THÁNH LỄ AN TÁNG CHA CỐ GIUSE ĐỖ KIM SƠN
Sáng nay Thứ Tư 9/12/2020, lúc 9g sáng, Thánh Lễ An Táng Cha Cố Giuse Đỗ Kim Sơn đã được cử hành long trọng và sốt sắng do Đức cha Stephanô chủ tế. Hiện diện trong thánh lễ đồng tế còn có cha Ignatio Hồ Văn Xuân Tổng Đại Diện GP SàiGòn, và trên 90 cha đồng tế trong đó có một số là linh tông, huyết tộc ngoài GPCT. Ngoài ra còn có đông đảo tu sĩ, tu sinh và bà con giáo dân thân thuộc hoặc từ những giáo xứ cha cố đã từng phụ trách. Nguyện xin Chúa ban thưởng hạnh phúc Nước Trời cho Cha Cố Giuse, người tôi tớ trung thành của Chúa.
BBT/WGPCT
BÀI ĐỌC I: Is 40, 1-5. 9-11
Bài trích sách Tiên tri Isaia.
Chúa ngươi phán: Hỡi dân Ta, hãy an tâm, hãy an tâm! Hãy nói với Giêrusalem, và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa đã ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi. Và có tiếng kêu trong hoang địa rằng: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa chúng ta trong hoang địa cho ngay thẳng. Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và vinh hiển Chúa sẽ xuất hiện, mọi người sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa, vì Ngài đã phán. Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Sion, hãy trèo lên núi cao. Hỡi ngươi là kẻ đưa tin mừng cho Giêrusalem, hãy mạnh dạn cất tiếng. Hãy cất tiếng cao, đừng sợ! Hãy nói cho các dân thành thuộc chi họ Giuđa rằng: Đây Thiên Chúa các ngươi, đây Chúa là Thiên Chúa các ngươi sẽ đến trong quyền lực; cánh tay Người sẽ thống trị. Người mang theo những phần thưởng chiến thắng và đưa đi trước những chiến lợi phẩm. Người chăn dắt đoàn chiên Người như mục tử. Người ẵm chiên con trên cánh tay, ôm ấp chúng vào lòng, và nhẹ tay dẫn dắt những chiên mẹ.
Đó là lời Chúa.
BÀI ĐỌC II: 1 Tx 5, 16-24
Bài trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.
Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng luôn. Hãy cầu nguyện không ngừng. Trong mọi việc, hãy cảm tạ Chúa. Vì đó là thánh ý Thiên Chúa về tất cả anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Đừng dập tắt Thánh Thần; đừng khinh khi các lời tiên tri, nhưng hãy nghiệm xét mọi sự, điều gì tốt hãy giữ lại. Hãy tránh xa sự dữ dưới mọi hình thức. Xin chính Thiên Chúa bình an thánh hoá anh em toàn diện, để thần trí, linh hồn và thể xác anh em được gìn giữ toàn vẹn trong ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta ngự đến. Đấng đã kêu gọi anh em, chính Người là Đấng Trung Tín. Chính Người sẽ thực hiện.
Đó là lời Chúa.
PHÚC ÂM: Mc 13, 33-37
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Điều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”
Đó là lời Chúa.
Bài Giảng Lễ An Táng Cha Cố Giuse Đỗ Kim Sơn
Lm Pet Vũ Văn Hài
Ít tháng trước khi qua đời, cha Anthony de Mello – một linh mục Dòng Tên nổi tiếng người Ấn Độ – đã nói với bạn bè và môn sinh như sau : “Khi tôi qua đời, xin đừng ai đặt trên mộ tôi những vòng hoa, vì tôi không còn nhìn thấy vẻ đẹp của chúng cũng như ngửi thấy mùi thơm của chúng. Xin đừng đọc những bài điếu văn cũng như tấu những bài ca bi ai trước phần mộ của tôi, vì tôi không còn nghe thấy chúng. Xin đừng khen tôi vì như thế tôi sẽ mắc nợ các bạn lời khen, cũng đừng chê tôi vì như thế ngược lại các bạn sẽ mắc nợ tôi lời chê bai. Nhưng tốt nhất, hãy cầu nguyện cho tôi để tôi cũng có thể tiếp tục cầu nguyện cho các bạn”. Vâng, điều tốt nhất mà cha Anthony de Mello mong ước, chắc hẳn cũng là điều mà Cha Cố Giuse đang mong chờ, và đó cũng là điều mà cộng đoàn phụng vụ chúng ta giờ đây đang thực hiện, đó là cầu nguyện cho cha Cố Giuse sớm được Chúa ân thưởng hạnh phúc Nước Trời, sau 83 năm cuộc đời và 55 năm trong thiên chức Linh mục.
Nhìn vào cuộc đời và sự ra đi của Cha Cố Giuse, tôi chợt nghĩ cuộc đời mỗi người tựa như là một “mùa vọng” mong chờ ngày Chúa đến, và lần Người đến gõ cửa cuộc đời chúng ta cách dứt khoát, ngày mà chúng ta gặp được Người cách trọn vẹn, diện đối diện, chính là ngày chúng ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời tạm này. Một cách đặc biệt với các linh mục, thì khi bước vào tuổi nghỉ hưu là bước vào một “mùa vọng đặc biệt”, và nói theo cha Cố Phanxicô Xavier Đinh Trọng Tự, là khi bước chân vào nhà Hưu là bước gần tới cửa Thiên đàng rồi! Và như vậy, cha Cố Giuse của chúng ta đây đã có tới 10 năm sống trong “mùa vọng đặc biệt” của chính mình bên cạnh Đức Mẹ Rạch Súc, để chuẩn bị cho ngày hôm nay, ngài được gọi trở về Nhà Cha gặp gỡ Đấng mà ngài vẫn một lòng kính yêu và phụng sự!
Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ phát hiện ra điều đặc biệt của phần Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ an táng Cha Cố Giuse hôm nay, đó là các bài đọc Sách Thánh được chọn lựa trong 3 Chúa Nhật đầu Mùa Vọng. Để giờ đây, xin được phép gợi lên một vài suy nghĩ đơn sơ dựa vào ánh sáng Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe và qua cuộc đời linh mục của Cha Cố Giuse.
- Trước hết là bài đọc I, chính là bài đọc thứ I của Chúa Nhật II Mùa Vọng, trích sách Tiên tri Isaia, kêu gọi chúng ta : “Hãy dọn đường” để Chúa đến.
Người linh mục được ví như “người phu quét là bên đường”, để Chúa đến với mọi người, để mọi người đến với Chúa và qua đó mọi người đến được với nhau. Muốn là người dọn đường đúng đắn như Chúa mời gọi, người linh mục cần phải có những đặc tính của một người phu quét đường đích thực, nghĩa là : làm việc âm thầm, chấp nhận hy sinh quên mình, kiên trì chu toàn trách nhiệm và chỉ vui mừng khi thấy tha nhân hạnh phúc.
Có thể nói Cha Cố Giuse cũng là một người “dọn đường” : là phó xứ Đại Hải 1 năm, cha sở Trung Hải 9 năm, cha sở Rạch Súc 19 năm, kiêm nhiệm thêm giáo xứ An Hội 6 năm, và cuối cùng là cha sở Trường Thành 16 năm. Trong 45 năm miệt mài phục vụ ấy, Cha Cố Giuse như “người phu quét lá bên đường”… lặng lẽ, âm thầm dọn dẹp những con đường nối kết trời vời đất và nối kết người với nhau. Như người dọn đường cũng lắm lúc mỏi gối chồn chân, đến khi nghỉ hưu tại gia, ngài không còn dọn đường mở lối nơi các giáo xứ, nhưng vẫn ngày ngày cầm chổi quét lá trong sân trước Đài Đức Mẹ… và như thế, đến hôm nay, có thể nói, Cha Cố đã dọn đến cuối con đường, và sự ra đi của Cha Cố lại trở thành một hành vi “dọn đường” thật tế nhị để sự cảm thông, sự hiệp nhất trong cầu nguyện và yêu thương được đơm bông kết hạt!
- Kế đến là bài đọc II được chọn cũng là bài đọc II của Chúa Nhật III Mùa Vọng, trích thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Thêxalônica, trong đó, thánh tông đồ kêu gọi chúng ta : “Hãy vui mừng luôn”. Điều này nghĩa là, để có thể đón Chúa đến, người Kitô hữu không thể mang bộ mặt rầu rĩ, buồn bã, bi quan, chán nản… trái lại phải là nét mặt của “niềm vui hân hoan” vì “Chúa Kitô đang sống”, đang ở cùng chúng ta.
Linh mục là người loan báo niềm vui. Cho nên, hơn ai hết, cuộc đời linh mục phải thực sự đem lại niềm vui cho tha nhân, xuyên qua những cảm nghiệm và thể hiện niềm vui tràn trề nơi chính đời sống và sứ vụ của mình. Trong Tông huấn “Niềm vui của Tin Mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô đã quả quyết rằng : diễn tả niềm vui là một trong những điều kiện căn bản để sứ vụ loan báo Tin Mừng đem lại những hiệu quả thiết thực.
Cha Cố Giuse cũng đã từng đem lại những nụ cười cho nhiều người trong từng vùng đất mà ngài đặt chân đến, điển hình như tại Rạch Súc : biết bao nhiêu người được ngài giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất, biết bao nhiêu trẻ em được tiếp tục đến trường nhờ những học bổng qua đôi tay của ngài, rồi cũng chính ngài là người đầu tiên khơi lên lòng sùng kính Đức Mẹ trong thời buổi khó khăn nhất, và nhờ đó, cho đến hôm nay, niềm vui đến với biết bao gia đình nhờ những ơn lành Chúa ban, qua bàn tay từ mẫu của Mẹ Maria Rạch Súc!
- Cuối cùng, Bài Tin Mừng được chọn để công bố trong Thánh lễ này là bài Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng, mà điểm nhấn chính là lời mời gọi tha thiết của Chúa Giêsu : “Hãy tỉnh thức!”.
Tỉnh thức là gắn bó với Chúa, là kết hiệp mật thiết với Người trong các bí tích, các giờ kinh nguyện, nhất là trong Thánh lễ. Tỉnh thức là loại trừ khỏi tâm hồn chúng ta sự oán hận, tranh giành, bon chen, chèn ép, trù dập nhau… Tỉnh thức là nhận ra, là bén nhạy trước những dấu chỉ của thời đại, đọc được nó dưới ánh sáng của Tin Mừng. Và cuối cùng, tỉnh thức là không vô cảm trước những mảnh đời thống khổ của anh em đồng loại.
Cha Cố Giuse đã có tới 10 năm để chuẩn bị cho biến cố cực kỳ quan trọng của một đời người. Và thời gian dài ấy đã không làm ngài lơ là, xao nhãng, mà trái lại còn khiến ngài thêm thức tỉnh. Điều này thể hiện qua việc sẵn sàng ngồi toà giải tội cho mọi người, nhất là quý cha và quý tu sĩ, qua những cố gắng dâng Lễ mỗi ngày, qua những lời khuyên nhuần nhuyễn như là thuộc lòng khi Hội đồng mục vụ Giáo xứ chúc Tết : “Anh chị em hãy yêu thương nhau, hiệp nhất với nhau, vâng nghe lời cha sở để xây dựng Họ đạo…”, qua những ghi chép tỉ mỉ trong Sổ lễ, sổ tay và qua sự chuẩn bị có thể nói là khá chu đáo cho hậu sự của chính mình – cả về vấn đề tài chính… Một cách đặc biệt, ai đến kính viếng Đức Mẹ cũng có thể thấy hình ảnh cụ già dẫu sức khoẻ đã hao mòn, mắt đã mờ, chân đã yếu, tai đã lãng… nhưng sáng – trưa – chiều – tối vẫn không ngừng cầu nguyện trước Đức Mẹ Rạch Súc với tràng Chuỗi Mân Côi không bao giờ rời tay!
Vì tất cả những điều đó, vào giờ phút đặc biệt này, tôi chợt nghĩ rằng, Cha Cố Giuse có thể đang ngỏ lời với chúng ta như thánh Phaolô đã nói với môn đệ Timôthê : “Đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã chiến đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính” (2Tm 4,6-8). Và phần mình, chúng ta hãy cầu nguyện cho Cha Cố Giuse bằng những tâm tình sau đây : Lạy Chúa, Chúa đã thử thách Cha Cố Giuse như thử vàng trong lửa… xin hãy đón nhận ngài như của lễ toàn thiêu (x. Kn 3,1.5.6). Amen!