Trước lời cầu xin trợ giúp của những người chuyển giới ở Torvaianica, Rôma, Đức Thánh Cha đã phái Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha đến trợ giúp họ.
Cha Andrea Conocchia, linh mục coi sóc giáo xứ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội bày tỏ: Đức Thánh Cha đã phái Đức Hồng y Krajewski mang “cái ôm bác ái” đến hỗ trợ một nhóm người chuyển giới, nạn nhân của virus corona. Điều xảy ra tại Torvaianica, vùng duyên hải của Rôma, sau khi một nhóm người chuyển giới, những người hàng ngày vẫn được cha Andrea nâng đỡ, gửi lời kêu gọi trợ giúp đến Đức Thánh Cha.
Theo cha Andrea, đây là câu chuyện về lòng quảng đại và nhân từ nhằm an ủi và khích lệ những người sống ở vùng ngoại biên, bên lề cả về khía cạnh địa lý và hiện sinh; điều luôn được Đức Thánh Cha đặt ở trung tâm triều đại Giáo hoàng của ngài.
Đức hồng y Chánh Sở Từ thiện của Đức Thánh Cha đã mang đến sự giúp đỡ cần thiết. Sau đó mỗi người trong nhóm cùng nhau thu âm lời cám ơn bằng tiếng Tây Ban Nha để gửi đến Đức Thánh Cha: “Con cám ơn Đức Thánh Cha rất nhiều. Xin Chúa chúc lành cho Đức Thánh Cha, xin cám ơn Đức Thánh Cha vì tất cả. Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria che chở Đức Thánh Cha”.
Cha Andrea giải thích thêm: “Trong thời kỳ khẩn cấp của đại dịch, một nhóm người chuyển giới, hầu hết là người Mỹ Latinh đã đến nhà xứ, làm cho cha ngạc nhiên. Họ xin được giúp đỡ vì với Covid-19, họ không còn khách trên đường phố nữa”. Sau khi vượt qua sự ngạc nhiên ban đầu và nghe họ chia sẻ, cha Andrea được đánh động về tình liên đới của nhóm người chuyển giới này. Họ chia tiền thuê nhà và giúp người khác hết sức có thể. Sau đó, cha đã giúp họ bằng cách hỗ trợ họ về kinh tế và tinh thần.
“Trong ‘cộng đoàn chuyển giới’ này hiện có khoảng 20 người. Họ chủ yếu đến từ Mỹ Latinh, tất cả đều yêu mến Đức Thánh Cha rất nhiều. Họ cũng có là người có đức tin. Tôi cảm động trước hình ảnh một trong số họ bắt đầu cầu nguyện, quỳ gối trước Đức Trinh Nữ. Thậm chí có người còn xin tôi chúc lành cho những đồ vật thân yêu”.
Ngày qua ngày cha Andrea tiếp tục gần gũi với họ. Cha nói: “Họ là những người rất cô đơn, gia đình xa xôi. Có một người bắt đầu làm việc trên đường phố từ năm 14 tuổi. Kể từ đó, 30 năm đã trôi qua vẫn một công việc này, thật đáng thương!”. (La Stampa 30/4/2020)
Ngọc Yến – Vatican News