Giáo Hạt Cà Mau

Bảy Chìa Khoá Để Hiểu Bí Tích Thêm Sức

Bảy Chìa Khoá Để Hiểu Bí Tích Thêm Sức

 

Bí tích Thêm Sức là một trong ba bí tích khai tâm Ki-tô giáo. Nó biểu thị vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống Ki-tô giáo và của Hội Thánh: qua sức mạnh và thần khí của Thánh Thần, Thiên Chúa sai người tín hữu ra đi làm chứng cho Tin Mừng. Sau đây xin giới thiệu BẢY CHÌA KHÓA để hiểu Bí Tích Thêm Sức:

  1. Bí tích Thêm Sức, dấu chỉ của sự trưởng thành Ki-tô giáo
  2. Nguồn gốc Bí tích Thêm Sức
  3. Lược sử cử hành của Bí Tích Thêm Sức
  4. Thừa tác viên của bí tích Thêm Sức
  5. Diễn tiến nghi thức bí tích Thêm Sức
  6. Khi nào được lãnh bí tích Thêm Sức?
  7. Tuyên xưng đức tin “trọng thể”

 

  1. BÍ TÍCH THÊM SỨC,

DẤU CHỈ CÚA SỰ TRƯỞNG THÀNH KI-TÔ GIÁO

Bí tích Thêm Sức đánh dấu bước tiến quyết định và dứt khoát của người chịu phép rửa trong tuổi trưởng thành trong đức tin. Cùng với bí tích Rửa Tội và Thánh Thể, bí tích Thêm Sức nhằm “làm cho vững mạnh” việc khai tâm Ki-tô giáo của người tân tòng. Đây là bí tích của sự trưởng thành Ki-tô giáo: Người lãnh nhận sẽ được Hội Thánh uỷ thác sứ vụ loan báo Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Trong bí tích Rửa Tội, Chúa nói: “Hãy đến”. Trong bí tích Thêm Sức, Người phán: “Hãy đi”. Thêm Sức, có nghĩa là làm cho vững chắc hơn, rắn rỏi hơn. Qua bí tích này, người tín hữu nhận lấy sức mạnh đế sống đức tin của mình cách vững mạnh. Nhờ tăng sức, họ có đủ tư cách của người chứng nhân của Chúa Ki-tô, nhờ ân sủng của Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần, nguồn sức mạnh, luôn được giới thiệu dưới hình dạng chim bồ câu, lưỡi lửa hoặc làn gió. Ngài là quà tặng của Thiên Chúa. Các bạn hữu của Chúa Giêsu đã trãi nghiệm với sức mạnh này trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Sau khi nhận lãnh bí tích Thêm Sức, người tín hữu có thể nói: “Vâng, tôi biết rằng tôi là con của Chúa. Với người khác, tôi muốn sống trong tư cách người Ki-tô hữu. Tôi muốn loan báo Tin Mừng của Chúa Ki-tô.”

 

  1. NGUỒN GỐC BÍ TÍCH THÊM SỨC

Năm mươi ngày sau biến cố Phục Sinh của Chúa Ki-tô, các bạn hữu của Người nhóm họp tại Giêrusalem. Sách Công Vụ Tông Đồ kể rằng: “ Khi đến ngày lễ Ngữ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho”. (Cv 2,1-4)

Kể từ ngày hôm đó, những người chứng kiến đã ra đi và kể lại cho dân miền Địa Trung Hải. Các ông đã loan báo cho những người không tin về Tin Mừng của Đấng Ki-tô Phục Sinh, mời gọi họ hoán cải và lãnh nhận phép rửa tội. Đây chính là sự thúc đẩy của Thần Khí mà các ông đã nhận trong ngày Ngũ Tuần, một sức mạnh để thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng Cứu Độ.

Hai bản văn trong Công Vụ Tông Đồ ghi lại dấu vết của bí tích Thêm Sức

(1) “Các Tông Ðồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8,14-17).

(2) Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Và khi ông Phaolô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. Cả nhóm có chừng mười hai người” (Cv 19, 5-7).

 

  1. LƯỢC SỬ CỬ HÀNH CỦA BÍ TÍCH THÊM SỨC

Từ những ngày đầu của Hội Thánh, việc đặt tay và xức dầu biểu thị sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã lãnh nhận ngày chịu phép rửa tội. Trong giai đoạn này, bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể được thực hiện trong cùng một buổi cử hành, và thường diễn ra trong Đêm Vọng Phục Sinh.

Buổi cử hành được diễn ra trong ba giai đoạn – theo trật tự của ba bí tích Khai Tâm. Người lãnh nhận bí tích trước tiên được mời gọi tuyên xưng đức tin, được dìm xuống giếng nước rửa tội và họ được mặc áo trắng. Tiếp đến, Giám mục đặt tay trên và xức dầu trên họ. Sau cùng, họ được rước lễ lần đầu tiên trong cuộc đời.

Nhiều thế kỷ tiếp theo, các cộng đoàn tín hữu được thành lập, ba giai đoạn của việc cử hành như xưa được chia ra, và trật tự của chúng cũng thay đổi. Thường thì linh mục rửa tội cho người dự tòng và chờ đợi giám mục đến để ban bí tích Thêm Sức, “làm vững mạnh” bí tích Rửa Tội đã lãnh nhận.

Từ thế kỷ thứ XIV, Hội Thánh đề nghị những người chịu phép Thêm Sức phải đạt đến tuổi khôn, hoặc ít là 7 tuổi, để bảo đảm quyền tự do lương tâm. Đến thế kỷ thứ XVI, bí tích Thêm Sức đánh dấu sự bắt đầu của việc học giáo lý và bí tích Thánh Thể kết thúc giai đoạn này. Nhưng, đến thế kỷ XIX, bí tích Thánh Thể đánh dấu giai đoạn kết thúc tuổi thiếu nhi và bước vào tuổi thành niên: Rước lễ trọng thể (bao đồng). Tuy nhiên, vào năm 1910, Đức giáo hoàng Piô X cho phép trẻ em (thiếu nhi) được rước lễ: Rước lễ thường (rước lễ cá nhân). Vì thế, những thập niên tiếp theo, có một sự hiểu lầm về thời điểm cử hành giữa bí tích Thêm Sức và rước lễ Bao Đồng (trọng thể).

Ngày nay, tương đối rõ ràng: Bí tích Thêm Sức là bí tích của người Ki-tô hữu trưởng thành trong đời sống đức tin, hoa trái của một tiến trình tăng trưởng đức tin mang tính cá nhân của các em thiếu nhi qua việc học giáo lý. Trong khi ngày xưa “rước lễ trọng thể”, được gọi là “tuyên xưng đức tin” diễn ra vào cuối thời kỳ học giáo lý.

 

  1. THỪA TÁC VIÊN CỦA BÍ TÍCH THÊM SỨC
Trong nghi lễ La-tinh, giám mục là thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm Sức (x. Giáo luật, điều 882). Dù giám mục có thể trao quyền ban bí tích Thêm Sức cho các linh mục trong những trường hợp cần thiết (x. Giáo luật, điều 884,2); nhưng do ý nghĩa của bí tích này, giám mục nên trực tiếp ban vì đừng quên bí tích Thêm Sức được tách khỏi bí tích Thánh Tẩy là để các ngài có thể đích thân đến ban phép Thêm Sức. Các giám mục là những vị kế nhiệm tông đồ, được lãnh nhận bí tích truyền chức cách viên mãn, nên việc các ngài đích thân cử hành bí tích sẽ nhấn mạnh: bí tích Thêm Sức kết hợp chặt chẽ những người lãnh nhận với Hội Thánh, với các nguồn gốc tông đồ và với sứ mạng làm chứng cho Chúa Ki-tô.

1314 (1307)  Bất cứ linh mục nào cũng có thể ban bí tích Thêm Sức cho người tín hữu đang nguy tử (x. CIC khoản 883,3). Hội Thánh mong muốn : không một người con nào của mình, cho dù bé nhỏ, lìa đời mà chưa được Chúa Thánh Thần kiện toàn bằng ân sủng tràn đầy của Chúa Ki-tô.

Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1313 –1314

 

(1) Thừa tác viên nguyên thủy của bí tích Thêm sức là Giám mục, vì bí tích này được trao ban bởi giám mục trong tư cách kế vị các tông đồ. Ðây là cách làm nổi bật sự liên kết giữa người được Thêm sức với Hội thánh trong cơ cấu tông truyền. Trong bản thân và chức năng, giám mục là dấu chỉ của Hội Thánh. Thật vậy, ngày tấn phong chức giám mục, ngài đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần qua việc đặt tay của giám mục đoàn. Như vậy, giám mục có trách nhiệm để “làm cho vững mạnh anh chị em mình trong đức tin”… Tuy nhiên, vì lý do công việc trong chức vụ, giám mục có thể uỷ thác năng quyền của ngài cho một linh mục, đại diện cho ngài. Khi linh mục trao ban bí tích này cũng biểu lộ mối dây liên kết giữa ngài với Giám mục và với Hội thánh: cộng sự viên của Giám mục, và Dầu thánh được chính Giám mục thánh hiến.

(2) Người lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Sau thời gian tham dự các khoá giáo lý chuẩn bị cho bí tích Thêm Sức, khi sắp kết thúc khoá giáo lý, người chịu phép Thêm Sức phải viết Thư Xin Lãnh Nhận bí tích Thêm Sức. Đây phải là kết quả của một nổ lực học hỏi giáo lý và sự tự do cá nhân. Vì lý do này, Hội Thánh đề nghị người sắp lãnh nhận bí tích phải tự viết thư xin. Những lá thư này cần được cha sở và giáo lý viên thay mặt giám mục cứu xét cách kỹ lưỡng, vì đây là bước rất quan trọng trong hành trình đức tin của họ.

(3) Bí tích Thêm Sức cũng cần đến người đỡ đầu. Trong nghi thức, thông thường, họ đặt tay trên vai người chịu phép và giới thiệu con đỡ đầu cho giám mục. Nên chọn người đỡ đầu lúc rửa tội để làm người đỡ đầu Thêm Sức[1], tuy nhiên cũng có thể chọn người khác, nhưng cũng phải hội đủ các điều kiện cần thiết như khi chọn người đỡ đầu rửa tội. Bổn phận của người này là lo giúp người chịu bí tích Thêm Sức sống như nhân chứng đích thực của Chúa Kitô và trung kiên chu toàn những bổn phận gắn liền với bí tích Thêm Sức.[2]

 

  1. DIỄN TIẾN NGHI THỨC CỦA BÍ TÍCH THÊM SỨC

Nghi thức Thêm Sức diễn ra theo nhiều giai đoạn

(1) Trước tiên, người sắp lãnh nhận bí tích được giám mục gọi đích danh từng người. Ngài được mời gọi họ thể hiện một cử chỉ để biệu lộ ước muốn cá nhân đối với bí tích sắp lãnh nhận (thí dụ: qua câu trả lời sau khi được gọi tên, hoặc đứng lên hay một bước tiến lên phía trước…). Tiếp đến, giám mục mời gọi họ tuyên xưng đức tin, làm mới lại cam kết của ngày rửa tội, mà những người đại diện đã làm thay họ. Đây là lời cá nhân (tôi tin) trong cộng đoàn Hội Thánh (chúng tôi tin).

(2) Tiếp đến, giám mục đặt tay trên người chịu phép bí tích. Cử chỉ này được thực hiện trong truyền thống của Hội Thánh và cũng được sử dụng trong các bí tích khác: Rửa Tội, Hoà Giải, Xức Dầu Bệnh Nhân, Hôn Phối và Phong Chức. Trong khi đặt tay, giám mục đọc những lời van xin Thiên Chúa Cha của Đức Giêsu Ki-tô ban Chúa Thánh Thần cùng BẢY ƠN của Người xuống trên người chịu phép. Hội Thánh Công Giáo dạy về bảy ơn ban đặc biệt của Thánh Thần: Ơn khôn ngoan: giúp hiểu ý Chúa; ơn thông minh: giúp hiểu và đào sâu Lời Chúa; ơn lo liệu: Biết nghe Lời Chúa để được Người hướng dẫn; ơn sức mạnh: dám làm chứng cho Chúa Ki-tô; ơn suy biết: nắm bắt ý nghĩa đích thực của cuộc sống; ơn đạo đức: kính mến Chúa như con đối với Cha; ơn kính sợ Chúa: ca ngợi Chúa và cảm mến Người trong mọi sự.

 

Lời nguyện khi đặt tay:

Lạy Thiên Chúa toàn năng là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con,

Chúa đã tái sinh các tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần

khi giải thoát họ khỏi tội lỗi,

thì lạy Chúa, xin ban Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi đến trong những người này,

xin ban cho họ thần trí khôn ngoanthông hiểu,

thần trí lo liệusức mạnh, thần suy biếtđạo đức,

xin ban cho những người này ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

(3) Tiếp theo, người đỡ đầu sẽ đi sau ứng viên tiến lên trước mặt giám mục. Khi đến trước Giám mục, người đỡ đầu sẽ đặt tay phải của mình trên vai của ứng viên và sẽ xướng tên ứng viên cho Giám mục, hoặc chính ứng viên tự xướng tên mình. Cử chỉ của người đỡ đầu biểu thị nghiêm túc trách nhiệm mà họ gách vác trong tư cách là cha (mẹ) thiêng liêng trong bí tích. Sau đó, giám mục nhúng đầu ngón tay phải vào Dầu Thánh rồi ghi hình thánh giá trên trán từng ứng viên và đọc:

T….. HÃY NHẬN ẤN TÍN ƠN CHÚA THÁNH THẦN.

Ứng viên đáp: Amen

Giám mục: Bình an của chúa ở cùng con

Ứng viên đáp: Và ở cùng cha

Việc xức dầu và ghi dấu thánh giá biểu thị một ấn tín không thể tẩy xoá trong linh hồn người lãnh nhận, cũng như gia tăng ân sủng của bí tích Rửa Tội.

Người ta gọi Bí tích này là Bí tích Chrisma (trong các Giáo Hội Đông Phương: Chrismation là việc xức bằng dầu myron, nghĩa là Dầu thánh), bởi vì nghi thức chính yếu của Bí tích này là việc xức dầu. Người ta gọi Bí tích này là Bí tích Thêm Sức, vì Bí tích này kiên cường và củng cố ân sủng của Bí tích Rửa tội.

Sách Giáo Lý Toát Yếu, số 266.

 

(4) Khi cử hành bí tích Thêm Sức, giám mục hay vị đại diện giám mục mặc áo lễ màu đỏ, màu của lửa và máu. Màu phụng vụ này tưởng nhớ đến Chúa Thánh Thần, trong hình lưỡi lửa của ngày Ngũ Tuần, đồng thời nó cũng làm tưởng nhớ đến máu các vị tử đạo đã đổ ra để làm chứng cho Tin Mừng, nhờ hiệu quả bí tích Thêm Sức mang lại.

 

  1. KHI NÀO ĐƯỢC LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÊM SỨC

Về tuổi của người lãnh bí tích Thêm Sức là vấn đề được bàn đến khá nhiều. Giáo Luật chỉ nói cách tổng quát: Vì các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể tạo thành một thể thống nhất, nên “các tín hữu buộc phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức vào thời gian thích hợp” (điều 890). Giáo Luật lại nói rằng người chịu Phép Thêm Sức phải có khả năng lặp lại lời hứa khi chịu Phép Rửa (điều 889), và như thế, giả thiết người chịu phép phải ở độ tuổi trưởng thành.

Theo thói quen lâu đời của Hội Thánh Rôma, tuổi thích hợp là tuổi “biết phân biệt tốt xấu”, nhưng cụ thể là bao nhiêu tuổi thì không nói rõ. Thánh Tôma Aquinô phân biệt giữa tuổi trưởng thành trong đức tin và tuổi trưởng thành về tự nhiên: “Tuổi tác phần xác không xác định tuổi tác phần hồn. Bởi đó ngay cả trong tuổi thơ, con người cũng có thể đạt đến sự trưởng thành thiêng liêng”[3]. Ngài cũng nhắc đến những trẻ thơ, trong tác động của Chúa Thánh Thần, đã dám đổ máu mình ra làm chứng cho Đức Kitô. Cho nên sự trưởng thành Kitô giáo không nhất thiết lệ thuộc tuổi tác tự nhiên. Tại Việt Nam, thông thường tuổi lãnh nhận bí tích Thêm Sức là từ 12 đến 15.

Riêng, trường hợp người lớn dự tòng, họ sẽ lãnh một trật ba bí tích Khai Tâm Ki-tô giáo trong cùng một cử hành. Cũng cần lưu ý, trường hợp người lãnh sắp lãnh bí tích Hôn Phối, họ phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức trước khi lãnh nhận bí tích này.

 

  1. TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN “trọng thể”

Đây là lần đầu tiên đối với các em tuyên xưng công khai niềm tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi kể từ khi em được nhận vào Hội Thánh qua dòng nước rửa tội. Trước đây được gọi là “Rước Lễ Trọng Thể”, tuyên xưng đức tin không phải là một bí tích. Rước lễ Trọng thể của truyền thống Giáo hội Pháp, nơi phát xuất nghi thức này, vào thế kỷ thứ 17, để lựa chọn những điểm cốt yếu như: Rước lễ Bao Đồng (hay còn gọi là Rước Lễ Trọng Thể), xin lỗi cha mẹ, lặp lại lời hứa khi lãnh Bí Tích Rửa tội, dâng mình cho Đức Mẹ. . . . (xem cuốn “Bách khoa của giáo lý viên Pháp” và cuốn “Tĩnh tâm Rước lễ Trọng thể” của Michel Gasnier, An tôn).

– Nghi thức Tuyên xưng đức tin (Rước lễ Trọng thể) được lưu truyền trong các họ đạo Miền Nam, đặc biệt có “bài băn vần” giúp các em xin lỗi cha mẹ. Mỗi lần các cha mẹ nghe con cái mình long trọng xin lỗi đều cảm động và nhớ lại ngày xưa. Đây là nét hội nhập văn hóa vào đức tin rất đáng quí trọng và nên duy trì.

Như vậy, nghi thức này tổng hợp những điểm cốt yếu, cần thiết, và được soạn lại cho thích hợp với hoàn cảnh ở Việt Nam hôm nay; vừa tạo điều kiện cho cha mẹ và người đỡ đầu  nhớ lại và quan tâm thi hành trách nhiệm giáo dục con cái mà họ đã lãnh nhận từ Giáo hội, khi xin cho con cái được rửa tội; vừa giúp các em cam kết tuyên hứa  với Chúa và Giáo hội để bước vào đời với niềm phấn khởi và tin tưởng các em luôn có Chúa Thánh Thần hướng dẫn (ấn tín của Thêm Sức), có Thánh Thể Chúa Giêsu Kitô bồi dưỡng, có cộng đồng Giáo hội đồng hành trên đường đời. Tất cả nhằm làm cho Nghi thức thực sự là trọng thể, nhưng lại rất thiết thực và có sức tác động tâm hồn của cha mẹ và người đỡ đầu cũng như của các em.

Trong thực hành hiện nay, Nghi thức Tuyên Xưng Đức Tin được thực hiện vài năm sau khi các em lãnh Bí Tích Thêm Sức, đánh dấu việc hoàn tất chương trình giáo lý phổ thông và chuần bị giáo lý vào đời và hôn nhân.

 

Lm. Gs. Lê Ngọc Ngà

 

 

[1] Giáo luật, điều 893,2.

[2] Giáo luật, điều 892.

[3] Giáo Lý Công Giáo, số 1308.

Facebook
Twitter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *