Giáo Hạt Cà Mau

Cộng đoàn Kitô hữu phải thăm viếng người già và giúp họ tiếp tục phục vụ

Tiếp kiến chung 15/6:

Cộng đoàn Kitô hữu phải thăm viếng người già và giúp họ tiếp tục phục vụ

Trong bài giáo lý tại buổi Tiếp kiến chung sáng thứ Tư 15/6/2022 Đức Thánh Cha lên án “văn hoá vứt bỏ” muốn loại bỏ người già khi xem họ là gánh nặng và đồng thời mời gọi cộng đoàn Kitô hữu thăm viếng người cao tuổi và giúp họ tiếp tục phục vụ cộng đoàn, vì họ có rất nhiều điều quý giá để trao tặng cho xã hội và cho con cháu.

13. Tiếp kiến chung (08/6): Người già chỉ cho chúng ta thấy sự dịu dàng của Thiên Chúa
12. Tiếp kiến chung 01/6: “Xin đừng bỏ rơi con khi sức lực suy tàn” (Tv 71,9)
11. Tiếp kiến chung 25/5: Đêm tối không chắc chắn về ý nghĩa cuộc sống
10. Tiếp kiến chung 18/5: Thử thách của đức tin và phúc của sự chờ đợi
9. Tiếp kiến chung 11/5: Một tuổi trẻ đáng ngưỡng mộ, một tuổi già quảng đại
8. Tiếp kiến chung 04/5: Lòng thành tín của tuổi già và danh dự của đức tin
7. Tiếp kiến chung 27/04: Mẹ chồng – nàng dâu
6. Tiếp kiến chung 20/04: Sự thảo kính đối với người già

5. Tiếp kiến chung 30/3: Tuổi già có thể là thời gian của sức sống thiêng liêng
4. Tiếp kiến chung 23/3: Người già giữ vai trò không thể thay thế trong việc trao truyền đức tin
3. Tiếp kiến chung 16/3: Người già có thể hướng dẫn và cứu các thế hệ tương lai
2. Tiếp kiến chung 02/3: Cần sống chậm lại để có giờ đối thoại giữa các thế hệ
1. Tiếp kiến chung 23/2: Phải tìm lại sự liên kết, liên minh giữa người già và người trẻ

Trong số đông đảo tín hữu hiện diện trong buổi Tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô có 5 vận động viên khiếm thị đã tham gia xe đạp đôi qua đoạn đường 700 km. Các vận động viên này đã thuật lại với Đức Thánh Cha kinh nghiệm và các dự án của họ, với công ty xe đạp DOPLA ở Treviso, một công ty vừa dấn thân thúc đẩy việc dạy đi xe đạp cho người khuyết tật và thu hút họ tham gia chương trình “We Bike”, một trải nghiệm thể thao có tính hòa nhập cao, vừa dấn thân trong việc hỗ trợ chăm sóc giảm đau cho các bệnh nhân thiếu nhi.

Trong bài giáo lý tại buổi Tiếp kiến chung Đức Thánh Cha đã suy tư về việc Chúa Giêsu chữa lành mẹ vợ của thánh Phêrô, người bị sốt và phải nằm ở giường. Thánh Marcô thuật rằng Chúa Giêsu và các môn đệ đã đến thăm mẹ vợ thánh Phêrô; Người đã cầm tay và đỡ bà dậy. Sau đó bà được khỏi sốt ngay lập tức và trỗi dậy phục vụ Chúa và các môn đệ (Mc 1, 29-31).

Đức Thánh Cha nêu lên hai bài học. Bài học thứ nhất từ Chúa Giêsu: khi Chúa cùng các môn đệ đến thăm mẹ vợ của thánh Phêrô, Người muốn nhắc nhở chúng ta rằng toàn thể cộng đoàn Kitô hữu được mời gọi hiện diện với anh chị em của chúng ta đang gặp khó khăn. Chúng ta công bố ơn cứu độ của Chúa Kitô và niềm hy vọng mà Phúc Âm mang lại chính bằng cách đến với những người, giống như rất nhiều người cao tuổi trong cộng đoàn của chúng ta, đang cảm thấy bị cô lập và thậm chí bị bỏ rơi.

Bài học thứ hai xuất phát từ hành động của mẹ vợ thánh Phêrô: khi lành bệnh, với lòng biết ơn, bà đã đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa bằng cách trỗi dậy và phục vụ những vị khách của bà. Đức Thánh Cha nói rằng trong cộng đoàn Kitô hữu, người cao tuổi cho chúng ta thấy sự phục vụ quý giá bằng chính tấm gương của họ về lòng biết ơn đối với món quà đức tin và kinh nghiệm về sự chữa lành của Chúa trong cuộc sống của họ. Họ dạy chúng ta rằng việc là môn đệ của Chúa Giêsu được thể hiện qua các hành động bác ái, được khơi nguồn từ lòng biết ơn đối với tình yêu thương xót đã chạm đến và biến đổi cuộc sống của chúng ta.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta đã lắng nghe câu chuyện đơn giản và cảm động về việc chữa lành bệnh cho mẹ vợ của ông Simôn – khi đó chưa được gọi là Phêrô – trong Phúc Âm thánh Marcô. Câu chuyện ngắn cũng được thuật lại trong hai Phúc Âm Nhất lãm khác, với những khác biệt nho nhỏ nhưng đề ra cho chúng ta những ý tưởng. Thánh Marcô viết: “Mẹ vợ của ông Simôn đang nằm trên giường vì bị sốt.” Chúng ta không biết liệu đó là một bệnh nhẹ hay không, nhưng đối với người già, ngay cả một cơn sốt đơn giản cũng có thể gây nguy hiểm. Khi già, chúng ta không còn điều khiển được cơ thể của mình nữa. Cần phải học cách lựa chọn những gì nên làm và những gì không nên làm. Sức sống của cơ thể ngày càng yếu đi và rời bỏ chúng ta, ngay cả khi trái tim của chúng ta không ngừng khao khát. Do đó, cần phải học cách thanh lọc ý muốn: kiên nhẫn, lựa chọn những gì cần cho cơ thể, cho sự sống. Khi về già, chúng ta không thể làm như khi chúng ta còn trẻ: cơ thể có một nhịp điệu khác, và chúng ta phải lắng nghe cơ thể và chấp nhận các giới hạn. Tất cả chúng ta đều có điều này, đúng không? Bây giờ tôi cũng phải chống gậy…

Chúa Giêsu thăm người bệnh

Bệnh tật đè nặng lên người già theo cách khác và mới so với khi chúng ta còn là thanh niên hay người trung niên. Nó giống như một cú đánh mạnh giáng xuống một thời điểm vốn đã khó khăn. Căn bệnh của người già dường như đẩy nhanh cái chết và do đó làm giảm thời gian sống mà khi đó chúng ta thấy đã ngắn ngủi. Sẽ xuất hiện nỗi nghi ngờ rằng chúng ta sẽ không hồi phục, rằng “lần này sẽ là lần cuối cùng tôi bị bệnh …”. Chúng ta không thể mơ về niềm hy vọng vào một tương lai mà bây giờ dường như không tồn tại nữa. Một nhà văn nổi tiếng người Ý, Italo Calvino, đã nhận xét về sự cay đắng của người già: họ đau khổ khi mất đi những điều kỷ niệm hơn là vui mừng vì điều mới mẻ đến với họ. Nhưng đoạn Tin Mừng mà chúng ta đã nghe giúp chúng ta hy vọng và đưa ra cho chúng ta một bài học đầu tiên: Chúa Giêsu không một mình đến thăm bà cụ bệnh tật đó, Người đến đó với các môn đệ.

Chúa đến với các môn đệ: Cộng đoàn thăm viếng và quan tâm đến người già

Chính cộng đoàn Kitô hữu phải chăm sóc người già: họ hàng và bạn bè, là cộng đoàn. Việc thăm hỏi người già phải được thực hiện bởi nhiều người, cùng nhau và thường xuyên. Chúng ta đừng bao giờ quên những dòng Tin Mừng này. Đặc biệt là ngày nay khi số người cao tuổi đã tăng lên đáng kể, so với người trẻ, bởi vì trong mùa đông dân số này người ta không sinh con cái. Và có nhiều người già hơn và ít người trẻ hơn… Chúng ta phải cảm thấy trách nhiệm thăm viếng những người già thường ở một mình và dâng họ cho Chúa qua những lời cầu nguyện của chúng ta. Chính Chúa Giêsu sẽ dạy chúng ta cách yêu thương họ. “Một xã hội thực sự chào đón sự sống khi nhận ra rằng nó quý giá ngay cả khi già yếu, khuyết tật, bệnh tật hiểm nghèo và khi nó đang kết thúc” (Sứ điệp gửi Hàn lâm viện Toà Thánh về Sự sống, 19/2/2014). Sự sống luôn luôn quý giá.

Khi thấy người phụ nữ cao tuổi bị bệnh, Chúa Giêsu cầm tay bà và chữa lành cho bà: Người thực hiện cùng một cử chỉ mà Người đã làm để hồi sinh bé gái đã chết: Người cầm tay em và đỡ em dậy, chữa lành cho em. Với cử chỉ yêu thương dịu dàng này, Chúa Giêsu đưa ra bài học đầu tiên cho các môn đệ: ơn cứu độ được loan báo, hay đúng hơn là được thông truyền qua sự quan tâm chăm sóc người bệnh; và đức tin của người phụ nữ đó tỏa sáng trong lòng biết ơn đối với sự dịu hiền của Thiên Chúa, Đấng đã cúi xuống trên bà.

Nền văn hoá vứt bỏ người già

Tôi trở lại một chủ đề mà tôi đã lặp lại trong loạt bài giáo lý này: văn hóa vứt bỏ dường như xóa sổ người già. Đúng, nó không giết họ, nhưng nó xóa bỏ họ về mặt xã hội, như thể họ là một gánh nặng phải mang: tốt hơn là làm cho họ biến mất đi. Đây là sự phản bội lại chính nhân tính, đây là điều tồi tệ nhất, đây là lựa chọn sự sống theo ích lợi, theo tuổi trẻ chứ không phải theo sự sống như nó vốn là, với sự khôn ngoan của người cao tuổi, với giới hạn của người già. Người già có rất nhiều điều để trao tặng cho chúng ta: họ có sự khôn ngoan của cuộc sống; có rất nhiều điều để dạy chúng ta: đây là lý do tại sao chúng ta phải dạy con cái, ngay từ khi còn nhỏ, để chúng quan tâm chăm sóc họ, để chúng đến với ông bà của chúng. Đối thoại giữa người trẻ, các trẻ em với ông bà là nền tảng cho xã hội, cho Giáo hội, cho sự lành mạnh của cuộc sống. Nơi nào không có đối thoại giữa người trẻ và người già thì thiếu một điều gì đó và một thế hệ lớn lên mà không có quá khứ, tức là không có cội nguồn.

Người già phục vụ cộng đoàn

Nếu bài học đầu tiên được Chúa Giêsu nêu lên, thì bài học thứ hai được trao cho chúng ta bởi một người phụ nữ cao tuổi, người đã “trỗi dậy và bắt đầu phục vụ họ.” Ngay cả khi là một người cao tuổi, người ta có thể, đúng hơn là, phải phục vụ cộng đoàn. Điều đáng mừng là những người lớn tuổi vẫn luôn trau dồi trách nhiệm phục vụ, vượt qua cám dỗ thoái lui. Chúa không từ chối họ, trái lại Người ban cho họ sức mạnh để phục vụ. Và tôi muốn lưu ý rằng các thánh sử không nhấn mạnh điểm đặc biệt nào trong câu chuyện: đó là điều bình thường của việc đi theo Chúa, điều mà các môn đệ sẽ học, trong trọn vẹn ý nghĩa của nó, dọc theo hành trình huấn luyện mà họ sẽ theo tại Trường học của Chúa Giêsu.

Những người cao tuổi mà vẫn tiếp tục sẵn sàng chữa lành, an ủi, khẩn cầu cho anh chị em của mình – dù họ có thể là các môn đệ, các đại đội trưởng, hay những người bị tà thần quấy nhiễu, những người bị vứt bỏ … – có lẽ họ là chứng tá cao nhất về sự tinh tuyền của lòng biết ơn này, điều đi kèm với đức tin. Nếu những người cao tuổi được đặt vào trung tâm của sự quan tâm của tập thể, thay vì bị vứt bỏ và bị gạt ra khỏi bối cảnh của những sự kiện đánh dấu đời sống của cộng đoàn, thì họ sẽ được khuyến khích thực hiện hành động biết ơn đối với Thiên Chúa, Đấng không quên bất cứ ai. Lòng biết ơn của những người cao tuổi về những ơn nhận được từ Thiên Chúa trong cuộc sống của họ, như bà mẹ vợ của thánh Phêrô dạy chúng ta, khôi phục niềm vui chung sống cho cộng đoàn, và mang lại cho đức tin của các môn đệ đặc điểm thiết yếu trong mục đích của nó.

Sự nhạy cảm của người nữ về lòng biết ơn và sự dịu dàng

Nhưng chúng ta phải hiểu rõ rằng tinh thần chuyển cầu và phục vụ, mà Chúa Giêsu dạy cho tất cả các môn đệ, không chỉ là vấn đề dành cho nữ giới: không có giới hạn trong lời nói và hành động của Chúa Giêsu. Hành động biết ơn vì sự dịu hiền của Thiên Chúa, được diễn tả trong Tin Mừng, hoàn toàn không được viết theo cách thế diễn tả người đàn ông như là ông chủ và người phụ nữ như là đầy tớ. Tuy nhiên, điều này không loại bỏ thực tế rằng các phụ nữ có thể dạy cho người nam về lòng biết ơn và sự dịu dàng của đức tin, những điều mà người nam cảm thấy khó hiểu hơn. Trước khi các tông đồ đến thăm mẹ vợ của thánh Phêrô, dọc trên hành trình theo Chúa Giêsu, bà cũng đã chỉ đường cho họ. Và sự tế nhị đặc biệt của Chúa Giêsu, Đấng đã “cầm tay bà” và “nâng bà dậy”, ngay từ đầu đã cho thấy rõ sự nhạy cảm đặc biệt của Chúa đối với những người yếu đuối và bệnh tật, điều mà Con Thiên Chúa chắc chắn đã học được từ Mẹ của mình.

Hãy dạy con cháu gần gũi ông bà

Xin hãy tìm cách để những người già, các người ông người bà gần gũi với con cháu, với lớp trẻ để truyền cho họ ký ức cuộc sống, để truyền kinh nghiệm sống, truyền sự khôn ngoan của cuộc sống này. Sẽ có nhiều hy vọng hơn cho tương lai của xã hội chúng ta theo mức độ mà chúng ta kết nối người trẻ và người già. Xin cảm ơn.

Buổi Tiếp kiến chung kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Đức Thánh Cha ban cho mọi người.

Hồng Thủy – Vatican News

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *