GIÁO PHẬN CẦN THƠ
BAN GIÁO LÝ
KÍNH BÁO
VỀ NGÀY KHAI GIẢNG NĂM GIÁO LÝ 2022-2023
—–oOo—–
Kính quý Cha, quý Tu sĩ, Giáo lý viên và quý Phụ huynh thân mến,
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã viết :
“Huấn giáo luôn được Giáo Hội coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu…vì ở cấp địa phương cũng như toàn cầu, nếu Hội Thánh càng dành ưu tiên cho việc Huấn giáo, thì Hội Thánh càng tìm được, trong việc Huấn giáo, sức mạnh củng cố cho đời sống bên trong của cộng đoàn tín hữu, cũng như cho hoạt động loan báo Tin Mừng bên ngoài của Hội Thánh”[1]… Giáo hội mong ước các Chủ chăn đừng bỏ sót bất cứ việc gì cần thiết, cho một công cuộc dạy giáo lý có tổ chức và định hướng đúng đắn[2].
Để thực thi những lời nhắn nhủ trên, và để quyết tâm vượt qua những khó khăn trong việc dạy giáo lý sau hai năm dịch bệnh vừa qua :
Ban Giáo lý đề nghị ngày khai giảng Năm Giáo lý 2022-2023 vào Chúa nhật 24 TN, 11.09.2022.
Ban Giáo lý kính gửi tới quí Cha một vài tư liệu cho Lễ khai giảng, cùng với “Lịch học giáo lý năm 2022-2023”, để các họ đạo tùy nghi sử dụng.
Thân mến
Trung Tâm Mục Vụ GPCT ngày 18.8.2022
Ban Giáo Lý GPCT.
I. NGHI THỨC KHAI GIẢNG
—–oOo—–
Chương trình tổng quát được cử hành trong Thánh Lễ
Chúa Nhật 24 Thường Niên /11.09.2022
- Trước Thánh lễ :
– Các lớp giáo lý tập họp trước tiền đình Nhà thờ.
– Đoàn rước tiến vào Nhà thờ : Thánh giá nến cao ð Các lớp giáo lý ð Các Phụ huynh ð Các Giáo lý viên (Mặc áo GLV) ð Cha Chủ tế.
– Thánh lễ bắt đầu như thường lệ.
Cha chủ tế hướng ý Cộng đoàn về ý nghĩa của Ngày khai giảng.
- Phụng vụ Lời Chúa CN 24 Thường niên C.
- Bài đọc I: một em học sinh.
- Bài đọc II: một Giáo lý viên.
- Phúc Âm & Giảng lễ (Chủ tế nhắn nhủ Cộng đoàn qua những gợi ý ở phần II).
- Nghi thức tuyên xưng Đức tin của các Giáo lý viên:
1/ Sau bài giảng, Cha Chủ tế :
– Công bố Danh sách các GLV phụ trách các Lớp giáo lý…
– Mời các GLV tiến lên trước cung thánh.
2/ Cha Chủ Tế huấn dụ các GLV:
Quí Thầy cô Giáo lý viên thân mến,
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã viết trong Tông huấn về việc Dạy giáo lý rằng :
“Nhân danh toàn thể Giáo hội, Cha muốn cám ơn các con, các Giáo lý viên trong các Giáo xứ…đang tận tụy giáo dục đức tin cho nhiều thế hệ. Hoạt động của các con nhiều khi khiêm tốn và âm thầm, nhưng là một hình thức tuyệt vời của việc tông đồ giáo dân”.
Như vậy, là những nhà giáo dục đức tin, quí Thầy cô cần kiên vững và trung thành rao giảng, dựa trên nền tảng đức tin mà Hội Thánh hằng tuyên xưng. Vậy :
Chủ tế: Quí Thầy cô có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật không ?
GLV: Thưa con tin.
Chủ tế: Quí Thầy cô có tin kính Đức Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh nữ Ma-ri-a, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết và đang ngự bên hữu Chúa Cha không ?
GLV: Thưa con tin.
Chủ tế: Quí Thầy cô có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh công giáo, tin các Thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu không ?
GLV: Thưa con tin.
Chủ tế: Quí Thầy cô có hứa : khi dạy giáo lý, luôn kiên vững và trung thành rao giảng, dựa trên nền tảng đức tin, mà Hội Thánh hằng tuyên xưng không ?
GLV: Thưa, chúng con hứa.
Chủ tế: Nguyện xin Thiên Chúa Cha toàn năng đoái thương ban tràn đầy Thánh Thần xuống trên các tôi tớ Chúa đây, để các tôi tớ Chúa nên vững mạnh, và nên giống Chúa Ki-tô Con Thiên Chúa, hầu khi thi hành việc dạy Giáo lý, các tôi tớ Chúa đây khôn ngoan và nhiệt tâm xây dựng Nhiệm thể Chúa Ki-tô trong đức tin, đức trông cậy và đức mến yêu. Chúng con nguyện xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng con.
Tất cả: AMEN
(Vỗ tay).
- Lời nguyện Tín hữu (xem Phần III).
Đ. Kết Lễ :
* Trước Phép lành của Chủ tế: Đôi lời của Đại diện Phụ huynh (Cám ơn quí Cha và các Giáo lý viên; Hứa sẽ hợp tác chặt chẽ với quí Cha và các GLV trong việc Huấn giáo…).
* Sau bài hát tạ lễ: Các Giáo lý viên nhận lớp của mình & về lớp để gặp gỡ các em lần đầu.
II. NHẮN NHỦ CÁC THÀNH PHẦN DÂN CHÚA
VỀ SỨ MỆNH DẠY GIÁO LÝ
—–oOo—–
- Những nhắn nhủ chung :
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã viết :
“Dạy Giáo lý luôn được Giáo Hội coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, vì trước khi lên cùng Chúa Cha, Đức Ki-tô phục sinh đã ban cho các Tông đồ lệnh truyền cuối cùng: Hãy làm cho mọi người trở nên môn đệ, và dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Người truyền”[3].
Lý do phải dành ưu tiên cho việc Dạy Giáo lý : Vì “Ở cấp địa phương cũng như toàn cầu, Hội Thánh càng dành ưu tiên cho việc dạy Giáo lý, so với những công việc và khởi xướng khác mà kết quả có vẻ ngoạn mục, hấp dẫn hơn, thì Hội Thánh càng tìm được, trong việc Dạy Giáo lý, sức mạnh củng cố cho đời sống bên trong của cộng đoàn tín hữu, cũng như cho hoạt động truyền giáo bên ngoài của Hội Thánh”[4].
- Với Tu sĩ nam nữ :
“Cha hết lòng khuyên nhủ anh chị em tu sĩ nam nữ : hãy chuẩn bị, càng kỹ lưỡng càng tốt cho việc Huấn giáo… Hãy mang mối quan tâm ấy đến bất cứ nơi đâu. Chớ gì các cộng đoàn Tu sĩ dành tối đa khả năng và phương tiện cho công cuộc dạy giáo lý”[5].
- Với Giáo lý viên giáo dân :
* Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phao lô nói : Cha cầu chúc con số Giáo lý viên đông đảo hơn nữa, để phục vụ cho một công tác hết sức cần thiết trong việc truyền giáo”[6].
* Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhắn nhủ :
“Cha cảm ơn các Giáo lý viên vì những gì các con đã làm, nhưng trên hết vì các con luôn cùng đi với Dân Thiên Chúa. Cha khuyến khích các con trở thành những sứ giả vui tươi, những người bảo vệ sự thiện mỹ, là điều phải tỏa sáng trong cuộc sống trung tín của người môn đệ truyền giáo”[7].
“… Một giáo phận, một giáo xứ không thể lớn lên nếu không có các giáo lý viên. Điều này bắt đầu ngay từ những thời gian đầu tiên, ngay từ sau Chúa Giê-su Phục sinh… Đây là ơn gọi rất cao đẹp. Là một giáo lý viên không dễ chút nào ! Vì giáo lý viên không chỉ dạy “điều này điều nọ”, mà giáo lý viên phải truyền đạt những thái độ, những giá trị, những lối sống của một con người … Đó là một công việc khó khăn. Cha cảm ơn các con rất nhiều…”[8].
- Với các Họ đạo nói chung[9]:
– Họ đạo phải là nơi cổ võ, là địa điểm ưu tiên cho việc dạy Giáo lý.
– Họ đạo, nhất là những họ đạo lớn có bổn phận nghiêm trọng phải : } Đào tạo những người hiến thân cho công cuộc dạy Giáo lý (Linh mục, tu sĩ, nam nữ giáo dân). } Cung cấp những trang bị cần thiết. } Tăng thêm và thích nghi các phòng lớp giáo lý[10].
- Với phụ huynh trong các gia đình[11] :
– Việc dạy giáo lý, giáo dục đức tin nơi gia đình ngay từ buổi thơ ấu…là việc không thể thay thế được. Việc giáo huấn này được thực hiện :
. Bằng chứng tá đời sống hằng ngày, lặng lẽ nhưng bền chí của các bậc phụ huynh.
. Bằng việc cắt nghĩa cho con cháu về ý nghĩa Kitô giáo của những biến cố nơi gia đình (vd. Dịp lễ Giáng sinh, Phục sinh, giỗ tết…dịp con cháu mới sinh, lãnh nhận các bí tích, lập gia đình, có người qua đời…).
. Bằng việc biết quan tâm, theo sát, nhắc nhở con cháu học giáo lý.
– Muốn vậy, các bậc ông bà cha mẹ cần rèn luyện cho mình những khả năng để Huấn giáo con cháu… cần kiên tâm không mệt mỏi : “Gia đình phải theo sát con cái suốt đời trong việc Giáo lý, nhất là trong tuổi thiếu niên và thanh niên, là tuổi mà con cái thường hay phản kháng, hoặc còn thẳng thừng từ chối đức tin Kitô giáo, mà chúng đã nhận trong những năm đầu đời. Cũng như trong Hội thánh, công việc rao giảng Tin Mừng không bao giờ được thực hiện mà vị tông đồ không phải chịu những đau khổ, thì trong gia đình Ki-tô hữu cũng vậy, cha mẹ phải rất can đảm, và hết sức đương đầu với những khó khăn nơi chính con cái họ”[12]. Việc phục vụ họ đang làm trong việc dạy giáo lý thật là vô giá !
- Với các học sinh giáo lý : Các con thân mến,
– “…Đối với tất cả các con: Để phát triển đời sống đức tin, các con hãy tham gia các lớp giáo lý và sinh hoạt đạo đức tại giáo xứ. Những sinh hoạt này không những giúp các con hiểu biết đức tin sâu rộng, mà còn giúp các con nhận biết-yêu mến Hội Thánh, cũng như biết cách sống trong xã hội hơn”[13].
– “…Đối với các thiếu nhi : Giáo lý giáo dục các con về tính tính, nhưng còn hướng các con tới việc làm chứng cho đức tin… Giáo lý làm cho các con nhận ra ý nghĩa để biết đón nhận, tham dự các bí tích cách sinh động, hầu truyền đến cho các con niềm vui được làm chứng cho Đức Ki-tô trong cuộc sống mỗi ngày” [14].
– “Đối với thanh thiếu niên : là lứa tuổi tươi đẹp nhưng cũng đầy nguy hiểm !.. Giáo lý giúp các con tự xét lại đời sống mình, và làm cho các con biết đối thoại…để nhận thấy những vấn đề lớn lao của các con là quên mình, niềm tin, tình yêu và cách diễn tả nó qua giới tính… Giáo lý rất quan trọng để giúp các con đón nhận Chúa Giê-su như một Người bạn, một Người hướng dẫn và một Người mẫu, Người đáng kính phục nhưng các con vẫn có thể bắt chước Người được…”[15].
III. LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
(CN 24 TN : 11.09.2022)
CHỦ TẾ : Quý ÔBACE phụ huynh, và các con học sinh giáo lý rất thân mến ! trong tâm tình hiệp thông với toàn thể Giáo phận, trong ngày Khai giảng năm Giáo lý 2022-2023, cùng với những lễ vật của Thánh lễ khai giảng này, chúng ta dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin.
XƯỚNG VIÊN :
- “Chính Chúa đã thề hứa rằng : “Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời”.
Chúa đã trao cho Đức Thánh Cha, cho các Chủ chăn sứ mạng giáo huấn, rao giảng Tin Mừng. Xin Chúa thương ban dồi dào ơn khôn ngoan của Thánh Thần Chúa trên các Ngài, để các Ngài ‘không bỏ sót bất cứ việc gì cần thiết, trong công cuộc dạy giáo lý có tổ chức và định hướng đúng đắn’, để Dân Chúa mỗi ngày càng thêm đông số.
Đáp : Xin Chúa nhậm lời chúng con.
- “Cha cảm tạ Đấng đã ban sức mạnh cho cha là Đức Giê-su Ki-tô, vì Người đã đặt cha thi hành chức vụ”.
Chúa đã trao ban cho ông bà cha mẹ chúng con chức vụ là những Giáo lý viên đầu đời không ai thay thế được. Xin Chúa thương ban sức mạnh của Thánh Thần Chúa, để noi gương các Thánh tử đạo Việt Nam, các ngài luôn can đảm vượt qua những khó khăn, hầu luôn quan tâm, theo sát và nhắc nhở con cháu trong việc học hỏi và sống giáo lý của Chúa. Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
- “Đức Giê-su Ki-tô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết, để cha nêu gương cho những ai sẽ tin vào Người, hầu được sống đời đời”.
Lạy Chúa, Hội thánh đã trao các học sinh giáo lý, như con cái thiêng liêng, cho quý Thầy cô Giáo lý viên đồng hành. Xin Chúa thương ban ơn hiểu biết, thông minh, đạo đức của Thánh Thần Chúa, để lời giảng dạy và gương sống của quý Thầy cô, sẽ dẫn dắt các học sinh đến gặp gỡ, hiệp thông với Chúa mỗi ngày một hơn. Đáp: Xin Chúa nhậm lời…
- “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu “.
Chúa hằng đổi mới và làm đẹp các học sinh giáo lý nhờ Lời Chúa, nhờ ơn thánh hóa và tha thứ của Chúa. Xin Chúa thương ban ơn biết lo liệu của Thánh Thần Chúa, để chúng con luôn chuyên cần học hỏi và nỗ lực sống đời làm con Chúa mỗi ngày.
Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con.
CHỦ TẾ : Lạy Chúa, xin Chúa vui nhận những ý nguyện chúng con tiến dâng lên, cùng với những lễ vật, trong Thánh lễ khai giảng Năm giáo lý mới hôm nay. Xin Chúa thương chúc lành cho chúng con, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con.
CĐ: AMEN.
IV. LỊCH HỌC
Năm Giáo lý 2022 – 2023 (Từ Khai tâm đến Năm 9)
NGÀY | TUẦN | GẶP GỠ | GHI CHÚ |
11-09-2022 | Chúa Nhật 24 Thường niên C | Khai giảng | |
18-09-2022 | CN 25 TN | 1 | |
25-09-2022 | CN 26 TN | 2 | |
02-10-2022 | CN 27 TN | 3 | |
9-10-2022 | CN 28 TN | 4 | |
16-10-2022 | CN 29 TN | 5 | |
23-10-2022 | CN 30 TN – CN Truyền giáo | 6 | |
30-10-2022 | CN 31 TN | 7 | |
06-11-2022 | CN 32 TN | 8 | |
13-11-2022 | CN 33 TN | 9 | |
20-11-2022 | CN 34 Lễ Chúa Kitô Vua
Lễ các Thánh Tử đạo VN |
10 | |
27-11-2022 | CN 01 mùa Vọng | Kiểm tra Gặp gỡ 1-10 | |
04-12-2022 | CN 02 mùa Vọng | 11 | |
11-12-2022 | CN 03 mùa Vọng | 12 | |
18-12-2022 | CN 04 mùa Vọng | 13 | |
25-12-2022 | CN Lễ Chúa giáng sinh | Nghỉ lễ Chúa G. sinh | |
01-01-2023 | CN Lễ Đức Maria, Mẹ T. Chúa | 14 | |
8-01-2023 | CN Lễ Chúa Hiển linh
CN 01 Thường niên A |
15 | |
15-01-2023 | CN 02 TN | 16 | |
22-01-2023 | Mồng Một Tết Quý Mão
CN 03 TN |
Nghỉ Tết | |
29-01-2023 | CN 04 TN | 17 | |
05-02-2023 | CN 05 TN | 18 | |
12-02-2023 | CN 06 TN | 19 | |
19-02-2023 | CN 07 TN | 20 | |
22-02-2023
26-02-2023 |
Thứ Tư lễ Tro
CN 1 mùa Chay |
Kiểm tra Gặp gỡ 11-20 |
|
05-03-2023 | CN 2 mùa Chay | 21 | |
12-03-2023 | CN 3 mùa Chay | 22 | |
19-03-2023 | CN 4 mùa Chay | 23 | |
26-03-2023 | CN 5 mùa Chay | 24 | |
02-04-2023 | CN Lễ Lá | 25 | |
09-04-2023 | CN Phục Sinh | 26 | |
16-04-2023 | CN 2 Phục Sinh | 27 | |
23-04-2023 | CN 3 Phục Sinh | 28 | |
30-04-2023 | CN 4 Phục Sinh | 29 | |
07-05-2023 | CN 5 Phục Sinh | 30 | |
14-05-2023 | CN 6 Phục Sinh | Kiểm tra Gặp gỡ 21-30 | |
21-05-2023 | CN 7 Phục Sinh | Ôn bài | |
28-05-2023 | CN Lễ CTT Hiện xuống | Tổng kết cuối năm |
* NB. Tháng sáu & bảy : có thể học giáo lý vào ngày thứ Năm và Chúa Nhật (Chuẩn bị lãnh Bí tích…).
—-
[1] Tông huấn về Huấn giáo. s. 15.
[2] Tông huấn về Huấn giáo. s. 64.
[3] Tông huấn về Huấn giáo (HG), số 1.
[4] HG. s. 15.
[5] HG. s. 65.
[6] HG. s. 66.
[7] Sứ điệp gửi “Hội Thảo Quốc Tế về Dạy Giáo Lý”, 5.7.2017, tại Ác-hen-ti-na.
[8] ĐTC Phanxicô nói chuyện với giáo xứ Maddalena di Canossa, Ottavia, Roma. CN 12.3.2017.
[9] HG. s. 67.
[10] HG. s. 47.
[11] HG. s. 68.
[12] Tông huấn “Gia đình Kitô hữu”, s. 53.
[13] x. Tâm thư HĐGMVN 2016 Gửi các Gia đình CGVN, s. 10.
[14] x. HG. s.37.
[15] x. HG. s.38.