phụ. Miễn sao có được nhiều người để mắt và tương tác.

Những ngày này, khi mà cả thế giới náo loạn vì đại dịch Covid-19, những thông tin về bệnh dịch bao giờ cũng là tin hot vì luôn được nhiều người quan tâm. Dĩ nhiên, từ internet, đã có rất nhiều bài viết hay và bổ ích giúp mọi người cập nhận tình hình và biết cách phòng tránh bệnh dịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó là vô số bài viết chỉ nhằm mục đích câu khách. Những video clips được cắt xén, và lồng ghép vào những điều gọi là “sứ điệp” với giọng điệu hù doạ, làm hoang mang lòng người, nhưng lại thu hút được nhiều người quan tâm và chia sẻ. Có những bài viết được giật những cái tựa đề thật kiêu, nhưng nội dung thì không có gì. Có những bài là vay mượn ý tưởng từ tác giả khác, rồi xào chẻ lại như thể là ý tưởng của mình. Còn có cả những bài viết được lấy về từ trang web khác dán vào web của mình mà không cần phải trích nguồn. Công sức lao động của người khác được sử dụng như thể là của mình. Kết quả là những trang web hữu ích thì cứ âm thầm phục vụ không công, còn những web giỏi cắt xén vay mượn và tạo fake news thì được hưởng lợi cách bất công từ công sức của người khác.

2.     Tuyên truyền

Ở những nơi mà truyền thông được sử dụng như là một phương tiện phục vụ cho hệ thống chính trị và bị chi phối bởi những người có quyền, tin tức luôn có nguy cơ chỉ đóng một vai trò duy nhất là tuyên truyền. Tuyên truyền nghĩa là chỉ cổ võ cho một não trạng nhất định, chỉ đưa ra những thông tin một chiều theo hướng có lợi nhằm quảng bá cho hình ảnh của những người có quyền.

Để phục vụ cho mục đích như thế, tin tức luôn có thể bị cắt xén và lắp ghép. Những điều được phép nói chỉ là những điều có lợi cho một nhóm người, nhất là những người có quyền. Đương nhiên những sự thật không có lợi sẽ bị bưng bít hoặc dập tắt. Những tin tức không thể bưng bít được thì sẽ được truyền đi nhỏ giọt, hoặc bị bóp méo, hoặc bị tuyên truyền hoàn toàn sai sự thật.

Đương nhiên đây cũng là một dạng fake news. Bởi lẽ một nửa sự thật, hay một phần của sự thật, thì không phải là sự thật.

3.     Định hướng dư luận

Gần với tuyên truyền là việc định hướng dư luận. Trong bất cứ một xã hội nào, dư luận luôn có một tiếng nói và sức nặng đáng kể. Không phải lúc nào cũng có thể dập tắt được tiếng nói của dư luận. Vì thế, thay vì dập tắt, tin tức có thể bị dùng như là một phương tiện để định hướng dư luận.

Ví dụ, ở những nước độc đảng và những chính thể không ủng hộ chế độ dân chủ, khi đưa những  tin tức thời sự về các nước dân chủ bao giờ họ cũng chọn lọc để chỉ làm nổi bật mặt tiêu cực, như những cuộc biểu tình, những vụ khủng bố, những chuyện giết người hàng loạt, những cảnh hỗn mang chết chóc. Mục đích của việc chọn lọc này không gì khác hơn là đưa dư luận đi theo hướng bài bác và khinh rẽ chế độ dân chủ. Đó là một cách chọn lọc và cắt xén thông tin để định hướng dư luận.

Việc định hướng này có thể thấy rõ hơn trong cơn dịch Covid. Chẳng hạn, trong thời gian này, những người theo dõi tin tức bệnh dịch ở Việt Nam với óc phản biện có thể đặt câu hỏi: tại sao Việt Nam là nước nằm gần ổ dịch Trung Quốc, lượng người qua lại giữa hai nước là nhiều vô kể từ khi dịch Covid nổ ra, vậy nhưng toàn bộ những trường hợp nhiễm virus được công bố công khai hoàn toàn là những trường hợp trở về từ thế giới dân chủ là Châu Âu và Mỹ? Không có một trường hợp lây nhiễm nào đến từ nguồn Trung Quốc! Điều này liệu có khả tín không? Hay đơn giản đây chỉ là một chiến thuật nằm trong chính sách tuyên truyền và định hướng dư luận đã có sẵn?

Hơn nữa, định hướng dư luận còn có tác dụng lèo lái để làm cho người ta tập trung vào những chuyện được định hướng mà tạm quên đi hoặc làm ngơ với những chuyện quan trọng hơn. Khi dịch Covid bắt đầu nổ ra ở Việt Nam cũng là lúc nhiều bức tranh thảm đạm được vẽ ra về tình hình bệnh dịch ở những nước khác. Những bức ảnh đã có từ vài năm trước bỗng nhiên được phù phép để trở thành “tin tức thời sự”. Chẳng hạn, bức ảnh năm 2014 của các nghệ sĩ nằm biểu diễn nghệ thuật trên đường phố của Đức để tưởng nhớ những nạn nhân của trại tập trung, được hô biến thành bức ảnh xác người chết nằm la liệt trên đường phố Ý trong cơn dịch. Những dãy hòm của các nạn nhân vượt biên trên đảo Lampedusa năm 2013 tự dưng biến thành quan tài của những người chết vì dịch Covid-19. Rồi những tin tức tưởng tượng về cảnh cướp bóc vì đói kém trong nạn dịch ở Ý được đăng trên những trang báo vốn có nhiều người đọc v.v… Câu hỏi đặt ra là tại sao những fakes news dạng này lại xuất hiện trong thời điểm này? Phải chăng dư luận đang được định hướng để tập trung vào chuyện bi đát của nhà người khác mà tạm quên đi cái tình cảnh trước mắt của nhà mình. Phải chăng đây là chiến thuật nhân dịp người khác đang lâm nạn mà dìm người ta xuống để thấy mình ít tệ hơn?

Với bất cứ mục đích nào, dù là để câu khách, để tuyên truyền hay để định hướng dư luận, luôn có nguy cơ người đọc không phải là những người được phục vụ bằng thông tin chính xác, nhưng chỉ bị xem là những phương tiện bị lèo lái, hay những con rối bị giật giây và bị lợi dụng.

Vậy thì phải làm sao để tránh cho mình rơi vào những cái bẫy giăng ra bởi những người tạo tin giả và đưa tin giả?

Nên làm gì với “fake news”

1.     Tập thói quen phản biện

Phản biện là điều cần phải có đối với bất cứ một xã hội văn minh nào. Phản biện là dùng lý luận và suy tư để nhận định một vấn đề, để đặt câu hỏi, để nhìn vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, thay vì chỉ đọc và tin ngay lập tức bằng cảm tính. Thế giới internet là thế giới của thượng vàng hạ cám. Nếu không có khả năng phản biện để chọn lọc mà luôn sẵn sàng dung nạp mọi thứ, người ta có nguy cơ biến cuộc đời mình thành một bãi rác với đủ thứ loại thông tin đa tạp. Không phải bất cứ một clip hay bài viết nào được nhiều người đọc, like và share thì đương nhiên đó là một clip tốt hay một bài viết hay. Chân lý không phải lúc nào cũng nằm theo số đông, nếu đó lại là một số đông bị lèo lái và bị định hướng. Cũng vậy, không phải khi nhiều báo đài cùng đồng loạt đưa tin về một điều gì đó, thì điều đó đương nhiên là đúng. Ở những nơi còn bóng dáng của độc tài chính trị, có thể có trường hợp là toàn bộ một hệ thống báo chí và truyền thông chỉ nói theo một chiều, mọi tin tức đều phải tuân theo chỉ đạo của những người có quyền, và chân lý không còn là tiêu chuẩn tối thượng nữa.

Vì thế, cần tập đặt ra nhiều câu hỏi và những nghi ngờ lành mạnh. Chẳng hạn: kiểu đưa tin như thế này có mang lại bình an và có tính xây dựng không, hay đang gieo rắc bất an và gây chia rẽ? Những tin tức loại này có giúp tôi lớn lên trong đức tin của mình không, hay lại gây thêm hoang mang cách vô ích? Cần phải rõ ngay từ đầu rằng chỉ những điều mang lại bình an, yêu thương và hợp nhất thì mới đến từ Thiên Chúa và mới đáng để cho chúng ta lưu tâm. Còn ngược lại, tại sao cứ phải phí thời gian và năng lượng để cho mình bị chi phối bởi những tin chỉ làm chúng ta tức?

Trong đời sống thường ngày, khi chúng ta nghe một người nói xấu một người, nếu là người tỉnh táo và biết nhận định, chúng ta sẽ nhận ra ngay: cái xấu không nằm ở người bị nói xấu, nhưng chính xác nằm ở người đang nói xấu. Tin tức và những chuyện về người bị nói xấu thì còn phải đợi xác minh, nhưng cái xấu của người đang đứng trước mặt mình để nói xấu về một người khác thì không còn nghi ngờ gì nữa. Cũng vậy với những tin tức gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, chia rẽ, và nhất là những loại tin tức lợi dụng thời buổi khó khăn của lòng người để tấn công vào đức tin của chúng ta, để bài bác những vị mục tử, và để nói xấu Giáo Hội… thì cần nhận ra ngay rằng cái xấu không nằm ở người bị nói xấu, nhưng nằm ở những người sản xuất và làm lan truyền những tin tức bịa đặt như thế.

2.     Chọn mặt gởi vàng

Một trong những câu hỏi đầu tiên quan trọng khi chúng ta đọc một tin tức đó là: tin ấy từ đâu mà đến, từ nguồn nào? Nguồn ấy có uy tín không? Tác giả là ai? Có đáng để tin cậy hoàn toàn không? Có ai giúp chúng ta xác minh được tính chính thực của những tin tức ấy không?

Nếu chúng ta thấy mình là người dễ tin, dễ bị lay động, dễ bị chi phối bởi những tin tức chẳng biết là đúng hay sai nữa, thì giải pháp tốt nhất cho chúng ta là hãy chọn cho mình những trang tin tức đủ uy tín trong Giáo Hội, trong giáo phận, trong giáo xứ của mình. Đồng thời, cũng nên tập phớt lờ với những kiểu tin nhắn và những bài viết không rõ nguồn gốc, không biết tác giả.

Tập đặt niềm tin của mình vào những chỗ đáng tin là cách tốt nhất để mình không bị lung lay và xao xuyến bởi những điều chính mình không biết có nên tin hay không. Bởi vì không đặt niềm tin vào những chỗ đáng tin, trước sau gì chúng ta cũng sẽ đặt niềm tin vào chỗ khác. Tai hoạ là khi chỗ khác ấy có thể là những cái lò tạo tin giả, là chỗ chẳng đáng tin tí nào.

Kết luận

Ông bà ta vẫn thường dạy “một lời nói dối, sám hối bảy ngày”. Không biết những người dựng tin nói dối có biết sám hối hay không. Nhưng bất cứ một lời nói dối nào cũng có tác hại như một loài cỏ độc, bám rễ và ăn sâu trong tâm hồn của người dung dưỡng nó. Điều bị bào mòn và huỷ hoại trước tiên không phải là những nạn nhân của lời nói dối, nhưng chính là nhân cách của người nói dối. Hình phạt dành cho kẻ nói dối là chẳng những không một ai tin mình, mà chính mình cũng chẳng tin được một ai (G. Bernard Shaw). Chúng ta cần cẩn trọng và có trách nhiệm trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông, để không tự biến mình thành người cộng tác với những lời nói dối, những kiểu thông tin làm mất bình an và gây chia rẽ.

Dù sao đi nữa, dưới cái nhìn của đức tin, chúng ta xác tín rằng những thành tựu của thế giới truyền thông là một quà tặng mà Thiên Chúa ban cho con người ngày nay. Ước gì chúng ta luôn biết sử dụng quà tặng ấy cách hữu hiệu, nhằm mang lại những hoa trái tốt đẹp là bình an và hiệp nhất cho con người.

Gia An, SJ – CTV Vatican News

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *