Giáo Hạt Cà Mau

ĐTC Phanxicô (14/5): Hôm nay là ngày của tình huynh đệ

“Hôm nay, đáp lại lời mời gọi của Ủy ban cao cấp về tình huynh đệ nhân loại, tất cả chúng ta, tất cả anh chị em thuộc mọi truyền thống tôn giáo, cùng nhau tham gia ngày cầu nguyện, ăn chay để cầu xin Thiên Chúa dủ lòng từ bi thương xót trên chúng ta trong thời điểm thảm họa của đại dịch này. Tất cả chúng ta đều là anh chị em. Thánh Phanxicô Assisi đã nói: ‘Tất cả chúng ta là anh chị em’. Và vì thế, tất cả mọi người cùng hiệp nhất cầu nguyện và sám hối để cầu xin ân sủng chữa lành khỏi đại dịch”. Với những lời trên, Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành Thánh lễ sáng thứ Năm 14/5 với ý chỉ cầu xin Chúa tha thứ và chữa lành cho toàn thể nhân loại thoát khỏi đại dịch.

Xin ơn sám hối để được chữa lành

Với ý chỉ đặc biệt trên, Bài đọc I được thay đổi so với bài đọc ngày lễ kính thánh Matthia tông đồ, trích từ Sách Ngôn sứ Giôna (Gn 1, 1-16). Nội dung của đoạn sách Thánh nói về ngôn sứ Giôna được Chúa sai đến với dân thành Ninivê kêu gọi dân sám hối để thành không bị hủy diệt. Dân thành Ninivê đã quay trở lại với Thiên Chúa và thành phố đã được cứu, thoát khỏi đại hoạ.

Đức Thánh Cha nhận định: “Có lẽ dân thành Nivivê đã thoát khỏi một đại dịch đạo đức luân lý. Và hôm nay, tất cả chúng ta, anh chị em thuộc mọi tôn giáo, hiệp nhất trong tình huynh đệ cầu nguyện cho đại dịch chấm dứt. Chúng ta đã không mong đợi đại dịch này, nhiều người chết và chết trong cô đơn, không thể làm gì được. Chúng ta hãy nghĩ đến những người đang đau khổ và những hậu quả kinh tế. Tất cả chúng ta cùng cầu nguyện. Một số người có thể nói điều này là chủ nghĩa tương đối tôn giáo. Không phải như vậy. Mỗi người cầu nguyện theo tôn giáo của mình. Chúng ta hiệp nhất như những anh chị em, cầu nguyện theo văn hóa, tôn giáo của chúng ta. Chúng ta xin Chúa tha thứ tội lỗi chúng ta để Thiên Chúa ngăn chặn đại dịch này”.

Có những đại dịch khác

“Hôm nay là một ngày của tình huynh đệ. Một ngày của sám hối và cầu nguyện. Năm ngoái, đúng hơn vào tháng 11, có lẽ chúng ta không biết đại dịch là gì. Đại dịch đến như một đại hồng thủy. Nhưng có nhiều đại dịch khác và chúng ta không nhận ra nó, do chúng ta nhìn đi chỗ khác, chúng ta dửng dưng trước những thảm kịch khác”.

Theo Đức Thánh Cha những thảm kịch khác đó là: “Trong bốn tháng đầu năm nay, có gần 4 triệu người chết đói: đây là một thảm kịch. Chúng ta cũng phải nghĩ đến những thảm kịch khác như thảm kịch chiến tranh”.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với lời khẳng định: “Điều quan trọng là hôm nay cùng nhau chúng ta cầu nguyện mỗi người theo truyền thống: cầu nguyện, ăn chay và thực hành đức ái. Khi Chúa thấy dân thành Ninivê ăn năn sám hối, Chúa đã làm cho đại dịch chấm dứt. Chúng ta cùng cầu xin Thiên Chúa, Cha của tất cả chúng ta, xin Ngài chúc lành cho tất cả chúng ta và dủ lòng thương xót trên chúng ta”.

Ngọc Yến – Vatican News

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *