Giáo Hạt Cà Mau

Hạt Giống Nảy Mầm Từ 29/9 -7/10

TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAEL, GABRIEL & RAPHAEL..

Ngày 1/10.

THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU.

Ngày 2/10.

CÁC THIÊN THẦN BẢN MỆNH.

Ngày 4/10. 7

THÁNH PHANXICÔ THÀNH ASSISI.

Ngày 7/10. 11

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI.

Ngày 29/9

TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAEL,

GABRIEL & RAPHAEL

Ga 1,47-51

* Lịch Sử

Thuật ngữ thánh kinh dùng để gọi các thiên thần đều có nghĩa là “sứ giả” ; theo thư Do thái 1,14, các thiên thần là những thần linh phục vụ cho Thiên Chúa, và Thiên Chúa sai họ đến với những người cần được cứu giúp.

Cựu Ước cũng gọi họ là “Các Thánh” hay là “những người con của Thiên Chúa”. Nổi bật nhất giữa các thiên thần là các Đấng Kêrubim và Sêraphim (số ít là Kêrub và Seraf). Vài đấng được gọi tên là :

Micael, có nghĩa : “Ai ví bằng Thiên Chúa”.

Gabriel, có nghĩa : “Sức Mạnh của Thiên Chúa” hay là “Anh hùng của Thiên Chúa”.

Raphael, có nghĩa : “Thiên Chúa cứu giúp”.

Thánh lễ hôm nay bắt nguồn từ lễ thánh hiến Đền thờ Micael trên đường Via Salaria ở Rôma. Ngày hôm nay cùng với Tổng lãnh thiên thần Micael, Hội Thánh cũng mừng chung hai tổng lãnh thiên thần Gabriel và Raphael, theo lịch xưa, các ngài được mừng vào những ngày 24/3 và 24/10. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

Thánh Kinh cách chung và Tân Ước cách riêng nói tương đối ít về các thiên thần. Trong đoạn Tin Mừng này chỉ có một câu “Các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người”. Đây là lấy lại hình ảnh chiếc thang Giacóp, như một nhịp cầu nối trời và đất, Thiên Chúa và loài người. Chúa Giêsu áp dụng hình ảnh này vào bản thân Ngài : Ngài cũng là trung gian giữa Thiên Chúa với loài người. Các thiên thần góp phần tích cực vào sứ mạng trung gian ấy

B. Nảy mầm.

  1. Micae là tổng lãnh tất cả các thiên thần. Ngài đã lãnh đạo các thiên thần khác chiến đấu với Luxiphe. Nhắc tới Ngài là người ta nhớ lại câu Ngài nói “Ai bằng Thiên Chúa?”.

Xin Thánh thiên thần Micae trợ lực để chúng con chiến đấu và chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ. Xin Ngài luôn nhắc chúng con biết đặt Thiên Chúa ở vị trí cao cả nhất trong cuộc đời chúng con.

  1. Gabriel là thiên thần truyền tin (Lc 1,19 : Truyền tin cho ông Dacaria ; Lc 1,26 : truyền tin cho Đức Mẹ). Ngài tuân lệnh Thiên Chúa mang sứ điệp Thiên Chúa đến cho loài người.

Xin Thánh thiên thần Gabriel giúp con mau mắn đón nhận những sứ điệp Chúa gởi đến chúng con, và mau mắn thưa lời “Xin vâng” như Đức Mẹ.

  1. Raphael là vị thiên thần đã đưa đường dẫn lối cho Tôbia con, nhờ đó Tôbia bình an trong cuộc hành trình nhiều nguy hiểm, cưới được vợ hiền và chữa được bệnh cho cha già. Trước khi từ biệt gia đình Tôbia, Ngài cho biết thêm là Ngài luôn ở trước mặt Chúa để dâng những công nghiệp của loài người lên cho Thiên Chúa.

Xin Thánh thiên thần Raphael là bạn đồng hành của chúng con trong cuộc hành trình dương thế nhiều cạm bẫy. Xin Ngài nhắc nhở chúng con làm việc thiện, vì luôn biết rằng từng việc thiện âm thầm nhỏ bé cũng là những làn hương thơm tho bay lên tòa Thiên Chúa.

Ngày 1/10

THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU

Mt 18,1-4

* Lịch Sử

Thánh Têrêxa sinh tại Alençon ngày 2/1/1873, qua đời tại Lisieux ngày 30/9/1897.

Thánh Têrêxa chào đời ngày 2/1/1873 tại Alençon nước Pháp. Song thân là cụ Louis Martin (+ 1894) và bà Maria Guérin (+ 1877) có tất cả 9 người con, nhưng chỉ sống có 5 ; cả 5 cô con gái đều bước vào tu viện. Khi Têrêxa chưa tròn 4 tuổi, bà mẹ Guérin qua đời để lại một tang buồn cho gia đình, nhất là Têrêxa. Bà phải chịu ung thư suốt 12 năm đến lúc kiệt sức phải qua đời. Từ ngày đó ông Louis bỏ Alençon lui về Lisieux với cả gia đình.

Vào tháng 4/1888 Têrêxa vào đan viện Cát Minh ở Lisieux lúc được 15 tuổi. Lúc ấy chị có cảm nghiện phong phú về đời sống đạo đức. Chính chị xem đêm Giáng Sinh 1886 như là một sự kiện quyết định trong đời sống của chị. Chị cảm nhận hồng ân của một cuộc chuyển đổi hoàn toàn ; từ đấy, chị hiểu ơn gọi của cuộc đời mình là yêu Chúa Kitô và yêu con người.

Cuộc đời trong dòng Cát Minh của chị, mặt ngoài rất đơn sơ, nhưng con đường nội tâm càng ngày càng lên cao. Chị hiểu rõ tình yêu của chị đối với Chúa Kitô phải được thực hiện trong việc theo Chúa trên con đường khổ nạn. Thánh Kinh đối với chị ngày càng nên sách đọc duy nhất, nhưng kèm theo đó là thử thách nội tâm và đau khổ phần xác lại diễn ra hằng ngày.

Trong đêm thứ sáu Tuần Thánh năm 1896, chị bị ho ra máu lần đầu tiên. Mười tám tháng cuối cùng là một cuộc tử đạo triền miên. Chị qua đời ngày 30/9/1897, hưởng dương 24 tuổi, với tiếng thì thào : “Lạy Chúa, con yêu Chúa !”

Chúng ta biết được con đường nội tâm của thánh nữ nhờ vào quyển “Lịch sử một tâm hồn” và “Các lời nói” do bà chị ruột cũng là bề trên sưu tập. Têrêxa đi vào cái trọn vẹn, cái vĩ đại : chị muốn yêu mến Chúa Giêsu hơn bất cứ ai trên thế giới ; chị muốn dâng mình cho tình yêu nhân từ của Chúa như của lễ toàn thiêu ; chị muốn yêu tất cả mọi người, như Chúa Giêsu đã yêu. Chống lại kiêu ngạo, chị luôn nhận thức mình hoàn toàn bất lực và nếu có làm được gì, đó là do sức mạnh tình yêu của Chúa ban cho.

Đức Thánh Cha Piô XI nâng Têrêxa lên hàng hiển thánh và đặt làm thánh quan Thầy cho các xứ truyền giáo. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

Các môn đệ đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Trong nếp sống cộng đoàn, vấn đề làm lớn làm nhỏ cũng thường gây va chạm. Chúa Giêsu dạy phải trở nên trẻ nhỏ : trở nên trẻ nhỏ là khiêm tốn chấp nhận thân phận của mình trong gia đình, và sẵn sàng vâng lời người lớn…

Trong những lời dạy các môn đệ hãy trở lại nên như trẻ nhỏ, Chúa Giêsu khẳng định hai điều :

– Đó là điều kiện để được vào Nước Trời.

– Kẻ tự hạ như trẻ nhỏ sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.

B. Nảy mầm.

  1. Trong cộng đoàn, sự ganh ghét nhau về địa vị, danh dự đã làm cho biết bao người khổ sở. Kẻ bị ganh ghét khổ, mà chính người ganh ghét cũng khổ. Sao chúng ta không sống đơn sơ như những đứa trẻ trong gia đình : cha mẹ đặt đâu là chúng ở đó, cha mẹ bảo gì là chúng làm nấy, không hề nghĩ ngợi so đo, chỉ nhắm đến điều duy nhất là làm cho cha mẹ hài lòng.
  2. Theo khuynh hướng tự nhiên, tôi thường khinh dể những người kém hơn tôi (mà Chúa Giêsu gọi là “những kẻ bé mọn”). Nay tôi đã nghe Chúa Giêsu bảo rằng khinh họ là khinh Chúa, đón tiếp họ là đón tiếp Chúa. Tôi nghĩ sao ?
  3. Hãy nghĩ đến một đứa trẻ. Nó có nhiều đức tính rất đáng phục, như : lúc nào cũng hồn nhiên không lo lắng, vì nó tin rằng cha mẹ đã lo mọi sự cho nó ; rất ngưỡng mộ cha mẹ, coi cha mẹ như thần tượng ; luôn vui vẻ sống giây phút hiện tại ; nó cũng thường xích mích với những trẻ khác nhưng rất mau quên ; có những lúc nó giận cha mẹ, nhưng cha mẹ dỗ ngọt vào lời là nó bỏ qua ngay v.v.

Bởi thế, Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã chọn nên thánh bằng con đường trẻ thơ.

  1. “Chúa Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo : Thầy bảo thật anh em nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ em thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,2-3).

Nếu trẻ thơ chẳng biết giận lâu thì với con : sống để dạ, chết mang theo. Trẻ thơ không màng giành chức tước, riêng con nghiêng mình trước công danh. Trẻ thơ luôn biết mình yếu đuối, còn con khẳng định mình trên hết. Trẻ thơ yêu với cả tâm hồn, còn con theo bề ngoài đánh giá. Trẻ thơ sống những gì mình có, con thường nặn mình rất công phu.

Lạy Cha, có những bài học của trẻ thơ tuy đơn sơ mà cao vời vợi, để người lớn học cả đời chưa tròn nghĩa một câu. Xin dạy con nên như trẻ nhỏ, để con bước trên đời không chỉ bằng đôi chân của con, nhưng biết buông mình trong tay Cha từ ái. (Hosanna)

  1. “Ai tự hạ, coi mình như anh em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.” (Mt 18,4)

Một lần nọ, tôi đọc được lời nguyện này của một người bạn : Lạy Chúa, xin cho con lòng khiêm nhường để biết nhìn ra mọi sự là hồng ân. Xin cho con lòng khiêm nhường để dám đối diện với sự thật. Xin cho con lòng khiêm nhường để can đảm vác thập giá hằng ngày theo Chúa. Xin cho con lòng khiêm nhường để không mệt mỏi vươn lên. Xin cho con lòng khiêm nhường để không đòi cho được phải hơn kẻ khác, nhưng luôn biết chấp nhận sự trổi vượt nơi mỗi con người, và xin cho con lòng khiêm nhường để bớt đi mọi lời khoe mẽ, nhưng thay bằng những lời tạ ơn.

Và Lạy Chúa, lời nguyện của con hôm nay : xin cho con luôn sống khiêm nhường để xây dựng Thiên Đàng quanh con. (Hosanna)

Ngày 2/10

CÁC THIÊN THẦN BẢN MỆNH

Mt 18,1-5.10

* Lịch Sử

Ngày xưa người ta tin rằng thiên thần là những thần linh giữ vai trò quan trọng trong việc liên lạc giữa thế giới Thiên Chúa và con người ; niềm tin này đã được thấy nói trong Cựu Ước, cho dù không được giải thích rõ ràng.

Trong Cựu Ước, thiên thần là sứ giả trợ lực của Thiên Chúa (St 16,7 ; 21,17 ; Xh 14,19 ; 2V 19,35). Trong những tác phẩm cuối (tủ như sách Đanien) có kể tên các vị thiên thần ; qua tên đó chúng ta thấy được công tác của họ.

Trong Tân Ước, các thiên thần cũng giữ một vai trò trong đời sống Đức Giêsu và Hội Thánh tiên khởi. Nếu có những sức lực của Satan, của ma quỷ, thì cũng có những thiên thần lành, trợ lực, hướng dẫn và bảo vệ con người. Niềm tin vào thiên thần bản mệnh hay hộ thủ dựa vào đoạn Phúc Âm Mt 18,10.

Thánh lễ thiên thần hộ thủ rất phổ biến ở thế kỷ XV và XVI, thường được liên kết với lễ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae (29/9). Năm 1670 Đức Giáo Hoàng Clémentê X đã cho phép mừng lễ thiên thần hộ thủ trong cả Hội Thánh và xác định lễ này vào ngày 2/10 hằng năm. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

Các môn đệ đã tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Trong nếp sống cộng đoàn, vấn đề làm lớn làm nhỏ cũng thường gây va chạm. Chúa Giêsu dạy phải trở nên trẻ nhỏ : trở nên trẻ nhỏ là khiêm tốn chấp nhận thân phận của mình trong gia đình, và sẵn sàng vâng lời người lớn…

Trong những lời dạy các môn đệ hãy trở lại nên như trẻ nhỏ, Chúa Giêsu khẳng định hai điều :

– Đó là điều kiện để được vào Nước Trời.

– Kẻ tự hạ như trẻ nhỏ sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.

B. Nảy mầm.

  1. “Nên giống con trẻ” : “Nên giống con trẻ không phải vì chúng ngây thơ vô tội, hay một đức tính luân lý nào khác, nhưng ở chỗ chúng sống lệ thuộc vào người lớn. Trong Nước Trời, chính lòng tin làm cho người môn đệ gắn bó, lệ thuộc vào Chúa Giêsu. Để được như vậy, cần phải “hoán cải”, tức là từ bỏ bản thân để đi theo Chúa Giêsu. Giá trị, sự cao trọng thật của người môn đệ là ở chỗ đó. Lý tưởng, luật sống căn bản trong cộng đoàn là nên nhỏ bé như thế” (Chú thích của nhóm dịch CGKPV).
  2. “Ai tự hạ coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” : trong nước trần gian, người ta ham làm người lớn, cho nên tìm cách tôn mình lên ; còn trong Nước Trời, môn đệ Chúa phải thích tự hạ.

Tôi đang sống theo tinh thần nước trần gian hay tinh thần Nước Trời ?

  1. “Ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy” : trẻ nhỏ là kẻ không có tiền, không có sức mạnh, không có tài năng. Tiếp đón trẻ nhỏ chỉ mất công, mất giờ và mất của, chẳng ích lợi gì. Nhưng Chúa muốn chúng ta mở rộng vòng tay tiếp đón những con người vô ích như thế đó, và Ngài nhấn mạnh : tiếp đón họ là tiếp đón chính Chúa.
  2. Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị căn xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quý. Người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.

 Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng anh hồi hộp sung sướng. Hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện run lẩy bẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.

 Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn, báo cho người khách quý biết mình đã đi ra ngoài. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.

 Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh. Nhưng đó không phải Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.

 Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe tiếng Chúa nói với anh : “Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay”. (Trích “Món quà giáng sinh”)

  1. “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không quay trở lại mà nên như trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. (Mt 18,3).

“Chị có mua món hàng nào từ Mỹ không ?” Nghe anh hải quan hỏi, chị phụ nữ vội vàng trả lời : “Tôi không mua thứ gì quý giá đâu, chỉ có một ít quần áo và một số đồ dùng”. “Vậy cho phép tôi kiểm tra vali của chị”. Anh ta vừa nói xong chưa kịp mở vali thì đứa con gái nhỏ của chị hét lên : “Không, chú không được mở vali của mẹ cháu, vì mẹ cháu đã giấu cái đồng hồ bằng vàng ở trong đó”.

Sự trong trắng đơn sơ của trẻ nhỏ đôi khi trở thành lời nhắc nhở chúng ta hãy sống chân thật với chính mình và mọi người. Lời Chúa hôm nay giúp tôi ý thức rằng : càng lớn lên tôi càng phải “nhỏ lại” với những tính xấu, với những ích kỷ hẹp hòi, để chính Chúa có thể lớn lên trong tôi. Và chính khi tôi trở nên như trẻ thơ với một tâm hồn đơn sơ, trống rỗng và nghèo khó, Chúa sẽ lấp đầy tất cả.

Lạy Chúa, xin cho con một tinh thần đơn sơ nhỏ bé, để, như một trẻ thơ, con luôn được nép mình trong vòng tay yêu thương của Chúa (Hosanna).

Ngày 4/10

THÁNH PHANXICÔ THÀNH ASSISI

Mt 11,25-30

* Lịch Sử

Sinh tại Assisi năm 1182, qua đời tại đây ngày 3/10/1226.

Như thánh Bonaventura viết, người ta thấy được ân huệ của Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, trong con người của thánh Phanxicô thành Assisi.

Thánh Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi, ở phía bắc thủ đô Rôma. Cha là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len da ; mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức, hiếm có.

Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên cậu mặc sức ăn chơi phung phí. Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gôthiê đờ Briên-nơ đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.

Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa. Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao  đẹp hơn. Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá : “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi Đền thờ của ta đang đổ nát !” Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại ba ngôi nguyện đường cạnh Assisi. Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi Đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.

Ngày 24/2/1208, đang buổi lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm : “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng…Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy…” (Mt 10,10). Phanxicô nhận ra tiếng gọi của Chúa, từ nay quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Tự (Mt 19,21 ; Lc 9,1-6 ; Mt 16,24). Phanxicô vừa đi rao giảng Tin Mừng vừa khất thực.

Tình yêu sự khó nghèo đòi buộc Phanxicô phải yêu những người nghèo, những bệnh nhân mà ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. Ngài chỉ muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ.

Năm 1220, vì những khó khăn nội bộ của Hội Dòng do một số anh em cấp tiến muốn sửa đổi lý tưởng nghèo khó thuở ban đầu, Phanxicô phải bỏ cuộc truyền giáo cho người Hồi giáo để trở lại nước Ý. Một cuộc tử đạo đặc biệt sắp bắt đầu. Năm 1224, Phanxicô xin rút lui về ẩn mình tại núi Laverna.

Nơi đây, ngài được Chúa in năm dấu thánh của Người trên chân tay và cạnh sườn. Phanxicô đã sống một cuộc tử đạo này trong hai năm trời ; các vết thương luôn rỉ máu, cộng với nỗi đau khổ do một số anh em sống xa lý tưởng ban đầu gây ra. Trong nỗi cô đơn và đau khổ do bệnh hoạn, ngài chỉ muốn hoàn tất ý định của Thiên Chúa cho đến khi “Bạn Chết” của ngài đến kết thúc cuộc đời vào ngày 3/10/1226.

Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16/7/1228. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống…

  1. Văn mạch : sau khi khiển trách những thành ven Biển Hồ đã không tin Ngài vì cậy vào sự thông thái của mình (cc 20-24), Chúa Giêsu lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha đã mặc khải Tin Mừng cho những người bé mọn, tức là những người “nghèo trong tinh thần” mà Ngài đã nói trong Bát phúc (Tv 19,8 116,6), những người tội lỗi, những kẻ ít học.
  2. Ngài còn nói “Vì ý Cha đã muốn an bài như vậy”. Nghĩa là những thái độ tin hoặc cứng tin mà Chúa Giêsu gặp chẳng phải là chuyện may rủi, cũng chẳng phải do tài năng hoặc bất tài của Ngài, mà là chương trình khôn ngoan của Thiên Chúa là như vậy : Ngài luôn ưu ái những kẻ bé mọn và hạ bệ những bậc khôn ngoan.
  3. Sau đó, Đức Giêsu kêu gọi những kẻ “mang gánh nặng nề” hãy tới “mang lấy ách” của Ngài. Trong ngôn ngữ Thánh Kinh, “gánh” chỉ luật lệ, và “mang ấy ách” nghĩa là học với. Chúa Giêsu kêu mời chúng ta học với Ngài và đón nhận luật của Ngài.

– Học với Chúa Giêsu là học được tính hiền lành và khiêm tốn.

– Luật của Ngài là luật yêu thương.

Bởi thế ai mang lấy ách của Ngài và học với Ngài thì tâm hồn người đó sẽ gặp được bình an.

B. Nảy mầm.

  1. Chúa Giêsu là một con người lạc quan. Mặc dù vừa thất bại ở các thành ven Biển Hồ, Ngài vẫn lên tiếng tạ ơn và chúc tụng Chúa Cha. Sở dĩ Ngài lạc quan vì Ngài thấy được kế hoạch của Chúa Cha.

Sau khi bị thất bại, tôi dễ chán nản muốn bỏ cuộc. Xin Chúa cho con lạc quan như Chúa, để luôn tin tưởng vào thành công cuối cùng của việc loan Tin Mừng. Xin cho con lạc quan đến nỗi vẫn ca tụng tạ ơn Chúa vì những thất bại của con.

  1. Thiên Chúa giấu không cho những người khôn ngoan biết những mầu nhiệm của Ngài, mà lại mặc khải cho những người bé mọn biết những điều ấy. “Chúa hạ bệ những kẻ kiêu căng, Ngài nâng cao những người phận nhỏ”.

Dù con có biết được điều gì đi nữa, dù con có thành công bao nhiêu đi nữa, xin cho con luôn khiêm tốn, tự biết mình chỉ là kẻ bé mọn trước mặt Chúa.

  1. Được Thiên Chúa mặc khải cho biết về Ngài, đó là một đặc ân cao quý. Biết bao người thông thái nhưng không có đức tin. Còn con, từ hồi mới sinh ra đã được ơn đức tin. Con xin tạ ơn và chúc tụng Chúa.
  2. Niềm vui và sự phấn khởi là sợi chỉ xuyên suốt của toàn bộ Thánh Kinh. Thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu “Anh em hãy vui lên. Tôi xin nhắc lại, anh em hãy vui luôn”. Cho dù cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu có là trọng tâm của Kitô giáo, cho dù hy sinh có là con đường tu đức của các Kitô hữu, thì Tin Mừng vẫn là tên gọi của Đạo Chúa. Kitô giáo thiết yếu là một Tin Mừng để đón nhận, để sống và để loan báo. Mà nói đến Tin Mừng là nói đến hân hoan (Chờ đợi Chúa).
  3. Một hôm sói hỏi sóc :

– Vì đâu mà họ nhà sóc của mi luôn vui vẻ nhảy nhót còn bọn sói chúng ta luôn buồn rầu ?

– Ông buồn vì ông ác. Tính độc ác bóp nghẹt tim ông. Còn chúng tôi vui vẻ vì chúng tôi hiền lành và không làm điều ác cho một ai (Tolstoi kể).

  1. “Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11,26).

Lạy Chúa, Chúa đã đến và đã xin con tất cả, và con cũng đã hiến dâng cho Chúa tất cả : cặp mắt, đôi chân và đôi bàn tay. Vì con là phụ nữ, ưa ngắm nhìn mái tóc óng ả của con, ưa nhìn ngắm những ngón tay thon nuột xinh xắn của con. Thế mà giờ đây đầu con hầu như chẳng còn sợi tóc nào, cũng chẳng còn đâu những ngón tay hồng hồng xinh xinh nữa, chỉ còn lại vài que củi khô nhám nhúa… Thế nhưng, con không hề muốn nổi loạn, con lại muốn dâng lên Chúa lời tạ ơn… Bởi vì, đời con đã được quá ư đầy tràn đến diệu kỳ. Sống đắm mình trong tình yêu, cuộc đời con đã được Chúa lấp đầy chan chứa.

Lời nguyện cầu của chị Véroniquae đẹp quá. Cứ dạt dào, bay vút, hòa quyện với lời tạ ơn của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết khám phá nơi con những khả năng Cha ban, biết trân trọng những tặng vật Cha ký thác, và tận dụng những cơ hội Cha gởi trao. (Hosanna)

  1. “Hãy đến với Ta hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng” : Ôi một lời kêu gọi xuất phát từ một tấm lòng yêu thương bao la ! Chúa rất quan tâm lo lắng khi thấy tôi khổ đau và mệt mỏi. Ngài rất muốn nâng đỡ và xoa dịu tôi nên mới lên tiếng kêu mời tôi. Lẽ ra tôi phải tìm đến Ngài trước, thế mà Ngài lại kêu mời tôi trước.

Mà sở dĩ Ngài kêu mời tôi là vì rất nhiều lần khi gặp khốn khổ tôi đã không chạy đến với Ngài, tôi chạy đến với ai khác, tôi ngã lòng không muốn cầu nguyện nữa…

  1. “Ta hiền lành và khiêm tốn” : hẳn là 2 đức tính này quý giá đặc biệt lắm nên Chúa mới tự mô tả mình như thế.

Tôi có hiền lành không ? Tôi còn phải học gì thêm ở tính hiền lành của Chúa ?

Tôi có khiêm tốn không ? Tôi còn phải học gì thêm ở tính khiêm tốn của Chúa ?

  1. “Ách Ta êm ái” : Điều làm cho Luật của Chúa trở thành êm ái đó là tình yêu. Nếu tôi không yêu Chúa thì việc tôi giữ luật sẽ trở thành nặng nề. Nếu tôi không yêu thương anh chị em thì việc tôi sống chung với họ sẽ làm cho họ khổ sở. Xin giúp con ngày càng yêu thương nhiều hơn.
  2. Ở Á Đông, thương cho roi cho vọt. Nhưng câu nói này lại hoàn toàn vô nghĩa trong xã hội Mỹ. Mới đây một tòa án tại Dallas đã tuyên án phạt một ông bố 3 roi vì tội đánh con của mình. Vụ án trên là một minh họa cho vấn đề Luật và Tình thương. Một gia đình sung túc đến đâu mà trong đó không có tình thương thì cũng như một nghĩa địa. Một xã hội văn minh kỹ thuật đến đâu mà không có tình thương thì chỉ là một bãi sa mạc. (Theo “Chờ đợi Chúa”).
  3. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi. Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

Buồn và chán vì mọi người trong gia đình chẳng hiểu mình, tôi chạy đến những người bạn để mong trút hết bầu tâm sự. Nhưng đứa thì đi học, đứa đi làm, đứa đi chơi… Chiều muộn rồi, tôi chẳng biết đến với ai. Chạy lòng vòng ngoài phố càng khó chịu nặng nề thêm vì tiếng ồn, khói xe và bụi. Tới đường Tú Xương, bỗng nhiên tôi nghĩ đến nhà thờ Mai Khôi nhỏ bé, đơn sơ nhưng không khí yên tĩnh, thánh thiện. Tìm lấy một góc, tôi thầm kể cho Ngài tất cả. Tôi bỗng thấy nhẹ nhàng và bình an lạ lùng vì hình như có ai đó đã nghe tôi, hiểu tôi.

Kinh nghiệm này giúp tôi hiểu và cảm nghiệm sâu xa hơn Lời Chúa ngày hôm nay.

Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm được : chỉ nơi Ngài con mới kín múc được niềm vui và sự bình an đích thực. (Hosanna)

Ngày 7/10

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Lc 1,26-38

* Lịch Sử

Chuỗi Mân Côi, với hình thức ngày hôm nay, được các Cha Dòng Đa Minh và sau đó Dòng Tên truyền bá từ thế kỷ XV. Lễ Mân Côi không nhằm vào xâu chuỗi cho bằng hướng về Thánh Mẫu Mân Côi, đó là Đức Trinh nữ Maria.

Thánh Lễ được Đức Giáo Hoàng Piô V, xuất thân từ Dòng Đa Minh, lập ra vào năm 1572 để kỷ niệm chiến thắng của Hạm đội Công giáo trên dân Thổ Nhĩ Kỳ (Hồi giáo) ở Vịnh Lepanto ngày 7/10/1571.

Sau cuộc chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Peterwardein xứ Hungaria ngày 5/8/1716, theo yêu cầu của vua Charles VI, Đức Giáo Hoàng đã cho phép mừng lễ này trong toàn Hội Thánh (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh).

A. Hạt giống…

Thánh sử Luca trình bày Đức Maria trong hai bức tranh khác hẳn nhau :

  1. Maria tầm thường :

– Một thiếu nữ mang tên Maria, một tên bình dân nhiều người có. Trong Tân Ước có ít ra 4 phụ nữ mang tên này : Mẹ của Đức Giêsu, mẹ của Giacôbê và Giuse, Maria Mađalêna và Maria chị của Matta và Lazarô.

– Sinh sống tại Nazarét, một thị trấn hầu như vô danh nên Cựu Ước không lần nào nhắc tới.

  1. Maria cao sang :

– Thiên sứ gọi Maria bằng những tước hiệu cao sang : Đấng đầy ơn sủng, Thiên Chúa ở cùng, đẹp lòng Thiên Chúa.

– Con của Người là Cao cả, Con Đấng Tối Cao, Con Thiên Chúa, trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, triều đại Ngài sẽ vô cùng vô tận…

  1. Do đâu một thiếu nữ tầm thường bỗng trở nên cao sang như thế ?

Do sự khiêm tốn của Maria. Người đã thưa : “Tôi là nữ tì của Chúa. Xin cứ làm cho tôi như lời thiên sứ nói”. Nghĩa là Maria ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa “làm” mọi sự nơi Người, không cản trở, không đòi Thiên Chúa phải làm theo ý riêng Người.

Mà Thiên Chúa là Đấng toàn năng, “Đối với Ngài, không có gì là không thể làm được”.

B. Nảy mầm.

  1. Trong những người biết khiêm tốn để cho ơn Chúa hoạt động thì sẽ xảy ra những điều vĩ đại phi thường.
  2. “Thưa bà Maria, xin đừng sợ” : Ta đừng sợ những sứ mạng Chúa giao, miễn là ta chịu để cho quyền năng Chúa hoạt động nơi mình.
  3. Trong Thánh Kinh, câu “Đừng sợ” được nói 365 lần. Tức là đủ để nhắc chúng ta mỗi ngày trong suốt một năm.
  4. “Nếu bạn cậy vào sức riêng của mình thì chẳng lạ gì bạn sẽ sớm ngã lòng. Kẻ khiêm nhường thực thì không ngã lòng, kẻ ngã lòng không phải là người khiêm nhường thật bởi vì người ấy cậy dựa vào một cái gì đó ngoài Chúa” (J.N.D. “Scripture Truth”)
  5. Một hôm Satan đem bày bán những dụng cụ làm việc của hắn. Có rất nhiều món, được dán nhãn hiệu rõ ràng: nào là giận hờn, ganh ghét, dâm dục, nào là kiêu ngạo, nói dối, tham lam v.v. Và món nào cũng có ghi giá. Nhưng có một món được để riêng một bên, không dán nhãn nhưng giá lại cao nhất. Một người hỏi :

– Đó là cái gì mà cao giá dữ vậy ?

– Đó là sự ngã lòng.

– Tại sao nó cao giá thế ?

– Vì nó hữu hiệu hơn tất cả những dụng cụ khác : khi tôi không thể dùng những dụng cụ kia để đến gần người ta thì tôi dùng nó để xâm nhập tận cõi lòng người ta. Một khi tôi đã đặt nó vào lòng người ta rồi thì tôi có thể xúi người ta làm bất cứ điều gì tôi muốn. Mà đặt nó vào lòng ta rất dễ, bởi vì ít ai biết dụng cụ đó là của tôi”. (Gospel Herald)

  1. Về tiếng “xin vâng” của Đức Maria :

a/ Vì Thiên Chúa là chủ của vũ trụ và của lịch sử, nên mọi việc trên đời, không việc gì có thể đi ngoài ý Chúa và kế hoạch của Chúa mà êm xuôi được (“thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong” ; gương ngôn sứ Giôna). Cho nên biết “xin vâng” tức là biết lái con thuyền đời mình thuận theo dòng nước.

b/ Thực ra chữ “fiat” còn có thể dịch đúng hơn, là “Xin hãy thành sự nơi tôi”. Hiểu như vậy, phía chủ động là chính Thiên Chúa. Con người chỉ cần ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa hoạt động nơi mình. Nói cách khác, con người chỉ việc “buông theo ân sủng”.

  1. “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi”. (Lc 1,38)

Vào một ngày đẹp trời, các phóng viên thiên thần được diện kiến “người nữ có phúc hơn mọi người nữ” là Đức Maria. Các ngài đã làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng :

– Chào Bà. Bà đã từng làm người. Vậy, theo Bà, sứ mệnh của nhân loại là gì ?

– … Là sống cho Chúa.

– Người nữ “chân yếu tay mềm” phải làm gì để hoàn tất vai trò của mình trong gia đình, xã hội và Giáo hội ?

– … Hãy trung thành với ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa trao ban qua nữ tính của họ.

– Nhưng càng nhu mì, càng hiền dịu thì càng bị đối xử bất công. Làm sao tìm được sự bình đẳng mà không đánh mất nữ tính ?

– … Mỗi người có một bản sắc riêng. Hãy thể hiện trọn vẹn nét độc đáo ấy.

– Vậy sẽ không có sự bình đẳng tuyệt đối ?

– … Chỉ có sự bình đẳng hoàn hảo nhất, đó là sự bình đẳng trước mặt Thiên Chúa…

Và Đức Maria đã minh chứng điều này qua sự cộng tác của Mẹ vào công cuộc cứu chuộc của Đức Giêsu, với bí quyết rất nữ tính : “Xin vâng”.

Thông qua hai tiếng “Xin Vâng”, Mẹ như thầm nhắn nhủ : Hạnh phúc và sự bình đẳng của phận người tuỳ thuộc vào sự đáp trả của chúng ta trước tiếng gọi của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra và đáp trả lời mời gọi của Ngài trong từng giây của cuộc sống như Mẹ Maria (Hosanna).

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *