Giáo lý cho Bài giảng Chúa Nhật 3 Mùa Chay năm A
GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
CHO BÀI GIẢNG CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
WHĐ (11.03.2023) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các Chúa nhật theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Xh 17, 3-7
“Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống”.
Bài trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, dân chúng khát nước, nên phàn nàn với ông Môsê rằng: “Tại sao ông dẫn dắt chúng tôi ra khỏi Ai-cập, để cho chúng tôi cùng con cái và đoàn súc vật chúng tôi phải chết khát như vầy”. Môsê kêu lên cùng Chúa rằng: “Con sẽ phải làm gì cho dân này? Còn một chút nữa là họ ném đá con rồi”. Chúa liền phán bảo Môsê: “Ngươi hãy tiến lên, đi trước dân chúng và dẫn các bậc kỳ lão Israel đi theo, tay ngươi cầm gậy mà ngươi đã dùng mà đánh trên nước sông. Này đây, Ta sẽ đứng trước mặt ngươi, trên tảng đá Horeb, ngươi sẽ đánh lên tảng đá, từ tảng đá nước sẽ chảy ra cho dân uống”. Môsê làm các điều nói trên trước mặt các bậc kỳ lão Israel. Ông đặt tên nơi đó là “Thử Thách”, vì con cái Israel đã phàn nàn và thách thức Chúa mà rằng: “Chúa có ở với chúng tôi hay không?”
Ðó là lời Chúa.
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!”
Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người!
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!”
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!”
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta”.
Ðáp: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!”
Bài Ðọc II: Rm 5, 1-2. 5-8
“Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được hoà thuận với Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta nhờ đức tin mà tiến đến ân sủng, đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Nhưng cậy trông không làm hổ thẹn, vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta. Ngay từ khi chúng ta còn yếu hèn, Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 4, 42 và 15
Lạy Chúa, Chúa thật là Ðấng cứu chuộc thế gian; xin ban cho con nước hằng sống, để con không còn khát nữa.
Phúc Âm: Ga 4, 5-15. 19b-26. 39a. 40-42
“Mạch nước vọt đến sự sống đời đời”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu tới một thành gọi là Sykar thuộc xứ Samaria, gần phần đất Giacóp đã cho con là Giuse, ở đó có giếng của Giacóp. Chúa Giêsu đi đường mệt, nên ngồi nghỉ trên miệng giếng, lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu.
Một người đàn bà xứ Samaria đến xách nước, Chúa Giêsu bảo: “Xin bà cho tôi uống nước” (lúc ấy, các môn đệ đã vào thành mua thức ăn). Người đàn bà Samaria thưa lại: “Sao thế! Ông là người Do-thái mà lại xin nước uống với tôi là người xứ Samaria?” (vì người Do-thái không giao thiệp gì với người Samaria).
Chúa Giêsu đáp: “Nếu bà nhận biết ơn của Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với bà: “Xin cho tôi uống nước”, thì chắc bà sẽ xin Người, và Người sẽ cho bà nước hằng sống”.
Người đàn bà nói: “Thưa Ngài, Ngài không có gì để múc, mà giếng thì sâu, vậy Ngài lấy đâu ra nước? Phải chăng Ngài trọng hơn tổ phụ Giacóp chúng tôi, người đã cho chúng tôi giếng này, và chính người đã uống nước giếng này cũng như các con cái và đoàn súc vật của người?”
Chúa Giêsu trả lời: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát, nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời”. Người đàn bà thưa: “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát, và khỏi phải đến đây xách nước nữa”.
Và người đàn bà nói với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, tôi thấy rõ Ngài là một tiên tri. Cha ông chúng tôi đã thờ trên núi này, còn các ông, các ông lại bảo: phải thờ ở Giêrusalem”. Chúa Giêsu đáp: “Hỡi bà, hãy tin Ta, vì đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải ở trên núi này hay ở Giêrusalem. Các người thờ Ðấng mà các người không biết, còn chúng tôi thờ Ðấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ từ dân Do-thái mà đến. Nhưng đã đến giờ, và chính là lúc này, những kẻ tôn thờ đích thực, sẽ thờ Chúa Cha trong tinh thần và chân lý, đó chính là những người tôn thờ mà Chúa Cha muốn. Thiên Chúa là tinh thần, và những kẻ tôn thờ Người, phải tôn thờ trong tinh thần và trong chân lý”.
Người đàn bà thưa: “Tôi biết Ðấng Messia mà người ta gọi là Kitô sẽ đến, và khi đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Chúa Giêsu bảo: “Ðấng ấy chính là Ta, là người đang nói với bà đây”.
Một số đông người Samaria ở thành đó đã tin Người vì lời người đàn bà làm chứng. Khi gặp Người, họ xin Người ở lại với họ. Và Người đã ở lại đó hai ngày, và vì nghe chính lời Người giảng dạy, số những kẻ tin ở Người thêm đông hẳn, họ bảo người đàn bà: “Giờ đây, không phải vì những lời chị kể mà chúng tôi tin, nhưng chính chúng tôi đã được nghe lời Người và chúng tôi biết Người thật là Ðấng Cứu Thế”.
Ðó là lời Chúa.
GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Số 1214-1216, 1226-1228: Bí tích Rửa tội, tái sinh bởi nước và Thánh Thần
1214 Bí tích Rửa Tội được gọi theo nghi thức trung tâm mà nó được thực hiện: Rửa (tiếng Hy Lạp là Baptizein) có nghĩa là “chìm xuống”, “dìm xuống.” Việc “dìm xuống” nước tượng trưng cho việc mai táng người dự tòng vào sự chết của Đức Ki-tô, và từ đó họ bước ra nhờ được sống lại với Người [X. Rm 6,3-4; Cl 2,12], với tư cách là một “thụ tạo mới” (2 Cr 5,17; Gl 6,15).
1215 Bí tích này cũng được gọi là “Phép Rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,5), bởi vì bí tích này biểu lộ và thực hiện việc sinh ra bởi nước và Thánh Thần, mà nếu không có việc đó thì “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa” (Ga 3,5).
1216 “Phép Rửa này còn được gọi là ơn soi sáng, vì những ai học biết điều này (về giáo lý) thì được soi sáng trong tâm trí” [Thánh Giustinô, Apologia, 1, 61: CA 1,168 (PG 6,421)]. Người được Rửa Tội, vì trong Phép Rửa họ được đón nhận Ngôi Lời là “ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Ga 1,9), nên sau khi “được soi sáng” [X. Dt 10,32], họ trở thành “con cái sự sáng” [X. 1 Tx 5,5] và chính họ là “ánh sáng” (Ep 5,8):
Bí tích Rửa Tội “là hồng ân cao đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa… Chúng ta gọi bí tích đó là hồng ân, ân sủng, Rửa Tội, xức dầu, soi sáng, y phục bất hoại, sự tắm rửa của ơn tái sinh, ấn tín và tất cả những gì quý giá nhất. Nó được gọi là hồng ân, bởi vì được ban cho những người trước đó chẳng có gì; là ân sủng, bởi vì được ban cả cho những người tội lỗi; là sự dìm xuống, bởi vì tội lỗi bị chôn vùi trong nước; là xức dầu, bởi vì bí tích này là thánh thiêng và vương giả (như những người được xức dầu); là ơn soi sáng, bởi vì nó sáng ngời và chói lọi; là y phục, bởi vì nó che phủ sự xấu xa của chúng ta; là tắm rửa, bởi vì bí tích này rửa sạch; là ấn tín, bởi vì nó là sự bảo toàn và là dấu chỉ của uy quyền.” [Thánh Grêgôriô thành Nazien, Oratio 40, 3-4: SC 358,202-204 (PG 36,361-364)]
1226 Từ ngày lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh đã cử hành và ban bí tích Rửa Tội. Thật vậy, thánh Phê-rô tuyên bố với đám đông đang bối rối vì bài giảng của ngài: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được hồng ân là Thánh Thần” (Cv 2,38). Các Tông Đồ và những cộng sự viên của các ngài ban bí tích Rửa Tội cho những ai tin vào Chúa Giê-su: những người Do-thái, những người kính sợ Thiên Chúa và những người ngoại giáo [X. Cv 2,41; 8,12-13; 10,48; 16,15]. Bí tích Rửa Tội luôn gắn liền với đức tin. Thánh Phao-lô tuyên bố với viên cai ngục canh giữ ông ở Phi-líp-phê: “Hãy tin vào Chúa Giê-su, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ.” Trình thuật kể tiếp: “Lập tức, ông ấy được chịu Phép Rửa cùng với tất cả người nhà” (Cv 16,31-33).
1227 Theo thánh Phao-lô Tông Đồ, nhờ bí tích Rửa Tội, tín hữu được hiệp thông vào sự chết của Đức Ki-tô; họ được mai táng và sống lại với Người:
“Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4) [X. Cl 2,12]. Những người chịu Phép Rửa đã “mặc lấy Đức Ki-tô” [X. Gl 3,27]. Nhờ Chúa Thánh Thần, bí tích Rửa Tội là Phép Rửa để thanh tẩy, thánh hóa và công chính hóa [X. 1 Cr 6,11; 12,13].
1228 Như vậy, bí tích Rửa Tội là Phép Rửa bằng nước nhờ đó “hạt giống bất hoại” của Lời Chúa đem lại hiệu quả của nó là ban sự sống [X. 1 Pr 1,23; Ep 5,26]. Thánh Augustinô nói về bí tích Rửa Tội: “Lời liên kết với một yếu tố vật chất và nó trở thành một bí tích” [Thánh Augustinô, In Iohannis evangelium tractatus, 80, 3: CCL 36,529 (PL 35,1840)].
Số 727-729: Chúa Giê-su mặc khải Chúa Thánh Thần
727 Toàn bộ sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong thời gian viên mãn tập trung vào sự kiện Chúa Con là Đấng Được Xức Dầu bằng Thần Khí của Chúa Cha khởi từ cuộc Nhập Thể của Người: Chúa Giê-su là Đức Ki-tô, Đấng Mê-si-a.
Toàn bộ chương hai của Tín biểu phải được đọc dưới ánh sáng này. Toàn bộ công trình của Đức Ki-tô là sứ vụ phối hợp của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần. Ở đây, chúng ta sẽ chỉ đề cập những gì liên quan đến lời Chúa Giê-su hứa ban Thánh Thần và việc Người thực hiện lời hứa đó sau khi Người được tôn vinh.
728 Chúa Giê-su không mặc khải trọn vẹn Chúa Thánh Thần, cho tới khi Người được tôn vinh qua cái Chết và sự Sống lại của Người. Tuy nhiên, Người cũng dần dần gợi ý về Chúa Thánh Thần khi Người giảng dạy dân chúng, khi Người mặc khải Thịt của Người sẽ là của ăn cho thế gian được sống [X. Ga 6,27.51.62-63]. Người cũng gợi ý cho ông Ni-cô-đê-mô [X. Ga 3,5-8], cho người phụ nữ Sa-ma-ria [X. Ga 4,10.14.23-24] và những người tham dự Lễ Lều [X. Ga 7,37-39]. Người nói cách tỏ tường cho các môn đệ của Người nhân khi dạy họ cầu nguyện [X. Lc 11,13] và khi báo trước việc họ phải là nhân chứng cho Người [X. Mt 10,19-20].
729 Chỉ khi đến Giờ Chúa Giê-su phải được tôn vinh, Người mới hứa rằng Chúa Thánh Thần sẽ ngự đến, vì cái Chết và sự Sống lại của Người sẽ là sự hoàn thành Lời đã hứa với các Tổ phụ [X. Ga 14,16-17.26; 15,26; 16,7-15; 17,26]: Thần chân lý, Đấng Bào Chữa khác, sẽ được Chúa Cha ban nhờ lời cầu xin của Chúa Giê-su; chính Ngài sẽ được Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Giê-su; Chúa Giê-su sẽ sai Chúa Thánh Thần từ Chúa Cha mà đến, bởi vì Ngài xuất phát từ Chúa Cha. Chúa Thánh Thần sẽ đến, và chúng ta sẽ nhận biết Ngài, Ngài sẽ ở cùng chúng ta mãi mãi, Ngài sẽ cư ngụ với chúng ta; Ngài sẽ dạy dỗ chúng ta mọi sự và nhắc cho chúng ta nhớ tất cả những gì Chúa Giê-su đã nói, và Ngài sẽ làm chứng cho Đức Ki-tô; Ngài sẽ dẫn chúng ta đến chân lý trọn vẹn và sẽ tôn vinh Đức Ki-tô. Còn đối với thế gian, Ngài sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính, và về việc xét xử.
Số 694, 733-736, 1215, 1999, 2652: Chúa Thánh Thần, nước hằng sống, một hồng ân của Thiên Chúa
694 Nước. Trong bí tích Rửa Tội, nước là một biểu tượng nói lên tác động của Chúa Thánh Thần, vì vậy, sau lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần, nước trở thành dấu chỉ bí tích hữu hiệu của việc tái sinh: giống như trong lần sinh ra thứ nhất chúng ta được cưu mang trong nước, thì cũng vậy, nước Rửa Tội thật sự nói lên rằng việc chúng ta được sinh vào đời sống thần linh được ban trong Chúa Thánh Thần. Nhưng, “chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí”, “và tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,13): Vì vậy, đích thân Thần Khí cũng là Nước hằng sống, chảy ra từ Đức Ki-tô chịu đóng đinh thập giá [X. Ga 19,34; 1 Ga 5,8] như từ nguồn mạch của mình, và vọt ra thành sự sống vĩnh cửu trong chúng ta [X. Ga 4,10-14; 7,38; Xh 17,1-6; Is 55,1; Dcr 14,8; 1 Cr 10,4; Kh 21,6; 22,17].
733 “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16) và tình yêu là hồng ân đầu tiên, chứa đựng tất cả mọi sự khác. Tình yêu này “Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
734 Bởi vì do tội mà chúng ta chết hoặc ít nhất là bị thương, nên hiệu quả đầu tiên của hồng ân tình yêu là ơn tha thứ các tội của chúng ta. Chính “ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2 Cr 13,13) trong Hội Thánh phục hồi những người đã được Rửa Tội trở lại tình trạng “giống như” Thiên Chúa mà họ đã đánh mất vì tội lỗi.
735 Lúc đó Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta “bảo chứng” hoặc “những ân huệ khởi đầu” của phần gia sản của chúng ta [X. Rm 8,23; 2 Cr 1,22]: đó là chính sự sống của Ba Ngôi Chí Thánh, là yêu thương “như chính Ngài đã yêu thương chúng ta” [X. 1 Ga 4,11-12]. Tình yêu này (Đức mến của 1 Cr 13) là nguyên lý của đời sống mới trong Đức Ki-tô, nay có thể thực hiện được bởi vì chúng ta đã lãnh nhận “sức mạnh của Thánh Thần khi Ngài ngự xuống” (Cv 1,8).
736 Nhờ sức mạnh đó của Chúa Thánh Thần, các con cái Thiên Chúa có thể mang lại hoa trái. Đấng đã tháp chúng ta vào Cây Nho thật, sẽ làm cho chúng ta mang lại hoa trái của Thần Khí, là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23). Thần Khí là sự sống của chúng ta; chúng ta càng từ bỏ chính mình [X. Mt 16,24-26], Thần Khí càng làm cho chúng ta hoạt động [X. Gl 5,25].
“Nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta được phục hồi để vào thiên đàng, được dẫn lên Nước Trời, được ban ơn làm nghĩa tử: chúng ta được vững lòng để gọi Thiên Chúa là Cha của mình, và thông phần vào ân sủng của Đức Ki-tô, được gọi là con cái ánh sáng và dự phần vào vinh quang vĩnh cửu” [Thánh Ba-si-li-ô Cả, Liber de Spiritu Sancto, 15,36: SC 17bis, 370 (PG 32,132)].
1215 Bí tích này cũng được gọi là “Phép Rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,5), bởi vì bí tích này biểu lộ và thực hiện việc sinh ra bởi nước và Thánh Thần, mà nếu không có việc đó thì “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa” (Ga 3,5).
1999 Ân sủng của Đức Ki-tô là một hồng ân nhưng không, Thiên Chúa ban cho chúng ta từ sự sống của Ngài, nhờ Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào linh hồn chúng ta để chữa trị nó khỏi tội lỗi và thánh hóa nó: Đó là ơn thánh hóa hay ơn thần linh hóa, được lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội. Ân sủng này là nguồn mạch của công trình thánh hóa trong chúng ta [X. Ga 4,14; 7,38-39]:
“Phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được giao hòa với Ngài” (2 Cr 5,17-18).
2652 Chúa Thánh Thần là “nước trường sinh”, “tuôn ban sự sống muôn đời” [X. Ga 4,14] vào tâm hồn người cầu nguyện. Chính Ngài dạy chúng ta biết đón nhận nước đó tận nguồn mạch: nơi Đức Ki-tô. Trong đời sống Ki-tô hữu, có những mạch dẫn đến nguồn, nơi Đức Ki-tô đang mong đợi chúng ta để cho chúng ta uống thỏa thuê Chúa Thánh Thần
Số 604, 733, 1820, 1825, 1992, 2658: Thiên Chúa khởi xướng; hy vọng từ Thần Khí
604 Khi trao nộp Con của Ngài vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa biểu lộ kế hoạch của Ngài là một kế hoạch của tình yêu lân mẫn, đi trước mọi công trạng của chúng ta: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10) [X. 1 Ga 4,19]. “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).
733 “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16) và tình yêu là hồng ân đầu tiên, chứa đựng tất cả mọi sự khác. Tình yêu này “Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5).
1820 Từ lúc khởi đầu việc giảng dạy của Chúa Giê-su, đức cậy Ki-tô Giáo được khai triển trong lời loan báo các mối phúc. Các mối phúc nâng niềm hy vọng của chúng ta hướng lên trời, như lên miền Đất hứa mới; vạch đường tới đó qua những thử thách đang chờ đợi các môn đệ của Chúa Giê-su. Nhưng nhờ công nghiệp của Chúa Giê-su Ki-tô và của cuộc khổ nạn của Người, Thiên Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm hy vọng “không phải thất vọng” (Rm 5,5). Chúng ta có niềm hy vọng “như cái neo chắc chắn và bền vững của tâm hồn”, thả sâu vào “nơi Chúa Giê-su đã vào như người tiền phong mở đường cho chúng ta” (Dt 6,19-20). Đức cậy cũng là vũ khí bảo vệ chúng ta trong cuộc chiến đấu để được cứu độ: “Hãy mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ” (1 Tx 5,8). Đức cậy mang lại cho chúng ta niềm vui ngay cả trong thử thách: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân” (Rm 12,12). Đức cậy được diễn tả và nuôi dưỡng trong kinh nguyện, nhất là trong Lời Kinh của Chúa, là bản toát yếu của tất cả những gì mà đức cậy khiến chúng ta ước ao.
1825 Đức Ki-tô đã chịu chết vì yêu mến chúng ta, khi chúng ta còn là “thù nghịch” (Rm 5,10). Chúa đòi chúng ta rằng, cũng như Người, chúng ta phải yêu mến cả kẻ thù của chúng ta [X. Mt 5,44], rằng chúng ta phải trở thành người lân cận cho những kẻ ở xa nhất [X. Lc 10,27-37], rằng chúng ta phải yêu thương trẻ em [X. Mc 9,37] và người nghèo như chính Người [X. Mt 25,40.45].
Thánh Tông Đồ Phao-lô đã mô tả một cách tuyệt vời về đức mến: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 13,4-7).
1992 Sự công chính hóa là công trạng nhờ cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô cho chúng ta, Người là Đấng đã tự hiến trên thập giá như của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa, và Máu Người trở nên dụng cụ đền tội vì tội lỗi của mọi người. Sự công chính hóa được ban nhờ Phép Rửa, là bí tích của đức tin. Nó làm cho chúng ta nên phù hợp với sự công chính của Thiên Chúa, Đấng nhờ quyền năng của lòng thương xót của Ngài làm cho chúng ta nên công chính tự bên trong. Sự công chính hóa có mục tiêu là vinh quang của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô, và hồng ân của đời sống vĩnh cửu. [X. CĐ Tri-đen-ti-nô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 7: DS 1529]
“Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng. Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do hồng ân Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Ngài là Đấngï Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Ngài đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Ngài muốn cho thấy rằng Ngài vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giê-su được nên công chính” (Rm 3,21-26).
2658 “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Một khi được đào tạo nhờ đời sống phụng vụ, việc cầu nguyện sẽ kín múc được mọi sự trong tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta trong Đức Ki-tô. Tình yêu này giúp chúng ta đáp lại Ngài bằng cách yêu thương như chính Ngài đã yêu thương chúng ta. Tình yêu là nguồn mạch duy nhất của cầu nguyện; ai kín múc nơi nguồn mạch này, người đó đạt tới chóp đỉnh của việc cầu nguyện:
“Lạy Thiên Chúa của con, con yêu mến Chúa, và niềm ao ước duy nhất của con là yêu mến Chúa cho đến hơi thở cuối cùng của đời con. Lạy Thiên Chúa vô cùng khả ái, con yêu mến Chúa. Con thà chết vì yêu mến Chúa, còn hơn là sống mà không yêu mến Chúa. Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, và ân sủng duy nhất mà con cầu xin là cho con được yêu mến Chúa muôn đời… Lạy Thiên Chúa của con, nếu miệng lưỡi con không thể lúc nào cũng lặp lại rằng con yêu mến Chúa, con muốn rằng tim con luôn lặp lại lời đó với Chúa theo từng nhịp thở của con”. [Thánh Gio-an Ma-ri-a Viannê, Oratio, apud B. Nodet, Le Curé d’Ars, Sa pensée-son coeur (Le Puy 1966) 45]