Giáo Hạt Cà Mau

Khốn cho ngươi (06.10.2023 – Thứ Sáu Tuần 26 TN)

Khốn cho ngươi (06.10.2023 – Thứ Sáu Tuần 26 TN)

Bài Ðọc I: Br 1, 15-22

“Chúng ta đã phạm tội trước mặt Chúa và không tin tưởng vào Người”.

Trích sách Tiên tri Barúc.

Sự công chính thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng ta, còn sự thẹn mặt thì thuộc về chúng ta: như ngày nay, nó thuộc về toàn cõi Giuđa: thuộc về dân cư Giêrusalem, vua chúa, quan quyền, tư tế, tiên tri và các tổ phụ chúng ta. Chúng ta phạm tội trước mặt Chúa là Thiên Chúa chúng ta, và chúng ta không tin tưởng, không cậy trông vào Người. Chúng ta không suy phục Người, không nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng ta, để chúng ta bước đi trong các giới răn Người đã ban cho chúng ta. Từ ngày Chúa dẫn các tổ phụ chúng ta ra khỏi đất Ai Cập cho đến ngày nay, chúng ta chẳng tin tưởng vào Chúa là Thiên Chúa chúng ta: chúng ta vô tâm lìa xa Chúa để khỏi nghe tiếng Người. Chúng ta mắc phải nhiều tai hoạ và những lời chúc dữ mà Chúa đã báo cho Môsê tôi tớ Người, khi Người dẫn dắt tổ phụ chúng ta ra khỏi đất Ai Cập, để ban cho chúng ta đất chảy sữa và mật như ngày hôm nay. Chúng ta không nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng ta theo như mọi lời các tiên tri Chúa sai đến cùng chúng ta. Mỗi người chúng ta cứ theo lòng gian tà của mình, làm tôi các thần ngoại, thực hành các sự dữ trước mắt Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 78, 1-2. 3-5. 8. 9

Ðáp: Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con vì vinh quang danh Chúa.

Xướng: 1) Ôi Thiên Chúa, ngoại bang đã xông vào gia nghiệp Chúa, họ làm ô uế thánh điện của Ngài, họ biến Giêrusalem thành nơi đổ nát! Họ ném tử thi thần dân Chúa làm mồi nuôi chim trời, và huyết nhục tín đồ Ngài cho muông thú đồng hoang.

Ðáp: Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con vì vinh quang danh Chúa.

2) Họ đổ máu chư vị đó dường như nước lã quanh Giêrusalem, mà không có kẻ chôn vùi. Chúng con đã bị bêu ra cho láng giềng phỉ nhổ, cho lân bang chế diễu nhạo cười! Tới ngày nào, lạy Chúa, Chúa còn giận mãi? Và lòng ghen hận Chúa còn như lửa nấu nung?

Ðáp: Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con vì vinh quang danh Chúa.

3) Xin đừng nhớ tội tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi!

Ðáp: Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con vì vinh quang danh Chúa.

4) Ôi Thiên Chúa, Ðấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài.

Ðáp: Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con vì vinh quang danh Chúa.

Alleluia: Tv 129,5

Alleluia, alleluia! – Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 13-16

“Ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Ðấng đã sai Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho ngươi, hỡi Crozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục”.

“Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

 

Suy niệm:

Tin Mừng hôm nay kể lại một kinh nghiệm không vui của Đức Giêsu,
Kinh nghiệm của một người tận tụy với công việc tông đồ
nhưng sau thời gian dài chờ đợi, kết quả lại không như ý.

Đức Giêsu là người vùng Galilê, hẳn Ngài yêu vùng đất này.
Ngài thường lui tới những thành phố quanh Hồ Galilê.
Khoradin, Bếtsaiđa, Caphácnaum nằm trong số đó.
Ngài đã rao giảng nhiều về sám hối (7, 36-50; 13, 1-5; 19, 1-10),
và Ngài cũng làm bao phép lạ kèm theo để gọi mời hoán cải.
Có thể nhiều người bị đánh động khi nghe lời Ngài giảng
và bị thu hút bởi các phép lạ Ngài làm.
Nhưng đối với Đức Giêsu, như thế vẫn chưa đủ.
Tất cả vẫn chỉ là hời hợt của cảm xúc bên ngoài.
Điều Ngài đòi hỏi là biến đổi tận căn bên trong cuộc sống.

“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa!
Đức Giêsu đau đớn thốt lên như thế khi phải so sánh hai thành phố trên
với hai thành phố dân ngoại tội lỗi là Tia và Xiđôn (Is 23; Ed 26-28).
Hai thành phố ở Galilê chẳng đổi gì mấy dù đã biết Ngài từ lâu.
Dân ở đây sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn trong cuộc phán xét.
Thành phố Caphácnaum cũng chẳng khá hơn,
dù đây là nơi Đức Giêsu hay lui tới để phục vụ (Lc 4, 23. 31-37 ; 7,10).
Ngài đặt thẳng câu hỏi với thành phố này về tương lai của nó (c. 15).
Đừng mong được nâng đến tận trời, nhưng sẽ bị xuống tận âm phủ!

Đức Giêsu có kinh nghiệm về thất bại trong việc tông đồ.
Ngài cũng nhắc các môn đệ về chuyện đó (Lc 10, 10-12).
Không được tiếp đón, bị từ khước, không được người ta nghe (c.16),
thậm chí có khi bị bách hại, bị vu khống, bị giết chết.
Đó là những điều người môn đệ tín trung vẫn thường gặp,
vì Thầy của họ đã trải qua và vượt qua.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói chuyện với các thành phố,
những nơi thân quen, đã mang dấu chân Ngài.
Ngài lấy làm tiếc vì những gì Ngài làm chưa thấm vào bề sâu,
chưa tạo ra được những thay đổi nơi lòng thành phố.
Một sám hối thật sự không phải chỉ là một sám hối cá nhân,
nhưng là sám hối nơi sinh hoạt của cả một thành phố.
Nếu hôm nay Ngài đến với thành phố của chúng ta Ngài sẽ nói gì?
Ngài có chỗ không, ở mọi nơi người Kitô hữu đang sống,
đang làm việc, đang học hành, đang vui chơi, đang cầu nguyện?
Sám hối là trả lại chỗ cho Ngài trong mỗi góc phố vắng,
là giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất.
Ước gì chúng ta biết xây dựng quanh ta
những khoảng không gian tràn ngập sự hiện diện của Giêsu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,
việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.
để khi thấy con, người ta phải nói:
“vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt.”
Và nếu có ai hỏi con
tại sao con lại hiền lành và tốt như thế,
con sẽ trả lời
vì con là tôi tớ của một đấng tốt hơn con nhiều.
“Mong sao bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!”
Con muốn sống thật tốt, để người ta có thể nói:
“nếu tôi tớ mà tốt như vậy,
thì Chủ sẽ tốt đến ngần nào?”
(Chân phước Charles Foucauld)

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *