Corbis via Getty Images
CUỘC HÀNH HƯƠNG QUỐC TẾ 13.10.2021 MỪNG KÍNH 104 NĂM ĐỨC MẸ FATIMA HIỆN RA LẦN CUỐI VỚI “PHÉP LẠ MẶT TRỜI QUAY”
Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu
Bản tin từ Fatima
WHĐ (15.10.2021) – Cuộc Hành hương Quốc tế hằng năm vào Tháng 10, nhắc nhớ “Phép Lạ Mặt Trời quay” vào ngày 13.10.1917, cách đây 104 năm, là cuộc hành hương quốc tế lớn cuối cùng trong năm hành hương và cũng là lần đầu tiên từ sau gần hai năm ảnh hưởng đại dịch có sự tham gia đông đảo của 48 nhóm từ 15 quốc gia khác nhau cùng tụ họp về quảng trường rộng lớn của Trung Tâm Thánh Mẫu Fátima, với muôn mầu muôn sắc “thuộc đủ mọi ngôn ngữ và dân tộc khác nhau”, cảnh tượng đã lâu không được nhìn thấy tại quảng trường này. Hơn nữa, đây còn là cuộc hành hương đầu tiên không hạn chế khách hành hương tham dự kể từ cuộc phong tỏa đại dịch Covid-19 từ tháng 5 năm ngoái trên toàn nước Bồ Đào Nha… Nên số tham dự lên tới hai ba chục ngàn khách hành hương.
Theo thông báo của Đền Thánh Fatima vào đầu Thánh Lễ quốc tế, đã có 48 nhóm tham gia vào các buổi lễ, 19 nhóm là người bản xứ Bồ Đào Nha, đến từ các giáo phận Algarve, Aveiro, Beja, Bragança-Miranda, Coimbra, Évora, Lamego, Lisbon, Portalegre-Castelo Branco, Porto, Setúbal và Vila Real…
Các nhóm khác còn lại đến từ nước ngoài, đặc biệt là Ý với tám nhóm, Pháp với năm nhóm và Tây Ban Nha với ba nhóm. Đức, Bỉ, El Salvador, Slovakia, Ireland, Ba Lan, Vương quốc Anh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Thụy Sĩ là những quốc gia khác có các nhóm được tổ chức tham dự hôm qua và thứ Tư 13.10 hôm nay tại Fátima, cũng có một nhóm người Phi Luật Tân cư trú tại Hà Lan. Đặc biệt cũng có một phái đoàn nhỏ Việt Nam cư ngụ tại Fatima. Mấy ngày trước, cũng có đoàn hành hương giáo dân Việt Nam đến từ thủ đô Berlin do một linh mục dòng Mẹ Cứu Chuộc, cha Gioan Hiền Đức đang du học tại Roma và sr. Thủy, cộng tác viên của Đài Phát Thanh Vatican tiếng Việt tại giáo đô đã có mặt tham dự.
Sáng nay 13.10.2021, theo truyền thống vào lúc chín giờ sáng, cuộc hành hương đã được chính thức khai mào bởi giờ suy niệm Lần Hạt Mân Côi Năm Sự Mừng, được đọc bởi nhiều ngôn ngữ chính như Bồ, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Đức, Pháp và Ba Lan.
Đúng 10 giờ sáng, dưới bầu trời trong xanh không một gợn mây, tiết thu thật ấm áp và không khí trong lành… cuộc cung nghinh thánh tượng Mẹ Fatima với triều thiên Nữ Vương gắn hàng ngàn ngọc bảo và kim cương, và quý giá nhất là viên đạn ám sát Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô đệ nhị bị ám sát vào ngày 13.05.1981 tại quảng trường Thánh Phêrô tại Rôma… Triều thiên quý giá này chỉ được gắn trên thánh tượng Mẹ Fatima và cung nghinh vào ngày 13 mỗi tháng…
Từ các bài đọc phụng vụ hôm nay, lễ kỷ niệm ngày cung hiến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi Fatima, trong bài giảng sau Phúc Âm, Đức Hồng Y D. Sergio da Rocha – Tổng Giám Mục São Salvador da Bahia, Brazil – đã nhắc lại tầm quan trọng của đền thờ như một không gian và nơi cầu nguyện, nhưng đồng thời cũng là sự dấn thân của người Kitô hữu trong cộng đồng xã hội. Đức Hồng y đã mời gọi những người hành hương Fatima (và các khán thính giả đang tham dự trực tuyến qua các phương tiện truyền thông xã hội) biết tôn trọng và chăm sóc sự sống và phẩm giá con người, với một thái độ tương xứng.
Ngài nói: “Chúng ta là Giáo hội sống động, là đền thánh sống động của Thiên Chúa (…) Sự sống và phẩm giá của mỗi người cần được công nhận, bảo vệ và thăng tiến, bởi những người cầu nguyện trong đền thờ và bởi những người tạo nên đền thờ sống động của Chúa, không loại trừ ai trong tình yêu huynh đệ của chúng ta… Trong chuyến Hành hương này, chúng ta hân hoan kỷ niệm ngày Cung hiến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi, với lời ngợi khen Thiên Chúa vì ngôi đền thờ thân yêu này đã là nguồn ân sủng cho những người hành hương trên khắp thế giới.”
Đức Hồng Y D. Sergio da Rocha – Tổng Giám Mục São Salvador da Bahia, Brazil
Ngài nhấn mạnh rằng: “Sự tôn trọng và nhiệt thành sâu sắc đối với ngôi đền được xây bằng đá phải đi đôi với thái độ xứng hợp của mỗi người và mỗi cộng đồng giáo hội, nơi Thiên Chúa đã chọn làm nơi cư ngụ của mình”.
Ngài diễn tả tiếp: “Chúng ta, những người hướng về Mẹ (Đức Mẹ) không thể thờ ơ trước những đau khổ của người khác, đặc biệt là những người láng giềng khốn khổ nhất và mong manh nhất, những người đang chờ đợi lời cầu nguyện, sự hiện diện thân thiện và tình đoàn kết của chúng ta”.
Vì vậy, Ngài đã thách thức đoàn hành hương: “Hãy cầu nguyện cho những người đau khổ nhất. Cố gắng yêu thương và phục vụ những người đau khổ, như Đức Mẹ đã làm, trông cậy vào sự che chở của Mẹ ”.
“Tôi đến với ngôi đền thân yêu này với tư cách là một người hành hương giữa những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới và với tư cách là một người hành hương từ một quốc gia có liên hệ với Bồ Đào Nha không chỉ bởi mối quan hệ lịch sử và văn hóa, mà trên tất cả là mối quan hệ của đức tin và lòng sùng kính đối với Đức Mẹ Fatima, được người dân Brazil vô cùng tôn kính, cũng như ở rất nhiều quốc gia khác”, Ngài nói.
“Chúng tôi hiến dâng lời cầu nguyện của mọi người lên bàn thờ của Chúa, cầu nguyện cho những người chịu hậu quả nặng nề nhất của đại dịch, người bệnh, người nghèo, tang quyến và tất cả những người mong manh yếu đuối hơn“.
Vị Tổng giám mục người Brazil, người đến từ một đất nước vẫn còn bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch, đã tuyên dương hành động của các chuyên gia y tế “và những ai đang tận tâm với việc tiêm chủng mang lại hy vọng… Chúng tôi hết lời ca ngợi Chúa và biết ơn những bước đã được thực hiện để vượt qua đại dịch, nhưng chúng tôi cần tiếp tục chăm sóc cuộc sống và sức khỏe một cách có trách nhiệm.”
Trong bài giảng tại Thánh lễ Quốc tế, đồng tế bởi Đức Hồng y António Marto, Giám mục Giáo phận Leiria-Fátima, và 15 giám mục khác với khoảng 200 linh mục, Đức Tổng Giám mục của São Salvador da Bahia, Brazil, đã nêu bật “sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng Phanxicô ” và mời gọi cầu nguyện cho công việc của Thượng Hội Đồng vừa mới khai mạc vào Thánh Lễ Chúa Nhật 10.10 tại đền thánh Phêrô tại Roma:
“Đây là một dịp đặc biệt để chúng ta trưởng thành trong kinh nghiệm tham gia, hiệp thông vào sứ mệnh của Giáo Hội. Hãy nhiệt tình tham gia ngày càng nhiều và giúp đỡ anh em chúng ta tham gia vào Hội Thánh; chúng ta hãy cố gắng bước đi tay trong tay hơn nữa và sẵn sàng đảm nhận sứ mệnh truyền bá Phúc Âm hóa của Giáo hội trong thế giới ngày nay, giữa rất nhiều thử thách mục vụ.”
Kết thúc Thánh lễ tại Fatima với Phép Lành Thánh Thể… Toàn thể đoàn hành hương cùng tôn thờ Thánh Thể Chúa đang hiện diện trên bàn thờ của lễ đài chính.
Trong lời cầu nguyện cho các bệnh nhân vào giờ chầu Thánh Thể, Sơ Sandra Bartolomeu đã bảo đảm sự hiện diện của Thiên Chúa trong đau khổ và khuyên người bệnh sống trong niềm tin chắc chắn này.
“Anh trai của tôi, em gái của tôi đang bị bệnh, (…) hãy để thung lũng đau khổ của bạn trở thành một ốc đảo, bởi vì Chúa của chúng ta – người mà những trẻ chăn cừu nhỏ đã được phúc nhìn thấy nhãn tiền trong phép lạ mặt trời quay, đã xẩy ở đây ở Cova da Iria vào năm 1917 – Ngài đang hiện diện ngày hôm nay, hiện diện đích thực trong Bí tích Thánh Thể, mà Thánh Phanxicô và Giaxinta thích gọi là “Chúa Giêsu Ẩn”, và Người hiện diện trong bạn, trong đền thờ của thân thể yếu đuối và đau nhức của bạn, tận trong nơi tôn nghiêm của trái tim bạn; tháng 10 năm 1917, hôm nay Người đang tràn đổ phước lành của Ngài, đầy ân điển và lòng thương xót trên toàn thế giới, trên mọi người nam và người nữ. ”
Sơ Sandra Bartolomeu còn trình bày tình yêu của Thiên Chúa như một “món quà nhưng không và vô điều kiện”, mà “chỉ yêu cầu một sự đáp trả: sự tin cậy phó thác tự do và hoàn toàn từ bỏ những gì chúng ta đang có trong tay Thiên Chúa” và mời gọi những người bệnh hãy dâng mọi thử thách của họ lên Thiên Chúa.
“Nếu bạn cảm thấy rất khốn quẫn, hãy dâng sự hư vô của bạn cho Thiên Chúa. Ngài sẽ biến sự nghèo khó và nỗi đau buồn của bạn trở thành nơi ở của Ngài và trở thành công cụ cứu rỗi của Ngài cho toàn thể nhân loại.”
Kết thúc là nghi thức “tạm biệt” Mẹ Fatima của đoàn con hành hương: Từng vạn tấm khăn vẫy chào tạm biệt Mẹ Fatima, cả quảng trường vang dội khúc ca tạm biệt đã thuộc nằm lòng của tất cả con cái Mẹ… Chào tạm biệt Mẹ và hẹn gặp lại Mẹ vào cuộc hành hương tiếp theo.
“Chứng từ đức tin của anh chị em mang lại cho tôi niềm vui và sự an ủi lớn lao”
Vào cuối đại lễ, trong lời chào từ biệt thông thường, Đức Hồng Y D. António Marto, Giám mục giáo phận nhà Leira-Fatima nhắc lại những lời hứa ngài đã thưa với Đức Mẹ, nhân dịp cuộc hành hương ngày 13 tháng 5 năm 2020 (vào thời điểm ấy, do những hạn chế của đại dịch, Đền thánh Fatima không có khách hành hương đến hành hương), rằng Ngài tin tưởng chắc chắn rằng khách hành hương sẽ trở lại kính viếng Mẹ:
“Hôm nay, tôi phải nói rằng, các bạn, những người hành hương thân mến, đã đáp lại lời kêu gọi một cách đáng khâm phục ngưỡng mộ. Trên tất cả, tôi cảm ơn bạn đã làm chứng cho đức tin. Các bạn đã đến rất đông đảo, giống như những đứa trẻ muốn cảm nhận lại sự dịu dàng và an ủi, bên cạnh lòng Mẹ và trái tim dịu dàng và mẫu tử của Mẹ. Chứng tá đức tin của các bạn mang lại cho tôi niềm vui và sự an ủi lớn lao”, Ngài nói với lòng biết ơn.
Vị giám mục cảm ơn những người hành hương đã đến Thánh địa, trong thời gian đại dịch, vì tấm gương của họ trong việc tuân thủ các quy tắc vệ sinh bắt buộc, coi đó là hành vi gương mẫu cho toàn thể đất nước.
Ngài cảm ơn sự hiện diện của vị chủ sự lễ kỷ niệm, Hồng y D. Sergio da Rocha, và nhắc lại sự hợp nhất lịch sử và đức tin giữa người dân Bồ Đào Nha và Brazil, và Ngài đã gửi lời chào đặc biệt đến dân tộc này.
Như thường lệ, các trẻ em không bị lãng quên trong bài phát biểu cuối cùng của Đức Hồng Y D. António Marto, Ngài đã gửi lời chào trìu mến đến tất cả các em. Đức Giám mục Leiria-Fátima cũng nhắn nhủ những người bệnh, những người mà ngài gửi gắm tình cảm của mình, với hy vọng rằng, ngay khi có điều kiện, họ có thể trở lại vị trí của mình trong hàng lang tiền đường Vương Cung Thánh Đường thường dành cho họ.
Vị hồng y người Bồ Đào Nha cũng nhắc đến Đức Thánh Cha Phanxicô và sự hiệp thông cầu nguyện và ban phúc lành mà Đức Thánh Cha đã để ý nhắc đến biến cố Fatima, trong buổi tiếp kiến thứ tư hàng tuần hôm nay 13.10 tại Vatican.
Hôm nay tại Vatican, Đức Giáo Hoàng đã gợi lại sự kiện Đức Mẹ Hiện ra lần thứ sáu với các trẻ chăn cừu ở Cova da Iria, thuộc Fatima, mời gọi người Công giáo đọc kinh Mân Côi hàng ngày.
“Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, người mà chúng ta kính nhớ ngày nay từ những lần hiện ra tại Fatima, hướng dẫn chúng ta trên con đường liên tục hoán cải và sám hối để gặp gỡ Chúa Kitô, mặt trời công lý. Cầu mong ánh sáng của Mẹ giải thoát chúng ta khỏi mọi điều ác và xua tan bóng tối của thế giới này. Tôi phó thác tất cả các bạn cho Mẹ Thiên Chúa trên trời, để Mẹ có thể đồng hành với bạn với tình mẫu tử trong hành hương của bạn và được an ủi trong những thử thách của cuộc sống.”
Khi chào hỏi những người hành hương nói tiếng Bồ Đào Nha, Đức Giáo Hoàng mời gọi họ củng cố “tình cảm và sống với Giáo Hội, kiên trì trong việc lần hạt Mân Côi hàng ngày”.
“Bằng cách này, bạn sẽ có thể gặp gỡ hàng ngày với Đức Mẹ Đồng trinh, học hỏi với Mẹ để hợp tác hoàn toàn với các kế hoạch cứu rỗi mà Thiên Chúa dành cho mỗi người trong các bạn. Cầu xin Chúa phù hộ cho bạn và những người thân yêu của bạn ”.
Trước khi chào những người hành hương bằng các ngôn ngữ khác nhau, Đức Hồng Y D. António Marto đã cảm ơn Vệ binh Cộng hòa Quốc gia, không chỉ vì đại lễ kỷ niệm hành hương được tổ chức hôm nay, mà còn vì dịch vụ mà Vệ binh đã cung cấp tại Thánh địa trong thời gian đại dịch, giúp đảm bảo rằng tất cả đều được hoàn thành các quy tắc được thiết lập.
Tại Fatima “chúng tôi đã tìm thấy sức mạnh để vượt qua những thất bại và đau khổ”, Đức Hồng Y Sergio da Rocha nói.
Trước đó, trong đêm canh thức 12.10: quảng trường lại tràn ngập hàng vạn ngọn nến lung linh, thắp sáng đêm thánh, đêm an lành, đêm thanh bình… Mỗi lần hát “Lumen Christi” (Ánh sáng Chúa Kitô) hay bài ca Avê Avê Maria của Fatima là hàng vạn ánh nến dâng cao, biểu hiện lòng tin, lòng mến với Mẹ trên trời…
Cuộc hành hương quốc tế mừng kính 104 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima với “Phép Lạ Mặt Trời Quay” đã được khai mạc với giờ suy niệm và lần hạt Mân Côi Năm Sự Thương… với các ngôn ngữ chính theo thông lệ.
Sau khi nghe các bài đọc trong đêm canh thức, ĐHY chủ tế D. Sergio da Rocha diễn giảng về hy vọng và tình yêu, nhấn mạnh rằng chính trong trường học của Đức Maria, các Kitô hữu phải học cách sống vì nhau.
“Tại Fatima, nhờ sự chuyển cầu của mẹ, lời cầu nguyện của chúng ta đến được với Chúa Giêsu. Qua gương của Mẹ, chúng tôi học cách noi theo Chúa Giê-su,” Ngài nói.
“Ở đây chúng tôi đang làm lại trải nghiệm của Những Người Chăn Bé Nhỏ ở Fátima; để cùng Mẹ tiến về phía Đức Mẹ và nhờ Mẹ mà đến được với Chúa Giêsu (…) Hôm nay chúng ta cũng tìm thấy ở đây sức mạnh để vượt qua những khó khăn và đau khổ ”.
“Một cuộc hành hương thực sự là tốt, nhưng nó cũng là một cam kết, một cơ hội để thực hiện các bước hoán cải và cuộc sống mới (…) Nó đòi hỏi phải có những bước đi trên đường, với tấm lòng hướng về Chúa và ánh mắt tin tưởng vào Đức Mẹ, quan tâm đến những người anh em cùng đi với chúng ta, đối với người hàng xóm của chúng ta, những người phải được nhìn nhận và yêu mến như một người anh em”, Đức Hồng Y nói.
Đức Hồng Y cũng cảnh báo: “Chúng ta được kêu gọi để cùng nhau bước đi, với Giáo hội và với tư cách là một Giáo hội. Tuy nhiên, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến những người không thể đi lại được vì họ bị suy nhược, đau đớn. Cần phải đặc biệt nhớ đến những con chiên bị thương và lang thang trong bầy, vì Chúa Giê-su muốn dẫn dắt và cứu tất cả chúng ”… “Trong thời gian thử thách này, chúng ta tự tin nhìn lên Đức Mẹ Fatima; chúng ta van nài sự chuyển cầu của Mẹ để cầu xin Chúa Giêsu cho chúng ta và cho những người đau khổ nhất, để đạt được sức mạnh tinh thần, hy vọng và bình an.”
Và, Ngài kết luận: “Ai sẵn lòng làm theo lời Chúa, tức là ai nói ‘vâng’ với Chúa, thì đừng sợ, nhưng hãy tin cậy và trung thành, với sự chắc chắn luôn trông cậy vào sự hiện diện yêu thương của Ngài và sức mạnh của Thánh Thần Ngài”.
Cuộc hành hương quốc tế 13.10.2021 mừng kính 104 năm Đức Mẹ Fatima hiện ra lần cuối với “Phép Lạ Mặt Trời Quay” đã được trực tiếp truyền hình và truyền thanh trên kênh 1 của RTP, TVI, TV và Rádio Canção Nova, Rádio renascença, Rádio Maria và trên www.fatima.pt, ngoài ra còn có một loạt kênh phát thanh và truyền hình quốc tế như Telepace ( Ý) hoặc EWTN.