Các bí tích mà Chúa Kitô đã thiết lập và ban cho Giáo Hội cử hành, đều rất quan trọng và cần thiết cho mục đích cứu độ con người nhờ công nghiệp của Chúa Cứu Thế Giêsu.
Do đó, mọi tín hữu trong Giáo Hội đều được kêu gọi năng lãnh nhận các bí tích tối quan trọng là Thánh Thể và Hòa giải sau khi đã được tái sinh qua Phép Rửa và củng cố đức tin qua Bí tích Thêm sức. Nhưng muốn sống sung mãn và lớn lên trong đức tin thì phải siêng năng chạy đến với Bí tích Thánh Thể là phương thế hữu hiệu nhất để giúp trở nên thánh thiện nhờ được tham dự vào đời sống thần linh của Chúa Ba Ngôi mỗi khi được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô qua Bí tích Thánh Thể cử hành trong khuôn khổ Thánh lễ Tạ Ơn.
Thật
vậy, có thể nói : Bí tích Thánh Thể là bí tích ban ơn cứu độ quan trọng
nhất mà Chúa Kitô đã trao cho Giáo Hội cử hành để tiếp tục công trình
cứu độ nhân loại của Người cho đến ngày mãn thời gian.
Nói được
như vậy, là vì qua việc cử hành Bí Tích quan trọng này trong khuôn khổ
Thánh lễ Tạ Ơn (Eucharist), Chúa Kitô lại thực sự hiện diên nơi các thừa
tác viên con người là linh mục và giám mục để dâng lại Hy Tế cực trọng
mà Người đã một lần dâng lên Chúa Cha trên thập giá năm xưa để xin ơn
tha thứ cho toàn thể nhân loại đáng phải phạt vì tội lỗi.
Hiến Chế Tin Lý Lumen Gentium của Đại Công Đồng Vaticanô II đã nói rõ về mục đích và ơn ích của Thánh lễ Tạ Ơn như sau:
“Mỗi
lần Hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó “Chúa Kitô, Chiên
vượt qua của chúng ta chịu hiến tế” (1Cr 5, 7), thì công cuộc cứu chuộc
chúng ta được thực hiện.” (LG. số 3)
Nghĩa là mỗi khi Thánh lễ tạ
Ơn được cử hành ở bất cứ nơi nào trong Giáo Hội, thì Hy tế cứu chuộc
của Chúa Kitô lại được diễn ra để xin ơn tha thứ cho chúng ta ngày nay
cùng thể thức và mục đích mà Chúa Kitô đã một lần dâng Hy tế của Người
trên thập giá xưa kia.Chỉ có sự khác biệt là xưa trên thập giá, chính
Chúa Kitô – vừa là bàn thờ, vừa là linh mục và là của lễ- đã đích thân
dâng Hy Tế của Người qua khổ nạn thập giá và máu Người đã đổ ra từ canh
sườn và trong toàn thân từ đầu, mình và chân tay, vì bị đánh đập tàn
nhẫn, bị đóng đanh và đầu đội mão gai. Chúa đã dâng tất cả sự đau khổ
lớn lao đó và cả mạng sống của mình làm giá chuộc cho muôn người. Trên
thập giá Người đã thực sự đổ máu và bị sát tế như Chiên Vượt qua để cho
chúng ta được hưởng nhờ công ơn cứu chuộc vô giá của Người.
Ngày
nay, trên bàn thờ, Chúa dùng tay mà miệng của các thừa tác viên tư tế là
linh mục và Giám mục để dâng lại cách bí nhiệm Hy Tế thập giá của Người
cũng như diễn lại Bữa Tiệc ly để ban mình và máu Người làm của ăn và
của uống cho chúng ta được nuôi dưỡng về mặt thiêng liêng và nhất là có
hy vọng được sống đời đời với Chúa như Người đã phán hứa xưa kia:
“Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” (Ga 6 ,54)
Chỉ
có qua bí tích Thánh Thể cử hành trong Thánh Lễ Tạ Ơn mà chúng ta được
dự bàn tiệc thánh để ăn uống Mìnhvà Máu thánh Chúa hiện diện thực sự
(real presence) dưới hai hình Thánh Thể là bánh và rượu nho.
Như
thế, tham dự và cử hành bí tích Thánh Thể trong khuôn khổ Thánh lễ Tạ Ơn
là việc vô cùng quan trọng trong đời sống của Giáo Hội và của mọi người
tín hữu Chúa Kitô, vì đây chính là “nguồn mạch và chóp đỉnh của tất cả
đời sống Kitô giáo” (x. LG, số 11) như Giáo Hội dạy.
