WHĐ (16.02.2024) – Sáng ngày 14.02, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một Sứ điệp tới Phiên họp thứ 47 của Hội đồng Quản trị Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (International Fund for Agricultural Development – IFAD), do Đức ông Fernando Chica Arellano, Quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tuyên đọc.
Được tổ chức tại Roma từ ngày 14 – 15.02.2024 với sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, chuyên gia phát triển và đổi mới cũng như đại diện của nông dân quy mô nhỏ từ khắp nơi trên thế giới, Phiên họp năm nay của IFAD tập trung nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề: “Đổi mới vì một tương lai an toàn thực phẩm”.
Sau đây là nội dung Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI PHIÊN HỌP THỨ 47 CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
QUỸ QUỐC TẾ VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
Thưa ông Chủ tịch Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp,
Thưa quý Đại biểu và Đại diện thường trực của các quốc gia thành viên,
Thưa quý vị,
Tôi vui mừng được chia sẻ với quý vị nhân Phiên họp của Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp năm nay, và nhân cơ hội này, tôi xin gửi đến quý vị lời chào thân ái nhất. Tôi muốn cảm ơn quý vị vì sự dấn thân, thời gian, và sức lực mà quý vị dành để đấu tranh vì một thế giới tốt đẹp hơn, nơi mà không ai thấy phẩm giá của mình bị xâm phạm, và nơi mà tình huynh đệ trở thành hiện thực, nguồn vui, và hy vọng cho tất cả mọi người.
Hiện nay, thế giới của chúng ta phải đối diện với sự lưỡng phân đau lòng. Một đàng, hàng triệu người lâm vào cảnh đói khát, đàng khác, lại có hiện tượng lãng phí lương thực hết sức vô cảm. Thực phẩm bị lãng phí hàng năm tạo ra một lượng lớn khí thải nhà kính, trong khi khẩu phần ăn hợp lý sẽ đủ để nuôi sống tất cả những người đang thiếu ăn.
Đây là thời điểm thật bấp bênh. Chúng ta đang đẩy thế giới tới những giới hạn nguy hiểm: khí hậu đang thay đổi; tài nguyên đang bị bóc lột; xung đột và khủng hoảng kinh tế đe dọa sinh kế của hàng triệu người. Khi đối diện với khủng hoảng, các cộng đồng nông thôn là những người đầu tiên phải gánh chịu thiệt hại vì họ không có đủ nguồn lực để đối phó với tình hình do biến đổi khí hậu và sự thù địch gây ra, đồng thời họ không được tiếp cận nguồn tài chính. Người dân bản địa cũng là nạn nhân của những khó khăn, thiếu thốn và lạm dụng. Mặc dù kiến thức của họ về quản lý tài nguyên thiên nhiên và sự kết nối của họ với môi trường có thể giúp bảo tồn đa dạng sinh học.
Một nhóm bị lãng quên khác là phụ nữ, vốn là trụ cột của hơn một nửa số hộ gia đình không được đảm bảo an toàn thực phẩm tại những vùng nông thôn, nơi mà nhiều người trẻ cũng thiếu sự đào tạo, nguồn lực và cơ hội. Người trẻ là tương lai của cộng đồng nông thôn và họ có tiềm năng quan trọng đối với sự cải tiến và thay đổi tích cực.
Thưa Ngài Chủ tịch, thực trạng này thúc đẩy chúng ta đương đầu với những vấn đề hiện tại, nhất là nạn đói và túng quẫn, không phải bằng cách chấp nhận những chiến lược trừu tượng hoặc những cam kết không thể đạt được, mà bằng việc nuôi dưỡng niềm hy vọng nảy sinh từ hành động mang tính hiệp đoàn. Chúng ta hãy cùng nhau hợp tác để xây dựng một hệ thống nông nghiệp và lương thực toàn diện hơn. Các chương trình nghiên cứu và công nghệ thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường cũng sẽ góp phần vào việc này. Điều cần thiết nữa là phải loại bỏ tình trạng lãng phí thực phẩm và ủng hộ việc phân phối tài nguyên một cách công bằng. Chỉ riêng việc đầu tư vào vận chuyển và bảo quản cũng có thể giảm tổn thất cho những nông dân sản xuất nhỏ, vốn là những người sản xuất 1/3 lượng thực phẩm tiêu thụ hàng ngày.
Tôi cầu xin sự trợ giúp thần linh cho tất cả quý vị, để sự khôn ngoan, sự đồng cảm, tinh thần hợp tác và phục vụ trung thành hướng dẫn các cuộc thảo luận của quý vị để các nguyên nhân của sự loại trừ, nghèo đói, và việc quản lý yếu kém nguồn tài nguyên, cũng như những ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu, có thể được loại bỏ. Mong sao những đề xuất và hành động của quý vị phản ánh các giá trị phổ quát về công lý, tình liên đới và lòng nhân ái, đồng thời hướng tới công ích và hoạt động vì hòa bình và tình hữu nghị xã hội, mang lại những thay đổi cho sự phát triển toàn diện của nhân loại.
Thành Vatican, ngày mồng 02 tháng 02 năm 2024
PHANXICÔ
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vatican.va (14. 02. 2024)