Xin Em Hãy Lần Chuỗi!
Lm. Giuse Nguyễn
“Ѕao em không lần chuỗi những lúc trời gió mưa, khi đêm về tăm tối, khi lá rung vừa trưa? Ѕao em không lần chuỗi khi trời mới rạng đông, khi sương mai ngọt bùi tỏa ngát trên ruộng đồng? Ѕao em không lần chuỗi mái tóc thề trắng vai, bâng khâng ngàу dong duỗi nhung nhớ bóng hình ai? Ѕao em không lần chuỗi khi lặng ngắm chiều buông, trong cô đơn ngậm ngùi lệ đắm cháу vào hồn?”
Tác giả Xuân Ly Băng đã trách các bạn trẻ, nhưng qua đó ông đã nhắn nhủ họ hãy lần chuỗi trong mọi biến cố của cuộc đời. Tại sao vậy?
Thưa vì Mẹ luôn hiện diện trong lòng Giáo hội từ buổi sơ khai cho đến ngày hôm nay và chắc chắn cho đến muôn đời vì Mẹ là Mẹ Đức Giêsu, đầu của Hội Thành. Trong những ngày sơ khai Hội Thánh còn rất nhiều khó khăn, nhưng có Mẹ ở đó để trở thành điểm tựa cho các Tông đồ: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu” Cv 1, 14. Có Mẹ là có tất cả, vì “Nhờ Mẹ đến với Chúa Giêsu”.
Biến cố truyền tin là biến cố thể hiện lòng trung thành và yêu thương của Thiên Chúa. Ngài không bỏ rơi nhưng luôn luôn mong muốn ban ơn cứu độ cho con người. Vì vậy chúng ta hãy để ý đến bối cảnh truyền tin.
Chắc chắn lúc đó nhân loại đang lần bước trong tối tăm vì họ đang bị bóng đêm của tội lỗi thống trị sau khi ông bà nguyên tổ sa ngã phạm tội. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã có, và biến cố truyền tin là biến cố quyết định cho chương trình tiếp theo của Thiên Chúa. Chính vì thế khi suy niệm về đoạn Tin mừng này, nhà thơ Xuân Diệu đã phải rùng mình thốt lên: “Maria, linh hồn tôi ớn lạnh! run như run thần tử thấy long nhang, run như run hơi thở chạm tơ vàng”. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đang phải đợi chờ, lệ thuộc bởi một cô gái quê mùa mang tên Maria.
Thế nhưng chính cô gái quê mùa đó đã làm cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được thể hiện qua tiếng “Xin Vâng” của cô. Vì nhờ tiếng Xin Vâng mà “Ngôi Lời đã trở thành người phàm và ở giữa chúng ta”, mới thực thi Lòng Thương Xót là chính ơn cứu độ cho chúng ta. Tiếng Xin Vâng không chỉ để cưu mang Ngôi Lời nhập thể, mà còn tự nguyện trở thành dụng cụ để Chúa muốn thực hiện những gì Ngài muốn. Hay nói cách khác xin vâng là chết đi cho ý riêng mình để sống theo ý của Chúa.
Hiểu được như vậy để chúng ta thấy Đức Maria có một vị thế rất quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đến nỗi chúng ta có thể nói rằng: Vì Chúa muốn nên Mẹ muốn; nên nếu Mẹ muốn Chúa sẽ muốn.
Vì thế siêng năng lần chuỗi Mân Côi là để tái hiện lại lịch sử cứu độ nơi chính cuộc đời chúng ta, vì chuỗi Mân Côi là bản tóm lược Tin Mừng. Khi suy niệm các mầu nhiệm Vui-Thương-Mừng-Sáng là chúng ta đang cùng với Mẹ bước đi trong hành trình dương thế của Đức Giêsu, hành trình mang lại ơn cứu độ cho nhân loại chúng ta.
Trong kinh Mân Côi chúng ta đọc nhiều lần Kinh Lạy Cha là lời kinh đẹp nhất mà chính Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ của Ngài và chắc chắn Ngài cũng muốn chúng ta đọc lời kinh ấy vì nó gói gọn tâm tình của người con thảo với Cha trên trời.
Trong kinh Mân Côi chúng ta đọc phần đầu của kinh Kính Mừng là lời chào của thiên thần Gabriel, sức mạnh của Thiên Chúa: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ”. Nhắc lại lời chào thường xuyên của sứ thần để nhận được niềm vui trong cuộc đời như Mẹ Maria đã đón nhận niềm vui ơn cứu độ.
Phần sau của kinh Kính Mừng là lời cầu nguyện của Hội Thánh cho mọi con cái của mình, dù họ có đọc hay không đọc, thì lời cầu nguyện đó vẫn hướng đến họ: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử”. Nó chính là tâm tình của Đức Giêsu với Chúa Cha dành cho các môn đệ của Ngài, không muốn bất cứ một ai phải hư mất. Nhiều người bỏ Chúa, không còn nhớ bất cứ lời kinh nào trong đạo, chỉ nhớ mỗi câu cuối của kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử” và quả thật họ đã được Đức Mẹ cứu trong giờ lâm tử để được ơn ăn năn trở lại.
Trong kinh Mân Côi, chúng ta đọc kinh Sáng Danh để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời ta.
Trong kinh Mân Côi, chúng ta cầu nguyện cho các Linh hồn: “Xin đem các Linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những Linh hồn cần nhờ Chúa thương xót hơn”, hoặc: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các Linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi”, chắc chắn trong đó có Linh hồn những người thân của chúng ta.
Như vậy cơ cấu của lời kinh Mân Côi thật tuyệt diệu để chúng ta đọc và mang lại lợi ích thiêng liêng cho bản thân và cho Giáo hôi. Điều quan trọng là khi đọc kinh Mân Côi chúng ta đang để Chúa can thiệp vào lịch sử cuộc đời chúng ta, dù đó là một cuộc đời xấu xa, tội lỗi, chỉ vì lời chuyển cầu của Đức Mẹ.
Chính vì thế thay vì trách “Sao em không lần chuỗi?” chúng ta hãy khuyến khích nhau, nhất là những người trẻ: “Xin em hãy lần chuỗi!”
Đức Mẹ đã hứa: “Chưa từng nghe nói có người nào chạy đến cùng Mẹ xin bào chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời.” Vậy chúng ta hãy chạy đến với Mẹ, dâng cho Mẹ thế giới đang trong cơn dịch bệnh; Giáo hội đang đương đầu với tình trạng sụt giảm đức tin; gia đình với những khó khăn trong đời sống vợ chồng, trong kinh tế, trong việc giáo dục con cái; Giáo phận, Giáo xứ với những thao thức về đời sống đức tin cho những Kitô hữu, nhất là Kitô hữu trẻ; và dâng lên Mẹ những tâm sự riêng của từng người… Tất cả những tâm tình đó nếu được dệt kết trong lời Kinh Mân Côi, thì chắc chắn Đức Mẹ sẽ nhậm lời và cứu chúng ta khỏi giờ lâm tử.
Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.