Ngay cả những ngày tồi tệ nhất thì cũng không bao giờ hoàn toàn là ảm đạm.
Dù bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống, đừng bao giờ để cho một ngày trôi qua mà chẳng có một lời cảm ơn Chúa và những người thân yêu của bạn. Nhưng không phải bằng vài lời “cảm ơn” hời hợt — mà là một lời cảm ơn thực sự cho một cái gì đó cụ thể. Một lời cảm ơn từ tận đáy lòng.
Luôn có lý do để nói lời cảm ơn
Tập cho trẻ em biết cám ơn Chúa là dạy cho chúng biết nhìn nhận tất cả những điều tốt đẹp trong ngày: cả những gì chúng đã nhận được và đã cho đi. Dĩ nhiên, chúng ta cũng cần phải dạy chúng bày tỏ lòng biết ơn, và cầu xin sự tha thứ vì những lầm lỗi của chúng, nhưng chúng ta không được quên khía cạnh khác của việc “xét mình”, trong đó có cả việc phải thừa nhận sự tích cực.
Nói lời cảm ơn là một hành động của sự khiêm nhường. Nói lời cảm ơn là bày tỏ tấm lòng với tất cả tình yêu mà chúng ta đã nhận được suốt cả ngày. Tạ ơn Chúa là nhận ra rằng không có Ngài chúng ta không thể làm được gì. Đức Trinh Nữ Maria chưa bao giờ ngần ngại ca ngợi Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu mà Chúa đã thực hiện trong và qua Mẹ: “Chúa đã làm cho tôi biết bao điều cao cả và danh Người là thánh!”
Chúng ta càng nói cảm ơn thì càng nhận thấy có nhiều lý do để làm điều đó. Hãy thử xem: Vào một đêm khi mà bạn thực sự cảm thấy nản lòng, bị đè nặng bởi nhiều vấn đề, khi bạn thực sự không cảm thấy thiết tha với việc thờ phượng Chúa, hãy cố gắng tìm một điều gì đó nhỏ bé để nói lời cảm ơn. Sau lần đầu tiên, lần khác sẽ xuất hiện, và tiếp tục với những lần sau đó nữa,… Điều này gần giống như lúc bạn bắt đầu ngắm những ngôi sao trong một đêm mà bầu trời tưởng chừng như đã bị che khuất một cách vô vọng bởi những đám mây. Nếu bạn quan sát kỹ lưỡng thì cuối cùng bạn sẽ phát hiện ra vệt sáng của một ngôi sao tí hon, rồi thêm một ngôi sao khác nữa, rồi ba, mười… và đột nhiên bạn nhận ra bầu trời dường như không đến nỗi quá tối.
Việc cầu nguyện cho những người thân cũng giống như gửi đến họ chút lời cám ơn
Tạ ơn Chúa cho những người thân yêu của chúng ta, vì tất cả những điều tốt đẹp mà họ làm cho chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi cay đắng và ganh ghét. Thật tuyệt vời vì những lời cầu nguyện của gia đình kể cả khoảnh khắc cầu nguyện mà trong đó mọi người đều tạ ơn Chúa cho nhau. Nếu điều đó quan trọng để một đứa trẻ học cách nhìn nhận tất cả những gì tốt đẹp trải qua trong ngày của chúng, thì điều không kém phần quan trọng là chúng cần phải nhận thấy được tất cả những gì tốt đẹp nơi anh chị và cha mẹ của chúng.
Tại sao không tận dụng thời điểm như vậy để nói lời cảm ơn? Cảm ơn mẹ vì giúp con làm bài tập; cảm ơn bố vì bữa ăn; cảm ơn con đã chuẩn bị bàn ăn bữa tối; cảm ơn người bạn đời của tôi đã chăm sóc bọn trẻ khi tắm rửa.
Nói lời cảm ơn là hướng mắt tới sự Phục sinh
Khi trẻ em hoặc người lớn phải đương đầu với đau khổ – của chính họ hoặc của người thân – nghĩ đến việc ngợi khen Thiên Chúa có thể khiến họ cảm thấy bị sốc. Họ không thể cảm ơn một cách thiện chí trừ khi họ hiểu rằng “lời cảm ơn” không phải để từ chối hay bám víu sự đau khổ. Giống như Chúa Kitô trên thập giá, đó là hành động của tạ ơn. Chúa Cha, qua Chúa Giêsu trên thập giá, đã muốn được trải nghiệm mọi nỗi thống khổ của nhân loại khi ở trong nanh vuốt xấu xa của sự dữ. Chúng ta không thể thực sự khen ngợi cho đến khi chúng ta học cách vượt qua thung lũng bóng đêm và khám phá ra rằng Thiên Chúa đã bước qua khỏi nó trước chúng ta.
Ngợi khen Kitô giáo là thực tại rất sâu xa. Nó không tự bằng lòng với chính diện mạo của nó nhưng nhạy cảm với thực tại vô hình của Nước Trời vốn dĩ đã hiện diện ở giữa chúng ta. Bạn hãy hình dung bạn đang sống giữa một mùa hè bị giam chặt trong một không gian kín mít. Quang cảnh này có thể khiến bạn nghĩ rằng đó là ban đêm. Nhưng nếu bạn thực sự chú ý đến tia sáng nhỏ bên dưới khe cửa, bạn có thể cảm nhận được ánh nắng rực rỡ từ bên ngoài. Điều đó cũng tương tự với “những lời cảm ơn” của bạn, nghĩa là khi hướng sự chú ý của bạn đến những tia sáng nhỏ bé kia, nó báo trước cho bạn về một Nguồn sáng vĩnh cửu.
Christine Ponsard
Nguyễn Sao Băng dịch từ aleteia