Giáo Hạt Cà Mau

Lá thư ngỏ gửi Thánh Cả Giuse

Lá thư ngỏ gửi Thánh Cả Giuse

Cha kính mến!

Con đang sống vào đầu thế kỷ XXI: xa cách Cha ngàn trùng. Xa về thời gian là hai mươi thế kỷ. Xa về không gian là chừng 60.000 cây số. Vì yêu mến Cha, con mần mò đi tìm thân thế và sự nghiệp của Cha. Tìm mãi, tìm mãi mà chẳng thấy gì. Con đường lịch sử dài thăm thẳm ghi chằng chịt những kỷ niệm vui buồn của ngàn vạn kiếp nhân sinh. Thế mà dường như lịch sử cố tình bỏ quên Cha. Con lại đi tìm, tìm mãi, tìm mòn mỏi, mới thấy một vài mảnh vụn tư liệu, gom lại thì chưa đầy một muỗng cà phê. Buồn quá thể! Nản quá chừng! Nhưng buồn thì được gì? Nản thì được cái chi chi. Nghĩ thế, con lại mần mò, mò mãi mới có được một trang lý lịch ngắn tũn như sau:

Tên: Giuse Phái tính: Nam

Năm sinh: Không rõ

Thường trú: Nadarét

Nguyên quán: Bêlem

Quốc tịch: Do Thái

Nghề nghiệp: Thợ mộc

Hộ khẩu: Có vợ là Maria và con trai là Giêsu

Cha kính mến.

Cầm tờ lý lịch của Cha trong tay, con cảm thấy vô tư, y như tình cờ đọc tấm bia mộ của ai đó trong nghĩa trang thành phố. Bất mãn về sự hiểu biết quá ít về Cha, con lại tiếp tục tìm tòi, moi móc kho tàng lịch sử của loài người. May quá, con lại có thêm một số tư liệu về cuộc đời của Cha. Chỉ tiếc một điều là những tư liệu ấy chỉ cho con thấy thấp thoáng hình ảnh của Cha. Tuyệt nhiên không cho con nghe Cha nói một lời nào, dù một từ gọn lỏn cũng không. Như vậy, có khác gì một đứa con yêu bố mà chỉ thấy bố đi ra đi vào trong căn nhà thân thương chứ chẳng được nghe bố nói một lời nào dù là một tiếng “ừ”, một tiếng “hứ” gọn lỏn. Tiếc quá!

Cha ơi, trong tâm tình yêu mến, trong nỗi buồn man mác con xin ghi lại tuần tự những tấm hình kể về vài sự cố trong đời của Cha. Sau đó con sẽ dâng lên Cha những suy nghĩ và tâm tình của con đính kèm theo mỗi tấm hình ấy.

  1. CHA ĐI HỎI VỢ

Vừa chạm ngõ tuổi 18, Cha nghĩ ngay đến việc lập gia đình để sinh con đẻ cái, xúm xít xung quanh bàn ăn, như một chùm ôliu. Đó là vinh dự của dòng tộc. Đó là bổn phận trọng đại đối với tổ quốc. Nhưng ai sẽ là bạn đường trăm năm? Trong làng Nadarét có một cô gái tên là Maria. Dưới ánh mắt của các bậc phụ mẫu từng trải, thì cô Maria là cô dâu trên tuyệt vời. Dưới cái nhìn của bọn đàn ông con trai, thì cô Maria là món quà Ông Trời dành riêng cho người đàn ông nào tuyệt vời nhất. Trong làng Nadarét thì chẳng có người đàn ông nào được như thế. Bởi vậy, trai làng chỉ biết nhìn trộm, chỉ biết thèm thuồng và tiếc hùi hụi…

Thế rồi bỗng dưng bùng vỡ tin cô Maria sắp lấy chồng. Anh chồng lại là anh chàng thợ mộc Giuse. Bọn trai làng ngẩn tò te. Chúng nó đồng thanh nhận định: “Tư cách của chú rể thì cho “mười cộng” (10+) gia thế của chú rể thì cho “âm không” (-0). Có vài đứa ganh ghét và nói hỗn: “Ông Trời mù”.

Chàng rể ấy là Cha. Cô dâu ấy là Đức Maria, Mẹ yêu dấu của con. Cha thì vui lắm: Niềm vui của dòng tộc, cộng thêm niềm hãnh diện của cá nhân. Mẹ của con thì không vui không buồn. Người đang hướng tâm về một nơi xa xôi nào đó…

  1. TAN NÁT CÕI LÒNG

Sau lễ cầu hôn có giá trị như một lễ thành hôn, cô dâu khăn gói lên đường. Cô vào tận miền Nam xa tắp tít. Đi để làm gì, thì cô bảo là để thăm chị Êlisabét, một bà già vô sinh mà mới được Chúa cho có thai. Ở chơi mút mùa trong Nam tới ba tháng, cô dâu mới trở về Nadarét. Cô đi một mình, bây giờ về, thì mang theo một thai nhi ba tháng.

Bà mẹ ruột và bà mẹ chồng của cô nhìn nhau và tủm tỉm cười một cách bí hiểm. Hai bà rất sợ con mình vô sinh. Bây giờ nỗi sợ ấy đã biến thành chuyện buồn cười. Bà này nháy bà kia: “Chúng nó ấy hơi sớm đấy. Nhưng mà: kệ… miễn là có cháu bồng thì thôi”. Xóm giềng ai cũng bảo thế. Chỉ có một người vừa buồn tê tái, vừa giận như điên. Đó là chú rể. Chỉ một mình chú biết cái bầu ấy là kết quả của tội ngoại tình, của tội gian dâm, của tội phản bội. Người phản bội, thì phải ném đá cho chết. Người bị phản bội thì cũng chẳng còn gì để mà sống trên đời này nữa… Ôi thê thảm quá chừng!

Cha kính mến.

Người con trai đang nghiến răng, trợn mắt và đấm nắm tay vào không khí ấy là Cha đấy. Cha vừa phải lãnh vào đời cái nhục nhã lớn nhất của một kiếp mày râu. Cha hướng về tác giả Thánh vịnh 100 để hỏi ý kiến. Ông ấy trả lời nhanh như phản xạ: “Những thứ ấy phải quét sạch thành đô, không sót một tên”. Cha quay sang hỏi ông Môsê, ông ấy ra lệnh: “Ném đá cho chết”. Cha đưa mắt thăm dò ý kiến của mọi người từ trong thân tộc ra tới người dưng nước lã, thì mọi người đều trả lời cái rụp: “Giết!”

Cha bưng mặt suy nghĩ:

w Nếu nó hư với người ta, thì nó phải trốn biệt tăm. Tại sao nó lại dám vác mặt về làng để chết đau, chết nhục?

w Biết chắc phải chết đau chết nhục, thì tại sao mặt nó cứ tỉnh bơ, cứ đơn sơ, cứ hồn nhiên như thiên thần, cứ vui vẻ, cứ ríu rít như con sáo?

wTại sao loài người lại độc ác, lại ném đá như mưa trên một nữ nhi yếu đuối như thế kia? Nàng phải gào thét lên một cách tuyệt vọng và ngã gục trên đống đá đỏ lòm như máu? Và còn một thai nhi vô tội…

wTại sao thấy người sa ngã mà không cứu vớt, lại còn xô đẩy và loại trừ.

Cha nghĩ, nghĩ mãi, rồi thiếp ngủ hồi nào không hay. Cha ngủ mà vẫn ngồi. Bỗng… có sứ thần hiện đến, đặt tay lên vai Cha và nói: “Giuse ơi! Maria thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Cô ấy sẽ sinh một con trai, anh phải đặt tên cho bé là Giêsu. Người sẽ là Đấng Cứu độ muôn dân. Anh yên tâm rước Maria về đi nhá!”.

Cha bàng hoàng, đứng dậy, dang thẳng cánh tay, la lên một tiếng như sét nổ: “Trời!”.

  1. CÕI LÒNG LẠI NÁT TAN

Chàng rể đang mừng như điên, bỗng sụ mặt xuống. Xấu hổ quá chừng! Hối hận quá thể!

wTại sao một nàng tiên tuyệt vời như thế mà mình nỡ tâm bảo là ngoại tình, là gian dâm, là phản bội. Chúa ơi! Con tội lỗi quá, xin Chúa tha cho con! Maria ơi! Anh tội lỗi quá, anh bất công quá! Xin em tha cho anh! Nhưng liệu tội này có tha được không? Anh đáng bị ném đá, chứ không phải là em…

wTôi không xứng đáng là một người chồng của một thiên thần cao quý như thế. Ôi Mẹ Đấng Cứu thế! Ôi bà Hoàng Thái Hậu của một Đấng ngồi trên ngôi báu vua Đavít! Tôi không đủ can đảm để rước Người về làm vợ đâu. Tôi xin chui vào bóng tối, để sám hối suốt đời.

w Nhưng Sứ thần của Chúa lại bảo tôi: “Hãy rước Maria vợ của anh về”. Chúa ơi! Xin tha cho con. Con không dám đâu. Nhưng… làm sao tôi dám cưỡng lại lệnh của Đấng Toàn Năng. Chúa ơi! Con xin vâng. Nhưng xin Chúa phù hộ con với…

Đó là tâm tư của Cha sau khi được Sứ thần thanh minh cho Mẹ đáng yêu của con. Con hiểu Cha rất rõ, nên con thương Cha vô vàn, mà cũng kính trọng Cha vô cùng.

  1. MỘT ĐÁM RƯỚC DÂU CHẲNG GIỐNG AI

Theo Luật, thì sau đám nói: đôi trai gái thành vợ chồng. Nhưng theo lệ, thì một năm sau mới rước dâu. Thế mà mới làm đám nói được hơn ba tháng, thì đã rước dâu rồi, mà cô dâu thì đã có bầu. Cả làng chẳng ai chống đối. Khách mời chẳng ai từ chối. Tiệc mừng vẫn chan hòa niềm vui. Nhưng ánh mắt nào của khách mời cũng hấp háy; nụ cười nào của người cụng ly cũng hàm hai ý. Bạn trai thì nhéo chú rể, vừa nhéo vừa chọc: “Nôn nóng thế”. Bạn gái thì ghé tai cô dâu, cười hí hí. Cô dâu đi bên chú rể: hồn nhiên và đẹp xinh. Chú rể đi bên cô dâu: oai phong như vệ sĩ.

Tiệc tàn: khách mời ra về; thân nhân dọn dẹp. Cô dâu kéo áo chàng rể. Hai người đi nói chuyện riêng.

– Anh thông cảm cho em sống khiết tịnh suốt đời nha.

– Khỏi nói. Anh đã quyết định như thế rồi. Đó là ý Chúa, ý nhiệm mầu vô cùng.

Lạy Cha đáng kính của con.

Nhìn lại bốn sự cố, con cảm phục Cha vô cùng. Cha được giáo dục và lớn lên trong tinh thần của Cựu Ước và của đường lối mục vụ khe khắt và cứng ngắc của các ông kinh sư. Thế mà Cha lại mang tinh thần bác ái vị tha như Thầy Giêsu của con. Thầy con không đồng ý ném đá người ngoại tình. Thầy con còn thách thức các ông kinh sư rằng: “Ai trong các ông thấy mình sạch tội, thì ném đá người này đi”. Cha giống Thầy của con như đúc.

Thầy con tuyên bố với các ông Pharisêu rằng: “Tôi đến để cứu người tội lỗi…”. Cha cũng nghĩ thế nên không tố cáo Mẹ con để Người khỏi bị ném đá. Lòng của Cha bao dung như lòng của Thầy Giêsu của con.

Thầy Giêsu của con chịu đóng đinh một cách oan khiên và đau đớn, để cho người tội lỗi như con được cứu thoát. Cha cũng thế. Cha bỏ qua mọi chuyện để Mẹ con được sống, được sinh con, mà không ai dám kết án. Còn Cha thì đành chịu âm thầm tủi nhục một mình. Cha ơi! Sao Cha giống Thầy của con quá như vậy?

Cha ơi! Cha cho con quỳ xuống để xá Cha một ngàn cái, để nói lên hết tấm lòng của con đối với Cha: Tội nghiệp quá! Đáng thương quá! Đáng kính quá! “Cái đáng” nào cũng vô cùng vô tận!

Con còn rất nhiều điều muốn thân thưa cùng Cha, nhưng lúc này con tim của con rộn ràng quá, con không cầm nổi cây bút nữa. Xin hẹn gặp lại Cha trong lá thư sau.

Kính yêu vô vàn!

Lá thư ngỏ gửi Thánh Cả Giuse (2)

Cha đáng kính vô vàn.

Con buông cây bút và ngồi mơ màng thật lâu. Bây giờ con đã hoàn hồn, con lại cầm bút để kính dâng Cha những hình ảnh và những suy tư nối tiếp.

5. Những ngày an vui ngắn ngủi

Cô Maria về làm dâu bên nhà chồng, được mẹ chồng chăm bẵm như bé thơ. Cứ thấy mặt cô dâu, bà lại niềm nở nhắc nhở: “Cố gắng giữ sức khỏe, nghe con”; “Ăn ngon ngủ kỹ để bé mau lớn”; “Con chỉ được quét nhà, lặt rau, còn việc nặng, thì để mẹ làm cho”; “chừng nào thì đẻ ? Nhớ đẻ con trai nha”

Chàng trai Giuse, từ ngày có vợ, đi làm đầu tắt mặt tối. Hừng đông chưa ló dạng, thì đã ôm đồ mộc ra đi. Đi đâu thì chẳng ai biết. Đi làm miết cho tới chiều tà vẫn chưa thấy về. Về tới nhà, thì gà đã gật gù trong chuồng. Xác thân nằm trên giường, mà lòng thì cứ vấn vương đến một chân trời xa tắp tít nào đó

Cha rất đáng kính của con. Bốn năm tháng trời: ngày tháng cứ trôi qua như thế. Êm đềm lặng lẽ. Mẹ con thì như vậy: đáng yêu quá chừng ! Ai cũng thấy, ai cũng yêu, nên chẳng ai thắc mắc gì. Còn Cha thì tất bật ở tít mù khơi. Nơi ấy là ở đâu, ai nào có biết. Không ai biết, nhưng con lại biết, biết rõ như ban ngày. Cha là một anh thợ mộc có tay nghề cao vời vợi, có tâm đức sâu thăm thẳm, hiền lành như cục đất, chân thật như chú thiên thần con. Đang đóng tủ cho nhà này, thì nhà kia đã ngong ngóng chờ để nhờ sửa cho bộ bàn ghế. Người này rỉ tai người kia. Tin đồn từ làng này bay sang làng khác. Làm hoài, làm mãi không hết việc. Chủ nhà cho ăn ngon như đãi khách, trả tiền lương xong, lại dấm dúi thêm một tí. Thương quá, cầm lòng không được…

6. Một tin khủng khiếp

Cả nhà đang ngong ngóng chờ ngày em bé ra chào đời. Maria thì úp hai tay lên ngực, tính nhẩm ngày tháng. Cặp mắt thì lim dim, mà linh hồn thì ngây ngất đắm chìm. Mẹ chồng, cha chồng, anh chị em trong gia đình. Chú bác, cô dì trong thân tộc thì đua nhau đoán mò: em bé giống cha hơn giống mẹ; em bé giống mẹ hơn giống cha; em bé là con trai kháu khỉnh; em bé là con gái thật xinh. Còn Giuse thì làm thinh và cười thầm. Sinh hoạt gia đình đang rộn ràng như thế, thì bỗng… đoàng một cái, y như tiếng sét nổ.

Hoàng đế Augúttô ra chiếu chỉ kiểm tra dân số trên toàn đế quốc. Theo pháp lệnh, thì ai gốc gác ở đâu, phải về đó mà kê khai gia phả. Giuse đang thường trú ở Nadarét, nhưng nguyên quán thì ở tận Bêlem xa tít mù khơi. Cả gia đình lo quýnh quáng cả lên.

  • Cô dâu trẻ đang sắp đẻ mà phải đi xa như thế. Đi cực khổ đã đành, còn phải về kịp trước ngày sinh, để có hai bà mẹ cùng chăm sóc. Đi được không? Về kịp không ? Ai biết đâu mà lường?
  • Đi đường thì ăn làm sao, ngủ làm sao ? Nếu có gì bất trắc xảy ra, thì ai lo ?
  • Nếu mọi việc suôn sẻ, thì cũng phải mất đứt một nửa tháng. Ấy là thời gian, còn tiền bạc thì phải chi bao nhiêu cho đủ ?
  • Cả nhà hướng về cặp vợ chồng trẻ, hỏi: “Chúng mày tính làm sao ?”

Maria úp tay lên ngực, trả lời nhỏ nhẹ:

  • “ Có Chúa lo”. Giuse lặng lẽ nhìn vào không gian. Không trả lời, nhưng vẻ mặt tự tin.

Cha ơi ! Con hồi hộp quá ! Con chẳng biết số phận của Cha và của Mẹ ra sao ? Nhưng chỉ một chốc lát thôi nỗi lo ấy bốc hơi, bay lên không gian, tan theo mây gió. Cứ nhìn vào hai cặp mắt của Mẹ và của Cha là con yên tâm vô cùng. Dường như Mẹ và Cha thấy rõ có một bàn tay xoa nhẹ, có một vòng tay ủ ấp của một ĐấngVô Hình

7. Cô đơn đến tận cùng

Cô vợ trẻ mang bầu con so dãi dầu bốn ngày trên lưng con lừa: kiệt sức quá rồi ! Nối tiếp là hai tuần lễ ăn chực nằm chờ trong căn lều tuềnh toàng dựng tạm bên lề đường: quá sức bà bầu !

Cô vợ trẻ thỏ thẻ với chồng: “Em chuyển bụng rồi”. Anh chồng chạy đôn chạy đáo: vào nhà trọ mướn phòng, thì chủ nhà lắc đầu, ngoắt tay: “Hết chỗ rồi”. Vào nhà dân ăn mày lòng trắc ẩn, thì ông bà nào cũng thương cảm: “Tội nghiệp !”, nhưng lại từ chối vì sợ mắc uế. Đành quét dọn vội vàng cái hang đá, “nhà trọ” của bò lừa. Quét dọn xong, anh ra ngoài hang, nhóm lửa, nấu một nồi nước, rồi đứng khoanh tay nhìn trời, miệng thì thầm cầu khấn và chờ tiếng khóc oe oe của bé thơ

Bé thơ ra chào đời như thế đấy: chỉ thấy người mẹ kiệt sức ủ rũ như tàu lá héo; chỉ thấy người cha sẵn sàng đội đá vá trời xanh, nhưng đành khoanh tay đứng nhìn trời, nôn nóng chờ tiếng khóc oe oe. Mặc cảm tự ti đầy mình. Cúi đầu làm thinh. Ôi thân phận đàn ông !

Kính lạy Cha ngàn trùng thương mến !

Con thấy Cha đứng khoanh tay bên nồi nước sôi, ngước mắt nhìn trời …, con thương cảm Cha quá chừng! Là thân trai, vai u thịt bắp. Cha sẵn sàng dâng hiến hết cả cuộc đời của mình, để đem lại an vui hạnh phúc cho Mẹ con và cho Đấng Cứu Thế. Thế mà thực tế phũ phàng như vậy đó.

  • Mẹ Đấng Cứu Thế mà phải sinh con như thế này:

– Không mẹ chồng, không mẹ ruột, không dì, không thím, không một bàn tay phụ nữ ân cần chăm sóc.

– Không cô đỡ, không cô mụ vườn, không một người đàn bà vô danh chờ đón bé thơ ra chào đời, để tắm rửa, để quấn tã.

– Đấng bé thơ sẽ ngồi trên ngai vua Đavít mà bây giờ phải nằm trong máng cỏ, y như con gà mái đang nằm trong ổ để ấp trứng.

– Biệt thự cho mẹ con bà Hoàng Thái Hậu mà chỉ là cái hang đá sực mùi hôi hám của súc vật.

Một sứ mạng lớn lao, một trách nhiệm nặng nề đang đè lên vai của Cha. Cha thấy mình bất lực hoàn toàn. Đau quá ! Nhục quá ! Nhưng biết làm thế nào bây giờ.

Cha chỉ biết quỳ gối tạ tội với Đấng Cứu Thế. Cha chỉ biết liếc nhìn Mẹ con, để xin Người tha thứ. Mẹ con cúi mình ẵm lấy Bé Thơ, âu yếm nhìn Cha. Ánh mắt của Mẹ con như có linh hồn, truyền sang cho Cha một thông tin ngắn gọn “Xin Vâng”. “Xin Vâng” là phó thác cả cuộc đời, trao phó cả lịch sử loài người vào vòng tay an bài của Thiên Chúa Toàn Năng. Không hiểu thì cứ ghi khắc trong lòng mà suy đi nghĩ lại. Không buồn. Không lo. Không sợ.

Ánh mắt xuyên tim của Mẹ con làm cho Cha hoàn hồn. Hết mặc cảm tự ti. Chỉ còn tin và yêu.

8. Lại chan hòa niềm vui

Hai cặp mắt đang say đắm nhìn Bé Thơ, bỗng ngước nhìn lên, ngơ ngác…

uCó tiếng hát văng vẳng từ trên cao vọng xuống. Réo rắt. Dìu dặt. Không phải tiếng hát của loài người, mà của một đoàn thiên sứ:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời.

Bình an dưới thế cho người Chúa thương”

uĐôi vợ chồng trẻ đang ngây ngất thả hồn theo tiếng hát dìu dặt của Thiên Sứ, thì… một bầy mục đồng chạy vào, ào ào như gió. Họ quỳ mọp bên máng cỏ, nhìn ngắm Bé Thơ, vừa tôn thờ, vừa âu yếm. Cả chủ lẫn khách ngồi hàn huyên ấm áp trong hang đá vô chủ. Thân thương và kính trọng nhau quá chừng !

Khách ra về để nhường bầu khí yên tĩnh cho Bé Thơ.

Vừa vui vừa tiếc. Họ về chưa được bao lâu, thì bầu khí yên tĩnh lại vỡ tan tành. Quần chúng nườm nượp kéo đến. Niềm vui bùng vỡ. Niềm vui của 10 thế kỷ chờ đợi “Con Vua Đavít”. Niềm vui vì 63 năm nô lệ sắp chấm dứt. Niềm vui vì “Chúa biến nguồn phú túc của chư dân chảy về thành đô tràn lan như thác vỡ bờ”.

Trăm người như một, ngàn người như một, ai ai cũng muốn rờ Bé Thơ một cái để lấy lộc, ai ai cũng muốn rước Đấng Cứu Thế về nhà mình để lấy lộc.

Kính lạy Cha đáng kính vô vàn.

Từ thuở Cha sinh mẹ đẻ cho đến bây giờ, chưa bao giờ Cha được quần chúng trọng vọng đến như thế. Đáng hãnh diện quá chừng ! Thế nhưng… con không thấy Cha dang tay, niềm nở đón chào quần chúng. Cha vẫn cứ buồn buồn, tủi tủi, vì mình chẳng làm được gì cho Đấng Cứu Thế và bà Hoàng Thái Hậu của Người. Vẫn có một cái gì huyền bí lắm mà Cha chưa hiểu được…

9. Một lễ Vượt Qua chan hòa buồn tủi

Cậu bé 12 tuổi theo bố mẹ về thủ đô dự lễ Vượt Qua. Đường xa ngàn trùng. Đi bộ ròng rã bốn ngày. Người ngựa trùng trùng điệp điệp. Mệt mà vui.

Ở thủ đô 8 ngày để dự lễ. Người đông như kiến. Khói hương nghi ngút. Sáng thì lên đền thờ. Tối thì về lều. Lên đền thờ để cầu kinh, để dâng lễ vật, để bỏ tiền vào thùng công đức, để đặt tiền vào bàn tay khô khẳng của những người nghèo thê thảm… Ngày nào cũng như thế, từ ngày này qua ngày khác.

Hết tám ngày lễ, người ngựa lại trùng trùng điệp điệp ra về. Y như nước chảy; y như thác đổ. Cậu bé 12 tuổi bịn rịn với thánh đường, quên cả ra về. Bố mẹ của cậu không hề hay biết, cứ để dòng người cuốn đi, vừa đi vừa hát thánh ca với dòng người, cứ vui phơi phới, với điệu nhạc râm ran.

Khi màn đêm bắt đầu buông, thì rừng lều trập trùng bắt đầu dựng. Gia đình nào cũng có lều riêng. Dựng lều xong, đôi vợ chồng trẻ Giuse và Maria chờ con về để dùng bữa. Chờ mãi mà chả thấy con đâu. Hốt hoảng đi tìm. Tìm mãi, tìm mãi, vẫn chả thấy. Tìm suốt một đêm: tuyệt vọng !

Ngày hôm sau, dòng người lại tiếp tục chảy, chảy về làng quê, chảy về gia đình mình. Vừa đi vừa ngong ngóng chóng về tới nhà để đoàn tụ gia đình. Giuse và Maria đành bỏ đoàn hành hương đang đi ngược về miền Bắc, để lủi thủi đi xuôi về thủ đô. Vừa đi vừa hỏi thăm: hỏi thăm khách hành hương; hỏi thăm dân cư ngụ ở hai bên đường; hỏi thăm về đứa con trai 12 tuổi. Hỏi ở trăm nơi: nơi nào cũng không thấy. Hỏi một trăm người, thì một trăm cái đầu lúc lắc. Một ngày tìm, không thấy con: tim muốn ngừng đập. Hai ngày tìm, không thấy con: hết hồn hết vía ! Ba ngày tìm, thấy con đang ngồi nói chuyện với các kinh sư ngay trong đền thờ. Mừng quá ! Tim muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Maria ôm lấy ngực, đứng lặng một lúc, chờ cho nhịp tim trở lại bình thường, rồi mới nói nên lời.

– Con ! Sao con để cha mẹ vất vả tìm con như vậy ?

– Mẹ ơi ! Cha ơi ! Cha mẹ vất vả tìm con làm chi vậy ? Thế cha mẹ không biết là con phải lo việc cho cha con ở trên trời sao ?

Cả cha lẫn mẹ của cậu bé 12 tuổi đều ngơ ngác không hiểu cậu con muốn nói gì…

Kính thưa Cha đáng kính của con.

Thấy Cha và Mẹ lo âu đến đứt ruột, để đi tìm Thầy của con, con thương Cha và Mẹ quá chừng ! Thấy Cha và Mẹ không hiểu ý của Thầy con, chỉ biết cúi đầu ngẫm nghĩ, con càng thương Cha và Mẹ nhiều hơn nữa. Thương quá Cha ơi !

Con đường cứu độ của Thầy con đầy những mầu nhiệm khôn lường. Cha và Mẹ là những người đầu tiên đi vào con đường đó. Cứ không hiểu, rồi lại không hiểu. Nhưng cuối cùng thì cả Cha lẫn Mẹ yêu dấu của con đều đồng tâm nhất trí trong một lời “Xin vâng”. “Xin vâng” hóa giải mọi nỗi khổ đau và soi sáng cho thấy mọi mầu nhiệm  của lịch sử cứu độ.

Cha và Mẹ đi trước trên đường “Xin vâng”, thì xin Cha và Mẹ cùng dìu con đi vào con đường ấy. Mong thay !

Tái bút. Người ta hỏi con: “Tại sao vắng con ngoan một ngày mà bố mẹ vẫn tỉnh bơ. Có phải là loại người vô tư, vô tâm, ruột để ngoài da không?”. Con trả lời “KHÔNG” thật to. Lý do:

1. Con mình là con ông trời: khôn ngất trời, ngoan nhất đời, thì không thể đi lạc, không thể đi bụi. Yên tâm !

2. Đứa con này được mọi người yêu quý. Thường xuyên được xóm giềng mời đến chơi, để làm gương cho con mình. Cha mẹ thấy thế thì mừng lắm. Chuyện bình thường.

Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU

Nguồn:  cgvdt.vn 

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *