Mẹ Têrêsa hoàn toàn khác. Trước cửa phòng nhà dòng chỉ có cái sân nhỏ, nơi thanh niên nam nữ thiện nguyện ngồi nói chuyện, nơi họ ăn sáng trước khi đến các nhà săn sóc người bệnh làm việc. Mộ Mẹ an nghỉ ngay trong phòng đó. Một ngôi mộ trắng. Ngôi mộ giữa phòng khách, người ra vào, đi lại tự nhiên. Mộ Mẹ giống như chếc bàn trong gia đình. Trên mộ có tượng Đức Mẹ và một bình hoa. Thình thoảng có sơ nào đó thương nhớ Mẹ chăng, rải thêm những cánh hoa nhỏ trên mặt ngôi mộ. Chung quanh căn phòng là hình ảnh ngày Mẹ còn sống và sinh hoạt của chị em trong dòng. Tôi đến đây ngày đầu tiên 13.5.2001.

Trước cửa phòng ngôi mộ Mẹ là cái sân nhỏ làm chỗ tiếp khách, các thanh niên nam nữ thiện nguyện đang ăn sáng. Tình nguyện làm việc ở đây hầu hết là các bạn trẻ. Họ đến từ khắp thế giới. Tôi đến dâng lễ và ăn sáng với những người bạn trẻ này trước khi họ đi làm. Một số lớn từ nhà trọ đi làm luôn không tới đây, họ là những người đã ở đây lâu. Còn các bạn đến đây, phần lớn là những người mới, họ muốn gặp gỡ, đi chung với nhau vì chưa sành đường. Ban sáng các sơ cho bánh mì, cà phê, chuối. Theo tỉ lệ, bạn trẻ Nhật Bản đông nhất. Nơi đây không còn ranh giới quốc gia, không còn màu sắc tôn giáo, họ thân thiện với nhau ngay từ phút gặp gỡ, giúp nhau lấy xe buýt đi đến các nhà trong thành phố làm việc. Họ chỉ cho nhau chỗ nào thuê nhà rẽ, chỗ nào ăn ngon, ít tốn tiền mà an toàn. Có người đã ở vài tháng, có người vài tuần, có người mới tới.

Tôi gặp một nhóm bẩy người tên trẻ người Úc, tuổi chừng mười tám, ngoài hai mươi, đi nghỉ hè chung với nhau. Chúng nghịch như giặc, nhưng rất dễ thương. Họ trẻ nên đầy năng lực, lúc nào cũng ca hát đùa giỡn. Trên đường đi hè, chúng ghé Calcuta, ở lại vài ngày đến giúp các sơ làm việc phục vụ người nghèo. Sau mấy ngày lại lên đường đi chơi tiếp. Những người trẻ là vậy. Có bạn đến vài tháng. Đủ mọi trường hợp. Cho dù chỉ tình nguyện làm việc vài ngày, các sơ cũng nhận.

Các sơ có thánh lễ vào lúc 6:30 sáng. Sau đó túa ra đi làm. Có bảng đề cấm chụp hình, tôi xin sơ chụp vài tấm kỷ niệm. Trong phòng thánh, trước bàn mặc áo lễ, Mẹ Têrêsa viết lời nhắc nhủ các linh mục:

HỠI LINH MỤC CỦA THIÊN CHÚA.

XIN CHA DÂNG LỄ NÀY NHƯ LỄ MỞ TAY.

NHƯ THÁNH LỄ SAU CÙNG.

VÀ NHƯ THÁNH LỄ DUY NHẤT CHỈ CÓ MỘT LẦN TRONG ĐỜI.

Mẹ Têrêsa rất yêu quý bí tích Thánh Thể. Đọc trong hiến pháp và đường tu đức của dòng, tôi thấy họ đề cập đặc biệt đến lòng tôn sùng Thánh Thẻ và câỵ nhờ công việc qua Mẹ Maria. Cũng có nhiều người đến viếng mộ và cầu nguyện. Ngôi mộ thân tình như một phòng khách gia đình. Cha Robert Drugman, S.J. đã làm việc với Mẹ Têrêsa từ lâu. Tôi nghĩ thế nào mà ngài không có những kỷ niệm. Bên hành lang, cạnh ngôi mộ, tôi gợi chuyện:

– Thưa cha, Mẹ Têrêsa bắt đầu công việc như thế nào, cha biết không?

– Tôi sống và làm việc cạnh Mẹ mấy chục năm nay. Theo những gì tôi biết, một trong những hình ảnh đánh động nhiều, ảnh hưởng ơn gọi của Mẹ là ngày kia, Mẹ đang ở gần nhà ga, thấy một người đàn ông sắp chết. Mẹ đi tìm nhà thương cho ông ta. Không ai nhận ông ta cả. Như cha biết, đường xá xứ Ấn này, động mưa một tý là cống rãnh ngập lụt. Trong khi Mẹ đi tìm nhà
thương, trời đổ mưa. Đợi sau cơn mưa, trở lại chỗ ông ta nằm thì người đàn ông chết ngập nước. Nước cống rãnh nổi lên, ngập mặt ông ta khoảng gang tay. Đó là câu chuyện của mấy mươi năm về trước. Một kỷ niệm đau đớn về thân phận con người với Mẹ Têrêsa.

Chúng tôi ngồi nói chuyện ngay cửa ra vào. Bên cạnh bức tượng đồng, tạc chân dung Mẹ Têrêsa. Chuyện riêng đời cha Robert cũng dài lắm. Hôm trước khi rời Calcuta cha mời tôi lên phòng để tặng cuốn sách ngài viết. Cuốn sách có lời tựa của Mẹ Têrêsa. Cuốn sách nói về sự sống con người. Ngài quyết liệt chống lại phong trào đòi quyền phá thai. Ngài lao sức làm tất cả những gì có được để chống phong trào này. Viết sách, thuyết trình, tìm cách cổ võ sự sống con người. Cha Robert sinh trưởng ở Canada, qua Ấn từ thời sinh viên. Tôi khó hình dung một giáp sư đại học sống đơn giản thế này. Tò mò, như bị
thu hút bởi lối sống truyền giáo đó, tôi muốn biết xem ngài dạy gì, có bằng cấp ra sao, tôi gợi chuyện:

– Cha qua Ấn thời còn trẻ, chắc cha tốt nghiệp ở Ấn?

– Không, sau khi thụ phong linh mục, tôi đi Mỹ. Tỉnh dòng nghèo, không đài thọ được tiền học. Tôi xin được tỉnh dòng bên Mỹ giúp.

– Cha dạy môn gì?

– Religion and physic. Tôn giáo và vật lý.

Cổ áo cha cáu ghét đen. Đường xá Ấn rất bụi bặm, khói xe, đất cát, chỉ cần một gnày ra đường nhiều là ống tay, cổ áo cáu ghét ngay. Mồ hôi ướt lưng, chiếc quạt phành phạch lúc lắc trên trần. Tôi nhìn con người này đã bao năm sống trong chiếc phòng đơn sơ. Chưa mãn nguyện với tò mò, tôi gợi ý xa xa:

– Cha dạy vật lý, chắc cha có bằng cấp ở bên Mỹ?

– Ph.D.

Trong câu chuyện “Tiếng Chuông” tôi viết cách đây mấy năm về trước đăng trong tập truyện ngắn Tiếng Gọi Phía Bên Trong, căn phòng cha già trong truyện cũng không khó nghèo như cha Robert. Đợi cha lấy sách tặng, tôi nhìn ngài lúi húi tìm cuốn sách trong thùng giấy. Không thể nghĩ một ông tiến sĩ vật lý, giáo sư đại học mà không cần tủ sách. Ngoài bàn làm việc có một ghế bố, có lẽ ngài không bao giờ sùng vì rất nhiều bụi. Trên bàn viết, một chiếc đồng hồ báo thức đã bị tháo tung. Giây cót, các bánh xe răng cưa bằng đồng, đinh ốc nằm đầy trên góc tờ báo. Ngài bảo tôi ngài còn có nghề sửa đồng hồ.

Nối kết những ý tưởng lúc ngài nói chuyện. Tôi bắt được ý một phần về thái độ sống của ngài. Tôi hiểu tại sao ngài làm việc gắn bó với Mẹ Têrêsa. Vì cả hai đều chủ trương nghèo khó tinh thần phải thể hiện bằng khó nghèo trong cả vật chất. Dòng Mẹ Têrêsa chủ trương sống cái nghèo vật chất này. Có lần ngài nói với tôi:

– Đi bộ thì muốn đạp xe, đi xe đạp muốn có xe gắn máy, có xe gắn máy muốn xe hơi. Cứ cái này đòi cái kia.

Những linh mục truyền giáo tôi gặp đều có tinh thần sống đơn giản như thế. Trước khi rời Calcuta tôi cũng gặp cha lần cuối. Nhìn căn phòng của cha, tôi lại nhớ dáng đi của ngài hôm đầu tiên dẫn tôi tới nhà dòng Mẹ Têrêsa. Người đi cứ cúi mặt lao về phía trước, đi rất lẹ. Mồ hôi chảy ướt bả vai chiếc sơ mi cụt tay. Thỉnh thoảng lại lấy cánh tay quệt mồ hôi trên trán. Theo “tướng số”, người ta bảo dáng đi như thế là người suốt đời vất vả. Ngày đầu tiên đến Calcuta, cha là người đã dẫn tôi giới thiệu với các sơ để làm việc. Nhờ cha kể chuyện, tôi biết thêm về cuộc đời của Mẹ Têrêsa, người đang an nghỉ trong
ngôi mộ kia.

Linh Mục Nguyễn Tầm Thường