KHÔNG AI ĐƯỢC “ĂN KHÔNG NGỒI RỒI”
(Theo định hướng mục vụ 2024 của Giáo phận Qui Nhơn:
“CÙNG NHAU ĐI LÀM VƯỜN NHO CHO CHÚA”)
Lm. TĐD Giuse Trương Đình Hiền
DẪN NHẬP: KHÔNG AI LÀ MỘT HÒN ĐẢO
Trong tác phẩm “Devotions Upon Emergent Occasions – Meditation XVII”, xuất hiện vào thế kỷ 17, chính xác là vào năm 1624, của thi sĩ giáo sĩ người Anh, John Donne (1572-1631), người ta đọc thấy một bài thơ, với câu đầu như một tựa đề: “No Man Is an Island.”[1] (Không ai là một hòn đảo”. Từ đó, câu thơ, và cả bài thơ nầy, đã lan truyền ra khắp thế giới như một câu cách ngôn về nhân sinh quan đầy thâm thúy và mang giá trị tích cực.
Thật vậy, nếu câu đầu “Không ai là một hòn đảo” như là một “định đề triết lý nhân bản” về mối trương quan của con người trong xã hội, thì câu áp cuối lại là một khắc họa đầy chất hiện sinh để chứng minh cho nhân sinh quan tích cực đó:
Any man’s death diminishes me,
Because I am involved in mankind
(Ai chết đi cũng làm tôi nhỏ lại,
Bởi vì tôi duyên nợ với con người).
Là một Kitô hữu và lại là một giáo sĩ, chắc chắn John Donne đã thấm nhuần sứ điệp Lời Chúa về ”cảm thức” cộng đoàn, cảm thức “thuộc về một Dân”, cảm thức là “cành nho trong thân nho”, cảm thức “những chi thể trong một huyền thể”… Vâng, như Thánh Phaolô đã từng cảm nhận mối liên hệ thiết thân với “anh chị em trong cộng đoàn Côrintô” vào cái thuở ban đầu của Hội Thánh: “Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? Có ai vấp ngã mà tôi lại không cảm thấy lòng sôi lên?” (2Cr 11,29), đức tin Kitô giáo, tự căn bản, là sống “tương quan”, tương quan với Thiên Chúa và tương quan với nhau mà giềng mối chính là hai giới răn “Mến Chúa – Yêu người” (x. Mt 22, 32-40).
Chúng ta đang ở trong giai đoạn cao điểm của cuộc “hành trình hiệp hành” mà Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới XVI đang nỗ lực khai triển như được phản ảnh qua Thư của Đại Hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội Đồng Giám Mục gởi cho Dân Chúa: “Khoá họp mà chúng tôi được quy tụ ở Rôma từ ngày 30 tháng 9 là một giai đoạn quan trọng trong tiến trình này. Về nhiều phương diện, đây là một trải nghiệm chưa từng có. Lần đầu tiên, theo lời mời của Đức thánh cha Phanxicô, những người nam cũng như nữ nhận được lời mời, nhờ bí tích Rửa tội, ngồi cùng bàn không chỉ để tham gia thảo luận, mà còn tham gia tiến trình bỏ phiếu của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục này. Trong tâm tình bổ sung cho nhau về ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ, chúng tôi đã cùng nhau chăm chú lắng nghe Lời Chúa và kinh nghiệm của người khác.”[2]
Đặc biệt, với Giáo Hội tại Việt Nam, định hướng mục vụ cho tiến trình hiệp hành của năm 2024 chính là: “Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội”. Đây là điều cấp thiết đối với Giáo Hội tại Việt Nam hôm nay. Vì chính các Đức Giám Mục trong Thư chung tháng 9/2023 đã nêu bật: “Tại Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, cùng với những khó khăn trong đời sống và cách hiểu giáo lý chưa đúng, một số giáo dân sống đức tin thụ động và dửng dưng với những hoạt động của cộng đoàn địa phương. Với họ, đời sống đức tin chỉ bao hàm trong việc tuân giữ ngày Chúa nhật. Do đó, thúc đẩy sự tham gia vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội tại Việt Nam là một nhu cầu cấp thiết.” (Thư chung 22.9.2023).
Để áp dụng “định hướng mục vụ nầy”, Giáo phận Qui Nhơn chúng ta đã chọn hình ảnh sống động của dụ ngôn Tin Mừng “Đi Làm Vườn Nho” (Mt 20, 1-16), như một “biểu trưng rõ nét”, vừa lôi kéo mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận tích cực lắng nghe và thực thi Lời Chúa nhất là thực hành việc “tham gia canh tác Vườn nho”, tham gia xây dựng Hội Thánh…, vừa khơi gợi ý thức và cảm nhận hạnh phúc khi chính mình được gắn kết và thuộc về cộng đoàn, thuộc về Giáo Hội!
Chính trong ý nghĩa đó, chúng ta cùng dừng lại để đào sâu một số nội dung trọng điểm liên quan đến chủ đề “tham gia”; nhất là việc thể hiện “tham gia” trong việc sống đức tin, thể hiện đức tin, kiện toàn và chia sẻ đức tin của mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận chúng ta hôm nay.
I. ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ THAM GIA: “HIỆP THÔNG”
Chúng ta đã có “một năm” để suy tư và hành động với chủ đề “Hiệp Thông”; và đây chính là “tiền đề”, là “điều kiện cơ bản” để Dân Chúa dấn thân sống và thể hiện “định hướng hiệp hành” với “nhịp thứ hai”: THAM GIA.
Người Kitô hữu chỉ có thể “tham gia trọn vẹn mang ý nghĩa đức tin” khi thực hiện việc tham gia nầy trên nền tảng “Hiệp thông của mầu nhiệm Hội Thánh”. Bởi vì, nếu bỏ qua nền tảng cốt yếu nầy, người ta chỉ dừng lại ở chỗ: “tham gia mang tính kỹ thuật, vụ lợi, ích kỷ…”; chẳng khác nào một người “tham gia chơi hụi” để kiếm tiền; một cầu thủ “tham gia đội bóng” vì ham mê thể thao và thành tích; một tên cướp “tham gia băng cướp” vì quyền lợi cá nhân; một chính trị gia “tham gia đảng phái” để đạt mục tiêu về “sinh mệnh chính trị”…
Việc “tham gia” của người Kitô hữu dựa trên một nền tảng đặc biệt mà không giá trị trần tục nào có thể sánh bằng: giá trị “Giáo hội hiệp thông”, một giá trị làm nên “căn tính Kitô hữu”, như cách diễn giải của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân: “Từ đây, “căn tính” của người giáo dân, phẩm giá nguyên thủy của họ chỉ được bộc lộ trong thâm sâu của mầu nhiệm Giáo Hội như là mầu nhiệm hiệp thông. Và cũng chỉ trong thâm sâu của phẩm giá đó, người ta mới có thể định nghĩa ơn gọi và sứ vụ của họ trong Giáo Hội và trong thế giới.” (KTHGD 8).
Chúng ta có thể dừng lại để đào sâu thêm chiều kích “hiệp thông” nầy:
1. Nền tảng hiệp thông: Phẩm giá của một “Dân Thánh”:
Tôi tham gia phục vụ Hội Thánh, trước hết, vì tôi mang một “phẩm giá cao trọng tuyệt vời” liên quan đến số phận đời đời đó là được “thuộc về Giáo Hội”, “thuộc về một đoàn Dân thánh”… Nếu không tham gia, tôi sẽ tự biến mình thành người vô giá trị, vô ân bội nghĩa với Thiên Chúa và có nguy cơ đánh mất hạnh phúc đời đời.
1.1. Được thuộc về một Giáo Hội, công trình huyền nhiệm của Chúa Ba Ngôi:
“Từ muôn thuở, Chúa Cha “đã kêu gọi và tiền định để họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài để Người Con Một trở nên trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Ngài quyết định quy tụ những ai tin vào Đức Kitô thành một Giáo Hội thánh thiện, được tiên báo bằng hình ảnh biểu trưng ngay từ lúc khởi nguyên thế giới, được chuẩn bị cách diệu kỳ nơi lịch sử dân Israel và Cựu ước, được thiết lập vào thời kỳ sau hết, được tỏ lộ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và sẽ được hoàn tất trong vinh quang vào lúc kết tận thời gian.” (GH 2).
1.2. Được thuộc về một Đoàn Dân bao gồm toàn nhân loại:
“Mọi người đều được mời gọi vào đoàn Dân mới của Thiên Chúa. Vì thế, chỉ một đoàn Dân duy nhất của Thiên Chúa phải được lan rộng khắp thế giới và trải dài qua mọi thời, (…). Để thực hiện điều đó, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài đến, Đấng Ngài đặt làm người thừa kế tất cả vạn vật (x. Dt 1,2), để Người sẽ là Thầy, là Vua và là Tư Tế của mọi người, là Thủ lãnh của đoàn dân mới gồm những người con cái Thiên Chúa trên khắp hoàn cầu. Cũng vì thế mà sau cùng, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài đến, là Chúa và là Đấng ban sự sống, là khởi điểm qui tụ và là nguyên lý hợp nhất toàn thể Giáo Hội cũng như tất cả và từng người tín hữu trong giáo lý của các Tông đồ, trong tình hiệp thông, trong việc bẻ bánh và cầu nguyện (x. Cv 2,42: bản Hy Lạp)”. (GH 13).
1.3. Được thuộc về Đức Kitô trong tư cách một “thụ tạo mới”:
“Việc tháp nhập vào Đức Kitô nhờ đức tin và nhờ các Bí tích Khai tâm Kitô giáo là gốc rễ đầu tiên tạo nên địa vị mới của người Kitô hữu trong mầu nhiệm Giáo Hội, làm thành “diện mạo” sâu sắc nhất của họ, làm nền tảng cho tất cả mọi ơn gọi và tính năng động của đời sống Kitô hữu giáo dân: trong Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh, người được thánh tẩy trở nên một “thụ tạo mới” (Gl 6,15; 2Cr 5,17), một thụ tạo được thanh tẩy khỏi tội lỗi và được sống nhờ ân sủng.” (KTHGD 11). (x. Thư Chung tháng 9.2023 của HĐGMVN)[3]
2. Đặc tính của hiệp thông: Mật thiết – sống động:
(Như một “cành nho”, một “thân mình”, một “chi thể”, một “đền thờ” và “viên đá sống”:
Thuộc về Giáo Hội rộng khắp, một Đoàn Dân mới quy tụ đông đảo muôn dân, nhưng tôi không bị “chìm ngập để mất hút giữa đám đông”, không trở thành “thứ yếu không quan trọng” hay chỉ là một “sự kết hợp lỏng lẻo, xa xa” để không ai biết, chẳng ai hay…, mà là một liên kết mật thiết như “cành nho trong thân nho”, như “sự sống trong một thân mình”, như “chi thể của một thân thể”, như một “đền thánh của Chúa Thánh Thần” và “những viên đá sống động” để xây nên ngôi đền thánh đó…:
2.1. Mật thiết như “cành nho trong thân nho”:
“Cây nho đích thực chính là Đức Kitô, Đấng ban sức sống và hoa trái cho các cành nho, nghĩa là cho chúng ta đây, những người nhờ Giáo Hội mà được ở lại trong Đức Kitô, và nếu không có Người, chúng ta không thể làm được gì (x. Ga 15, 1-5).” (GH 6).
“Khi sử dụng hình ảnh cây nho và cành nho, Đức Giêsu muốn nói về chính sự hiệp nhất đó: “Thầy là cây nho, anh em là cành nho” (Ga 15,5), hình ảnh này làm sáng tỏ không những sự thân mật sâu xa của các môn đệ với Đức Giêsu, mà cả sự hiệp thông đời sống giữa các môn đệ với nhau: tất cả đều là cành của một Cây Nho duy nhất.” (KTHGD 12).
2.2. Mật thiết như “sự sống của một thân mình”:
“Thật vậy, khi thông ban Chúa Thánh Thần, Người đã qui tụ các anh chị em của mình từ muôn dân tộc để thiết lập cách mầu nhiệm thân mình của Người. Trong thân mình ấy, sự sống Đức Kitô được thông truyền cho những người tin, và nhờ các bí tích, họ thực sự được kết hợp cách mầu nhiệm với Đức Kitô khổ nạn và vinh hiển” (GH 7).
“Ra khỏi giếng rửa tội, mỗi người Kitô hữu đều nghe được tiếng nói xưa kia ở bờ sông Jorđanô: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Lc 3,22), và như vậy họ hiểu rằng mình đã được kết hợp với người Con Yêu Dấu, khi trở thành nghĩa tữ (x. Gl 4, 4-7) và là anh em Đức Kitô. như thế, chương trình vĩnh cửu của Thiên Chúa được thể hiện nơi lịch sử mỗi người: “Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). (KTHGD 11).
2.3. Mật thiết như chi thể của thân thể:
“Nhờ phép Thánh tẩy, chúng ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô: “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13). (…). Khi thực sự thông phần vào Thân Mình của Chúa trong việc bẻ bánh Thánh Thể, chúng ta được đưa vào hiệp thông với Người và với nhau. “Vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17). Bằng cách này tất cả chúng ta được trở nên những chi thể của Thân Mình Người (x. 1Cr 12,27), “vì mỗi người đều là chi thể của nhau” (Rm 12,5).” (GH 7).
“Bí tích Thánh Tẩy biểu thị và làm phát sinh một sự tháp nhập huyền nhiệm nhưng thực sự vào Thân Thể đã chịu đóng đinh và vinh quang của Đức Giêsu. Qua bí tích này, Đức Giêsu nối kết người chịu thánh tẩy vào cái chết của Ngài, để rồi nối kết họ vào sự phục sinh của Ngài (x. Rm 6, 3-5), giải gỡ họ khỏi “con người cũ” và mặc cho họ “con người mới”, tức là chính Ngài: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô – thánh Phaolô tông đồ viết –, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27; x. Ep 4, 22-24; Cl 3, 9-10). Vì vậy, “chúng ta tuy nhiều, nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô” (Rm 12,5). (KTHGD 12).
2.4. Sống động của một “Đền Thờ”:
“Giáo Hội cũng thường được gọi là toà nhà của Thiên Chúa (1Cr 3,9). Chính Chúa Giêsu đã ví mình như viên đá bị các thợ xây loại bỏ nhưng đã trở thành viên đá góc (x. Mt 21,42t; Cv 4,11; 1Pr 2,7; Tv 117,22). Trên nền móng đó, các Tông đồ đã ra công xây dựng Giáo Hội (x. 1Cr 3,11), cũng chính đá tảng đó làm kiên vững và liên kết cả Giáo Hội. Công trình xây dựng này còn được gọi bằng nhiều danh hiệu khác như: nhà Thiên Chúa (x. 1Tm 3,15), nơi gia đình Ngài cư ngụ, nhà tạm của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần (x. Ep 2,19-22), nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại (Kh 21,3), và đặc biệt là đền thánh, ngôi đền thờ được các thánh Giáo phụ ca tụng, được biểu trưng qua các cung thánh bằng đá, và trong phụng vụ được sánh ví thật chí lý với Thánh Đô, Thành Giêrusalem mới. Thật vậy, ở trần thế nầy, chúng ta thuộc về công trình đó như những viên đá sống động xây nên thành thánh” (x. 1Pr 2,5). (GH 6).
“Chúa Thánh Thần “xức dầu” cho người được thánh tẩy, Ngài đóng trên họ ấn tích không thể xóa nhòa (x. 2Cr 1, 21.22), và Ngài xây dựng họ thành đền thờ thiêng liêng, nghĩa là làm cho họ được đầy tràn sự hiện diện thánh của Thiên Chúa, nhờ sự kết hiệp và nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô.” (KTHGD 13).
3. Nói không với “tâm thức tham gia lệch lạc”:
Ý thức sâu sắc về “tương quan mật thiết và sinh động” đó sẽ giúp người Kitô hữu khắc phục tinh thần thờ ơ, lãnh đạm, vô trách nhiệm… đối với Giáo Hội, với cộng đoàn cũng như đẩy lùi những loại “tâm thức tham gia lệch lạc”:
3.1. Những “biện minh lệch lạc” để tránh né tham gia:
– Tâm thức tránh né, đùn đẩy: vịn cớ “không mợ thì chợ cũng đông” để né tránh, phủi tay…
– Tâm thức “kẻ cả”: vịn cớ “chuyện đó không xứng với mình”; tội gì lấm tay cho mệt…
– Tâm thức “chủ quan coi thường”: “chuyện nhỏ rứt quan tâm làm gì”; xem thường “các “chi tiết nhỏ”…
– Tâm thức “phe nhóm”: chỉ làm việc, hay tham gia với những người, những nhóm thích hợp, cùng đẳng cấp…
– Tâm thức “thù dai”: không tham gia vì bất mãn, tự ái, ghim gút với ai hay việc gì đã xảy ra…
– Tâm thức “mặc cảm tự ti”: Mình nghèo, mình dốt, mình bị rối, không có điều kiện… không thể tham gia…
– Tâm thức “hứa lèo”: Chờ thời gian đủ điều kiện, chờ con cái lớn, chờ thu xếp công việc…
3.2. Những thái độ và động lực tham gia lệch chuẩn:
– Tâm thức “cậy dựa đám đông”: để ẩn núp, để khỏi bị để ý;
– Tâm thức “hùa theo đám đông”: lợi dụng đám đông để xách động, manh động…
– Tâm thức “tôn thờ cái bụng”: tham gia để sau đó bày ra nhậu nhẹt hay lấy cớ tham gia để ăn nhậu;
– Tâm thức “chơi nổi”: tham gia để áp đặt ý kiến, tranh cãi sao cho mọi người phải khuất phục;
– Tâm thức “vụ lợi”: tham gia để được thù lao (không có ý nói đến việc thù lao cách công bằng cho kẻ nghèo, người thợ đúng nghĩa …) hoặc để được tôn vinh…
– Tâm thức “tự cao tự đại”: tham gia để phê bình chỉ trích, tấn công, hạ bệ…
– Tâm thức “nóng vội” hay “bất cập thái quá”: Tham gia cách cảm tính thiếu cân nhắc, suy nghĩ nên dễ bỏ cuộc hoặc rơi vào tình trạng bất cập hoặc thái quá…
II. NHỮNG PHƯƠNG CÁCH CẦN THIẾT ĐỂ THAM GIA:
1. Cách Thiên Chúa chuẩn bị:
1.1. Thiết lập “Dân Thánh”:
Để tham gia phải có cộng đoàn:
Để loài người “tham gia vào công trình sáng tạo”, Thiên Chúa đã chuẩn bị sẵn một vũ trụ với muôn loài vận hành tuyêt mỹ: Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy.” Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! (St 1, 29-31). Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. (St 2,8).
Để tham gia vào công cuộc cứu độ, Thiên Chúa đã chuẩn bị, trước là “Dân được chọn” – Israel; sau đó là “Dân Mới”, tức Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập: “Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế, Ngài đã chọn dân Israel làm dân riêng, đã thiết lập giao ước, dạy bảo họ dần dần bằng cách bày tỏ chính mình và ý định của mình qua lịch sử và thánh hoá họ để dành riêng cho mình. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và là hình bóng của giao ước mới và hoàn hảo sẽ được ký kết trong Đức Kitô, và của mạc khải trọn vẹn do chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mang đến. (GH 9)[4]
1.2. Định hướng cách tham gia:
Tham gia cách thế nào?
1.2.1. Tham gia vào chức vụ tư tế:
“Thật vậy, nhờ sự tái sinh và việc xức dầu Thánh Thần, những người đã nhận ơn Thánh tẩy được thánh hiến trở nên ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh, để qua mọi hoạt động của đời Kitô hữu, họ dâng những hy tế thiêng liêng và loan báo quyền năng của Đấng đã kêu gọi họ ra khỏi tối tăm vào ánh sáng kỳ diệu của Người (x. 1Pr 2, 4-10) (…). Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, dù khác nhau về yếu tính chứ không phải chỉ về cấp bậc, nhưng cả hai đều được đặt định tương quan với nhau; thật vậy, theo cách thức riêng của mình, mỗi bên đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô…” (GH 10).
1.2.2. Tham gia vào chức vụ ngôn sứ:
“Dân thánh của Thiên Chúa cũng tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô, bằng cách thể hiện khắp nơi chứng từ sống động về Ngài cách đặc biệt bằng đời sống đức tin và đức ái, và bằng cách dâng lên Thiên Chúa lễ tế ca tụng, dùng miệng lưỡi ngợi khen thánh danh Người, (x. Dt 13,15). Toàn thể tín hữu được Đấng Thánh xức dầu (x. 1Ga 2, 20.27) nên không thể sai lầm trong đức tin, họ biểu lộ thuộc tính đặc biệt này qua cảm thức siêu nhiên về đức tin của toàn thể dân Chúa, khi “từ các Giám mục đến những người bé mọn nhất trong các tín hữu”[5] đều đồng thuận về những điều liên quan đến đức tin và phong hoá…” (GH 12).
1.2.3. Tham gia vào chức vụ vương đế (xây dựng cộng đoàn):
“Chúa Thánh Thần không chỉ thánh hóa, dẫn dắt Dân Chúa nhờ các bí tích và những tác vụ của Giáo Hội và trang điểm Dân Chúa bằng những nhân đức, nhưng còn phân phát những ân sủng đặc biệt cho các tín hữu thuộc mọi cấp bậc, khi trao ban ân huệ “cho mỗi người theo ý Ngài muốn” (1Cr 12,11), nhờ đó, Ngài làm cho họ nên thích hợp và sẵn sàng đảm nhận các công việc và chức vụ khác nhau để canh tân và xây dựng Giáo Hội như lời của thánh Tông Đồ: “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1Cr 12,7). Dù là ơn thật đặc biệt hay ơn thật đơn sơ hoặc được ban rộng rãi cho nhiều người, những đặc sủng này phải được lãnh nhận với lòng tri ân và niềm an ủi, vì đó là những ơn thích hợp và hữu ích cho những nhu cầu của Giáo Hội.” (GH 12).
2. Kitô hữu tham gia vào đời sống Giáo Hội:
Hội thánh không thể “tự diễn biến” để đi ngược lại những gì Thiên Chúa đã thiết đặt; cho dù, trong lịch sử lâu dài của con đường lớn lên và phát triển, đã có không ít lần và không ít thời điểm Giáo Hội đã không trung thành với căn tính, với những gì Thiên Chúa muốn và “Đấng sáng lập” đã thực hiện[6]
Sau đây là những điều kiện “cần và ắt có” để toàn Dân Chúa tham gia tích cực vào đời sống Giáo Hội:
2.1. Một Cộng đoàn “bình đẳng và đồng trách nhiệm”:
– Nguyên tắc: cùng chung “phẩm giá Kitô hữu”:
“Tính cách mới mẻ Kitô giáo là nền tảng và là sự chứng thực cho sự bình đẳng của tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy trong Đức Kitô, của tất cả mọi thành phần Dân Thiên Chúa: “Cùng chung một phẩm giá của những chi thể vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, một ân huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành; chỉ có một ơn cứu độ, một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia”. Vì có phẩm giá chung của bí tích thánh tẩy, giáo dân là người đồng trách nhiệm trong sứ vụ của Giáo Hội, cùng với các thừa tác viên có chức thánh và với các tu sĩ nam nữ.” (KTHGD 15).
– Áp dụng thực hành:
“Đối thoại” và “bàn tròn”: Đây chính là phong cách được chọn lựa để thể tính hiệp hành trong Đại Hội Thượng Hội Đồng Giai đoạn một vừa kết thúc đã được Đức Cha Louis Nguyễn Anh Tuấn ghi lại: “Đại hội Thượng Hội Đồng (THĐ) tiến hành trong tháng Mười vừa qua tiến hành theo phương pháp Đối thoại trong Thánh Thần (Conversation in the Holy Spirit) như một hạt giống nhỏ bé chất đầy những kì vọng cho tương lai của Hội thánh và nhân loại. (…). Các tham dự viên gồm có cả giáo hoàng, hồng y, giám mục, thượng phụ, linh mục, tu sĩ, giáo dân, là thành viên của THĐ này và những khách “đại biểu anh em” (Chính thống giáo, Anh giáo, Tin lành, Methodist, Ngũ Tuần,…). Hơn một phần ba trong số tham dự viên THĐGM lần này không phải là giám mục: họ là giáo dân trẻ (1 nam, 1 nữ), lớn tuổi, khuyết tật, giáo dân có gia đình, giáo dân độc thân tận hiến giữa đời, tu sĩ dòng (nữ, nam, dòng chiêm niệm, dòng tông đồ), linh mục trẻ, linh mục lớn tuổi, linh mục và vợ linh mục (thuộc Giáo hội không theo nghi lễ la-tinh), giám mục giáo phận và dòng tu, … Họ là những người đã chịu phép Thánh Tẩy đã lãnh nhận Thánh Thần, tất cả đều là chi thể của Thân Thể Chúa Kitô, của Giáo hội và được mọi người khác lắng nghe. Họ ngồi nơi 39, hay 40 cái bàn tròn trong hội trường Phaolô VI, chia đều mỗi bàn khoảng 12 người. Mọi người không trừ ai đều được mời gọi lên tiếng chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm của mình trong những vòng (rounds) đối thoại trong nhóm nhỏ (circuli minores) và tự do ghi tên phát biểu ý kiến trong những lần họp toàn thể đại hội (hội nghị khoáng đại)[7]
“Vượt khỏi thói giáo sĩ trị: Giáo hội là Thân thể Chúa Kitô, được ban nhiều loại ân sủng khác nhau, trong đó mỗi thành viên có một vai trò duy nhất. Tất cả chúng ta độc lập với nhau và chia sẻ cùng một phẩm tính giữa Dân thánh của Thiên Chúa. Theo hình ảnh Đức Kitô, quyền lực đích thực đó là việc phục vụ. Tính hiệp hành mời gọi các mục tử chăm chú lắng nghe đoàn chiên được giao cho mình chăm sóc, cũng như mời gọi giáo dân tự do và trung thực diễn tả quan điểm của mình. Mọi người lắng nghe nhau vì tình yêu, trong tinh thần hiệp thông và sứ vụ chung của chúng ta. Như thế quyền năng Chúa Thánh Thần được biểu lộ muôn vàn cách trong và qua toàn thể Dân Chúa.” (VADEMECUM, 2.3: Tham gia tiến trình hiệp hành).
2.2. Một cộng đoàn “nhận biết và phát huy đặc sủng”:
– Nguyên tắc: Nhiều ân huệ, chức vụ… một thân mình:
“Thật vậy, Giáo Hội được điều khiển và hướng dẫn nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng ban phát các ân huệ khác nhau, thuộc phẩm trật và đoàn sủng, cho tất cả những người đã được rửa tội, bằng cách mời gọi họ, mỗi người theo cách thế của mình, hành động và đồng trách nhiệm (…). Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng Thân Thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,7.11-13; x. Rm 12,4-8)”. (KTHGD 21).
– Áp dụng thực hành: Nói “có” với “biết lắng nghe” và nói “không” với “tự mãn – đố kỵ”:
“Khiêm tốn lắng nghe phải đi đôi với việc can đảm nói ra: Mọi người đều có quyền được người khác lắng nghe, cũng như mọi người đều có quyền được nói. Cuộc đối thoại hiệp hành phụ thuộc vào sự can đảm của cả người nói lẫn người nghe. Không phải là sửa soạn lao vào cuộc tranh luận để tranh thắng. Đúng hơn, là đón chào những gì người khác nói như cách thế qua đó Chúa Thánh Thần có thể nói vì lợi ích của mọi người (x. 1 Cor 12,7).” (VADEMECUM, 2.3: Tham gia tiến trình hiệp hành).
“Chữa trị virus tự mãn”: Tất cả chúng ta trên cùng một con thuyền. Cùng hợp đoàn, chúng ta làm nên Thân thể Đức Kitô. Bỏ đi thói ảo tưởng tự mãn, chúng ta mới có thể học hỏi lẫn nhau, đồng hành với nhau và phục vụ lẫn nhau. Chúng ta có thể xây những nhịp cầu bắc qua những bức tường đôi khi đe dọa ngăn cách chúng ta, như tuổi tác, giới tính, giàu nghèo, năng lực, giáo dục, v.v… (VADEMECUM, 2.3: Tham gia tiến trình hiệp hành).
2.3. Một cộng đoàn “đi ra và mở cửa đón nhận”:
– Nguyên tắc: Chỉ thực là Giáo Hội khi chấp nhận “đi ra”:
“Vào thời chúng ta, lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hăy đi thu thập môn đệ” đang vang dội trong những khung cảnh đổi thay và đầy thách thức mới cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, và tất cả chúng ta được kêu gọi tham gia vào cuộc “đi ra” truyền giáo mới này. Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (EG 20).
– Áp dụng thực hành: “đi bước trước” và “mang lấy mùi chiên”:
“Hội Thánh “đi ra” là một cộng đoàn các môn đệ truyền giáo đi bước trước, dấn thân và nâng đỡ, sinh hoa trái và vui mừng. Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng biết rằng Chúa đã có sáng kiến, Ngài đã yêu chúng ta trước (xem Ga 4,19), và vì thế chúng ta có thể dấn bước, mạnh dạn có sáng kiến, đến với người khác, tìm kiếm những người sa ngã, đứng ở các ngả đường để đón mời những người bị gạt ra bên lề. Một cộng đoàn như thế có một ước muốn khôn nguôi là tỏ lòng thương xót, kết quả của kinh nghiệm bản thân của cộng đoàn về sức mạnh lòng thương vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta hãy thử cố gắng hơn một chút để đi bước trước và dấn thân. Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ. Chúa dấn thân và mời gọi các môn đệ dấn thân, khi Ngài cúi xuống rửa chân họ. Ngài bảo các môn đệ: “Nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em!” (Ga 13,17). Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; công đoàn ấy vượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác. Như vậy, các người loan báo Tin Mừng mang lấy “mùi của đàn chiên” và đàn chiên sẵn sàng nghe tiếng của họ. Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng cũng nâng đỡ, đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu.” (EG 24).
Nhưng điều cốt yếu, như một “trọng tâm để quy chiếu”, hay như một “kim chỉ nam” để định hướng tất cả mọi chiều kích tham gia lại chính là “Tình Yêu”, như Thư của Thượng Hội Đồng Giám Mục nhấn mạnh: “Ngày này qua ngày khác, chúng tôi cảm nhận được lời kêu gọi cấp bách phải hoán cải về mục vụ và sứ vụ. Vì ơn gọi của Giáo hội là loan báo Tin Mừng không phải bằng cách quy về mình, nhưng bằng cách phục vụ tình yêu vô biên mà Thiên Chúa đã dành cho thế gian (x. Ga 3,16). Khi được hỏi về những kỳ vọng đối với Giáo hội nhân dịp Thượng Hội đồng này, những người vô gia cư sống gần Quảng trường Thánh Phêrô đã trả lời: “Tình yêu!”. Tình yêu này phải luôn là trái tim nồng cháy của Giáo hội, là tình yêu Ba Ngôi và Thánh Thể…”[8]
III. NHỮNG VIỆC CẦN THAM GIA NGAY:
1. Khai thông và củng cố tương quan:
1.1. Giáo xứ, Giáo phận và Giáo hội hoàn vũ:
“Để tham dự đúng đắn vào đời sống Giáo Hội, giáo dân cần phải có một cái nhìn sáng suốt và chính xác về Giáo Hội địa phương liên hệ với Giáo Hội phổ quát. (…). Công Đồng còn thôi thúc giáo dân tích cực tùy thuộc vào Giáo Hội địa phương, trong khi vẫn duy trì tinh thần “công giáo”. Sắc lệnh về Tông Đồ giáo dân viết: “Giáo dân phải luôn phát huy ý thức về giáo phận, vì giáo xứ là một tế bào của giáo phận. Họ phải luôn mau mắn đáp lại tiếng gọi của chủ chăn trong việc tham gia vào các công cuộc chung của giáo phận. Hơn nữa, để đáp ứng những nhu cầu nơi thành thị cũng như ở thôn quê, họ không chỉ hạn hẹp sự cộng tác của mình trong giới hạn giáo xứ hay giáo phận, nhưng cố gắng mở rộng phạm vi tới cả các lãnh vực liên xứ, liên giáo phận, quốc gia và quốc tế. Hơn nữa, việc di dân mỗi ngày một nhiều, những mối bang giao gia tăng, việc giao thông dễ dàng đã không để một thành phần xã hội nào sống đóng kín cho riêng mình. Vì thế, người giáo dân phải quan tâm đến những nhu cầu của Dân Thiên Chúa trên khắp địa cầu” (KTHGD 25).
1.2. Vượt khỏi “lũy tre làng” để đến với thế giới:
“Cám dỗ không nhìn quá những ranh giới hữu hình của Giáo hội. Khi sống theo Tin Mừng, các tín hữu hành động như men trong thế giới nơi chúng ta sống và làm việc. Tiến trình hiệp hành là thời gian để đối thoại với những người thuộc giới kinh tế và khoa học, chính trị và văn hóa, nghệ thuật và thể thao, phương tiện truyền thông và những khởi xướng xã hội. Tiến trình này sẽ là thời gian để suy tư về sinh thái học và hòa bình, về vấn đề sự sống và di cư. Chúng ta phải nhìn thấy bức tranh rộng lớn hơn để hoàn thành sứ mạng của mình trong thế giới này. Đây cũng là dịp để đào sâu hành trình đại kết với các tông phái Kitô giáo khác và hiểu sâu sắc hơn về những truyền thống tôn giáo khác.” (VADEMECUM, 2.4: Các cạm bẫy cần tránh).
2. Những con đường tham gia cụ thể:
2.1. Tham gia sinh hoạt Phụng vụ (chức năng Tư tế):
– Một “việc thánh” thuộc về cộng đoàn: “Việc cử hành phụng vụ không thuộc về cá nhân nhưng thuộc về Đức Kitô – Hội Thánh, về toàn thể các tín hữu hợp nhất trong Đức Kitô. Phụng vụ không nói “tôi” mà nói “chúng tôi” và những hạn chế đối với tính cách “chúng tôi” này luôn luôn là do ma quỷ. Phụng vụ không để chúng ta đơn độc trong việc tìm kiếm sự hiểu biết mang tính cá nhân về mầu nhiệm Thiên Chúa, nhưng nắm lấy tay chúng ta, cùng với mọi người, trong cộng đoàn, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm mà Lời Chúa và các dấu chỉ bí tích bày tỏ cho chúng ta.” (Tự sắc Desiderio Desideravi 19).
– Mọi người đều có phận vụ riêng thích hợp: “Tiếp theo sau cuộc canh tân phụng vụ do Công Đồng cổ võ, chính giáo dân, vì đã ý thức rõ ràng hơn về các công việc thuộc về họ trong cộng đoàn phụng vụ hoặc trong việc chuẩn bị cộng đoàn này, nên, nên rất sẵn sàng cho cử hành của họ: quả thực, cử hành phụng vụ là một hành động thánh của toàn thể cộng đoàn, chứ không của riêng hàng giáo sĩ mà thôi. Vì thế, hoàn toàn hợp lý khi những họat động không thuộc riêng các thừa tác viên có chức thánh lại được các giáo dân thi hành” (KTHGD 23).
2.2. Tham gia sinh hoạt huấn giáo (chức năng ngôn sứ):
– Tính chất cần thiết và ưu tiên của công việc huấn giáo: “Hội Thánh hoàn vũ hay địa phương càng đặt việc dạy Giáo Lý lên trên các công tác và việc làm khác thì kết quả của nó càng thêm ngoạn mục, Hội Thánh lại càng tìm thấy trong việc dạy Giáo Lý một sự nâng đỡ cho đời sống bên trong như một cộng đoàn tín hữu, và các hoạt động bên ngoài như là một Hội Thánh truyền giáo. … Hội Thánh nhận được lệnh của Thiên Chúa và qua các biến cố – mỗi biến cố là một lời mời gọi của Ngài – để canh tân trách nhiệm của mình trong những hoạt động Giáo Lý như là một khía cạnh quan trọng nhất trong sứ vụ của mình. Hội Thánh được lệnh cung cấp cho việc dậy Giáo Lý các tài nguyên tốt nhất về cả nhân lực lẫn năng lực, không tiếc những cố gắng, khổ cực hay các phương tiện vật chất, để tổ chức cách tốt đẹp hơn, và để huấn luyện các nhân sự có khả năng hơn. Đây không thể là tính toán của loài người, mà là thái độ của Đức Tin. Và một thái độ của Đức Tin luôn luôn dựa vào lòng trung tín của Thiên Chúa, là Đấng không bao giờ quên đáp lời.” (Tông Huấn “DẠY GIÁO LÝ” 15).
– Việc “Tông đồ giáo dân” xuất sắc: “Nhân danh Hội Thánh, Cha xin cám ơn các con, các thầy cô và Giáo Lý viên giáo dân trong các giáo xứ, các thanh niên cũng như rất nhiều thiếu nữ trên khắp thế giới đang hiến thân phục vụ việc giáo dục về tôn giáo cho nhiều thế hệ. Công việc của các con thường là khiêm hạ và âm thầm nhưng được thực hiện với lòng nhiệt thành hăng say và quảng đại, và là một hình thức xuất xắc của việc tông đồ giáo dân, một hình thức quan trọng đặc biệt ở những nơi mà các trẻ em và người trẻ không được huấn luyện về tôn giáo một cách thích hợp trong gia đình vì nhiều lý do khác nhau. Bao nhiêu người trong chúng ta đã nhận được từ những người như các con những khái niệm đầu tiên về Giáo Lý và việc sửa soạn cho việc Xưng Tội, Rước Lễ Lần đầu và Thêm Sức!…” (Tông Huấn “DẠY GIÁO LÝ” 66).
2.3. Tham gia sinh hoạt quản trị cộng đoàn và bác ái xã hội (chức năng vương đế):
– Cơ bản: tham gia xây dựng cộng đoàn trên nền tảng “yêu thương”: “Đối mặt với bao nỗi đau, với những vết thương, lối thoát duy nhất là làm như người Samari tốt lành. Mọi chọn lựa khác sẽ dẫn ta hoặc về phía bọn cướp, hoặc về phía những người bỏ đi, không xót thương trước nỗi khổ đau của nạn nhân đang quằn quại bên đường. Dụ ngôn chỉ cho chúng ta thấy cách thức xây dựng lại cộng đồng, khởi đi từ những con người biết đồng cảm với các yếu nhược của người khác, không chấp nhận một xã hội loại trừ, nhưng vì thiện ích chung, sẵn sàng đến bên, nâng dậy và phục hồi người quỵ ngã. Đồng thời, dụ ngôn còn cảnh giác chúng ta tránh thái độ của những người chỉ biết lo cho bản thân mà không chịu gánh vác những trách nhiệm không thể thoái thác của cuộc sống mỗi ngày. (Thông điệp Fratelli Tutti – FT 67).
– Tham gia xây dựng cộng đồng từ nền giáo dục sinh thái trong gia đình: “Việc giáo dục sinh thái có thể diễn ra ở nhiều hoàn cảnh khác nhau: ở trường học, trong gia đình, trên truyền thông, trong bài giáo lý hay bất cứ nơi nào. … Tuy nhiên, ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng lớn lao của gia đình, là “nơi sự sống – quà tặng của Thiên Chúa – được đón nhận trọn vẹn, được bảo vệ chống lại mọi cuộc tấn công, và có thể phát triển phù hợp với sự trưởng thành đích thực của con người. Trái ngược với cái gọi là nền văn hoá sự chết, gia đình là trái tim của nền văn hoá sự sống”. Trong gia đình, trước hết chúng ta học cách thể hiện tình yêu và tôn trọng sự sống; chúng ta học biết sử dụng đúng mọi thứ, ngăn nắp và sạch sẽ, tôn trọng hệ sinh thái địa phương và chăm sóc mọi loài thụ tạo. Trong gia đình, chúng ta lãnh nhận nền giáo dục toàn diện, giúp chúng ta lớn lên cách hài hòa với sự trưởng thành cá nhân. Trong gia đình, chúng ta học cách xin mà không đòi hỏi, biết nói “cảm ơn” để diễn tả lòng biết ơn đích thực vì những điều chúng ta được lãnh nhận, biết tự chủ tính nóng giận và lòng tham, biết xin lỗi khi làm điều sai trái. Những nghĩa cử đơn giản của phép lịch sự chân thành tạo nên văn hoá của đời sống chung và tôn trọng môi trường xung quanh.” (LAUDATO SÍ 213).
KẾT: KHÔNG AI ĐƯỢC PHÉP “ĂN KHÔNG NGỒI RỒI”.
Để thêm xác tín về những gì vừa chia sẻ, chúng cùng lắng nghe lời giáo huấn “đầy lửa” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cách đây 35 năm (1988) trong Tông huấn Chistifideles Laici (Kitô hữu giáo dân): ”Ngày nay, trong Giáo Hội cũng như trong thế giới, trong những thực tại xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa, có những hoàn cảnh mới mẻ đang đòi hỏi, một cách hết sức đặc biệt, hoạt động của giáo dân. Nếu trước đây thái độ thờ ơ đối với hoạt động này luôn luôn không thể chấp nhận được, thì ngày nay, thái độ ấy lại càng đáng khiển trách hơn bao giờ hết. Không ai được phép ở yên mà không làm gì cả. (…). Không có chỗ cho việc ăn không ngồi rồi, trong khi còn biết bao công việc đang chờ đợi tất cả chúng ta trong vườn nho của Chúa. “Ông chủ vườn” lập lại còn khẩn khoản hơn: “Cả các anh nữa, vào làm vườn nho cho tôi đi !” (KTHGD số 3).
Trong khi đó, Thượng Hội Đồng Giám Mục XVI, dịp kết thúc Giai đoạn 1, đã ngỏ lời với Dân Chúa những lời sau: “Giáo hội cũng cần lắng nghe giáo dân, nam cũng như nữ, vì tất cả đều được kêu gọi nên thánh nhờ ơn gọi của Phép Rửa: lắng nghe chứng tá của các giáo lý viên, mà trong nhiều hoàn cảnh là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng; lắng nghe nét đơn sơ và sinh động của trẻ em; lòng nhiệt thành của người trẻ, những thắc mắc và yêu cầu của họ; lắng nghe những ước mơ, sự khôn ngoan và ký ức của người cao tuổi. Giáo hội cần lắng nghe các gia đình, những mối bận tâm của họ về giáo dục, và chứng tá Kitô giáo họ đã cống hiến trong thế giới ngày nay. Giáo hội cần đón nhận tiếng nói của những người mong muốn được tham gia vào các thừa tác vụ giáo dân hoặc vào các thiết chế phân định và đưa ra quyết định.”[9]
Chúng ta đang thuộc về một Giáo phận mà lịch sử hình thành và phát triển suốt hơn 400 năm đã được tính bằng những tham gia, không những chỉ “tham gia” với những bàn tay cần cù xây dựng, những khối óc thông minh tài trí, những tác phẩm và công trình văn học, nghệ thuật bất hủ, những ánh mắt để nhìn xa trông rộng, những bước chân không mệt mỏi để xông pha ra bắc vào nam, xuống đông lên đoài… mà còn “tham gia” bằng máu xương và nước mắt, gông cùm tù tội, và những cái chết tử đạo oai hùng. Đến phiên chúng ta, những người được thừa hưởng gia tài đức tin cao quý đó, lẽ nào chúng ta lại “ăn không ngồi rồi” hay tự biến mình thành một kẻ vô ơn bất nghĩa với cha ông tiên tổ!
Vâng, chúng ta không thể để mình thành “một cành nho khô héo” vì không gắn liền với “Thân Nho”, một “bộ phận dư thừa, vô tích sự” trong “Thân mình mầu nhiệm của Đức Kitô”, một “hòn đảo cô quạnh” giữa lòng Dân Chúa. Chúng ta không được “ở yên không làm gì cả” mà phải dứt khoát chung tay hành động ! Bởi vì đây là mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Hãy đi làm vườn nho cho Ta!”
Cuối cùng, xin mượn chính lời của Thượng Hội Đồng giới cho Dân Chúa để kết thúc những gợi ý đầu tiên trong cuộc họp HĐMVGP 2023 nầy: “Chính lộ trình hiệp hành này là lộ trình mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba” (Đức Thánh Cha Phanxicô, 17/10/2015). Chúng ta đừng sợ đáp lại lời kêu gọi này. Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội, là người đầu tiên lên đường, sẽ đồng hành với chúng ta trong cuộc hành hương. Trong niềm vui cũng như nỗi buồn, Mẹ chỉ cho chúng ta thấy Con của Mẹ và mời gọi chúng ta tín thác. Còn Chúa Giêsu, chính Người là niềm hy vọng duy nhất của chúng ta!”[10]
KINH CẦU NGUYỆN CHO THƯỢNG HỘI ĐỒNG
(Adsumus Sancte Spiritus)
Lạy Chúa Thánh Thần,
này chúng con đến trước nhan Chúa,
khi cùng nhau tụ họp nhân danh Chúa.
Chỉ có Chúa là Đấng hướng dẫn chúng con,
xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con;
xin dạy chúng con lối đường phải đi
và cách bước đi trên lối đường đó.
Chúng con yếu đuối và tội lỗi,
xin đừng để chúng con gây xáo trộn.
Đừng để chúng con u mê sa nẻo đường lầm
cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến.
Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con
để chúng con có thể cùng tiến đến cuộc sống vĩnh cửu
và không lạc xa khỏi con đường chân lý và ngay thật.
Chúng con cầu xin Chúa,
là Đấng hoạt động mọi nơi mọi thời,
trong sự thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con,
mãi mãi đến muôn đời. Amen.
Nguồn: gpquinhon.org (23.11.2023)
[1] Nguyên tác bài thơ:
No man is an island,
Entire of itself,
Every man is a piece of the continent,
A part of the main.
If a clod be washed away by the sea,
Europe is the less.
As well as if a promontory were.
As well as if a manor of thy friend’s
Or of thine own were:
Any man’s death diminishes me,
Because I am involved in mankind,
And therefore never send to know for whom the bell tolls;
It tolls for thee.
x. website “No Man Is an Island”: The Power of Community | Guide Collective (guide-collective.com)
[2] THƯ CỦA ĐẠI HỘI THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XVI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC GỬI DÂN CHÚA, website Thư của Đại hội thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội đồng Giám mục gửi Dân Chúa (hdgmvietnam.com)
[3] HĐGMVN, Thư Chung tháng 9.2023: “Việc tham gia xây dựng Giáo hội là sứ mạng tự bản chất của người Kitô hữu. Qua Bí tích Thanh tẩy, chúng ta cùng chung một phẩm giá là con Thiên Chúa, thành viên của gia đình Giáo hội, anh chị em trong Đức Kitô, cùng tham dự vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Người”. Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI nêu rõ: “Bí tích Rửa tội tạo ra một sự đồng trách nhiệm thực sự giữa tất cả các phần tử của Giáo hội, được thể hiện qua sự tham gia của tất cả mọi người vào sứ vụ và qua việc xây dựng cộng đoàn Giáo hội tùy theo đặc sủng của mỗi người” (số 20).
[4] GH 2: “Ngài quyết định quy tụ những ai tin vào Đức Kitô thành một Giáo Hội thánh thiện, được tiên báo bằng hình ảnh biểu trưng ngay từ lúc khởi nguyên thế giới, được chuẩn bị cách diệu kỳ nơi lịch sử dân Israel và Cựu ước, được thiết lập vào thời kỳ sau hết, được tỏ lộ trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống và sẽ được hoàn tất trong vinh quang vào lúc kết tận thời gian”.
[5] x. T. AUGUSTINÔ, De Praed Sanct. 14, 27: PL 44, 980.
[6] X. TÀI LIỆU CẤP CHÂU LỤC, Những căng thẳng trong việc sống tính hiệp hành: “Giáo hội bao gồm những người thuộc mọi bậc sống (giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân); tuy nhiên, dường như có một loại “chia rẽ” trong Giáo hội – giữa giáo sĩ và giáo dân, giám mục và linh mục/các dòng tu, các nhóm và phong trào giáo hội, các giáo phận, các hội đồng và thậm chí cả bên ngoài – giữa Giáo hội và chính quyền và kể cả giữa các tôn giáo, như được nêu ra trong nhiều báo cáo. Trong tinh thần của một Giáo hội tham gia, kinh nghiệm lãnh đạo theo “mô hình tôi tớ” cần được chú ý nhiều hơn để sống tính Hiệp hành.”, số 86.
[7] GM LOUIS NGUYỄN ANH TUẤN, PHÓ TỔNG THƯ KÝ HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Cùng bước đi trong hy vọng, website Cùng bước đi trong hi vọng (hdgmvietnam.com).
[8] THƯ CỦA ĐẠI HỘI THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XVI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC GỬI DÂN CHÚA, sđd.
[9] THƯ CỦA ĐẠI HỘI THƯỜNG LỆ LẦN THỨ XVI CỦA THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC GỬI DÂN CHÚA, sđd.
[10] SĐD.