Hôm 21 tháng Mười Hai năm 2021, Đức Hồng y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, đã mở cuộc họp báo để giới thiệu Sứ điệp của Đức Thánh cha Phanxicô, nhân ngày Hòa bình thế giới lần thứ 55, sẽ cử hành vào ngày 01 tháng Giêng tới đây, 2022, về đề tài: “Đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và lao động: những dụng cụ để xây dựng một nền hòa bình lâu dài”; đó cũng là ba con đường Đức Thánh cha đề nghị để xây dựng một nền hòa bình bền vững.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo, lúc 11 giờ 30, cũng có nữ tu Alessandra Smerilli, dòng Con Đức Bà Phù Hộ, Tổng thư ký lâm thời của Bộ và cha Fabio Baggio, dòng Scalabrini, Phó Tổng thư ký, đặc trách phân bộ di dân và tị nạn.
Trong lời dẫn nhập, Đức Thánh cha nhắc đến những thách đố to lớn thế giới ngày nay đang phải đương đầu. Ngài viết:
Thảm trạng thế giới
“Mặc dù có nhiều cố gắng nhắm đối thoại xây dựng giữa các quốc gia, những tiếng ồn chói tai của các cuộc chiến tranh và xung đột được khuếch đại, trong khi đó có những hậu quả ngày càng tệ hơn của sự thay đổi khí hậu và suy thoái môi trường, thảm trạng đói khát trở nên trầm trọng hơn, và kiểu mẫu kinh tế dựa trên chủ nghĩa cá nhân, tiếp tục thống trị thay vì sự chia sẻ liên đới. Giống như thời các ngôn sứ xưa kia, ngày nay tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất không ngừng vang lên để khẩn xin công lý và hòa bình”.
Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh cha đề nghị “ba con đường để kiến tạo hòa bình lâu dài, trước tiên là đối thoại giữa các thế hệ, như nền tảng để thực thi những dự án chung. Tiếp đến là giáo dục, như một nhân tố tự do, trách nhiệm và phát triển. Sau cùng là công ăn việc làm, để hoàn toàn thực thi phẩm giá con người”.
Đối thoại giữa các thế hệ
Về con đường thứ nhất, Đức Thánh cha nhận xét rằng đứng trước quá nhiều vấn đề do đại dịch gây nên, có những người chạy trốn thực tại, rút lui vào thế giới riêng tư, trong thái độ dửng dưng, ích kỷ; nhưng cũng có những người khác phản đối bằng bạo lực. Nhưng giữa hai thái độ, đó có một chọn lựa khác luôn luôn có thể, đó là sự đối thoại giữa các thế hệ.
“Mỗi cuộc đối thoại chân thành, tuy không thiếu những tranh biện chính đáng và tích cực, luôn đòi phải có sự tín nhiệm cơ bản giữa những người đối thoại, đòi sự tín nhiệm nhau. Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đã gia tăng cảm thức cô đơn và co cụm vào mình” … “Nơi người già có những nỗi cô đơn, còn nơi những người trẻ cảm thức bất lực và thiếu ý tưởng chung về tương lai. Nhưng cũng chính trong đại dịch, chúng ta thấy tại mỗi nơi trên thế giới đều có những chứng tá quảng đại, chia sẻ và liên đới”.
Đức Thánh cha nhận xét rằng: những người trẻ cần kinh nghiệm về cuộc sống, sự khôn ngoan và tinh thần của người già, còn người già cần sự hỗ trợ, lòng quí mến, tinh thần sáng tạo và năng động của người trẻ. “Những thách đố lớn về xã hội và những tiến trình bình định không thể bỏ qua sự đối thoại giữa những người già, những người bảo tồn ký ức và tiếp tục lịch sử, và những người trẻ. Cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay cho thấy, trong cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa các thế hệ, có động lực của một chính sách lành mạnh, không chỉ hài lòng với việc thực hiện chính sách hiện tại, qua những vá víu và giải pháp mau lẹ, nhưng có một hình thức trổi vượt về tình thương đối với tha nhân, trong sự tìm kiếm những dự án chung và bền vững”.
Huấn luyện và giáo dục như động cơ hòa bình
Sang đến con đường thứ hai là giáo dục và huấn luyện, Đức Thánh cha nhận xét rằng: trong những năm gần đây, trên bình diện thế giới, ngân sách dành cho huấn luyện và giáo dục bị giảm bớt, bị coi như những chi phí hơn là tiền đầu tư. Nhưng chính giáo dục và huấn luyện là những động cơ chính yếu của sự phát triển nhân bản toàn diện, chúng làm cho con người tự do và trách nhiệm hơn, và chúng là điều không thể thiếu được để bảo vệ và thăng tiến công lý và hòa bình.
Trong bối cảnh này, Đức Thánh cha kêu gọi thế giới, thay vì gia tăng những chi phí quân sự, đưa chúng vượt quá mức độ thời “chiến tranh lạnh”, thì dùng các ngân khoản đó cho việc giáo dục. Cần lật ngược tương quan hiện nay giữa công quĩ dành cho giáo dục và những ngân khoản dành cho việc võ trang. Đàng khác, sự tiếp tục theo đuổi một tiến trình giải trừ võ trang thực sự chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc phát triển các dân nước, dành những nguồn tài chánh để sử dụng một cách thích hợp hơn cho sức khỏe, trường học, cơ cấu hạ tầng, chăm sóc lãnh thổ. v.v.”
Thăng tiến và bảo đảm việc làm xây dựng hòa bình
Về con đường thứ ba, Đức Thánh cha khẳng định rằng: “công ăn việc làm là một nhân tố không thể thiếu được để xây dựng và bảo tồn hòa bình… Việc làm là nơi mà chúng ta học cách đóng góp vào việc xây dựng một thế giới, trong đó con người có thể sinh sống được, một thế giới đẹp đẽ”.
“Đại dịch Covid-19 đã làm cho tình trạng công ăn việc làm trên thế giới, vốn đã phải đương đầu với nhiều thách đố, nay lại trở nên trầm trọng hơn. Hàng triệu hoạt động kinh tế và sản xuất bị phá sản; các công nhân bấp bênh ngày càng dễ bị tổn thương hơn, việc học hành trực tuyến, trong nhiều trường hợp, đã làm tuy thoái việc học hỏi và các tiến trình giáo dục. Hơn nữa, những người trẻ đối diện với thị trường nghề nghiệp và những người lớn bị thất nghiệp ngày nay, phải đương đầu với những viễn tượng bi thảm.
“Ngoài ra, trong dân số thế giới hiện nay, chỉ có một phần ba được hưởng chế độ bảo vệ xã hội. Tại nhiều nước nhiều bạo lực và các tội phạm có tổ chức gia tăng, bóp nghẹt tự do và phẩm giá con người, làm cho nền kinh tế bị nhiễm độc và ngăn cản việc phát triển công ích. Câu trả lời cho tình trạng này, là gia tăng những cơ hội để đạt được công ăn việc làm xứng đáng”.
Đức Thánh cha đặc biệt nhấn mạnh rằng: “Lao động là nền tảng, trên đó xây dựng công lý và tình liên đới của mỗi cộng đoàn. Vì thế, “không được tìm cách ngày càng thay thế lao công của con người bằng sự tiến bộ kỹ thuật: làm như thế, nhân loại tự gây hại cho ính mình. Lao động là một sự cần thiết, là thành phần của ý nghĩa cuộc sống trên trái đất này, là con đường trưởng thành, phát triển nhân bản và hoàn thiện bản thân”.
Đức Thánh cha cũng cổ võ rằng: “Điều cấp thiết hơn bao giờ hết là thăng tiến trên toàn thế giới những điều kiện làm việc xứng đáng, hướng tới công ích và bảo tồn thiên nhiên. Cần bảo đảm và nâng đỡ tự do của các sáng kiến kinh doanh và đồng thời gia tăng trách nhiệm xã hội được đổi mới, để lợi nhuận không phải là tiêu chuẩn duy nhất hướng dẫn”.
(Sala Stampa 21-12-2021)