Là nguồn
mạch và là chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo, vì chỉ qua Hy tế thập giá
được cử hành trên bàn thờ ngày nay mà Thiên Chúa, Cha chúng ta, lại tuôn
đổ muôn ơn thánh của Người cho chúng ta nhờ công nghiệp của Chúa Kitô
với Hy tế một lần của Người trên thập giá và nay đang được tiếp tục dâng
lại trên bàn thời qua tác vụ của Giáo Hội. Chính nhờ Hy tế cực trọng
này mà con người được giao hòa lại với Thiên Chúa và có hy vọng được cứu
rỗi để vào Nước Trời hưởng Thánh Nhan Chúa là nguồn vui và hạnh phúc
bất tận. Và cũng chỉ nhờ có Hy tế thập giá mà mọi ơn ích của các bí tích
khác được kiện toàn và thêm phong phú.
Cụ thể, sau khi được tái
sinh qua bí tích Rửa tội, trẻ em hay người lớn không thể lớn lên trong
đức tin và thân tình với Chúa nếu không được bồi dưỡng bởi ơn đặc biệt
của phép Thánh Thể nhờ lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô hiện diện cách trọn
vẹn nhưng bí nhiệm trong bánh và rượu nho.
Nói khác đi, không có
việc đạo đức hay cử hành phụng vụ nào quan trọng và có giá trị về mặt
thiêng liêng hơn Thánh lễ Tạ ơn, vì qua Bí tích cao trọng này, Giáo Hội
tưởng niệm và cử hành Bữa ăn sau hết và Hy Tế thập giá của Chúa Kitô với
Nhóm Mười Hai Tông Đồ trong đêm Người bị nộp, vì Giuđa phản bội. Trong
bữa ăn cuối cùng này, “Chúa Cứu Thế đã lập hy lễ Thánh Thể của Mình và
Máu Người để lưu truyền vạn đại lễ hy sinh thập giá của Người đến muôn
đời, cho tới khi Người đến, và cũng là để trao lại cho Giáo Hội là Hiền
thê yêu quí của Người bí tích của tình yêu, dấu chỉ của hiệp nhất, sợi
dây liên kết của đức ái. Với Bữa tiệc Vượt qua, trong đó Chúa Kitô được
ban làm lương thực, linh hồn ta được đổ tràn đầy ân sủng là bảo chứng
cho vinh quang mai sau đã được ban cho chúng ta. (x. SGLGHCG số 1323)
Trong
Thánh Lễ Tạ Ơn, Giáo Hội hiệp cùng Chúa Kitô dâng lời chúc tụng tạ ơn
Thiên Chúa Cha về hồng ơn cứu chuộc con người nhờ Chúa Kitô, Đấng đã
thực sự đổ máu trên thập giá để “lập Giao Ước mới ”, có giá trị cứu
chuộc vượt trên hết mọi giao ước cũ.
Có giá trị cứu rỗi hơn, vì
với Giao Ước mới, Chúa Kitô được ví như Chiên vượt qua bị sát tế để cho
muôn người được cứu độ như tác giả Sách Khải Huyền đã viết :
“Ngài xứng đáng lãnh nhận cuốn sách
Và mở ấn niêm phong
Vì Ngài đã bị giết
Và đã lấy máu đào
Chuộc về cho Thiên Chúa
Muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ
Thuộc mọi nước mọi dân.” (x. Kh 5, 9)
Như
thế, chính nhờ Hy Tế thập giá qua đó Chúa Kitô bị sát tế như chiên bị
giết làm tế vật trong phụng vụ thời Cựu Ước, mà nhân loại được thứ tha
mọi tội lỗi cho đến ngày nay và còn mãi về sau cho đến khi mãn thời
gian.Nói rõ hơn, cử hành bí tích Thánh Thể trong Thánh Lễ Tạ Ơn là diễn
lại Hy tế đền tội của Chúa Kitô để những ai tin và sống theo đường lối
của Chúa sẽ được ơn cứu độ nhờ Người đã một lần đổ máu ra trên thập giá
cho muôn người được cứu độ.
Do đó, khi tham dự hay cử hành Thánh
lễ Tạ Ơn là tham dự trước hết vào Bữa Ăn mà Chúa Kitô tiếp tục khoản đãi
với thực phâm hảo hạng là chính mình và máu Người hiện diện thực sự
nhưng bí tích dưới hai hình bánh và rượu nho.Đây chính là thần lương
nuôi dưỡng và bổ sức cho ta trong cuộc lữ hành tiến về quê Trời.
Mặt
khác khi tham dự và dâng Thánh lễ, chúng ta cũng được nghe lời Chúa, là
lời ban sự sống và cũng là của ăn thiêng liêng cần thiết cho ta lớn lên
trong đức tin, đức cậy và đức mến.
Quan trọng hơn nữa là chúng
ta được hiệp nhất với Chúa Kitô trong mục đích dâng lại Hy tế cực trọng
của Người lên Chúa Cha để xin ơn tha thứ cho chúng ta và cho mọi người
còn sống hay đã qua đời.. Chỉ có sự khác biệt là xưa trên thập giá Chúa
Kitô đã thực sự đổ máu mình ra, nhưng nay trên bàn thờ Chúa đổ máu cách
bí nhiệm nhưng cùng mục đích là để ban ơn cứu chuộc cho chúng ta mỗi khi
chúng ta sốt sắng tham dự và sạch tội trọng để xứng đáng lãnh nhận Mình
Máu thánh Chúa trong phần hiệp lễ (commUNI0N). Về điểm này, Giáo lý và
giáo luật của Giáo Hội dạy rằng:
“Ai muốn rước lấy Chúa Kitô
trong phần hiệp lễ Thánh Thể, thì phải ở trong tình trạng có ân sủng.Nếu
ai biết mình đã phạm tội trọng, thì không làm lễ và rước lễ, nếu không
nhận được ơn tha thứ trước đó qua bí tích hòa giải (sám hối)” (x SGLGHCG
số 1415,giáo luật số 916)
Được kết hợp với Chúa Kitô trong bí
tích Thánh Thể là được tham dự ngay từ đời này vào đời sống thần linh
của Thiên Chúa Ba Ngôi, vì ở đâu có Chúa Con thì ở đó có Chúa Cha và
Chúa Thánh Thần. Như thế, thật hạnh phúc biết bao cho chúng ta được
thông phần sự sống của Thiên Chúa mỗi khi ta tham dự Thánh Lễ Tạ Ơn với
tư cách là tín hữu hay cử hành với tư cách là tư tế (linh mục và Giám
mục). Thánh Lễ Tạ Ơn quả thật là đỉnh cao của đời sống Kitô giáo vì
không còn phương thế nào có giá trị cứu rỗi cao hơn nữa, cũng như cho ta
được lãnh nhận ơn Chúa dồi dào hơn nữa.
Trong Bữa ăn sau cùng,
Chúa Cứu Thế Giêsu không những đã lập Phép Thánh Thể và Chức Linh mục
thừa tác (Ministerial priesthood) để “anh em làm việc này mà tưởng nhớ
đến Thầy”(Lc 22, 19) mà còn lập Giao Ước mới ký kết bằng chính máu của
Người đổ ra ngày hôm sau trên thập giá. Chúa đã loan báo Giao Ước mới
này khi Người trao chén máu thánh cho các Tông Đồ hiện diện và nói: “anh
em hãy lãnh nhận mà uống vì này là chén máu Thầy, máu giao ước mới và
vĩnh cửu sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội…” (1 Cr 11, 25;
Lc 22, 20).
Như thế Bữa ăn cuối cùng của Chúa cũng liên kết mật
thiết với Hy Tế thập giá vì đã loan báo trước việc Chúa đổ máu trên thập
giá ngày hôm sau để hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại mà Chúa Cha
đã trao phó cho Người. Ngày nay, trên bàn thờ, mỗi khi Thánh Lễ Tạ Ơn
được cử hành, Chúa Kitô cũng đổ máu cách bí nhiệm, như Chiên Vượt qua bị
sát tế để “nhờ đó công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện. (x LG số
11). Nghĩa là khi tham dự Thánh Lể Tạ Ơn hay cử hành bí tích Thánh Thể,
chúng ta được tham dự Bữa Ăn của Chúa và cùng với Chúa dâng mọi đau
khổ, sướng vui của mỗi người chúng ta hiệp thông với khổ nạn của Chúa
Kitô dâng lên Chúa Cha đễ xin Người tha thứ mọi tội lỗi cho ta được ơn
cứu chuộc là mục đích của Hy tế thập giá xưa và nay.
Đây cũng là
phương cách thi hành chức vụ tư tế thông thường của người giáo dân
(common Priesrhood of the Laity) hiệp thông với hàng tư tế thừa tác hay
phẩm trật (hierarchical or ministerial Sacerdos) trong việc cử hành và
tham dự Thánh lễ Tạ Ơn.
Sau nữa, nhờ việc cử hành Thánh Lễ,
“chúng ta được kết hợp với Phụng vụ trên trời và được thấy trước sự sống
vĩnh cữu sẽ diễn ra khi Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong mọi người.” như
Thánh Phaolô đã dạy. (1 Cor 15, 28) (x SGLGHCG số 1326)
Tóm lại,
Bí tích Thánh Thể là phương thế hữu hiệu nhất cho ta được hưởng nhờ công
ơn cứu chuộc của Chúa Kitô vì được kết hợp mật thiết với Người ngay từ
trong cuộc sống ở đời này trước khi được chiêm ngưỡng Chúa trên Nước
Trời mai sau. Do đó, mọi tín hữu được mời gọi siêng năng chạy đến với
Chúa trong bí tích cao trọng này đặc biệt trong năm Đức Tin đang được mở
ra trong toàn Giáo Hội, vì đây cũng là cách sống đức tin cụ thể và sống
động nhất của mọi tín hữu Chúa Kitô trong hoàn cảnh thế giới tục hóa,
phi luân ngày nay.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn