Giáo Hạt Cà Mau

Thành Tâm Sám Hối

Thành Tâm Sám Hối

Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm C  20.03.22

vo ha

Thiên Chúa đã chuẩn chương trình cứu nhân độ thế dài 2000 năm trước khi Chúa Giêsu tới cõi trần qua dân tộc Do Thái, với Tổ Phụ Abram được Chúa chọn, như ghi lại trong Bài Đọc 1, Chúa Nhật 2 Mùa Chay tuần trước.  Nên lịch sử Cứu Độ và lịch sử đời thường của dân tộc nầy, có nhiều khúc quanh lồng vào nhau như bóng với hình.

Theo Thánh Kinh và thế giới sử, Con cháu Ông Giacóp chạy nạn đói từ đất Ca-na-an sang Ai Cập chừng 1800 TCN, được ưu đãi dưới thời Ông Giuse (con Giacóp)  làm Bộ Trưởng Nông Lâm Súc thêm kinh tế tài chính. Sau đó thì bị người AiCập bắt làm nô lệ.

Dưới lăng kính của Thánh Kinh, khi nào dân bỏ Chúa thì tai họa ập tới. Khi nào dân ăn năn thì Chúa lại tha thứ.  Nên Chúa sai ông

Môsê đến cứu dân chừng 1250 TCN.

Mục đích của ba bài Lời Chúa hôm nay là kêu gọi lòng Sám Hối. Kitô giáo ngày nay cũng chung dùng từ ngữ  trên, có gốc  là “Samma” trong Phạn Ngữ. Sám là ăn năn lỗi trước, Hối là quyết tâm không  phạm lỗi nữa. Như vậy, Sám Hối  tương tự như ăn năn thêm dốc lòng chừa, là hai bước cần thiết trước khi đến toà cáo giải của Công Giáo. Vậy, ta cùng đọc chính  bản văn Lời Chúa  bên dưới cùng xin ơn thêm soi sáng.

LỜI CHÚA. Bài Đọc 1. Xh 3, 1-8a. 13-15 “Đấng hiện hữu sai tôi đến với anh em”.

Bài trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai. Ông nhìn thấy bụi gai bốc lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Môsê nói: “Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi”.

Thiên Chúa thấy ông lại xem, từ giữa bụi gai Người gọi ông: “Môsê! Môsê!” Ông thưa: “Dạ con đây!” Chúa nói: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”. Chúa lại nói: “Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp”.

Môsê che mặt, vì không dám nhìn Thiên Chúa. Chúa nói: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật”.

Môsê thưa với Thiên Chúa rằng: “Này con sẽ đến với con cái Israel và bảo họ: Thiên Chúa của tổ phụ anh em đã sai tôi đến với anh em. Nếu họ hỏi con: “Tên Người là gì?”, con sẽ nói sao với họ?” Thiên Chúa nói với Môsê: “Ta là Đấng Tự Hữu”. Chúa nói: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: “Đấng Tự Hữu sai tôi đến với anh em”. Thiên Chúa lại nói với Môsê: “Ngươi sẽ bảo con cái Israel thế này: “Thiên Chúa của tổ phụ anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em”. Đó là danh Ta cho đến muôn đời, đó là danh Ta phải ghi nhớ qua mọi thế hệ”.

 BÀI ĐỌC II: 1 Cr 10, 1-6. 10-12 “Đời sống dân chúng đối với Môsê trong hoang địa được viết ra để răn bảo chúng ta”.

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết điều này, là tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng. Thật vậy, tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô. Tuy nhiên, không phải phần đông trong họ đã sống đẹp lòng Chúa, vì họ đã bị gục ngã trong hoang địa. Bao nhiêu sự kiện đó nêu gương cho chúng ta, để chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như những người đó đã chiều theo. Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người trong bọn họ đã làm, và đã vong mạng bởi tay một sứ thần huỷ diệt. Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng. Thế nên, ai tưởng mình đang đứng vững, hãy ý tứ kẻo ngã.

 PHÚC ÂM: Lc 13, 1-9 “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.

Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: “Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!”

Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.

Đôi Dòng Ghi Chú và Tâm Tình

Trước hết, Bài đọc 1 từ sách Xuất Hành. Thiên Chúa gọi Môsê từ ngõ cụt.

Lý do, Ông từng là hoàng tử con nuôi của công chúa Ai Cập, đã được đào tạo từ văn tới võ đầy đủ.   Nhưng dòng máu Do thái vẫn còn trong ông. Như Sách Luận Ngữ của Á Đông:  “Kiến nghĩa bất vi vô dũng dã”: thấy việc nghĩa,  không làm, không phải là dũng sĩ – người công chính, người đúng đáng.  Như một lần ông giết một tên cai Ai Cập đang ức hiếp người Do Thái. Lần khác, ông can thiệp giải hoà  hai người Do Thái ấu đả nhau. Sau đó, Ông sợ bại lộ việc ông giết người Ai Cập, nên trốn vào sa mạc, lập gia đình và sống đời du mục, chăn chiên cho cha vợ.

Chúa thấy tâm tính trung thực của Ông từ bên trong, nên gọi ông và trao cho ông sứ mệnh cực kỳ khó khăn, lớn lao, là cứu dân tộc Ông, cũng là Dân Chúa  ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập.

Kế đến, Môsê thấy lửa trong bụi gai, nhưng bụi gai không bị cháy, là một phép lạ về quyền năng của Thiên Chúa, giúp ông vững tin khi ngoại giao với vua Ai cập, xin cho dân Chúa ra đi.

Theo những nhà chú giải, mỗi khi Thiên Chúa nói “Ta là Thiên Chúa của Tổ phụ ngươi. Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp” là ba tổ phụ chính nguồn gốc dân được chọn lựa nầy. Đó là Thiên Chúa muốn cho dân biết Người luôn nhất thống nhớ lại giao ước với tổ tiên và sẽ hoàn thành  lời đã hứa  (St 15: 5-18) dù cho dân có vi phạm.

Riêng niềm tin của Do Thái xưa, khi thấy Chúa thì phải  chết. Nhưng Chúa cho Môsê thấy Chúa qua cụm lửa trong bụi gai, vì Chúa chọn ông.

Còn tên Chúa thì ngôn ngữ loài người không ghi ra nổi. Ở đây Chúa tỏ cho Môsê biết, bản văn Anh ngữ:  “I am who I am” Ta là Đấng mà Ta là, Ta là Ta. Ngôn từ Việt Nam ghi: Ta là Đấng Hiện Hữu hay Tự Hữu. Theo nghĩa nầy, thì tổ tiên ông bà dân Việt cũng đã tin  Ông Trời Tự Hữu và Hiện Hữu từ ngàn xưa. Ý niệm nầy, Kitô Giáo hậu Công Đồng Vatican 2 (1963-65) gọi là Thánh Thần hiện diện trong các nền văn hóa, giúp làm nhịp cầu dẩn đưa  dẩn Chính Đạo của Chúa cho những ai có duyên lành gặp được và chấp nhận.

Qua bài Phúc Âm, 

Chúa Giêsu không giải thích rõ lý do những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết và tháp Silôê đổ xuống chết 18 người, theo cách suôi chiều của quan niệm dân chúng. Họ cho rằng ai bị chết, đều vì đã gây ra  tội lỗi. Nhưng nhân cơ hội nầy, Chúa Giêsu kêu gọi sám hối, vì ai cũng có tội.  Con cũng vậy.

Kế tiếp, Chúa Giêsu với cập mắt tinh tế của hàng kỷ sư nông lâm khi quan sát thực tế  cây cảnh, rồi đưa ra dụ ngôn về cây vả vô sinh sau ba năm được  trồng xuống.

Người Chủ vườn ở đây là Thiên Chúa, muốn  áp dụng luật trồng trọt qua việc  người. Nếu cây không hoa lợi thì bị đốn cho khỏi hại đất.  Còn người không ích lợi, thì cũng bị như vậy.

Nhưng người làm vườn trong dụ ngôn là Chúa Giêsu, xin ông chủ Thiên Chúa cho để lại một năm nữa. Chúa Giêsu sẽ vun xới chung quanh gốc và   bón phân bằng Lời giáo huấn và những việc lành Chúa làm. Nếu cây vả có bản chất vô sinh, là hình ảnh của  tính cố chấp và  lòng chai như đá, thì cả người và cây sẽ bị đốn.

Tóm lại, Chúa là Thiên Chúa hiếu sinh, luôn phò sự sống (Mc 12, 18-27). Về mặt đạo lý ở đây, Chúa Giêsu rất rõ ràng và khẩn thiết cho tội nhân hoán cải và được sống phần tinh thần, trong kỳ hạn nào đó.

Nên đừng ỷ lại mình đang sung sức mạnh khỏe, chưa chết vội đâu. Mình sẽ chết già. Lúc ngồi nằm một chỗ bất khiển dụng, khi không còn sức lực làm bậy nữa, mình mới chịu ăn năn hối cãi. Mười tám người bị tháp Silôê đè chết, có ai biết trước giờ tử biệt, là đâu, khi nào.

Trở lại bài đọc 2.

Thánh Phaolô khuyên răn tín hữu Côrintô, khi dựa vào một số dữ kiện ghi lại trong Sách Xuất hành :

Cha Ông (Do Thái) chún ta được thanh tẩy trong lòng biển nhờ Môsê, là hình ảnh của Phép Rửa Chúa Giêsu thiết lập sau nầy cho mọi người.

Tất cả ăn một thứ bánh (manna) và uống 1 thứ nước từ tảng đá  trong sa mạc, là hình ảnh bánh và nước từ  Chúa Giêsu.

Nhưng không phải  tất cả sống đẹp lòng Chúa, nên bị gục ngã trong hoang địa. Cũng đừng bắt chước một số người chiều theo dục vọng xấu. Đừng lẩm bẩm kêu trách như một số người đã làm.

Lúc nào con tự tin mình đang đứng vững, cũng là lúc con dễ bị  ngã nhất.

Nên, xin cho con ý thức rằng mình yếu đuối, để biết cậy dựa vào Chúa, như trẽ con cậy dựa cha mẹ,  mà đứng dậy sau khi bị ngã – sai phạm.

Cũng cho con biết dùng những tai họa, những lần thoát chết trong cuộc đời, như lời nhắc nhớ của Chúa rằng đây là cơ hội cuối cùng của đời con.

 

XIN DÂNG LỜI CẦU

Chúa là Đấng tự hữu và thánh thiện. Nên chúng con cần phải tẩy rửa tâm hồn thanh sạch khỏi tội lỗi dơ bẩn,  để được đến gần Chúa như  Tiên Tri Môsê

Xin cho mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh biết thành tâm sám hối tội lỗi sai phạm và thường xuyên tưởng gẫm về  Chúa, qua việc làm tốt trong những ngày Mùa Chay nầy.

Xin cho những nhà cầm quyền những nước cường thịnh trên thế gian, biết tôn trọng quyền sống và phẩm giá những dân tộc nhỏ bé yếu kém.

Xin cho chúng con biết mở lòng chia sẻ theo khả năng, giúp đỡ những người nghèo khó chung quanh, riêng anh chị em là nạn nhân của chiến tranh. 

Xin giúp chúng con cố gắng cải hoá tâm hồn chai đá, được trở nên mềm mại, để mỗi ngày càng gần Chúa hơn. 

Xin cho mọi thành phần trong giáo xứ chúng con giao hòa với Chúa, bằng cách chân thành sám hối tội lỗi  và đền bồi lỗi phạm xưa nay, bằng những việc bác ái yêu thương.

 Xin ban thêm nghị lực cho chúng con, để  biến đổi  đời sống cũ tội lỗi, thành ra mới, với ơn sủng  của Chúa.

Xin Chúa thêm kiên nhẫn chờ đợi chúng con, từ nay  quyết tâm sám hối và sinh ra hoa trái, bằng cách làm gương sống tốt, qua  những việc lành cụ thể trong đời hằng ngày. Amen. 

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *