Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi đừng quên thảm kịch của người di dân nội địa, những người phải di tản vì chiến tranh, nghèo đói, bất công, vv. Nơi những người phải chạy trốn này, chúng ta khám phá ra gương mặt của Chúa Giêsu chạy trốn sang Ai Cập. Đức Thánh Cha đưa ra 6 cặp động từ liên quan đến các hành động cụ thể, để đối phó với thách đố mục vụ di dân.
Ngày 15/05 hôm qua, Phân bộ Di dân và Tị nạn của Vatican đã giới thiệu Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế giới người Di dân và Tị nạn lần thứ 106, sẽ được cử hành vào ngày 27/09 năm nay. Sứ điệp có tựa đề: “Như Chúa Giêsu, họ bị buộc phải chạy trốn. Tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập người di dân nội địa.”
Thảm kịch của hàng triệu gia đình
Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha nhận định rằng thảm kịch của người di dân nội địa thường không được nhận ra và khủng hoảng đại dịch Covid-19 càng làm cho nó bị lãng quên. Nhưng đây không phải là lúc để quên lãng. Dù Sứ điệp liên quan đến người di dân nội địa, Đức Thánh Cha muốn rằng Sứ điệp bao gồm “tất cả những người đang gặp phải tình huống bấp bênh, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề và bị từ chối do hậu quả của Covid-19.”
Trước hết, Đức Thánh Cha nhắc lại thảm kịch của Thánh gia khi chạy trốn sang Ai Cập và nhận định rằng đó cũng là thảm kịch của hàng triệu gia đình ngày nay, “những người tị nạn chạy trốn khỏi nạn đói, chiến tranh và những nguy hiểm nghiêm trọng khác, để tìm kiếm an ninh và một cuộc sống xứng đáng cho chính họ và cho gia đình họ.”
Chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu nơi khuôn mặt của người tị nạn
Trong những người di tản này có khuôn mặt của Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha nói: “Nếu chúng ta có thể nhận ra Chúa trong những khuôn mặt đó, chúng ta sẽ cảm ơn Người vì đã có thể gặp gỡ, yêu thương và phục vụ Người nơi họ.” Họ cho chúng ta cơ hội gặp Chúa dù rất khó nhận ra Người.
6 cặp động từ hành động cụ thể
Để đáp ứng thách đố mục vụ này, ngoài 4 động từ đã trình bày trong Sứ điệp năm 2018 – đón tiếp, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập – Đức Thánh Cha đề nghị thêm 6 cặp động từ khác: biết để hiểu; đến gần để phục vụ; lắng nghe để hòa giải; chia sẻ để phát triển; tham dự để thăng tiến; và hợp tác để xây dựng.
Đức Thánh Cha kết thúc Sứ điệp với một kinh nguyện được cảm hứng từ gương mẫu của thánh Giuse khi ngài bị buộc phải trốn sang Ai Cập để cứu hài nhi Giêsu.
Nguyên văn Sứ điệp: https://ghcamau.net/2020/05/16/su-diep-cua-duc-thanh-cha-nhan-ngay-the-gioi-nguoi-di-dan-va-ti-nan-lan-thu-106.html
Hồng Thủy – Vatican News