Giáo Hạt Cà Mau

Đức Thánh cha cử hành thánh lễ tại Juba, Nam Sudan

Trong thánh lễ duy nhất tại Nam Sudan, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu trở thành “muối đất và ánh sáng thế gian”, góp phần nhỏ bé của mình để mang lại an bình và cải tiến đất nước, xã hội, môi trường mình sinh sống.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Chúa nhật, ngày 05 tháng Hai là ngày cuối cùng của Đức Thánh cha trong chuyến viếng thăm tại Nam Sudan, và cũng là ngày chót trong chuyến tông du 6 ngày của ngài tại Cộng hòa Dân chủ Congo và Nam Sudan. Đức Thánh cha chỉ có một hoạt động duy nhất là thánh lễ tại khu vực Lăng John Garang ở thủ đô Juba, nơi ngài đã cùng với hai vị lãnh đạo Anh giáo và Tin lành Trưởng lão Ecosse cử hành buổi cầu nguyện đại kết, chiều thứ Bảy hôm trước, ngày 04 tháng Hai, trước sự tham dự của khoảng 50.000 tín hữu Kitô.

Lúc 7 giờ 30 sáng Chúa nhật, ngày 05 tháng Hai, tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh thủ đô Nam Sudan, Đức Thánh cha đã từ giã các nhân viên tại đây và cám ơn các ân nhân đã hỗ trợ việc tổ chức cuộc viếng thăm của ngài, rồi lên đường đến khu vực lăng vị lập quốc Nam Phi, ông John Garang de Mabior. Ông là người đã lãnh đạo Quân đội và Phong trào giải phóng nhân dân Sudan trong 22 năm, từ 1983 đến 2005, chống lại chính sách Hồi giáo hóa và Arập hóa của nhà cầm quyền Sudan ở miền bắc, đối với nhân dân miền nam nước này, đã số là tín hữu Kitô. Năm 2005 là năm ký Hòa ước phổ quát giữa hai bên, đưa tới cuộc trưng cầu dân ý và nền độc lập của Nam Sudan hồi năm 2011.

Ông John Garang đã không được chứng kiến lễ độc lập của Nam Sudan, vì ông đã tử nạn trong tai nạn máy bay trực thăng, ngay sau khi đã tuyên thệ như Phó Tổng thống Sudan và Chủ tịch chính quyền Nam Sudan. Chính tại lăng này, ngày 09 tháng Bảy năm 2011, Tổng thống Salva Kiir đã tuyên bố nền độc lập của Nam Sudan.

Khu vực trước mộ của ông John Galang là công viên mở cho dân chúng. Khi đến đây lúc 8 giờ 15 phút sáng Chúa nhật, Đức Thánh cha đã cùng Đức Tổng giám mục Stephen Ameyu, Chủ chăn của 850.000 tín hữu Công giáo địa phương, dùng xe Papamobile tiến qua các lối đi để chào thăm hơn 100.000 tín hữu từ nhiều nơi, vượt qua bao nhiêu con đường dài để đến tham dự thánh lễ đặc biệt này. Trong số những người hiện diện, cũng có Tổng thống Salva Kiir và nhiều quan chức trong chính quyền.

Đồng tế với Đức Thánh cha, có tất cả 13 giám mục hai nước Sudan, các hồng y và giám mục trong đoàn tùy tùng của Đức Thánh cha, và hàng trăm linh mục toàn quốc.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh cha quảng diễn bài Tin mừng theo thánh Matthêu, đọc trong Chúa nhật thứ V thường niên, trong đó Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ: “Các con là muối đất và là ánh sáng thế gian” (Mt 5,13.14).

“Các con là muối đất” – Muối mang lại hương vị

Đức Thánh cha giải thích rằng: “Muối được dùng để mang hương vị cho lương thực. Đó là một nguyên liệu vô hình mang lại vị cho mọi thứ. Chính vì thế, ngay từ thời xa xưa, muối được coi như biểu tượng của sự khôn ngoan, nghĩa là nhân đức ta không thấy, nhưng mang lại hương vị cho cuộc sống và nếu không có nó thì cuộc sống trở nên nhạt nhẽo, không có hương vị. Nhưng sự khôn ngoan mà Chúa Giêsu nói ở đây là gì? Chúa dùng hình ảnh muối, ngay sau khi công bố các mối phúc của Ngài cho các môn đệ: qua đó, chúng ta hiểu các mối phúc thật chính là muối cho đời sống Kitô hữu. Thực vậy, các mối phúc mang sự khôn ngoan của Trời Cao xuống trần thế: chúng cách mạng các tiêu chuẩn của trần thế, quan niệm thường tình của người đời. Nói vắn tắt, các mối phúc khẳng định rằng để được hạnh phúc hoàn toàn, chúng ta không được tìm cách trở nên hùng mạnh, giàu sang và quyền lực, trái lại cần khiêm tốn, hiền hòa và thương xót; đừng gây sự ác cho ai, nhưng trở thành những người xây dựng hòa bình cho mọi người. Chúa Giêsu dạy chúng ta cần có sự khôn ngoan của người môn đệ, đó là điều mang lại hương vị cho trái đất chúng ta đang ở. Chúng ta hãy nhớ rằng: nếu chúng ta thực hành các mối phúc, không những chúng ta mang lại hương vị cho cuộc sống của ta, nhưng còn cho xã hội, và đất nước nơi chúng ta sinh sống”.

Muối gìn giữ

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Vào thời Chúa Giêsu, ngoài việc mang lại hương vị, muối còn có một chức năng thiết yếu khác, đó là gìn giữ lương thực để nó khỏi hư hỏng. Nhưng Kinh thánh nói rằng có một “lương thực”, một thiện ích thiết yếu khác phải gìn giữ trên hết mọi sự khác, đó là giao ước với Thiên Chúa. Vì thế, thời ấy, mỗi khi người ta dâng lễ vật cho Chúa, họ bỏ một chút muối vào đó. Thực vậy, chúng ta hãy nghe Kinh thánh nói về vấn đề này: “Trong hiến vật của ngươi, ngươi đừng để thiếu muối giao ước với Thiên Chúa của ngươi; ngươi hãy bỏ muối vào mọi lễ vật của ngươi”, Lêvi đoạn 2 câu 13.

“Vì thế, muối nhắc nhớ nhu cầu chính yếu là gìn giữ mối liên hệ với Thiên Chúa, vì Chúa trung tín với chúng ta, giao ước của Người với chúng ta không thể hư hỏng, bất khả xâm phạm và bền lâu (Xc Dân số 18,19; 2 Cr 13,50. Do đó, người môn đệ của Chúa Giêsu, trong tư cách muối đất, là chứng nhân về giao ước Chúa đã thực hiện, giao ước mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong mỗi thánh lễ: một giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, không thể phá vỡ (Xc 1 Cr 11,25; Dt 9), một tình thương đối với chúng ta không thể phá hủy dù chúng ta bất trung”.

Đức Thánh cha nhắn nhủ rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta là chứng nhân về sự tuyệt vời ấy. Xưa kia, khi các cá nhân hoặc dân tộc ký kết giao ước với nhau, giao ước thân hữu, thường thường họ trao đổi với nhau một chút muối; chúng ta là muối, chúng ta được kêu gọi làm chứng về giao ước với Thiên Chúa trong vui tươi và với lòng biết ơn, chứng tỏ mình là người có khả năng kiến tạo những mối dây thân hữu, sống tình huynh đệ, thiết lập những tương quan nhân bản tốt đẹp, để ngăn chặn không để sự ác làm hư hỏng, ngăn chặn căn bệnh chia rẽ, những áp phe bẩn thỉu bất chính, tệ nạn bất công được lướt thắng”.

Đức Thánh cha nói với các tín hữu Nam Sudan rằng: “Hôm nay, tôi muốn cám ơn anh chị em vì anh chị em là muối đất tại quốc gia này. Tuy nhiên, đứng trước bao nhiêu vết thương, bạo lực đang nuôi dưỡng chất độc hận thù, gian ác gây nên lầm than và nghèo đói, có thể là anh chị em cảm thấy mình bé nhỏ và bất lực. Những khi anh chị em bị cám dỗ cảm thấy mình không thích hợp, hãy cố gắng nhìn muối và những hạt bé nhỏ của nó: nó là một nguyên liệu nhỏ bé và một khi rắc muối trên một món ăn, nó tan đi, nhưng chính nhờ thế nó mang lại hương vị cho mọi phần. Cũng vậy, các Kitô hữu chúng ta, tuy yếu thế và bé nhỏ, và cả các năng lực của chúng ta có vẻ chẳng là gì đứng trước sự to lớn của các vấn đề, và trước cơn thịnh nộ mù quáng của bạo lực, chúng ta có thể đóng góp một phần quyết định để thay đổi lịch sử. Chúa Giêsu mong muốn rằng chúng ta hành động như muối: chỉ cần một chút muối tan ra, là đủ thể mang lại một hương vị khác cho toàn thể. Vậy chúng ta đừng thối lui, vì nếu không có phần bé nhỏ ấy, không có sự đóng góp nhỏ bé của chúng ta, thì tất cả bị mất hương vị. Chúng ta hãy bắt đầu từ sự ít ỏi, từ điều thiết yếu, từ những gì không xuất hiện trên các sách sử, nhưng nó thay đổi lịch sử: nhân danh Chúa Giêsu, các mối phúc thật, chúng hãy từ bỏ khí giới oán ghét và thù hận để đón nhận kinh nguyện và bác ái; chúng ta hãy vượt thắng ác cảm và đố kỵ, vì với thời gian, những thứ này trở thành kinh niên và có nguy cơ tạo nên sự đối nghịch giữa các bộ lạc và sắc tộc; chúng ta hãy học cách bỏ một chút muối tha thứ trên các vết thương, nó làm xót một chút nhưng chữa lành. Và cho dù con tim rướm máu vì những thiệt hại phải chịu, chúng ta hãy từ bỏ một lần cho tất cả ước muốn lấy ác báo ác, và chúng ta sẽ được an bình trong tâm hồn; chúng ta hãy đón nhận và yêu thương nhau trong chân thành và quảng đại, như Chúa đã làm với chúng ta. Chúng ta hãy bảo tồn điều thiện chúng ta có và không để mình bị sự ác làm hư hỏng!

“Ánh sáng thế gian”

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh cha nói: “Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian. Chúa nói với các môn đệ rằng họ cũng là ánh sáng thế gian. Điều này có nghĩa là chúng ta, khi đón nhận ánh sáng của Chúa Kitô, ánh sáng là Chúa Kitô, chúng ta trở nên sáng ngời, chiếu tỏa ánh sáng của Thiên Chúa!

Chúa Giêsu nói thêm rằng: “Một thành ở trên núi không thể che giấu được, và người ta cũng không thắp đèn để đặt dưới giá, nhưng đặt trên giá để soi sáng cho mọi người trong nhà” (Mt 5,15). Đây cũng là một hình ảnh quen thuộc thời ấy: nhiều làng ở miền Galilea ở trên đồi, từ xa người ta đã thấy rõ; và những ngọn đèn trong nhà, được đặt trên giá để soi sáng trong mọi góc nhà; và khi phải tắt đèn, thì người ta đậy nó bằng một nắp vung bằng gỗ hoặc bằng đất nung, gọi là nắp vung, làm cho nó thiếu dưỡng khí và ngọn lửa sẽ tắt đi.

“Anh chị em, lời mời gọi của Chúa Giêsu hãy trở thành ánh sáng thế gian thật là rõ: chúng ta là những môn đệ của Chúa, chúng ta được kêu gọi chiếu sáng như một thành ở trên cao, như một ngọn đèn với ánh lửa không được tắt. Nói khác đi, trước khi bận tâm về những bóng đêm bao quanh chúng ta, trước khi hy vọng những gì chung quanh trở nên sáng rõ, chúng ta phải chiếu sáng, soi sáng bằng cuộc sống và bằng những công việc của chúng ta cho thành phố, làng mạc và những nơi chúng ta cư ngụ, những người chúng ta gặp gỡ, những hoạt động chúng ta thi hành. Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để trở thành ánh sáng nơi Người, cho mọi người; vì tất cả phải có thể thấy những việc lành của chúng ta và khi thấy, họ cởi mở kinh ngạc đối với Thiên Chúa và tôn vinh Chúa (Xc v.16): nếu chúng ta sống như những người con và anh em trên trái đất, dân chúng sẽ khám phá họ có một người Cha trên trời. Vì thế chúng ta được yêu cầu cháy sáng tình thương: đừng để cho ánh sáng chúng ta tắt lịm, từ cuộc sống chúng ta không còn dưỡng khí bác ái, những công việc gian ác cướp mất không khí trong lành của chứng tá chúng ta. Đất nước này, đẹp đẽ và đau thương, đang cần ánh sáng mà mỗi người chúng ta có, hay đúng hơn, đang cần ánh sáng là mỗi người trong anh chị em!

“Anh chị em rất thân mến, tôi cầu chúc anh chị em là muối được rắc lên và tan đi trong quảng đại để mang hương vị cho Nam Sudan, hương vị huynh đệ của Tin mừng, trở thành những cộng đoàn Kitô sáng ngời, như những thành ở trên cao có thể chiếu tỏa một ánh sáng thiện hảo trên tất cả mọi người và chứng tỏ rằng thật là đẹp và có thể sống trong nhưng không, có hy vọng, tất cả cùng nhau xây dựng một tương lai hòa giải.”

Cuối thánh lễ, Đức Tổng giám mục Stephen Ameyu, của Giáo phận Juba, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Sudan, đã chào mừng và cám ơn Đức Thánh cha, Đức Tổng giám mục Justin Welby của Anh giáo và Mục sư Iain Greenshields của Tin lành Trưởng lão Ecosse đã đến thăm Nam Sudan. Đức Thánh cha đã tặng cho giáo phận Juba một chén lễ quý giá.

Kinh Truyền tin

Thánh lễ được tiếp nối với kinh Truyền tin. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha cám ơn Đức Tổng giám mục Stephen sở tại, và chào thăm Tổng thống cùng với toàn thể chính quyền, các vị lãnh đạo dân sự và tôn giáo hiện diện. Ngài cám ơn vì sự tiếp đón và sự chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ngài.

Đức Thánh cha cám ơn các tín hữu đông đảo, đã lặn lội từ xa đến đây. Ngoài lòng quý mến, ngài còn cám ơn họ vì niềm tin, sự kiên nhẫn và tất cả những điều tốt lành đang làm cũng như những vất vả mà anh chị em biết dâng lên Thiên Chúa, không chút nản chí, biết tiến bước.

Đức Thánh cha nói: “Tại Nam Sudan có một Giáo hội can đảm, cùng họ hàng với Giáo hội tại Sudan, có một vị thánh là Giuseppe Bakhita, một phụ nữ cao cả, nhờ ơn Chúa đã biến đau khổ phải chịu thành hy vọng.

“Hy vọng là lời tôi để lại cho mỗi người trong anh chị em, như một hồng ân cần chia sẻ, như một hạt giống mang lại hoa trái.”

Đức Thánh cha không quên cầu chúc hòa bình cho Nam Sudan và nói: “Cùng với hai người anh em của tôi là Đức Tổng giám mục Justin và Mục sư Iain, mà tôi thành tâm cám ơn, chúng tôi đã đến đây và sẽ tiếp tục đồng hành với anh chị em, làm tất cả những gì chúng tôi có thể để có những bước tiến đích thực hướng về hòa bình. Tôi muốn phó thác hành trình hòa giải và hòa bình này có một phụ nữ khác, cao cả và đồng thời bé nhỏ nhất, rất cao vời nhưng đồng thời rất gần gũi chúng ta, đó là Mẹ Maria, Mẹ chúng ta, Nữ Vương hòa bình… Giờ đây, chúng ta hãy cầu nguyện và phó thác cho Mẹ chính nghĩa hòa bình của Nam Sudan và toàn Phi châu với bao nhiêu anh chị em chúng ta trong đức tin đang chịu bách hại và nguy hiểm, bao nhiêu người đau khổ vì xung đột, bị bóc lột và nghèo đói. Chúng ta cũng phó thác cho Đức Mẹ hòa bình thế giới, đặc biệt tại nhiều nước đang có chiến tranh, như Ucraina đau thương.”

Thánh lễ kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ và kết thúc với kinh Truyền tin và phép lành của Đức Thánh cha. Liền đó, Đức Thánh cha và hai vị lãnh đạo Kitô tại Anh quốc cùng ra phi trường quốc tế của thủ đô Juba, cách đó 7 cây số. Tại đây, lúc 11 giờ đã diễn ra nghi thức tiễn biệt các vị với sự hiện diện của Tổng thống Nam Sudan.

Máy bay Airbus A359 của hãng Ita Airways chở Đức Thánh cha, đoàn tùy tùng và các ký giả quốc tế, cất cánh lúc gần 12 giờ trưa. Chuyến bay dài gần 7 tiếng đồng hồ, đã đưa Đức Thánh cha về đến Roma bình an, kết thúc tốt đẹp chuyến tông du lần thứ 40 của ngài tại nước ngoài.

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *