Toàn văn Bài phỏng vấn Đức Phanxicô trên chuyến bay từ Kazakhstan trở về Rôma
Vatican News
Trên chuyến bay Noursoultan-Rôma hôm 15/9/2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lời cho những câu hỏi của các phóng viên đi theo ngài đến Kazakhstan. Ngài đã nói về chiến tranh ở Ucraina, quyền phòng vệ chính đáng và buôn bán vũ khí, nhưng cả vai trò của chính trị và Tây phương trong cuộc khủng hoảng các giá trị vốn có nguy cơ sinh ra chủ nghĩa dân túy. Trả lời cho câu hỏi về hoàn cảnh ở Đức, Đức Thánh Cha giải thích rằng Giáo hội cần những mục tử, chứ không phải những kế hoạch mục vụ.
Dưới đây là những câu hỏi và các câu trả lời của Đức Thánh Cha :
Zhanat Akhmetova, TV Agency Khabar
« Con xin chào Đức Thánh Cha. Cảm ơn Đức Thánh Cha nhiều về chuyến tông du đến Kazakhstan, đâu là kết quả của chuyến tông du của Đức Thánh Cha, ở cội nguồn của dân tộc chúng con, điều gì đã truyền cảm hứng cho Đức Thánh Cha? »
Đức Phanxicô: Đối với tôi, đó cũng là một sự ngạc nhiên. Bởi vì tôi thực sự không biết gì về Trung Á, ngoài âm nhạc của Borodine. Thật ngạc nhiên khi gặp các đại diện của các quốc gia này. Kazakhstan cũng là một sự ngạc nhiên, vì tôi đã bất ngờ ở đó. Tôi đã biết rằng đó là một nước, đó là một thành phố đã phát triển tốt, cách thông minh. Nhưng tìm thấy một sự tiến bộ như thế sau 30 năm độc lập, tôi thật bất ngờ. Vì một nước lớn như thế, với 19 triệu dân…không thể tin được. Rất kỷ luật, và thật đẹp. Với nhiều nét đẹp: kiến trúc của thành phố rất cân đối, bố cục hợp lý. Một thành phố hiện đại, một thành phố mà có thể nói là “của tương lai”.
Đó là những gì đã gây ấn tượng nhiều cho tôi: mong muốn tiến lên không chỉ trong công nghiệp, trong sự phát triển kinh tế và vật chất, nhưng cả trong sự phát triển văn hóa. Đó là một ngạc nhiên mà tôi không nghĩ đến. Tiếp đến, đại hội… một điều rất quan trọng. Đây là lần thứ bảy của nó. Điều này có nghĩa rằng đây là một đất nước có một tầm nhìn, tập hợp những người thường bị gạt bỏ. Bởi vì có một quan niệm cấp tiến của thế giới theo đó điều đầu tiên cần loại bỏ là giá trị tôn giáo. Đó là một nước đối diện với thế giới với một đề nghị theo kiểu này…đã được thực hiện bảy lần rồi, thật tuyệt vời ! Tiếp đến, nếu còn thời gian, tôi sẽ trở lại với cuộc họp liên tôn này. Bạn có thể tự hào về đất nước và quê hương của bạn.
Rudiger Kronthaler, ARD
« Thưa Đức Thánh Cha, con cảm ơn Đức Thánh Cha về sứ điệp hòa bình, con là người Đức như Đức Thánh Cha có thể nghe giọng của con. Dân tộc của con chịu trách nhiệm về hàng triệu cái chết cách đây 80 năm. Con muốn đặt ra câu hỏi về hòa bình, vì dân tộc của con chịu trách nhiệm về hàng triệu cái chết, nên chúng ta học biết ở nhà trường rằng không bao giờ được sử dụng vũ khí, không bao giờ bạo lực : chỉ luật trừ duy nhất là phòng vệ chính đáng. Theo ý kiến của Đức Thánh Cha, cần phải trao vũ khí cho Ucraina vào thời điểm này ? »
Đức Phanxicô : Đó là một quyết định chính trị, mà có thể là luân lý, được chấp nhận về mặt luân lý, nếu nó được thực hiện theo những điều kiện về luân lý tính, vốn có nhiều và vì thế chúng ta có thể nói về chúng. Nhưng nó có thể là phi luân lý nếu nó được thực hiện với ý hướng gây thêm chiến tranh hay bán vũ khí hay tống khứ những vũ khí mà tôi không cần nữa. Động cơ là điều phần lớn làm nên phẩm tính luân lý của hành vi này. Tự vệ không chỉ là hợp pháp, nhưng còn là sự diễn đạt tình yêu đối với quê hương. Người nào không tự vệ, người nào không bảo vệ điều gì đó, thì không yêu mến nó, đang khi người bảo vệ thì yêu mến. Điều đó liên quan đến một điều khác mà tôi đã nói trong một trong những bài phát biểu của tôi, tức là chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về khái niệm chiến tranh chính đáng. Bởi vì ngày nay tất cả mọi người đều nói về hòa bình : từ rất nhiều năm qua, từ 70 năm qua, Liên hiệp quốc nói về hòa bình, nó có nhiều phát biểu về hòa bình.
Nhưng có bao nhiêu cuộc chiến tranh đang diễn ra vào lúc này ? Cuộc chiến tranh mà bạn đã đề cập, Ucraina-Nga, giờ đây là Azerbaïdjan và Arménie, đã ngưng một chút vì Nga đứng ra bảo lãnh, bảo lãnh hòa bình ở đây và tiến hành chiến tranh ở kia…Rồi có Syria, mười năm chiến tranh, điều gì đang diễn ra ở đó mà không dừng lại ? Đâu là những lợi ích làm chuyển động những thứ này ? Tiếp đến, có vùng Sừng Châu Phi, rồi bắc Mozambique hay Érythrée và một phần Éthiopie, rồi Miến Điện với dân tộc đang đau khổ mà tôi rất yêu mến này, dân tộc Rohingya, xoay đi xoay lại như một người du cư và không tìm thấy hòa bình. Nhưng chúng ta đang ở trong một cuộc thế chiến, làm ơn…
Tôi nhớ đến một điều cá nhân, khi tôi còn nhỏ, lúc 9 tuổi. Tôi nhớ là đã nghe tiếng chuông báo động của tờ báo lớn nhất của Buenos Aires : vào thời đó, để mừng một sự kiện hay thông báo một tin xấu, họ đã phát ra âm thanh này – mà ngày nay không còn nghe nữa – và chúng tôi nghe thấy khắp cả thành phố. Mẹ tôi hỏi : « Điều gì đang xảy ra vậy ? » Chúng tôi đang có chiến tranh, năm 1945. Một bà hàng xóm đến nhà và nói : « Chuông đã báo động… » và mẹ tôi đã kêu lên : « chiến tranh đã kết thúc ! » Và ngày nay, tôi thấy bà mẹ và người hàng xóm đang khóc vì vui sướng vì chiến tranh đã kết thúc, nơi một nước ở Nam Mỹ, rất xa ! Những người phụ nữ này biết rằng hòa bình lớn hơn mọi cuộc chiến tranh và họ đã khóc vì vui sướng khi hòa bình được thực hiện. Tôi không quên điều đó. Tôi tự hỏi : tôi không biết liệu hôm nay chúng ta với một tâm hồn được giáo dục để khóc vì vui sướng khi chúng ta thấy hòa bình hay không. Mọi sự đã thay đổi : nếu bạn không tiến hành chiến tranh, thì bạn chẳng giúp ích gì !
Tiếp đến, có việc chế tạo vũ khí. Đó là thương mại giết người. Có người hiểu biết các con số thống kê đã nói với tôi rằng nếu người ta dừng chế tạo vũ khí trong vòng một năm, thì người ta sẽ giải quyết được tất cả nạn đói trên thế giới…Tôi không biết liệu đó đúng hay không. Nhưng sự đói nghèo, giáo dục…không là gì cả, người ta không thể vì cần phải chế tạo vũ khí. Ở Genoa, cách đây vài năm, ba hay bốn năm, một chiếc thuyền chở đầy vũ khí được chuyển đến một chiếc thuyền lớn hơn đang đến Phi Châu, gần Nam Sudan. Các công nhân cảng không muốn làm điều đó, họ đã trả giá cho điều đó, nhưng họ nói : « Tôi không hợp tác ». Đó là một giai thoại nhưng khiến người ta cảm thấy một ý thức về hòa bình.
Bạn đã nói về quê hương của bạn. Một trong những điều tôi đã học được từ các bạn, đó là khả năng sám hối và xin lỗi về những sai lầm của chiến tranh. Và như thế, không chỉ xin tha thứ, nhưng còn trả giá cho những sai lầm của chiến tranh : điều đó nói rất nhiều điều đối với các bạn. Đó là một tấm gương mà người ta phải noi theo. Chính chiến tranh là một sai lầm, đó là một sai lầm ! Và chúng ta đang hít thở bầu không khí này vào lúc này : nếu không có chiến tranh, thì xem ra không có sự sống. [Nó] hơi lộn xộn nhưng tôi đã nói tất cả những gì tôi muốn nói về chiến tranh chính đáng. Nhưng quyền phòng vệ, vâng, quyền đó, vâng, nhưng hãy sử dụng nó khi cần thiết.
Sylwia Wysocka, PAP
« Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã nói : chúng ta không bao giờ có thể biện minh cho bạo lực. Tất cả những gì hiện đang diễn ra ở Ucraina chỉ là bạo lực, chết chóc, hủy diệt hoàn toàn bởi Nga. Ở Ba Lan, chúng con có chiến tranh rất gần cửa nhà chúng ta, với hai triệu người tỵ nạn. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha liệu Đức Thánh Cha có nghĩ rằng có một lằn ranh đỏ mà người ta không nên nói không : chúng ta mở ra đối thoại với Moscou. Bởi vì nhiều người cảm thấy khó hiểu sự mở ra này. Và con cũng muốn hỏi liệu chuyến tông du sắp đến sẽ là ở Kiev không ».
Đức Phanxicô : Tôi sẽ trả lời cho câu hỏi này, nhưng tôi muốn các câu hỏi về tông du được hỏi trước…Tôi nghĩ rằng thật luôn luôn khó khăn để hiểu được việc đối thoại với các quốc gia đã phát động chiến tranh, và có vẻ như bước đầu tiên đến từ đó, từ phía đó. Thật khó nhưng chúng ta không được loại bỏ nó, chúng ta phải cho mọi người khả năng đối thoại, tất cả mọi người ! Bởi vì luôn có khả năng là khi đối thoại chúng ta có thể thay đổi mọi sự, và cả mang lại một quan điểm khác, một quan điểm xem xét khác.
Tôi không loại trừ đối thoại với bất cứ quyền lực nào, dù nó đang chiến tranh, dù nó là kẻ xâm lược…đôi khi cần phải đối thoại, nhưng cần phải thực hiện điều đó, nó « thối hoắc » nhưng phải làm. Luôn luôn một bước tiến tới, một cánh tay chìa ra, luôn luôn ! Bởi vì khi làm ngược lại, chúng ta đóng cánh cửa hợp lý duy nhất hướng đến hòa bình. Đôi khi, họ không chấp nhận đối thoại : mặc kệ ! Nhưng việc đối thoại phải luôn được thực hiện, ít nhất được đề nghị, và điều đó tốt cho người đề nghị, nó khiến « dễ thở ».
Loup Besmond, La Croix
« Thưa Đức Thánh Cha, con cảm ơn Đức Thánh Cha nhiều về những ngày ở Trung Á này. Trong chuyến tông du này, vấn đề được đặt ra nhiều là những giá trị và đạo đức, đặc biệt trong đại hội liên tôn, sự mất mát của phương Tây do sự suy thoái đạo đức của nó đã được gợi lên bởi một số lãnh đạo tôn giáo. Đâu là ý kiến của Đức Thánh Cha về vấn đề này ? Đức Thánh Cha có cho rằng phương Tây đang trong tình trạng hư mất, bị đe dọa bởi việc đánh mất các giá trị của nó ? Con đặc biệt nghĩ đến cuộc tranh luận đang diễn ra về việc an tử, về việc chấm dứt sự sống, một cuộc tranh luận đang diễn ra ở Ý, nhưng cả ở Pháp và Bỉ ».
Đức Phanxicô : Quả thật, nói chung, phương Tây không ở mức độ gương mẫu cao nhất vào lúc này. Nó không phải là đứa trẻ rước lễ lần đầu, thực sự không. Phương Tây đã đi những con đường sai lầm, chẳng hạn hãy nghĩ đến bất công xã hội giữa chúng ta. Có những nước phát triển một chút về công bằng xã hội, nhưng tôi nghĩ đến lục địa của tôi, Châu Mỹ Latinh, vốn là phương Tây. Chúng ta cũng hãy nghĩ đến Địa Trung Hải, vốn là phương Tây : ngày nay nó là nghĩa trang lớn nhất, không phải của châu Âu, nhưng của nhân loại. Những gì phương Tây đã đánh mất bằng cách quên đón tiếp, đang khi nó cần người.
Khi chúng ta nghĩ đến mùa đông dân số mà chúng ta đang trải qua, chúng ta cần người : cả ở Tây Ban Nha – nhất là ở Ý. Có những ngôi làng vắng người, chỉ có hai mươi phụ nữ già, và rồi không có gì hơn. Nhưng tại sao không đưa ra một chính sách phương Tây trong đó người nhập cư sẽ được bao gồm với nguyên tắc rằng người di cư phải được đón tiếp, đồng hành, thăng tiến và hội nhập ? Thật rất quan trọng, hội nhập, nhưng thay vào đó, không, người ta để trống mọi thứ. Đó là sự thiếu hiểu biết về các giá trị, khi phương Tây đã trải qua điều đó, chúng ta là những nước đã di cư. Trong nước của tôi – ngày nay có 49 triệu dân cư – chúng tôi chỉ có một tỉ lệ dưới một triệu người bản xứ, và tất cả những người khác đều có nguồn gốc nhập cư. Tất cả mọi người : Tây Ban Nha, Ý Đức, người Slavơ Ba Lan, Tiểu Á, Li Băng, tất cả mọi người…Màu đã hòa trộn và kinh nghiệm này đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Tiếp đến, vì những lý do chính trị, điều đó không diễn ra tốt đẹp nơi các nước Châu Mỹ Latinh, nhưng tôi nghĩ rằng việc di cư phải được xem xét nghiêm túc vào lúc này, vì nó làm tăng giá trị trí tuệ và thân ái của phương Tây.
Trái lại, với mùa đông dân số này, chúng ta đi về đâu ? Phương Tây đang rối tung về điểm này, nó hơi mất tốc độ, nó đã đánh mất…Chúng ta hãy nghĩ đến khía cạnh kinh tế : nó hoạt động rất tốt. Nhưng hãy nghĩ đến tinh thần chính trị và thần bí của Schuman, Adenauer, De Gasperi, những vĩ nhân này : ngày nay họ ở đâu, nó có những vĩ nhân, nhưng họ không thể làm cho xã hội tiến triển. Phương Tây cần nói chuyện, tự trọng, và rồi có nguy cơ của chủ nghĩa dân túy. Điều gì xảy ra trong một tình trạng chính trị xã hội như thế ? Có những đấng cứu tinh nảy sinh : những đất cứu tinh của chủ nghĩa dân túy.
Chúng ta thấy làm thế nào chủ nghĩa dân túy nảy sinh, tôi nghĩ rằng tôi đã đề cập nhiều lần đến cuốn sách này của Ginzberg, Syndrome 1933 : ông kể lại chính xác làm thế nào chủ nghĩa dân túy ở Đức đã ra đời sau sự sụp đổ của chính phủ Weimar. Đó là cách mà chủ nghĩa dân túy nảy sinh : khi có một nửa không có sức mạnh, và người ta hứa hẹn đấng cứu tinh. Tôi nghĩ rằng chúng ta không ở mức cao nhất, người phương Tây chúng ta, để giúp đỡ các dân tộc khác, chúng ta chẳng phải hơi suy đồi một chút ? Có lẽ, có, nhưng chúng ta phải khởi sự lại từ các giá trị, các giá trị của châu Âu, các giá trị của các tổ phục sáng lập Liên hiệp Châu Âu, các vĩ nhân. Tôi không biết có hơi khó hiểu không, nhưng tôi nghĩ đã trả lời.
Loup Besmond, La Croix
« Còn về an tử ? »
Đức Phanxicô : Giết người là phi nhân, chấm hết. Nếu bạn giết người có động cơ, vâng… cuối cùng bạn sẽ giết càng ngày càng nhiều. Giết người, chúng ta hãy để điều đó cho động vật.
Iacopo Scaramuzzi, La Repubblica
« Con muốn trở lại câu hỏi cuối cùng này : trong các bài phát biểu của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã nhiều lần nhấn mạnh mối liên hệ giữa các giá trị, các giá trị tôn giáo và sự mạnh mẽ của nền dân chủ. Theo Đức Thánh Cha, lục địa của chúng ta, châu Âu, còn thiếu điều gì? Nó nên học hỏi gì từ những kinh nghiệm khác? Và, nếu có thể, con sẽ nói thêm một điều: vì ở Ý trong một vài ngày nữa sẽ có một cuộc thực thi dân chủ, một cuộc bỏ phiếu, rồi một chính phủ mới. Khi Đức Thánh Cha gặp chủ tịch Hội đồng tiếp theo, Đức Thánh Cha sẽ khuyên gì cho ông hay bà ấy? »
Đức Phanxicô: Tôi nghĩ đã trả lời câu hỏi này trong chuyến tông du cuối cùng của tôi. Tôi đã gặp hai tổng thống Ý, ở cấp rất cao: Giorgio Napolitano và vị hiện nay. Những người cao cả. Và các chính trị gia khác, tôi không biết họ. Trong chuyến đi cuối cùng của tôi, tôi đã hỏi một trong những thư ký của tôi rằng Ý đã có bao nhiêu chính phủ trong thế kỷ này : hai mươi. Tôi không biết làm thế nào giải thích điều đó. Tôi không lên án cũng không phê bình, tôi chỉ không thể giải thích được điều đó. Nếu các chính phủ thay đổi như thế, thì sẽ có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Bởi vì ngày nay, trở thành một chính khách, một chính khách lớn, là một con đường gian nan. Một chính trị gia đặt mình vào cuộc chơi vì những giá trị của đất nước mình, những giá trị lớn lao, và không đặt mình vào cuộc chơi vì lợi ích, vì ghế ngồi của mình, vì những thuận lợi…Các nước, trong đó có Ý, phải tìm kiếm những chính trị gia cao cả, những người có khả năng làm chính trị ; đó là một nghệ thuật.
Chính trị là một ơn gọi cao quý. Tôi nghĩ rằng một trong các Giáo hoàng, tôi không nhớ đó là Đức Piô XII hay thánh Phaolô VI, đã nói rằng chính trị là một trong những hình thức bác ái cao cả nhất. Chúng ta phải nỗ lực giúp đỡ các chính trị gia của chúng ta duy trì mức chính trị cao, chứ không phải chính trị cấp thấp vốn không giúp được gì, nhưng kéo Nhà nước đi xuống, làm nghèo nàn nó. Ngày nay, chính trị ở các nước châu Âu nên giải quyết vấn đề, chẳng hạn, mùa đông dân số, vấn đề phát triển công nghiệp, phát triển tự nhiên, vấn đề di dân…Chính trị phải xem xét các vấn đề một cách nghiêm túc để tiến triển. Tôi nói về chính trị nói chung. Tôi không hiểu chính trị của Ý : chỉ là con số hai mươi chính phủ này trong hai mươi năm, hơi lạ, nhưng mỗi người đều có cách nhảy điệu tango của mình…Người ta có thể nhảy theo cách này hay cách khác và chính trị có thể được nhảy theo cách này hay cách khác.
Châu Âu phải đón nhận những kinh nghiệm của người khác, một số kinh nghiệp sẽ tốt hơn, số khác thì không. Nhưng nó phải cởi mở, mỗi lục địa phải cởi mở với kinh nghiệm của người khác.
Elise Allen, Crux
« Cảm ơn Đức Thánh Cha đã ở với chúng con tối nay. Hôm qua, ở Đại hội, Đức Thánh Cha đã nói về tầm quan trọng của quyền tự do tôn giáo. Như Đức Thánh Cha biết, cùng ngày, chủ tịch Trung quốc đã đến thành phố. Ở Trung quốc, vấn đề này khơi lên những lo âu từ lâu nay, nhất là bây giờ với phiên tòa chống lại Đức Hồng y Zen. Đức Thánh Cha có xem phiên tòa này là vi phạm quyền tự do tôn giáo không ? »
Đức Phanxicô : Để hiểu Trung quốc, cần phải mất một thế kỷ, và chúng ta không sống được một thế kỷ. Tâm tính của Trung quốc là một tâm tính phong phú và khi nó ốm đau một chút, nó mất đi sự phong phú của mình, nó có khả năng mắc sai lầm. Để hiểu, chúng tôi đã chọn con đường đối thoại, chúng tôi mở ra cho đối thoại. Có một ủy ban song phương Vatican-Trung quốc đang tiến hành tốt, chậm rãi, vì nhịp độ của Trung quốc thì chậm. Họ có một thời gian lâu dài để theo đuổi : đó là một dân tộc có lòng kiên nhẫn vô tận. Từ những kinh nghiệm mà chúng tôi đã sống trước đây : chúng ta hãy nghĩ đến các nhà thừa sai Ý đã đến đó và được tôn trọng như những nhà khoa học ; ngày nay, chúng ta cũng hãy nghĩ đến nhiều linh mục hay tín hữu đã được gọi bởi trường đại học Trung quốc vì điều đó mang lại giá trị cho văn hóa. Thật không dễ để hiểu tâm tính Trung quốc, nhưng cần phải tôn trọng nó, tôi luôn tôn trọng nó.
Và ở đây, tại Vatican, có một ủy ban đối thoại đang vận hành tốt, Đức Hồng y Parolin chủ trì nó và đó là một người biết rõ Trung quốc và đối thoại Trung quốc nhất vào lúc này. Đó là một điều chậm chạp, nhưng chúng tôi tiến bộ. Tôi không muốn gọi Trung quốc là phản dân chủ, vì đó là một đất nước rất phức tạp…Vâng, đúng là có những điều xem ra phản dân chủ đối với chúng ta, đúng vậy. Đức Hồng y Zen sẽ bị xét xử trong những ngày này, tôi nghĩ thế. Ngài nói những gì ngài cảm thấy, và người ta thấy rằng có những giới hạn. Thay vì gọi tên, bởi vì thật khó, và tôi không muốn gọi tên, đó là những ấn tượng. Tôi đã cố gắng ủng hộ con đường đối thoại. Tiếp đến, trong đối thoại, nhiều điều được sáng tỏ chứ không chỉ của Giáo hội, nhưng còn trong những lĩnh vực khác, chẳng hạn việc mở rộng Trung quốc, các thống đốc của các tỉnh đều khác nhau, có những văn hóa khác nhau ở Trung quốc, đó là một người khổng lồ, hiểu được Trung quốc là một điều khổng lồ. Nhưng không được mất kiên nhẫn, cần phải kiên nhẫn, kiên nhẫn nhiều, nhưng cần phải tiến hành qua đối thoại, tôi cố gắng kiềm chế từ chỉ phẩm chất…nhưng chúng ta hãy tiến bước.
Elise Allen, Crux
« Còn Tập Cận Bình ? »
Đức Phanxicô : Ông đang có chuyến thăm cấp Nhà nước, nhưng tôi đã không gặp ông ấy.
Maria Angeles Conde Mir, Rome Reports
« Trong bản tuyên bố được ký (trong đại hội, ghi chú của Biên Tập viên), tất cả các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh lời kêu gọi các chính phủ và các tổ chức quốc tế để họ bảo vệ những người bị bách hại vì lý do sắc tộc hay tôn giáo của họ. Thật không may, đây là những gì đang xảy ra ở Nicaragua. Chúng con biết rằng Đức Thánh Cha đã nói về điều này vào ngày 21/8 trong buổi đọc Kinh Truyền Tin. Nhưng có lẽ Đức Thánh Cha có thể nói thêm điều gì đó nữa cho người Công giáo, đặc biệt ở Nicaragua. Rồi, một điều khác : chúng con đã thấy rõ điều đó trong chuyến tông du này, và chúng con muốn biết liệu, sau chuyến tông du này, Đức Thánh Cha sẽ có thể lấy lại chuyến tông du đến Châu Phi mà Đức Thánh Cha đã hoãn lại, và liệu những chuyến tông du khác được dự kiến không ».
Đức Phanxicô : Về Nicaragua, tất cả các thông tin đều rõ ràng. Đang có cuộc đối thoại. Có những cuộc thảo luận với chính phủ, đang có cuộc đối thoại. Điều đó không có nghĩa rằng chúng tôi tán thành tất cả những gì chính phủ làm hay chúng tôi không tán thành mọi thứ. Không. Đang có cuộc đối thoại và cần phải giải quyết các vấn đề. Hiện tại, đang có các vấn đề. Ít ra tôi cũng mong các nữ tu của Mẹ Têrêxa có thể trở lại đó. Những người phụ nữ này là những nhà cách mạng tốt lành, nhưng của Tin Mừng ! Họ không gây chiến với ai. Trái lại, tất cả chúng ta đều cần đến những phụ nữ này. Đó là một cử chỉ mà chúng ta không hiểu được. Việc đuổi một sứ thần khỏi biên giới là một điều nghiêm trọng trên bình diện ngoại giao. Đức sứ thần là một người can đảm giờ đây đã được bổ nhiệm nơi khác. Những điều này thật khó hiểu và cũng khó nuốt. Nhưng ở châu Mỹ Latinh, đây đó đều có những tình huống như thế.
Về các chuyến tông du, thật là khó. Đầu gối vẫn chưa lành. Thật khó, nhưng tôi sẽ thực hiện chuyến tông du tiếp theo (ám chỉ đến chuyến tông du dự kiến đến Bahrein vào tháng 11 tới, ghi chú của Biên Tập viên). Rồi tôi đã nói chuyện với Đức cha Welby (giáo chủ Anh giáo, Tổng Giám mục của Canterbury, ghi chú của Biên Tập viên) và chúng tôi đã thấy khả năng đến Nam Sudan vào tháng Hai. Và nếu tối đến Nam Sudan, tôi cũng sẽ đến Congo. Chúng tôi cố gắng. Ba người chúng tôi phải đến đó cùng nhau : người đứng đầu Giáo hội Scotland, Đức cha Welby và tôi. Chúng tôi đã có cuộc họp trên zoom vào ngày kia về vấn đề này.
Alexey Gotovskiy, Ewtn
« Cảm ơn Đức Thánh Cha đã viếng thăm đất nước chúng con. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha : đối với người Công giáo đang sống ở Kazakhstan, nơi mà bối cảnh chủ yếu là người Hồi giáo, làm thế nào việc loan báo Tin Mừng có thể được thực hiện ? Và có điều gì đã truyền cảm hứng cho Đức Thánh Cha khi nhìn thấy người Công giáo ở Kazakhstan không ? »
Đức Phanxicô : Được truyền cảm hứng, tôi không biết, nhưng hôm nay tôi vui mừng trong nhà thờ chánh tòa khi thấy người Công giáo rất nhiệt thành, hạnh phúc, vui tươi. Đó là ấn tượng của tôi về người Công giáo Kazakhstan. Tiếp đến, việc chung sống với người Hồi giáo : đó là một chủ đề mà chúng tôi làm việc rất nhiều và chúng tôi đã tiến bộ, không chỉ ở Kazakhstan. Hãy nghĩ đến một số nước ở Bắc Phi, có sự chung sống đẹp đẽ : ở Marốc chẳng hạn. Ở Marốc, việc đối thoại là khá tốt. Và thực tế tôi dừng lại ở cuộc họp tôn giáo (Diễn đàn của những ngày này, ghi chú của Biên Tập viên). Ai đó đã phê bình và nói với tôi : đó là sự thúc đẩy, làm gia tăng chủ nghĩa tương đối. Chẳng có chủ nghĩa tương đối nào cả ! Mỗi người đều có tiếng nói của mình, mỗi người đều tôn trọng lập trường của người kia, nhưng chúng tôi đối thoại như anh em. Vì nếu không có đối thoại, thì hoặc là thiếu hiểu biết hoặc là chiến tranh. Tốt hơn là sống như anh em, chúng ta có một điểm chung, tất cả chúng ta đều là con người. Chúng ta hãy sống như những con người, được giáo dục tốt : bạn nghĩ gì ? còn tôi, tôi nghĩ gì ? Chúng ta hãy đồng thuận, hãy nói chuyện, học biết lẫn nhau. Những cuộc chiến tranh « tôn giáo » bị hiểu sai này thường là do thiếu hiểu biết. Và đây không phải là chủ thuyết tương đối, trái lại, tôi không từ bỏ đức tin của mình nếu tôi nói với đức tin của một người khác. Tôi tôn vinh đức tin của mình bởi vì một người khác lắng nghe nó và tôi lắng nghe đức tin của người đó. Tôi vẫn rất ngưỡng mộ rằng một đất nước trẻ như thế, với biết bao vấn đề – khí hậu chẳng hạn – đã có thể tổ chức bảy lần hội ngộ như thế : một cuộc hội ngộ thế giới, với người Do Thái, Kitô hữu, Hồi giáo, các tôn giáo Đông phương. Xung quanh bàn, người ta có thể thấy rằng tất cả mọi người đang nói với nhau và lắng nghe nhau một cách tôn trọng. Đó là một trong những điều tốt đẹp mà đất nước của bạn đã làm. Một đất nước như thế này, có thể nói hơi xa với thế giới – lại tổ chức một cuộc triệu tập như thế. Đó là ấn tượng mà tôi đã có được. Tiếp đến, thành phố có một vẻ đẹp kiến trúc hạng nhất. Và cả những quan tâm của chính phủ, tôi rất cảm động bởi những quan tâm của chủ tịch Thượng viện : ông đã làm cho hội nghị này được tiến triển, nhưng rồi ông đã tìm được thời gian để giới thiệu cho tôi một ca sĩ trẻ, mà bạn phải biết…chàng trai này cởi mở với văn hóa. Tôi bất ngờ về điều đó và tôi rất vui mừng được biết các bạn.
Rudolf Gehrig, Ewtn
« Thưa Đức Thánh Cha, nhiều Giáo hội ở Châu Âu, như Giáo hội Đức, đang bị sụt giảm tín hữu nghiêm trọng, giới trẻ dường như không còn muốn đi lễ nữa. Trong chừng mực nào Đức Thánh Cha bận tâm đến khuynh hướng này và Đức Thánh Cha muốn làm gì ? »
Đức Phanxicô : Điều này đúng một phần, một phần tương đối. Đúng là tinh thần tục hóa, chủ nghĩa tương đối, đặt vấn đề về những điều này, điều đó đúng. Những gì chúng ta phải làm, trước tiên, đó là phù hợp với đức tin của mình. Hãy nghĩ xem : nếu bạn là giám mục hay linh mục, và bạn không phù hợp, thì giới trẻ cảm nhận được điều đó, và lúc đó…tạm biệt ! Khi một Giáo hội, dù là Giáo hội nào, trong bất kỳ đất nước nào hay trong bất kỳ lĩnh vực nào, nghĩ nhiều hơn đến tiền bạc, sự phát triển, những kế hoạch mục vụ chứ không đến mục vụ, và nó theo đuổi hướng này, thì điều đó không thu hút dân chúng. Khi tôi viết thư cho người dân Đức cách đây hai năm, đã có những chủ chăn đã công bố nó và phân phát nó cho từng người. Khi mục tử gần gũi dân chúng, ngài nói : dân phải biết Đức Thánh Cha nghĩ gì. Tôi nghĩ rằng các chủ chăn phải tiến tới, nhưng nếu họ đã mất mùi chiên của họ và chiên đã mất mùi của chủ chăn của mình, thì người ta không tiến tới. Đôi khi – tôi nói về tất cả mọi người, nói chung, không chỉ về nước Đức – người ta nghĩ đến cách thức đổi mới chính mình, làm cho việc mục vụ trở nên hiện đại hơn : điều đó tốt, nhưng nó phải luôn ở trong tay của một chủ chăn. Nếu mục vụ nằm trong tay của « các nhà khoa học » về mục vụ, những người đồng thuận ở đây và nói những gì cần phải làm ở đó… (chúng ta không tiến tới, ghi chú của Biên Tập viên). Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo hội với các mục tử, không phải với các nhà lãnh đạo chính trị. Ngài thành lập Giáo hội với những người dốt nát , nhóm mười hai là những người dốt nát hơn những người khác và Giáo hội vẫn tiếp tục. Tại sao ? Vì mùi của đàn chiến với vị mục tử và mùi của mục tử với đàn chiên. Đó là một tương quan lớn nhất mà tôi nhận thấy khi có cuộc khủng hoảng ở một nơi, trong một tỉnh nào đó. Tôi tự hỏi : vị mục tử có tiếp xúc, có gần gũi đàn chiên không ? Đàn chiên này có một mục tử không ? Vấn đề, đó là các mục tử. Về điểm này, tôi xin phép gợi ý cho các bạn đọc bài chú giải của thánh Augustinô về các mục tử, mất một giờ để đọc nhưng đó là một trong những điều khôn ngoan nhất đã được viết cho các mục tử và với điều đó bạn có thể định phẩm mục tử này hay mục tử kia. Đó không phải là hiện đại hóa : dĩ nhiên cần phải cập nhật bằng các phương pháp. Điều này đúng, nhưng nếu thiếu trái tim của người mục tử, thì không có công việc mục vụ nào có thể hoạt động được. Không có.
Tý Linh
Chuyển ngữ từ: Vatican News
Nguồn: xuanbichvietnam.net (16.9.2022)