Giáo Hạt Cà Mau

Bản văn chính thức của Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 53 tại Quito (Ecuador), từ 8 đến 15/9/2024

Bản văn chính thức của Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 53 tại Quito (Ecuador), từ 8 đến 15/9/2024

Bản văn chính thức của Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 53 tại Quito (Ecuador), từ 8 đến 15/9/2024

BẢN VĂN CHÍNH THỨC CỦA ĐẠI HỘI THÁNH THỂ QUỐC TẾ LẦN THỨ 53 TẠI QUITO (ECUADOR), TỪ 8 ĐẾN 15/9/2024

Từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 9 năm 2024, Thành phố Quito (Ecuador) sẽ tổ chức Đại hội Thánh thể Quốc tế lần thứ 53. Trước sự kiện có ý nghĩa toàn cầu này, Ủy ban Thần học trực thuộc Ủy ban Địa phương Ecuador, phối hợp với Ủy ban Giáo hoàng về Đại hội Thánh thể Quốc tế, đã soạn thảo “Bản văn chính thức” với chủ đề “Tình huynh đệ chữa lành thế giới”. Sau đây là toàn văn bản dịch Việt ngữ Bản văn chính thức này do Linh mục Phêrô Trịnh Như Cung, SSS thực hiện.

LỜI GIỚI THIỆU

DẪN NHẬP

I. MỘT TÌNH HUYNH ĐỆ BỊ TỔN THƯƠNG

Ý ĐỊNH SÁNG TẠO CỦA THIÊN CHÚA: NHỮNG ĐỨA CON CÙNG LÀ ANH EM

TỘI: CẮT ĐỨT TƯƠNG QUAN VỚI THIÊN CHÚA

TÌNH HUYNH ĐỆ BỊ BIẾN DẠNG: TỪ ANH EM BIẾN THÀNH KẺ THÙ

II. TÌNH HUYNH ĐỆ ĐƯỢC HIỆN THỰC HÓA TRONG CHÚA KITÔ

THÁNH THỂ: TÁI HIỆN CÁC GIAI ĐOẠN TIẾN HÓA CỦA LỊCH SỬ

THÁNH THỂ: TÌNH HUYNH ĐỆ ĐƯỢC HIỆN THỰC HÓA

TÌNH HUYNH ĐỆ THIẾU BÓNG KẺ BÉ MỌN NHẤT KHÔNG CÒN LÀ TÌNH HUYNH ĐỆ

III. TÌNH HUYNH ĐỆ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI

SỰ HÒA GIẢI VÀ BẠO LỰC

SỰ SÁNG TẠO VÀ TÌNH HUYNH ĐỆ PHỔ QUÁT

GIÁO HỘI: CHỨNG TỪ VỀ SỰ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI

KẾT LUẬN

PHỤ LỤC

1. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA ĐẠI HỘI

2. LOGO

3. BÀI HÁT CHÍNH THỨC CỦA ĐẠI HỘI

4. NHỮNG HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH CỬ ĐIỆU TRONG ĐẠI HỘI THÁNH THỂ

 

BẢN VĂN CHÍNH THỨC

ĐẠI HỘI THÁNH THỂ QUỐC TẾ LẦN THỨ 53 TẠI QUITO (ECUADOR), TỪ 8-15 THÁNG 9 NĂM 2024

TÌNH HUYNH ĐỆ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI

“Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23:8)

LỜI GIỚI THIỆU

Từ ngày 8 đến ngày 15 tháng 9 năm 2024, Thành phố Quito (Ecuador) sẽ được trang hoàng lộng lẫy cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 53, trong suốt thời gian đó những con phố thuộc địa đan xen đầy màu sắc, sẽ đón tiếp hàng ngàn người từ khắp nơi trên thế giới đến, để cử hành Mầu nhiệm đức tin và canh tân tinh thần của chúng ta, trong niềm vui chia sẻ những món quà tình yêu của họ dành cho Chúa Kitô, Bánh hằng sống từ trời xuống. Trước sự kiện có ý nghĩa toàn cầu này, Ủy ban Thần học trực thuộc Ủy Ban Địa Phương Ecuador, phối hợp với Ủy Ban Giáo Hoàng về Đại Hội Thánh Thể Quốc tế, đã soạn thảo “bản văn chính thức” mang chủ đề “Tình huynh đệ chữa lành thế giới”. Bản văn chính thức nầy là công cụ được cống hiến cho các Giáo hội ở Ecuador và mọi quốc gia để có thể chuẩn bị cách hữu hiệu cho những ngày Thánh Thể này. Vì vậy, tình huynh đệ nhân loại chính là tâm điểm suy ngẫm trong suốt Đại hội, sẽ không còn là một giấc mơ nữa, nhưng sẽ được hiện thực hóa, bắt đầu bằng việc cử hành Thánh Thể. Bản văn mang hương vị kinh nghiệm đức tin của dân tộc châu Mỹ Latinh, một món quà mà họ mong muốn chia sẻ với tất cả những ai muốn tham gia vào Đại hội Thánh Thể Quốc tế theo bất kỳ cách nào.

Hội thánh tại Quito sẽ được biến thành căn lều tạm Thánh Thể, nơi đặt bàn tiệc Lời Chúa và Bánh qui tụ chúng ta lại để khám phá sự hiện diện đầy lòng thương xót của Thiên Chúa Đấng yêu thương chúng ta mãnh liệt và làm cho chúng ta trở thành anh em, con của cùng một Cha. Món quà Vượt Qua của Chúa Phục Sinh, là trọng tâm của mỗi Thánh Lễ và ý nghĩa của việc tôn thờ Thánh Thể bắt nguồn từ ý nghĩa của việc cử hành, đồng thời chữa lành vết thương của chúng ta, ban cho chúng ta có được khả năng để chăm sóc từng anh em, chị em của chúng ta. Theo lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta nâng tâm hồn mình lên để ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa ban ơn “để giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để gặp gỡ anh chị em của chúng ta, để chúng ta có thể vượt qua những khác biệt về tư duy chính trị, ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Chúng ta hãy xin Người xức dầu toàn bộ con người chúng ta bằng dầu của lòng thương xót Chúa, chữa lành những vết thương do lầm lỗi, hiểu lầm và tranh chấp gây ra. Và chúng ta hãy cầu xin Người ban ơn sai chúng ta ra đi, trong sự khiêm nhường và hiền lành, dấn thân vào những nẻo đường khó khăn, nhưng lại là những nẻo đường tìm kiếm hòa bình” (Fratelli Tutti, 254).

+ Alfredo José Espinoza Mateus, SDB

Tổng giám mục Quito và Giám Quản Tông Tòa tại Ecuador

Ngày 16 tháng 6 năm 2023, Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu

DẪN NHẬP

Một giấc mơ về tình huynh đệ

“Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23:8)

1. Với những lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn thắp sáng cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 53, sẽ diễn ra tại thành phố Quito, Ecuador[1]. Lời của Thầy thôi thúc các môn đệ ý thức về mối tương quan huynh đệ của mình là con cùng một Cha. Theo ơn gọi của Thiên Chúa, cộng đồng tín hữu được mời gọi đặt nền tảng các mối quan hệ nhân loại của mình trên tình huynh đệ, mối dây huynh đệ phải là dấu chỉ hy vọng cho một thế giới bị chia cắt, một liều thuốc cần thiết để chữa lành các vết thương. Qua Giáo hội lữ hành của Người đến từ rất nhiều chủng tộc, Đấng là Thầy đang nhắc nhở xã hội đương thời: “Tất cả các con đều là anh em với nhau” (Mt 23:8)[2].

2. Bối cảnh của Đại hội Thánh Thể lần này diễn tả tính cấp bách của tình huynh đệ để chữa lành thế giới. Nhiều quốc gia ở châu Mỹ Latinh và các châu lục khác đang phải gánh chịu hậu quả của sự bất ổn chính trị xã hội. Vẫn còn sót lại những tàn tích mang tính lịch sử của chủ nghĩa thực dân, bạo lực và ngấm ngầm, gắn liền với những lợi ích xuyên quốc gia, mang bóng dáng của chủ nghĩa đế quốc. Các cuộc biểu tình đại chúng liên tiếp theo nhau diễn ra phản đối một hệ thống kinh tế bất bình đẳng, trong đó nghèo đói và bất công ngày càng gia tăng. “Nghèo đói và bất bình đẳng ở châu Mỹ Latinh là một căn bệnh ngày càng trầm trọng hơn là thuyên giảm. Đại dịch và hậu quả của cuộc đại dịch, bối cảnh toàn cầu trở nên tồi tệ hơn bởi những biến động chính trị, kinh tế và quân sự, thậm chí cả sự phân cực về ý thức hệ, dường như đã đóng lại những nỗ lực phát triển và khát vọng giải phóng”[3]. Châu Âu đã bị rung chuyển ngay trước cửa nhà bởi một cuộc chiến tranh gợi lại nỗi kinh hoàng của các cuộc xung đột lớn trên thế giới đã từng trải qua trong thế kỷ 20 và Phương Tây bị chia cắt thành hai khối lớn được cai trị bởi các quan điểm xã hội khác nhau. Từ Trung Đông, liên tục đưa những tin tức về tình trạng căng thẳng gia tăng và bạo lực không ngừng. Bị áp bức bởi tình trạng nghèo đói đặc hữu, từ Châu Phi những con thuyền chở đầy người di cư tiếp tục ra khơi tìm nơi tị nạn ở một “thế giới” tốt đẹp hơn – một “thế giới” thường không thể đến được, vì chưa kịp đến được bến cảng, họ đã bị chìm đắm mà chết trong vùng biển Địa Trung Hải.

3. Vấn nạn ở đây không chỉ là hàn gắn mối quan hệ giữa các dân tộc khác nhau sống trên mặt địa cầu, nhưng còn là việc chữa lành những vết thương trong trái tim con người vốn cản trở hòa bình và hòa giải. Điều cần phải tính đến là “chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng một điều khác cũng không kém phần quan trọng và cần thiết, đó là tất cả chúng ta đều được kêu gọi cùng nhau chèo thuyền, mỗi người chúng ta, người này cần an ủi người kia. Tất cả chúng ta …đều đang ở trên con thuyền này”[4]. Đại hội Thánh Thể là thời điểm Ân sủng, cho phép chúng ta làm sống lại hồng ân của Thiên Chúa và nhận ra rằng tất cả mọi dân tộc đã được ấp ủ trong Tình yêu Thánh Thể tuôn chảy từ Trái Tim Chúa Kitô, là anh em, là con của cùng một Cha, những người xây dựng tình huynh đệ – tình huynh đệ giữa con người, tình huynh đệ với mọi loài thọ tạo.

4. Giữa những chia rẽ này, về phần mình, Giáo hội đang tiến hành một tiến trình phân định mang tính đồng nghị, tự vấn chính mình; bắt đầu từ các Giáo hội địa phương và lục địa, Giáo hội tìm cách để phục hồi. Ở cấp độ phổ quát, đặc nét thiết yếu của Giáo hội là tính đồng nghị, việc “cùng nhau bước đi” để thực hiện sứ mạng, hiệp thông và chia sẻ, nhờ đó Giáo hội luôn hoàn thành ơn gọi của mình là “mở rộng không gian căn lều của Giáo hội” (x. Is 54:2), bằng cách trở thành một nơi hòa nhập triệt để mang tình huynh đệ, nơi thuộc về, chung cho mọi người và là nơi tiếp đón tận tình[5]. Chúng ta tạ ơn Chúa vì Đại Hội Thánh Thể lần này sẽ diễn ra giữa hai đại hội đồng của Thượng Hội đồng Giám mục ở Vatican (tháng 10 năm 2023 – tháng 10 năm 2024), và điều này được coi như một dấu chỉ tiên tri về bữa tiệc Thánh Thể, là trung tâm và biểu hiện cao nhất của tính đồng nghị[6].

5. Tổng Giáo phận Quito được chọn đăng cai Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 53, nhân dịp kỷ niệm 150 năm Thánh hiến Ecuador cho Thánh Tâm Chúa Giêsu (25 tháng 3 năm 1874). Từ xa xưa, tại thành phố này, Đại hội Thánh Thể toàn quốc lần đầu tiên đã được tổ chức vào năm 1886; bây giờ dân Chúa của Ecuador, dưới sự bảo vệ của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ Maria, chào đón Các Kitô hữu trên khắp thế giới đến để suy ngẫm về Bí tích Thánh Thể và sống Bí tích này như một môi trường của tình huynh đệ, để chữa lành thế giới.

6. Từ cạnh sườn của Chúa Kitô trên Thập Giá, máu và nước đã chảy ra, như thánh sử Gioan kể lại (x. Ga 19,34), là các dấu chỉ của Bí tích Rửa tội và Bí tích Thánh Thể, nguồn mạch và chóp đỉnh của Giáo hội[7]. Chắc chắn Bí tích Thánh Thể, được cử hành với sự kinh ngạc trước mầu nhiệm vượt qua[8], là bầu khí chính để tôn sùng Thánh Tâm Chúa Kitô. Đức Phaolô VI đã tuyên bố: “Chúng tôi ước mong rằng, qua việc tham dự sốt sắng vào Bí tích Bàn Tiệc Thánh, Thánh Tâm Chúa Giêsu, quà tặng cao cả nhất của Bí tích Thánh Thể, sẽ được tôn vinh”[9]. Chính nơi đó, con cái của Cha trên trời, và là anh em trong Chúa Kitô, đạt được sự hiệp thông sâu xa nhất với Thiên Chúa và tình huynh đệ với nhau[10]. Cử hành Bí tích Thánh Thể là đắm mình trong lò lửa tình yêu của Thiên Chúa[11], nơi sự hiệp thông của Giáo hội được tinh luyện.

7. Chúng ta đang sống trong một thế giới bị tổn thương – một thế giới với những vết thương mở và còn đang mưng mủ. Từ buổi bình minh của lịch sử loài người, đã có những cuộc chạm trán và những con đường nhuốm đầy máu đổ. Cho đến ngày nay, những con người mong manh, nhỏ bé, dễ bị tổn thương, những người dễ bị bỏ rơi, đều bị loại trừ khỏi lợi ích chung, như công bằng xã hội, tự do và nhân quyền; họ bị cấm vào căn lều để được chia sẻ bánh, bị cấm vào ngôi nhà chung nơi chào đón chúng ta như những người con và những anh em. Tấn công mạng sống của một người anh em mình, luôn là một cuộc tấn công vào ngôi nhà chung, chính là công trình sáng tạo của Đấng Tạo Hóa.

8. Ngày nay cũng như mọi thời, Thiên Chúa không hề làm ngơ hay thờ ơ trước nỗi đau khổ của nhân loại. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng đã hiến mình đến Thập Giá để cứu chuộc chúng ta, đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, đồng thời đã trở thành bánh và mục tử của cuộc đời chúng ta. Chúa Kitô là bánh Thiên Chúa, bánh ấy hiệp nhất và hòa giải chúng ta để mọi người cùng đi với chúng ta trên đường, không còn là người xa lạ, mà được nhìn nhận là người hàng xóm và người bạn đồng hành trong suốt cuộc hành trình. Và, từ lều Thánh Thể, từ việc hiến dâng mạng sống để người khác có được sự sống, từ sự tha thứ cho những kẻ bách hại mình, ngay tại nơi họ bạo lực tiêu diệt mình, sự hiện diện của Chúa sinh ra các cộng đồng Kitô giáo, trong đó, chúng ta luôn học cách để đối thoại một lần nữa. Hòa giải và hòa bình là con đường chữa lành thế giới bị tổn thương bởi ghen ghét, thù địch và ích kỷ.

9. Vào ngày 3 tháng 10 năm 2020, tại mộ Thánh Phanxicô ở Assisi, Đức Thánh Cha đã ký thông điệp Fratelli tutti. Trong một thời gian ngắn, thông điệp này đã khơi dây trong lòng nhiều người khát vọng tình huynh đệ đại đồng, làm lộ ra những vết thương gây đau khổ trong thế giới ngày nay, chỉ ra một số phương thế để đạt được một tình huynh đệ nhân bản đích thực và công bằng, và khuyến khích tất cả mọi người – cả với tư cách cá nhân lẫn các tổ chức – để làm việc cho công cuộc nầy.

10. Quito, một thành phố ở giữa thế giới, nằm ở vĩ độ 0, mở rộng căn lều của mình để trở thành một căn Lều Thánh Thể rộng lớn, nơi tất cả chúng ta được mời gọi chia sẻ giấc mơ vĩ đại về tình huynh đệ được cứu chuộc và chữa lành bởi tình yêu trọn vẹn của Chúa Kitô. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta: “Chúng ta hãy mơ ước trở thành một gia đình nhân loại duy nhất, trở nên như những người bạn đồng hành có cùng xương thịt, như những đứa con của cùng một trái đất, đó là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người chúng ta mang theo những niềm tin và những xác tín riêng của mình, mỗi người chúng ta có tiếng nói riêng của mình, tất cả đều là anh chị em với nhau[12].

11. Chúng ta tin rằng tình huynh đệ đã bén rễ trong nơi sâu thẳm nhất của con người, bất kể những hoàn cảnh cụ thể và những giới hạn của lịch sử nơi họ sống. Tình huynh đệ nói với chúng ta về một niềm khao khát, một khát vọng, một ước muốn sự viên mãn và sự sống có khả năng làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp và xứng đáng hơn. Từ tất cả những điều này làm nảy sinh trong những người Kitô hữu ý muốn dấn thân tìm kiếm những con đường dẫn đến một nghiên cứu chung và tìm kiếm những cuộc đối thoại đổi mới với tất cả những người có thiện chí. Đây là nhiệm vụ đơn thuần và cấp bách, xuất phát từ ý thức về lời tuyên bố của Chúa Kitô: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23:8).

I. MỘT TÌNH HUYNH ĐỆ BỊ TỔN THƯƠNG

“Em của con đâu?” (St. 4:9)

12. “Abel, em của con đâu?” (St. 4: 9). Đây là câu hỏi Thiên Chúa hỏi Cain sau khi anh ấy giết em trai mình. Câu hỏi này từ trên trời vọng xuống, đáp lại tiếng máu Abel cất lên từ mặt đất. Một câu hỏi không ngừng vang vọng, nhắc nhở chúng ta về ơn gọi khởi đầu của con người nhân loại và của mọi thọ tạo là tình huynh đệ.

Ý ĐỊNH SÁNG TẠO CỦA THIÊN CHÚA: NHỮNG ĐỨA CON CÙNG LÀ ANH EM

13. Từ thuở đời đời, vì tình yêu, Thiên Chúa đã dự định tạo dựng và kêu gọi con người làm nghĩa tử và thành anh em của nhau, để với tình yêu thương nhau, là tặng ân của Chúa Thánh Thần, gia đình của Chúa Cha sẽ được xây dựng trong lịch sử (xem St. 1-2). Lý tưởng này, trên hết là một kế hoạch ơn cứu độ, vì con người không thể đáp lại Thiên Chúa bằng thái độ đáp trả của người “con thảo” nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng mà tình yêu của Ngài cao cả đến nỗi vẫn đến với con người, ngay cả khi vì tội mà họ khước từ tình yêu Ngài. Ơn gọi vừa làm con vừa là anh em của nhau, xác định chúng ta là con người, vì căn tính của con người chúng ta cốt yếu ở việc là con của cùng một Cha và là anh em của nhau giữa cộng đồng nhân loại chúng ta.

Tình huynh đệ bắt nguồn từ tình phụ tử của Thiên Chúa[13]. Tình phụ tử này không chỉ là tình phụ tử theo nghĩa chung, không có gì khác biệt và cũng không lưu lại dấu ấn trong thời gian, nhưng là một tình phụ tử luôn hướng đến một ngôi vị con người, và ám chỉ đến tình yêu Thiên Chúa phi thường và cụ thể dành cho từng con người (xem Mt 6:25-30). Theo sáng kiến của Thiên Chúa, chính Ngài đã sáng tạo ra con cái của Ngài và yêu thương chúng, nên con người nhân loại phải đáp trả tình yêu của Ngài sao cho tương xứng. “Được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, mỗi con người nhân loại đều sở hữu phẩm giá của một con người, không phải chỉ là một thứ vật dụng, mà là một con người. Con người đó có khả năng tự nhận thức, tự chủ và tự do hiến thân và bước vào sự hiệp thông với người khác. Và con người đó, bởi ân sủng, được kêu gọi để kết ước với Đấng Tạo Hóa của mình, để hiến dâng cho Thiên Chúa của mình một sự đáp trả bằng đức tin và tình yêu, là những điều mà không một loài thọ tạo nào khác có thể đáp ứng thay thế cho con người được”[14].

Những đứa con cùng một Cha: một tình huynh đệ mang tính vũ trụ

14. Toàn thể mọi tạo vật đều được bảo tồn trong một thể thống nhất hoàn chỉnh. Nói cách khác, toàn bộ cộng đồng vũ trụ đều rung động với nhịp điệu hài hòa, vì tất cả công trình sáng tạo được hòa quyện trong một mạng lưới của các mối quan hệ được dệt nên bởi sự tự do và sự tốt lành của mỗi sinh vật. Mọi sự vật, dù con người có can dự vào hay không can dự vào cũng sẽ có tác động hoặc tích cực hoặc tiêu cực đến toàn bộ sự sáng tạo. Trong trình thuật Sáng thế ký, con người được giao phó trách nhiệm chăm sóc công trình sáng tạo. Vì thế, mọi người (dù nam hay nữ) phải đón nhận, chiêm ngưỡng, thưởng thức và gìn giữ hồng ân này; họ cũng phải tìm kiếm Đấng Tạo Hóa nơi những tạo vật là nhà của Người; và cuối cùng, họ phải “biết” và “hiểu” chính mình trong ngôi nhà này, và từ sự “hiểu” và “biết”, họ dệt nên những mối quan hệ huynh đệ, lành mạnh, công bằng và lâu dài với những người xung quanh. Ơn gọi của mọi tạo vật là tình huynh đệ phổ quát, vì chỉ trong tình huynh đệ, ơn cứu rỗi mới được hoàn thành trọn vẹn.

TỘI: CẮT ĐỨT TƯƠNG QUAN VỚI THIÊN CHÚA

15. Tuy nhiên, ngay từ thuở ban đầu, sự nghi ngờ về lòng nhân lành của Thiên Chúa đã hằn sâu vào lòng Ađam và Eva (x. St. 3,1). Cuộc đối thoại con thảo với Thiên Chúa trở thành khoảng không im lặng của ngờ vực và xa lạ. Vườn Địa Đàng không còn là vùng đất gặp gỡ và đối thoại nữa, mà trở thành nơi lẩn trốn và mặc cảm tội lỗi (x. Gen 3,10).

Tình huynh đệ bị rạn nứt

16. Con người thuở ban đầu không còn trung thành với ý định của Đấng Tạo Hóa, đã gây ra sự rạn nứt tình anh em giữa Cain và Abel. Kể từ đó, phẩm giá của con người, trước mắt một người khác, bị giảm từ một ngôi vị con người xuống chỉ còn là một cá thể. Hơn nữa, người anh, một khi bị mất đi bản chất của người con thảo, bắt đầu coi em trai mình như một đối thủ và một mối đe dọa. Tội lỗi biến con người thành một cá thể đơn thuần và bằng mọi thủ đoạn, tìm cách tiêu diệt sự sáng tạo.

Tội lỗi đã phá vỡ sự hiệp thông với Thiên Chúa, hiệp thông huynh đệ và hiệp thông với muôn loài thụ tạo. Tuy nhiên, những vết rạn nứt đổ vỡ này không có tiếng nói cuối cùng trong lịch sử cứu độ. Nhờ ơn cứu chuộc được hoàn thành trong Chúa Kitô và trong Giáo hội ngày nay, qua các bí tích và đức ái, Thiên Chúa tiếp tục hướng dẫn con đường nhân loại hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn, trong trách nhiệm cũng như trong việc quan tâm đến người lân cận và ngôi nhà chung của chúng ta[15].

17. Câu hỏi Thiên Chúa hỏi Cain cũng chính là câu hỏi đầy xác tín đang thách đố chúng ta ngày hôm nay: “Em trai của con đâu?” (Sáng Thế Ký 4:9). Một mặt, nhân loại vẫn mang trong mình một ơn gọi sống tình huynh đệ, mặt khác họ cũng có khả năng phản bội ơn gọi của mình[16]. Sự ích kỷ cố hữu của con người là nguyên cớ gây ra biết bao cuộc chiến tranh và bất công, đã chứng minh cho mọi người thấy: nhiều người đã chết bởi bàn tay của những anh chị em đã không biết nhận ra mình như thế nào khi hành xử như vậy. Qua những dấu hiệu quan tâm và trách nhiệm đối với người khác, chúng ta có thể nhận ra chúng ta là hoặc không phải là anh em của nhau. Tình huynh đệ là phương thế đích thực để chúng ta hiến thân cho Thiên Chúa trong tư cách của những người con, là cách yêu mến Thiên Chúa thật lòng: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga. 4,20).

TÌNH HUYNH ĐỆ BỊ BIẾN DẠNG: TỪ ANH EM BIẾN THÀNH KẺ THÙ

18. Tình yêu thương giữa anh em cần thiết đến nỗi nếu không có sự ràng buộc này thì xã hội sẽ không tồn tại được. Vì là gia đình của Thiên Chúa, nên tình huynh đệ nuôi dưỡng tình đoàn kết nguyên thủy của các thành viên trong sự đa dạng, và tạo ra sự cân bằng giữa các thành viên. Vì vậy, điều kiện cơ bản tiên quyết của tình huynh đệ chính là tình đoàn kết nguyên thủy. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng thế giới đã mất đi sự nhạy cảm, tình đoàn kết và chỉ thích chủ nghĩa cá nhân hoặc quay lưng lại với tình đoàn kết huynh đệ[17]. Giáo hội không thể thờ ơ khi nhìn vào tình trạng thiếu tình huynh đệ trong xã hội. Yếu tố thuộc về Đạo Công giáo có nghĩa là Mẹ Giáo hội là của mọi người, ngõ hầu mọi người đang ở trong Mẹ Giáo hội đều thuộc về một gia đình. Dân Thiên Chúa vượt lên trên mọi dân tộc và nhập thể vào các dân tộc trên trái đất. Như vậy, khi nhận lấy những đau đớn và những vết thương của các con thành của mình, chính Mẹ Giáo hội tìm cách chữa lành chúng bằng dầu thơm của lòng bác ái.

Một dân mang thương tích

19. Xung quanh chúng ta có một nhân loại đang bị tổn thương. Chúng ta nhận thấy có nhiều vết thương còn hở, trong khi những vết thương mới đang hành hạ thế giới chúng ta đang sống. Nếu chúng được che đậy, kết cục những vết thương ấy sẽ bị lây nhiễm[18]. Do đó, sự sợ hãi, chối bỏ, khinh miệt và vô cảm biến thành tư tưởng bài ngoại, bạo lực, loại trừ, gạt ra ngoài lề xã hội, loại bỏ thai nhi và người già; tóm lại, những hành vi này dẫn đến sự hủy diệt ngôi nhà chung. Thậm chí chúng ta phải nhìn nhận rằng chính sự xa cách với người khác biểu lộ qua sự khinh miệt ngày càng tăng đối với chính đồng chủng loài người. Đó là vết thương đang làm rỉ máu một thế giới vốn gầy guộc – một vết thương rỉ máu ra từ nền văn hóa loại trừ và sự chết[19].

Giáo hội không tránh khỏi những vết thương này trong thân xác mình. Trong Giáo hội, người ta cũng thường nhìn thấy có những mối quan hệ giữa các thành viên đang bị rạn nứt gãy đổ. Ngày nay, người ta ngày càng có nhận thức rõ hơn về sự lạm dụng khủng khiếp, phần lớn những lạm dụng đó là tội ác nghiêm trọng, và những kẻ gây ra tội ác lại là những người lẽ ra phải là “những người cha” chứ không phải là những kẻ hành quyết những nạn nhân nhỏ bé, những người dễ bị tổn thương nhất. Nhiều lần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng một cách mạnh mẽ chống lại “bệnh dịch” của các hệ tư tưởng trong Giáo hội, “bệnh dịch” của chủ nghĩa giáo sĩ trị trong giới giáo sĩ và giáo dân, và “chủ nghĩa nghề nghiệp” và sự tham gia không đầy đủ của phụ nữ vào quá trình đưa ra quyết định[20]. Tất cả những vết thương lâu năm này vẫn tiếp tục rỉ máu trong các tín hữu (thành viên) của Giáo hội.

Được mời gọi hòa giải

20. Tạ ơn Chúa vì trong những thời khắc đen tối nhất của lịch sử dân tộc chúng ta, luôn xuất hiện những tiếng nói, cử chỉ, các sáng kiến và những con người được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, giống như ngọn hải đăng trong đêm không bao giờ thất bại trong việc dẫn đường cho chúng ta khi phải đi trong nỗi lo sợ.

Chúng ta có một ví dụ về điều này nơi Thánh Oscar Arnulfo Romero (1917 – 1980), Tổng Giám mục San Salvador từ năm 1977 đến năm 1980. Sự thiếu tự do ở đất nước ông đã dẫn đến một cuộc nội chiến thực sự giữa lực lượng vũ trang và các nhóm nổi dậy khác nhau. Khoảng cách chênh lệch giữa giàu nghèo ngày càng gia tăng và việc tích lũy của cải vào tay một số ít người gây nhiều tai tiếng. Đức Tổng Giám mục Romero đã thành lập một ủy ban bảo vệ nhân quyền và trở thành tiếng nói thay cho những người không có tiếng nói. Với việc rao giảng Tin Mừng và tố cáo những bất công khiến nhiều người phải gánh chịu, ngài đã từ chối bạo lực cách mạng. Ngài biết cách tiếp cận những người là hiện thân của Chúa Kitô bị gạt ra ngoài lề xã hội, đồng hành với những bà mẹ của những người mất tích (desaparecidos), những nông dân bị ngược đãi và bị tước đoạt. Thật không may, sự lựa chọn ưu tiên cụ thể của ngài dành cho người nghèo đã dẫn đến việc sát hại các tín hữu, giáo lý viên và linh mục. Ngài đã phải chịu đựng thử thách bách hại, sự thao túng vô liêm sỉ trong các bài giảng của ngài và nhiều cuộc tấn công vào cuộc đời của chính ngài.

Vào Chúa nhật thứ năm Mùa Chay, ngày 20 tháng 3 năm 1980, ngài đã có một bài giảng nổi tiếng mà sau này được gọi là “bài giảng về ngọn lửa”. Sau vụ thảm sát bốn mươi ba người trong một tuần, trước những người trong quân đội, vệ binh quốc gia và cảnh sát, ngài khẳng định: “Hỡi anh em, các anh cũng là những người như chúng tôi, các anh giết các nông dân (campesinos) anh em của mình. Đối mặt với mệnh lệnh giết người do con người đưa ra, luật của Thiên Chúa phải được ưu tiên, luật dạy rằng: “Ngươi không được giết người”. Không người lính nào bị buộc phải tuân theo mệnh lệnh đi ngược lại luật pháp của Chúa. […] Đã đến lúc các bạn phải quay trở lại với lương tâm của mình, và tuân theo lương tâm của mình hơn là mệnh lệnh của tội lỗi. […] Nhân danh Thiên Chúa, nhân danh những người đau khổ mà tiếng than thở của họ dâng lên tận trời và ngày càng lớn hơn, tôi cầu xin các bạn, tôi cầu xin các bạn, nhân danh Thiên Chúa, tôi ra lệnh cho các bạn: hãy ngừng đàn áp!”[21]. Ngày hôm sau, khi ngài đang cử hành thánh lễ trong nhà nguyện của Bệnh viện Chúa Quan Phòng, một khẩu súng trường ló ra từ cửa sổ sau của một chiếc ô tô đậu bên ngoài, chĩa về phía bàn thờ, giáo dân lúc đó đang tập trung hướng về bàn thờ nên không thể phát hiện được. Vị thánh giám mục của Huynh đệ đoàn, đã kết thúc bài giảng với lời nguyện sau: “Xin Mình đã chịu sát tế và Máu đã hiến tế cho nhân loại cũng nuôi dưỡng chúng ta, để giống như Chúa Kitô, chúng ta hiến dâng thân xác và máu của mình chịu thống khổ và đau đớn, không phải vì lợi ích cho chính mình, mà để mang lại công lý và hòa bình cho dân tộc chúng ta […]”[22]. Đúng lúc đó một tiếng súng vang lên. Romero ngã xuống xuống đất. Viên đạn đã xuyên qua tim Đức Tổng Giám Mục Romero.

Thách thức của thế kỷ chúng ta là tình huynh đệ

21. Tình huynh đệ là giấc mơ mà toàn thể nhân loại đang trải nghiệm. Giấc mơ về tình huynh đệ không phải là điều không tưởng, mà đúng hơn là cơ hội để nhận ra ơn gọi của mỗi người: ơn gọi gặp gỡ người khác. Vì lý do này, trong thời khắc lịch sử của chúng ta, nhiệm vụ của tất cả mọi người là đào sâu chủ đề về tình huynh đệ: chiều sâu của Kitô giáo, tôn giáo, chính trị, triết học và khoa học, và phải đào sâu tất cả các lãnh vực này. Không có tình huynh đệ, tất cả đều có thể bị mất. Trong lịch sử Giáo hội và thế giới, chúng ta không thiếu những tấm gương: Thánh Phanxicô Assisi, Josefina Bakhita, Charles de Foucauld, Teresa Calcutta, Óscar Romero, và những người khác. Họ đang là những chứng nhân can đảm cho ước muốn vốn đã khắc sâu trong tâm hồn con người về tình huynh đệ, một tình huynh đệ có khả năng vượt qua các lợi ích của các ý thức hệ đặc thù và chủ nghĩa dân tộc, của các chế độ độc tài.

Đức tin Kitô giáo khơi dậy nơi con người ơn gọi sống tình huynh đệ. Các môn đệ của Chúa Giêsu biết rõ rằng khi cử hành Bí tích Thánh Thể, họ được mời gọi đón nhận những người khác, đặc biệt là những người túng thiếu và nghèo khổ nhất, là những người cần được nâng đỡ, yêu thương và bảo vệ.

Lịch sử cứu độ là một cuộc hành trình với người khác, một cuộc hành trình tha thứ và gặp gỡ, một con đường huynh đệ và không đơn độc. Điều này được biết đến rộng rãi bởi các môn đệ của Chúa Giêsu, những người khi cử hành Bí tích Thánh Thể, được mời gọi để chào đón người khác, đặc biệt là những người túng thiếu và nghèo khổ nhất, là những người cần được nâng đỡ, yêu thương và họ cũng được mời gọi để bảo vệ các thụ tạo. Lịch sử cứu độ là một hành trình với người khác, hành trình tha thứ và gặp gỡ, cuộc hành trình huynh đệ và không đơn độc.

II. TÌNH HUYNH ĐỆ ĐƯỢC HIỆN THỰC HÓA TRONG CHÚA KITÔ

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em sống vui vầy bên nhau!” (Tv 133:1)

22. Trong cuộc hành hương, dân Israel đã thường ca hát về niềm vui được bước đi bên nhau như anh em. Tính đa dạng phong phú của ý thức về sự hiệp nhất của nhân loại bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Những khuôn mặt, những nền văn hóa, những ngôn ngữ và những suy nghĩ “cùng nhau bước đi” hướng tới Thiên Chúa, là nguyên lý và cùng đích của cuộc sống[23].

THÁNH THỂ: TÁI HIỆN CÁC GIAI ĐOẠN TIẾN HÓA CỦA LỊCH SỬ

23. Thế giới bị tổn thương của chúng ta đã không bị bỏ mặc cho số phận của nó mà thay vào đó đã nhận được một sự chữa lành còn lớn hơn những gì cần thiết cho việc chữa lành các vết thương đó. “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn thì ở đó ân sủng càng chan chứa gấp bội” (Rô-ma 5:20). Thiên Chúa đã chữa lành chúng ta và biến chúng ta thành con cái Ngài bằng cách mặc lấy bản tính con người của chúng ta trong Chúa Con, để chúng ta được dự phần vào bản tính Thiên Chúa của Ngài. “Thật là một cuộc trao đổi kỳ diệu! Đấng Tạo Hóa đã sáng tạo nên bản tính nhân loại, lại mặc lấy thân xác nhân loại của Đức Trinh Nữ Maria, và được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ. Người đã trở thành con người mà không có cha là loài người, để chúng ta có thể dự phần vào Thiên tính của Ngài”[24].

Chính nơi vết thương tội lỗi đã hình thành sự thống trị của cái chết, nhưng từ vết thương nơi cạnh sườn của Chúa Kitô, Thiên Chúa mang lại sự sống (x. Ga 19,34). Những vết thương hở của Chúa Kitô phục sinh, ngay giữa lòng lịch sử, là vết thương tình yêu, chữa lành những vết thương khác của hận thù và bạo lực làm biến dạng cuộc sống của chúng ta, tước đi căn tính của chúng ta là con cái và là anh em. Như vậy Ngôi Lời tự biến mình thành con người, đã cứu rỗi mọi thọ tạo vì chúng thuộc về Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Rỗi.

Abba! Tiếng gọi của những đứa con cùng một cha trong Chúa Con

24. Toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng mối tương quan mật thiết và tin tưởng với Thiên Chúa, Đấng mà Người gọi là “Abba” (x. Mt 6:9-13; Lc 11:1-4), một biểu hiện của sự gần gũi chưa từng thấy trong linh đạo của người Do Thái thời đó. Nếu con rắn đã làm biến dạng hình ảnh yêu thương của Thiên Chúa ở vườn Địa Đàng, gây tội lỗi và cắt đứt mối tương giao sự sống (giữa Thiên Chúa) với Adam và Eva; giờ đây Chúa Giêsu là Con yêu dấu, người chữa lành vết thương của sự bất tuân, tự mãn và nổi loạn bằng cách hiến dâng trọn vẹn mạng sống của mình cho Chúa Cha trên Thập Giá. Đồng thời, lời cầu xin với Chúa Cha của Người luôn mang tính huynh đệ, khi Người dùng từ “của chúng con”. Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là “Cha chúng con” (Mt 6:9). Chúng ta là con và do đó là anh em. Hạn từ “chúng ta hay chúng con” hàm ý chỉ cộng đoàn Giáo hội được mời gọi để nhìn nhận, để trưởng thành và nuôi dưỡng những mối dây của tình huynh đệ.

Thánh Thể: nguồn mạch và chóp đỉnh của tình huynh đệ

25. Giáo hội, hoa trái của lễ Phục sinh, chứng tá của Chúa và Vương quốc của Người, là dấu chỉ cụ thể của tình huynh đệ mà theo ý muốn của Thiên Chúa phải mở rộng đến toàn thể nhân loại. Hành động đầu tiên kết hợp chúng ta vào Nhiệm Thể Chúa Kitô, thân mình của Giáo Hội, chính là phép rửa[25]. Giáo Lý căn bản mới dạy về sự hiệp nhất thân xác của chúng ta với Thiên Chúa và giữa mọi người, chắc chắn là việc cử hành phụng vụ và ưu tiên là cử hành Thánh Thể, đặc biệt là vào ngày Chúa nhật. Chính ở nơi qui tụ đó, cộng đồng Kitô giáo gìn giữ chân lý về các mối tương quan được sống trong tình bác ái và đây là nơi mở ra con đường hướng tới việc hiện thực hóa cụ thể tình huynh đệ nhân loại.

26. Như vậy, việc Con Thiên Chúa đã hiến ban Thân Mình trong Bữa Tiệc Ly và trên Thánh Giá, chỉ một lần nhưng được niêm dấu ấn cho đến muôn đời, vĩnh viễn phá hủy bức tường ghen ghét và thù địch đã chia rẽ chúng ta, ngăn cản chúng ta nhận biết nhau là anh em (x. Eph 2:14-15). Vì vậy, Thiên Chúa Đấng sáng tạo trời đất đã không phó mặc lịch sử cho số phận của nó, không im lặng, cũng không ẩn danh, nhưng đã gắn bó với lịch sử sáng tạo một cách dứt khoát với một mục đích, bằng một giọng nói, bằng một khuôn mặt, bằng một Thân Mình, đó chính là Chúa Giêsu Nazareth, mà chúng ta nhận ra sự hiện diện của Người trong việc cử hành Thánh Thể, tại bàn tiệc Lời Chúa và Bánh Sự Sống dành cho người Kitô hữu, được Chúa Thánh Thần hiệp nhất trong tình huynh đệ[26].

27. Trong mỗi cuộc cử hành Thánh Thể, Chúa Kitô hiện diện trong cộng đoàn qui tụ lại nhân danh Người, quanh vị thừa tác viên, với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô dâng lễ hiến tế và chủ trì cộng đoàn dân thánh, trong việc công bố Kinh Thánh và tuyệt vời hơn nữa trong những của lễ bánh và rượu được thánh hiến. Sự hiện diện của mỗi tín hữu đều là biểu hiện bí tích của Thân Mình duy nhất của Chúa Kitô, được tạo thành từ sự hiệp thông của anh em, đó là “chúng ta”, những người thực hiện nhiệm vụ tư tế cộng đồng của mình trong chức tư tế đã chịu phép rửa[27]. Trong cử hành phụng vụ, cộng đoàn không xưng “tôi” mà xưng là “chúng ta” và nếu có bất kỳ sự cản trở nào khi cộng đoàn cử hành phụng vụ xưng “chúng ta”, những ngăn cản đó luôn luôn thuộc về ma quỷ. Trong cử hành phụng vụ, cộng đoàn không để chúng ta một mình tìm kiếm kiến thức được coi là sự hiểu biết về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đúng hơn, cộng đoàn cử hành phụng vụ nắm tay chúng ta, cùng nhau, như một cộng đoàn, để dẫn chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm mà Lời Chúa và các dấu chỉ bí tích mạc khải cho chúng ta’[28].

Việc cử hành Thánh Thể phá bỏ mọi bức tường và biên giới của sự cạnh tranh, bạo lực và tính vị kỷ. Đây là Vương quốc của Thiên Chúa, vương quốc của những người con trong Chúa Con, vương quốc của những người anh em được hòa giải nhờ lòng nhân lành của Chúa Cha, Người Cha yêu thương của Chúa Kitô. Vương quốc của những đứa con đầy lòng biết ơn qua việc chia sẻ Lời và Bánh vốn là những dấu chỉ của sự sống, qua tình huynh đệ và sự hòa giải, được tháp nhập vào chính thực tại của Thiên Chúa.

Tại Bàn Tiệc Lời Chúa

28. Thiên Chúa nói và thông truyền chính mình với nhân loại qua Lời Ngài. Ngôi Lời, Đấng ở cùng Thiên Chúa và là Thiên Chúa, vào thời viên mãn đã trở nên xác phàm theo ý muốn của Người, được sinh ra bởi một người phụ nữ đầy ân sủng, và nhờ Cuộc Phục Sinh của Chúa Ki-tô cũng như nhờ ơn Chúa Thánh Thần, đã hướng dẫn nhân loại sống nhờ Lời đến từ miệng của Thiên Chúa. Vì lý do này, khi cử hành Bí tích Thánh Thể trong suốt năm phụng vụ, đặc biệt là vào các ngày Chúa nhật, dân Kitô giáo ngồi quanh bàn tiệc Lời Chúa, được lắng nghe, cử hành, công bố, đón nhận, để toàn thể đời sống của Giáo hội được tháp nhập vào mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh[29]. Bàn tiệc Lời Chúa, nơi Dân Chúa tụ họp quanh, mang lại sức sống cho một cuộc cử hành luôn được đổi mới bằng “ngôn ngữ tình yêu”, bằng cách bước vào cuộc đối thoại với những người đang lắng nghe ngôn ngữ tình yêu đó, họp thành một dân với mọi anh chị em lại với nhau. Đó là sự hiệp thông của Giáo hội!

THÁNH THỂ: TÌNH HUYNH ĐỆ ĐƯỢC HIỆN THỰC HÓA

29. Trong Thánh Thể, Chúa Phục Sinh hiện diện, Người là Đấng cứu độ chúng ta là thực tại tối hậu và cùng đích. Bí tích Thánh Thể là một hình thức xuất hiện thường xuyên của lễ Vượt Qua, đó là sự hiện diện chung quyết trong thế giới đang trôi qua của chúng ta. Đó là sự khởi đầu cho ngày quang lâm Parousia đang đến, báo trước những điều tối hậu, trời mới đất mới. Như vậy, qua cử hành tưởng niệm Thánh Thể, Thiên Chúa hướng dẫn lịch sử và nhân loại lữ hành hướng tới ngày viên mãn, là cùng đích nơi tất cả chúng ta sẽ tới và sẽ là anh em, nơi vết thương của tình huynh đệ sẽ được chữa lành trong mối quan hệ là những người con của Thiên Chúa.

Nhận thức của chúng ta về tính cánh chung của Vương quốc “ở đây và bây giờ” chính là sự tiên dự của chúng ta, khi còn đang sống trong dòng lịch sử, về thành tựu cuối cùng của vương quốc thời cánh chung, là Nước Trời. Trong Thánh Thể, Chúa Kitô, Đấng hằng sống hiện diện, và chúng ta bước vào hiệp thông với Người trong Chúa Thánh Thần. Đấng Phục Sinh hiến mình cho chúng ta và ban cho chúng ta Chính Người là: Lời của Người, Mình và Máu Người, tóm lại là con người và sự sống của Ngài. Con người và sự sống của Chúa Con Đấng đã hòa giải mọi sự trong Người và nâng loài người chúng ta lên tầm viên mãn của Thiên Chúa[30].

Tại Bàn Tiệc Bánh (Mình và Máu Thánh)

30. Bí tích Thánh Thể mang lại sự chữa lành cho thế giới đang bị tổn thương về tình huynh đệ. Ở nơi nào mà tội lỗi đã khiến chúng ta coi thường nhau, không nhìn nhận nhau như anh em và đã đặt chúng ta vào một mối quan hệ đối lập và cạnh tranh, cũng ở chính nơi đó, Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta ngồi đồng bàn với Mình và Máu Chúa Kitô, như những đứa con cùng một Cha và là anh chị em của nhau. Vì vậy, sau lời truyền phép của Kinh nguyện Thánh Thể Thứ Nhất là lời cầu xin ơn hòa giải: “Lạy Cha rất nhân từ, xin đoái thương nhìn đến những người cha đã qui tụ về với Cha, nhờ Lễ hy sinh của Con Cha, và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, xin ban cho họ khi tham dự cùng một Bánh và một Chén Thánh này, họ được quy tụ lại thành một Thân Thể trong Chúa Kitô, Đấng chữa lành mọi chia rẽ.”

31. Giữa Kinh nguyện Thánh Thể và Rước lễ, toàn thể cộng đoàn đọc Kinh Lạy Cha, tóm tắt tất cả những lời khen ngợi và chuyển cầu được bày tỏ trong buổi cử hành và dẫn chúng ta tới cánh cửa của Bữa Tiệc Nước Trời, trong đó, sự hiệp thông bí tích là một tiên dự của Bàn Tiệc Nước Trời.

32. Kinh Lạy Cha là một lời cầu nguyện hiệp thông: thực chất, Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện của một cộng đoàn sống trong mối liên hệ gia đình. Bằng việc nhận biết Thiên Chúa là “Abba”, chúng ta cũng công bố mối liên kết mới được thiết lập giữa các môn đệ của Chúa Giêsu và mọi người. Tình Phụ Tử của Thiên Chúa tạo ra tình huynh đệ mà chúng ta nhận ra nhau khi trao cho nhau nghĩa cử bình an.

33. Sau đó, trong cuộc rước tiến về bàn thờ, lúc rước lễ chúng ta thưa “amen” với Mình Thánh Chúa của Chúa Kitô được trao ban cho chúng ta, với ý thức rằng nhờ việc hiệp thông Thánh Thể, chúng ta được biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đấng chúng ta lãnh nhận[31]: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy” (Gioan 6:56). Lời thưa “amen” và sự hiệp thông này sinh hiệu quả: làm cho Thân Mình của Chúa Kitô chính là Giáo hội trở nên hữu hình trong lịch sử, một dân là anh em với nhau, cống hiến cho thế giới sự hiện diện đầy lòng thương xót, qua những cử chỉ và lời nói của Chúa. “Điều này thật đẹp, rất đẹp, khi kết hợp chúng ta lại với nhau trong Chúa Kitô, kéo chúng ta ra khỏi tính ích kỷ của mình. Hiệp thông mở rộng tâm hồn chúng ta và nối kết chúng ta với tất cả những ai hiệp nhất với Người. Đây là phép lạ của việc Hiệp Lễ: chúng ta trở thành những gì chúng ta nhận được!”[32].

Lòng sùng kính Thánh Thể và lòng đạo đức bình dân: những biểu hiện của tình huynh đệ

34. Tình huynh đệ Thánh Thể này không chỉ được thể hiện trong khi cử hành Bí Tích Thánh Thể, mà còn được các tín hữu tiếp tục kéo dài và đào sâu bằng việc tôn thờ Bí tích Thánh Thể ngoài Thánh Lễ. Trên thực tế, mục đích đầu tiên và chính yếu của việc cất giữ Thánh Thể là muốn thể hiện tình huynh đệ với những người anh chị em bệnh tật bằng việc phân phát của ăn đàng. Song song đó, việc cất giữ Thánh Thể đã dẫn Dân Chúa tới một “sự thực hành đáng khen ngợi là tôn thờ lương thực thiên đàng này trong các nhà thờ”[33]. Việc tôn thờ Thánh Thể, như hoa trái của Chúa Thánh Thần, luôn có khởi đầu và kết thúc bằng việc cử hành Thánh Lễ, là một biểu hiện ý thức huynh đệ của dân tư tế đối với Mầu nhiệm cứu rỗi và hiệp nhất[34].

Bên cạnh việc sùng kính này, nhiều Giáo hội địa phương, đặc biệt là các Giáo hội ở Châu Mỹ Latinh, đã được làm phong phú nhờ nhiều hình thức đạo đức bình dân. Những cách diễn tả của chức tư tế chịu Phép Rửa hay tư tế cộng đồng trong đời sống Kitô hữu, đồng thời sử dụng ngôn ngữ của nền văn hóa riêng của họ, đã giúp các tín hữu kiên trì trong tình huynh đệ Kitô giáo qua việc cầu nguyện, ca ngợi, chúc tụng, làm chứng và cử hành[35]. Lòng đạo đức bình dân là nét đặc trưng diễn tả tấm lòng của những người có đức tin, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một lối sống Kitô giáo cụ thể[36]. Điều này được phản ánh chẳng hạn trong âm nhạc, trong những điệu nhảy, trong những bộ trang phục đầy màu sắc, trong việc đốt cháy các hình nộm castillos “lâu đài”[37] và những con đường được trang trí bằng những thảm hoa trong những dịp lễ rước Mình Thánh Chúa ở Cuenca, Pujilí hoặc Quito.

Chứng tá phong phú về tình huynh đệ trong lòng đạo đức bình dân được thể hiện rõ ràng ở chỗ như có vô số đền thờ, đặc biệt là những đền thờ dâng kính Đức Mẹ; như bầu khí lễ hội được biểu lộ trong ngày lễ Chúa Kitô hiển linh (lễ Hiển Linh); như ngôi đền thánh vĩ đại dâng kính Chúa Cha[38], mỗi nơi như vậy được xem như có thêm một căn lều của Thiên Chúa để đón tiếp con cái và anh em của Người. Tại Tổng giáo phận Quito, người ta có thể nghĩ đến Đền Thánh Đức Mẹ Quốc gia ở Quinche (Basílica del Voto Nacional), nơi không chỉ diễn ra vào ngày 21 tháng 11 mà còn mọi ngày trong năm, cũng như trong đêm Giáng sinh, tại ngôi đền thánh đó, Đức Maria chào đón mọi người, người giàu cũng như người nghèo đến nhà mình để cho họ thấy Con của Mẹ (x. Lc 2:16-17). Tại đền thánh đó và trong mọi đền thánh bình dân, những người hành hương, lột bỏ vẻ bề ngoài của thế gian, nhiệt thành tham gia cử hành Bí tích Thánh Thể. Mọi người, không phân biệt ai, thấy cửa mở, bàn ăn được dọn sẵn, và trong một cuộc hành trình cùng đi với nhau, cùng cầu nguyện với nhau, họ cảm nhận như được sống lại tình huynh đệ của thuở ban đầu khi Thiên Chúa sáng tạo, cũng như nhận được hồng ân đức tin vào Chúa Kitô.

TÌNH HUYNH ĐỆ THIẾU BÓNG KẺ BÉ MỌN NHẤT KHÔNG CÒN LÀ TÌNH HUYNH ĐỆ

35. Để tình huynh đệ được thể hiện trong Chúa Kitô là chân thực, tình huynh đệ ấy phải mang tính phổ quát. “Trong trái tim Thiên Chúa có một chỗ ưu tiên dành cho người nghèo”[39]. Mầu nhiệm nhập thể cho chúng ta biết về sự lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo. Ơn cứu rỗi đến nhờ tiếng “xin vâng” của một thiếu nữ khiêm nhường và Đấng Cứu Thế đã được sinh vào đời trong cảnh nghèo khó.

Trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu, nói về “những người đứng chót” (Mt 20:16) là những người bị loại trừ được nói đến sau đây làm lương tâm chúng ta rung động: các nạn nhân, người nghèo, phụ nữ, người bản địa, trẻ em và người già, những người bệnh tật, những đám đông quần chúng bị rẻ rúng, những người không có tiếng nói hoặc không có giá trị gì trong xã hội cũng như trong Giáo hội, những khuôn mặt đau khổ, những người tầm thường, những “kẻ vô danh”; tuy nhiên, họ sẽ là thẩm phán của chúng ta vào ngày chung thẩm và cũng chính là những người mà Thiên Chúa cảm thương (x. Mt 25:31-45).

Giáo Hội: một căn lều cho tất cả mọi người

36. Đoạn văn Tin Mừng về cuộc phán xét cuối cùng cho chúng ta biết về một cuộc nhận dạng bí ẩn nhưng có thật của Chúa Kitô ẩn thân nơi những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người rốt hết, những người đói khát, trần truồng, bệnh tật và tù đày (x. Mt 25:31-45). Điều quan trọng nữa là Tin Mừng Gioan, thay vì kể lại việc lập Bí Tích Thánh Thể, lại nêu ra trình thuật rửa chân (x. Ga 13:1-20), trong đó, Chúa mời gọi thực hiện nghĩa cử phục vụ huynh đệ, để các cộng đồng Kitô hữu không chỉ tập trung vào việc lặp lại cử chỉ nghi lễ mà quên đi ý nghĩa xã hội sâu sắc của Bí tích Thánh Thể, mà còn tiếp tục việc làm của Chúa Giêsu: phục vụ người khác và hiến mạng sống mình cho người khác[40]. Chính cái chết của Chúa Giêsu gắn liền với việc Ngài lựa chọn người nghèo. Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã có lòng quảng đại như thế nào: Ngài là Đấng giàu sang phú quí, đã tự ý trở nên nghèo vì chúng ta để lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta nên giàu có (x. 2 Cor 8:9). Trong sách Công vụ Tông đồ, tại Giáo hội Giêrusalem, việc bẻ bánh gắn liền tình liên đới với người nghèo. Thánh Phaolô phẫn nộ vì người Cô-rinh-tô không ngồi chung bàn và nói rằng cuộc gặp gỡ của họ không phải là Bữa tối của Chúa (x. 1 Cô-rin-tô 11:20).

37. Thần học và hoạt động mục vụ của Châu Mỹ Latinh, theo kinh nghiệm đức tin của họ, đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa Bí tích Thánh Thể, bác ái và công lý, đồng thời lên tiếng ủng hộ việc lựa chọn ưu tiên cho những người nghèo nhất và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, để có hành động biến đổi thực tại, từ các nhân đức thần học và luân lý, thành một quan điểm kiên quyết theo học thuyết nhân vị. Một lựa chọn, không phải là chấp nhận hay cam chịu, mà đúng hơn, lựa chọn này hàm ý đã đến lúc phải từ chối và tố cáo, cam kết xóa bỏ và đẩy lui tất cả những thực tại đó, vì những thực tại đó thậm chí đe dọa con người và môi trường sinh thái của con người, cản trở và làm sai lệch kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Sự hấp dẫn của Montesinos (Tu sĩ Đaminh Anton thành Montesinos)

38. Cần phải nhắc lại rằng trong lịch sử Giáo hội Châu Mỹ Latinh, lời tiên tri đầu tiên dành cho người dân da đỏ (dân bản địa) đã được cất lên trong một cuộc cử hành Thánh Thể trên đảo Española vào Mùa Vọng năm 1551, khi tu sĩ Đo-mi-ni-co Antonio de Montesinos chú giải về Đoạn Tin Mừng trong đó Thánh Gioan Tẩy Giả tự giới thiệu mình là “tiếng người kêu trong sa mạc” (Ga 1:23), Ngài nói tiếp: “Tiếng này nói rằng tất cả các bạn đều mắc tội trọng và các bạn sống và chết trong tình trạng này, vì sự tàn ác và hành vi bắt nạt mà các bạn gây ra cho những nhóm người vô tội này. Hãy nói cho tôi biết, bằng quyền nào và nhân danh công lý nào mà bạn bắt những người da đỏ này phải chịu cảnh nô lệ tàn nhẫn và khủng khiếp như vậy? Với quyền lực nào mà các bạn đã gây ra biết bao cuộc chiến tranh ghê tởm khốc liệt như vậy chống lại những người sống hiền lành và hòa bình trên chính mảnh đất của họ và bạn đã tiêu diệt rất nhiều người trong số họ, bằng những vụ giết chóc và thảm sát chưa từng nghe đến? […] Họ không phải là những con người sao? Chẳng phải họ cũng có một linh hồn và lý trí sao? Bạn không có nghĩa vụ phải yêu họ như chính mình sao? Bạn không hiểu điều này à? Hay bạn cho rằng bạn không có ý đó? Làm sao mà bạn lại có thể đắm chìm trong trạng thái hôn mê sâu và thờ ơ như vậy?”[41] một vị lãnh chúa comendero người Tây Ban Nha[42], tên là Bartolomé de Las Casas, bị ảnh hưởng sâu sắc về những lời giảng này. Sau đó, khi suy ngẫm về sách Huấn Ca (Ecclesiasticus) chương 34:21-22 trong đó những kẻ bất công bị chỉ trích gay gắt, ngài đã trả tự do cho các nô lệ của mình, trở thành một tu sĩ Đa Minh và được bổ nhiệm làm giám mục, trở thành người bảo vệ vĩ đại cho người dân bản địa.

39. Việc cử hành Bí tích Thánh Thể nhất thiết phải bao gồm những ý nghĩa xã hội, chính trị và lịch sử được gắn kết với một bữa tiệc giữa những người anh em, trong đó không còn có bất kỳ sự phân biệt nào về con người; và từ đó xuất hiện một nền văn minh mới, như đã nêu trong Tài Liệu Kết Luận của Aparecida (Thượng Hội Đồng Giám Mục Lần Thứ 5, Vùng Châu Mỹ Latinh và Vùng Caribe vào năm 2007 tại Aparecida, Brazil): “Chúng ta ca ngợi Chúa vì Ngài đã biến lục địa này thành một không gian hiệp thông và giao tiếp giữa con các dân tộc và các nền văn hóa bản địa. Chúng ta cũng tạ ơn Ngài về thành tựu và khả năng hoạt động xã hội của các nhóm xã hội từng là nạn nhân của những khó khăn trong lịch sử: phụ nữ, người bản địa, người Mỹ gốc Phi, nông dân và cư dân thuộc các khu vực bị gạt ra ngoài lề xã hội ở các thành phố lớn. Toàn bộ sự sống của các dân tộc chúng ta được thành lập trên Chúa Kitô và được Ngài cứu chuộc, chúng ta có thể nhìn về tương lai với niềm hy vọng và niềm vui”[43]. Gần đây, thông cáo chung về “Học thuyết Khám phá” của Bộ Văn hóa và Giáo dục và Bộ Phục vụ việc Phát triển Con người Toàn diện cũng đã bày tỏ như sau: “Trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô, Giáo hội Công giáo cố gắng thúc đẩy tình huynh đệ phổ quát và tôn trọng phẩm giá của mỗi con người” (khoản 1).

III. TÌNH HUYNH ĐỆ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI

“ Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lk 9:13)

40. Trong đoạn Tin Mừng về phép lạ hóa bánh ra nhiều, Thánh sử Luca không chỉ mô tả phép lạ có dư thừa lương thực cho mọi người cho đến khi họ no nê, mà còn mô tả một cộng đoàn họp lại xung quanh Thầy của mình, nhận lãnh giới răn bác ái, rồi bằng cách chia sẻ của cải và bằng nỗ lực của chính mình, cộng đoàn tự phát xuất để thỏa mãn đám đông đang đói khát. Dấu chỉ Thánh Thể mang tính ngôn sứ của một dân tộc không thu mình trong sự thân mật của các giáo hội, nhưng được Chúa mời gọi để trở thành tấm bánh được bẻ ra cho sự sống và tình huynh đệ của thế giới ngày nay.

SỰ HÒA GIẢI VÀ BẠO LỰC

41. Hành động chữa lành của Chúa Kitô trên thế giới đang phải đối mặt với những thực tế bi thảm của lịch sử chúng ta, trong đó bạo lực tràn lan đã biến tất cả chúng ta vừa thành nạn nhân đồng thời cũng là những kẻ hành quyết. Trong đất nước Ecuador của chúng ta chẳng hạn, nơi chủ yếu là người Công giáo, việc nói về tình huynh đệ hòa giải có vẻ khó tin khi xem xét đến những gì đã xảy ra trong các nhà tù và trên đường phố của chúng ta nơi không phân biệt những người vô tội hay có tội đã mất mạng, làm cho vài năm qua thành những năm bạo lực nhất trong lịch sử gần đây của chúng ta. Thế giới đã được chữa lành ngay trong lòng vận mệnh, mặc dù chúng ta vẫn còn phát hiện ra những tình huống mà sự chữa lành này chưa được thể hiện đầy đủ. Sự phẫn nộ trước bạo lực và khao khát tìm ra giải pháp nói lên quyết tâm chữa lành của chúng ta. Chúng ta có thể thấy điều này qua chứng từ nơi nhiều người nam nữ, những người, bắt đầu từ gương sáng của Chúa Kitô, trở thành môn đệ truyền giáo của Người[44], đã biết cách đáp ứng theo một cách thức mới theo tinh thần phúc âm trước tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến cách liên hệ “tự nhiên” của chúng ta với nhau.

Sự tha thứ: theo gương Chúa Kitô

42. Chúng ta đang đứng trước vấn nạn cần phải lưu tâm và khám phá ra chân tướng của vấn đề: thế giới đang bị tổn thương, điều cấp thiết là phải tìm ra những con đường huynh đệ, không để mình bị khuất phục trước bạo lực chà đạp phẩm giá con người và phá hủy toàn bộ công trình sáng tạo. Từ xa xưa, trong nhân loại luôn tồn tại những xung đột xã hội dẫn đến huynh đệ tương tàn, những cuộc giết hại anh em đồng loại bằng rất nhiều cách. Kinh Thánh cũng kể lại câu chuyện tương tự, nhưng nhấn mạnh sự xác tín rằng Thiên Chúa không đứng về phía kẻ hành quyết mà đứng về phía nạn nhân.

Mặc khải Kitô giáo phơi bày những khuất tất của ham hố bạo lực, không phải là để hủy bỏ việc bắt chước, vì việc bắt chước (điều tích cực) tự thân luôn có tính cách năng động giúp xây dựng xã hội, nhưng là để hướng tới một sự bắt chước đích thực, tức là không bắt chước một đao phủ, cũng không phải bắt chước một nạn nhân trả thù, mà là bắt chước một nạn nhân tha thứ chính là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa – Chiên Thiên Chúa – Đấng xóa tội trần gian. Mỗi Chúa Nhật, chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu, tại nơi cử hành Thánh Thể, trước mặt chúng ta là Đấng Chịu Đóng Đinh, Đấng tự hiến sự sống vì Tình Yêu, Đấng chịu bẻ ra và chia sẻ chính mình, Đấng tha thứ cho những kẻ hành quyết mình – mà không một lời trả thù, cũng không có một cử chỉ hận thù.

Tiếng nói của nạn nhân

43. Tiếng nói của người yếu thế trở thành điều kiện khiến cho bạo lực có thể chấm dứt vĩnh viễn. Chẳng hạn, đây là kinh nghiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài đã tỏ bày với các nạn nhân bị lạm dụng trong Giáo hội[45] và với rất nhiều nạn nhân khác của tội ác con người[46]: “Tiếng nói của họ là tiếng kêu hy vọng”. Trong khi lịch sử cho thấy những kẻ hành quyết dường như vẫn tiếp tục chiến thắng, tuy nhiên chúng ta phải nhìn nhận rằng cũng trong lịch sử đó, có một điều bất biến khác: vẫn còn những người công chính, những vị thánh vô danh hiến mạng sống vì người khác. Sức mạnh biến đổi của Tin Mừng và đặc biệt là Bí tích Thánh Thể bắt nguồn từ đây: các tín hữu sống, trải nghiệm và hiệp thông với con đường do Chúa Giêsu Kitô mở ra, yêu thương ngay cả khi phải trả giá bằng chính mạng sống mình.

Một tình huynh đệ được hàn gắn; lòng biết ơn

44. Các trình thuật Phục Sinh về những lần hiện ra của Chúa Giêsu cho phép chúng ta xây dựng một cộng đồng không còn theo hướng cạnh tranh mà theo tính cách nhưng không. Những vết thương của Cuộc Khổ Nạn được Đấng Phục Sinh tỏ ra không phải để trả thù sự sỉ nhục phải chịu và để bách hại những kẻ sát nhân, nhưng để kêu gọi mọi quốc gia tin vào Tin Mừng về sự tha thứ và lòng thương xót. Vì thế, Đấng Phục Sinh có thể làm cho Bí tích Thánh Thể được cử hành không phải một cách đau buồn như ở phần mộ nhưng trong niềm vui của một thế giới mới, nơi có thể cử hành sự hòa giải như một món quà biến đổi các mối quan hệ huynh đệ tương tàn thành một cộng đồng huynh đệ. Nhờ hành động vô vị lợi tuyệt đối của Con Chiên bị hiến tế, là Chúa Giêsu Kitô, có thể biến đổi từ một ký ức buồn thảm về các nạn nhân mà tiếng máu của họ kêu thấu trời, sang một ký ức vui tươi tập hợp lời kêu gọi tình huynh đệ trong một hành vi phổ quát hòa giải mọi người. Hành vi hòa giải phổ quát đó đòi hỏi không chỉ đơn giản là tha thứ cho kẻ có tội, cũng không phải sự đồng lõa đáng buồn khiến nạn nhân xa lánh, mà là sự hòa giải với khả năng biến nỗi đau khổ của người khác thành của chính mình bằng một cử chỉ tha thứ, điều kiện tiên quyết có thể giúp hình thành một lịch sử mới và một cuộc sáng tạo mới. Luận lý Thánh Thể về hồng ân cứu độ được Con Thiên Chúa diễn tả một cách trọn vẹn, như ngôn sứ Isaia đã tuyên bố: “Bởi các vết thương của Người, chúng ta được chữa lành” (Is 53:5c). Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Chính các con hãy cho họ ăn” (Lc 9:13), và lời mời gọi của Chúa Kitô Vượt Qua trong lễ tưởng niệm Thánh Thể, “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22:19) các lời của Người cho chúng ta niềm xác tín rằng không có cách nào khác để xây dựng lại tình huynh đệ ngoài việc trao ban mạng sống của mình và hiến dâng cho đến cùng, như những môn đệ truyền giáo trung thành của Đấng là lương thực sự sống đời đời. Một cuộc sống bị bẻ nát ra và chia sẻ cho đến khi thỏa mãn được niềm khao khát tình huynh đệ của mọi dân tộc và mọi nền văn hóa. “Thật tuyệt vời biết bao nếu tất cả mọi người có thể ngưỡng mộ cách chúng ta chăm sóc lẫn nhau, cách chúng ta an ủi và cùng đồng hành với nhau. Việc cho đi chính mình thiết lập một mối tương giao giữa các cá nhân, một mối quan hệ được tạo ra không phải bằng cách cho ‘của cải’ mà bằng việc trao tặng chính mình. Bất kỳ hành động cho đi nào cũng có nghĩa là chúng ta cho đi chính mình. ‘Trao hiến chính mình’ có nghĩa là để cho tất cả sức mạnh của tình yêu là Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động trong đời sống chúng ta; hãy mở rộng tâm hồn chúng ta cho sức mạnh sáng tạo của Ngài”[47].

SỰ SÁNG TẠO VÀ TÌNH HUYNH ĐỆ PHỔ QUÁT

45. Vào cuối Thế chiến thứ hai, nhận thức được sự man rợ do cuộc chiến huynh đệ tương tàn này gây ra, tất cả các dân tộc đã soạn thảo Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (1948) nhằm chấm dứt bạo lực giết người giữa các dân tộc trên trái đất. Nhưng những sự kiện lịch sử tiếp theo đã cho chúng ta thấy rằng cơn khát quyền lực như một lời nguyền đang đe dọa loài người, gây ra nhiều hình thức bạo lực tưởng chừng như bất khả chiến bại. Làm sao có thể kiềm chế được ham muốn quyền lực đang ngự trị trong chúng ta? Chúng ta có thể tìm phương thuốc ở đâu?

Theo bước chân Chúa Giêsu: khiêm nhường và dịu dàng

46. Câu chuyện về Chúa Giêsu dạy chúng ta con đường: sự hạ mình để trở nên khiêm nhường triệt để và sự “dịu dàng” hết sức của Người đối với người khác. Sự khiêm tốn bao hàm việc nhận ra nhân loại chúng ta chỉ là đất mùn, tất cả chúng ta khám phá ra chính mình trong đất sét đó và nhận ra mình là anh chị em, vì tất cả chúng ta đều được tạo nên từ cùng một đất sét. Bắt đầu từ lớp đất mùn này, chúng ta được liên kết một cách trìu mến với mọi tạo vật. Do đó, điều cần thiết và cấp bách là phải loại bỏ mọi hình thức ưu việt, tàn tích của chủ nghĩa vô thần, lấy con người làm trung tâm, không có Thiên Chúa, vốn đã phá hủy Ngôi Nhà Chung[48].

Đặt sang một bên mọi quyền lợi giữa mình và người khác, chúng ta phải làm cho mình trở nên nghèo khó để gặp mặt nhau, nhìn vào mắt nhau, ôm nhau trong tình huynh đệ. Ngoài ra, dù có sự khác biệt thế nào, chúng ta vẫn là anh chị em. Ý thức được sự nghèo khó của mình, chúng ta sẽ có thể cảm thấy mình là anh em của đất, lửa, không khí, nước và động vật, tôn trọng mọi dạng sống hơn nữa. Tình huynh đệ của con người đi qua tình huynh đệ vũ trụ này.

Thái độ này đòi hỏi phải quay trở lại một lối sống đơn giản, vượt qua cơn cám dỗ của chủ nghĩa tiêu thụ đang nhấn chìm chúng ta trong sự dư thừa, biến chúng ta thành tù nhân của mọi sự, tạo ra những bất bình đẳng và rào cản đối với người khác, phá hủy tình huynh đệ, không chỉ với con người mà còn với tất cả các thụ tạo. Nếu chúng ta không vun trồng phong cách tình huynh đệ đại đồng này, tình huynh đệ nhân loại vẫn mãi là một ảo tưởng luôn gặp nguy hiểm.

Tình huynh đệ đại đồng là có thể

47. Tình huynh đệ đại đồng có thể thực hiện được không? Đúng vậy, tình huynh đệ đại đồng phải được trải nghiệm như một phong cách thay thế trong các cộng đồng Kitô hữu, qui tụ quanh Chúa Kitô, Đấng chính là nạn nhân luôn tha thứ. Tất cả những nhận thức này tạo ra những làn sóng trong biển lịch sử ngày càng lan rộng, có thể tái tạo thế giới từ bên dưới và từ bên trong. Kitô giáo nguyên thủy là một bằng chứng không thể chối cãi về khả năng của đức tin Kitô giáo trong việc tái tạo lại xã hội và văn hóa, bằng sức mạnh của Đấng quy tụ chúng ta quanh bàn ăn, trở thành lương thực trong Tin Mừng, trong Mình và Máu Người. Chính việc cử hành Thánh Thể, như một lời tạ ơn vĩ đại, đã kết hợp trời và đất, làm cho chúng ta trở thành những nghệ nhân của tình huynh đệ và những người bảo vệ khôn ngoan của ngôi nhà chung. Vì vậy, Bí tích Thánh Thể cũng là nguồn ánh sáng và động lực để bảo vệ môi trường và hướng dẫn chúng ta trở thành người bảo vệ mọi loài thọ tạo. Chúng ta không thể từ chối sự lựa chọn này: nó cần thiết cho sự sống còn của cộng đồng nhân loại trên hành tinh của chúng ta[49].

GIÁO HỘI: CHỨNG TỪ VỀ SỰ CHỮA LÀNH THẾ GIỚI

48. “Giáo hội sống nhờ Bí tích Thánh Thể”[50] và Bí tích Thánh Thể chữa lành thế giới, do đó chúng ta nhất thiết phải hướng mắt về cộng đồng Kitô giáo, về Giáo Hội, một cộng đồng gồm những người nam nữ được Chúa quy tụ lại để ở với Người và để mang bánh Lời Người và Mình Người đến cho mọi dân tộc. Đó là trải nghiệm khiêm nhường và yêu thương của Chúa Giêsu: “Chính các con hãy cho họ ăn” (Lc 9:13). Đây là những người nam nữ, theo ơn gọi của mình, được sai đi như muối và ánh sáng, như men trong bột, được mời gọi trở thành ký ức và men của sự chữa lành này giữa cuộc đời. Quyền năng chữa lành của Bí tích Thánh Thể có hiệu quả qua chứng từ của các Kitô hữu khi họ họp thành cộng đoàn huynh đệ, thành một Giáo hội ra đi, sống theo mệnh lệnh của Chúa Kitô.

Trong mỗi cuộc cử hành Thánh Thể, những lời của Chúa Giêsu vang lên: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cor 11:24). Chúa đang ám chỉ điều gì? Chúng ta phải nhớ điều gì? Đó là nỗi nhớ của tình yêu. Chúng ta phải nhớ đến Chúa Giêsu Đấng đã yêu thương chúng ta đến cùng, ban cho chúng ta Mình và Máu Ngài, cả cuộc đời Ngài. Ký ức về tình yêu của Người canh tân đức tin của chúng ta và đánh thức tình yêu của chúng ta, giúp chúng ta bước vào cuộc khổ hình của Thiên Chúa, cuộc khổ hình làm lung lay chủ nghĩa ích kỷ của chúng ta: ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai muốn làm đầu thì phải trở thành kẻ rốt hết (x. Mt 16:25).

Nhờ đó cuộc sống hàng ngày được biến đổi, mở ra sự chia sẻ, đáp ứng những đòi hỏi về công lý và hòa bình đang dấy lên trong lòng thế giới, và thúc đẩy chúng ta bảo vệ thiên nhiên. Mỗi Chúa nhật, vào Ngày của Chúa (x. Kh 1,10), có những người nam nữ thuộc mọi chủng tộc, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia (x. Kh 7,9), những người ở mọi vĩ độ, tụ tập quanh bàn thờ Chúa để được nên hiệp nhất như một Thân Mình Chúa Kitô giữa lòng thế giới.

“Thiên Chúa bình an”: một mệnh lệnh truyền giáo

49. Sau khi cử hành Thánh lễ xong, cộng đoàn phụng vụ từ từ giải tán và bị phân tán rải rác như những hạt giống trong các luống cày trên trái đất. Sau khi lắng nghe Lời Chúa, chia sẻ cùng một Bánh và uống cùng một Chén, các Kitô hữu trở về nhà, trường học, văn phòng, nơi buôn bán, nơi giải trí, vạch ra những con đường mới qua mạng lưới huynh đệ đoàn để xây dựng Vương quốc. Thật là đúng khi cộng đoàn cầu nguyện vào tuần Thứ Hai trong Tuần Bát nhật Phục sinh: “Xin ban cho các tín hữu Chúa được gìn giữ trong đời sống bí tích mà họ đã lãnh nhận trong đức tin”.

Như vậy, sau khi ăn “Mình chịu hiến tế”, người Kitô hữu trở thành “mình hiến tế cho muôn dân” bằng cách phục vụ Tin Mừng ở những nơi mong manh và thập giá, chia sẻ và chữa lành. Chính trong những thử thách vô nhân đạo về vấn đề di cư, về những thách đố của chủ nghĩa cực đoan, về những vấn đề việc làm mà các Kitô hữu kéo dài việc cử hành lễ tưởng niệm Thánh Giá, và do đó làm sống lại và giới thiệu Tin Mừng về Người Tôi Tớ, Đấng hiến mình vì tình yêu, đã chữa lành tội lỗi của thế giới và xây dựng tình huynh đệ.

Cuộc sống là một Thánh Lễ nối dài

50. Việc cử hành Bữa Tiệc Ly thực sự biến đổi chúng ta thành những người nam nữ Thánh Thể cho sự sống của thế giới[51]. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu mời gọi toàn thể cộng đồng các môn đệ tham dự, bắt chước Người trong những hành động Người đã thực hiện, nghĩa là “cầm lấy”, “bẻ ra” và “trao ban” để trở thành lương thực cho nhân loại.

Thật vậy, để cử hành việc tưởng niệm sự tự hiến của Người, chúng ta cũng phải làm những gì Người đã làm với các môn đệ và với mỗi người chúng ta: rửa chân, nghĩa là hạ mình xuống và phục vụ anh em mình: Rửa chân, lau mặt, rửa tâm hồn họ bằng tình yêu và lòng thương xót của chúng ta. Cử hành việc tưởng nhớ tình yêu của Chúa Giêsu, không chỉ có nghĩa là tưởng nhớ, mà còn là sống tình yêu đó dành cho Ngài trong anh em chúng ta ngày nay.

Ký ức về tình yêu trở thành sứ mạng của tình yêu, mở ra cho chúng ta tương lai, niềm hy vọng Phục Sinh và hạnh phúc trọn vẹn. Việc tham dự Thánh Lễ “để kết hợp mật thiết với Thiên Chúa” chưa đủ, mà đúng hơn là để cho tình yêu đầy mạo hiểm của Chúa Giêsu hình thành cuộc sống của chúng ta. Biết bao người mẹ, biết bao người cha, vì miếng cơm manh áo, vì bánh hàng ngày bẻ ra trên bàn ăn ở nhà, đã phải còng lưng để nuôi con, nuôi dạy chúng cho nên người! Biết bao Kitô hữu, với tư cách là những công dân có trách nhiệm, đã ra tay bảo vệ phẩm giá của mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất, những người bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị phân biệt đối xử! Họ tìm thấy sức mạnh ở đâu để làm tất cả những điều này? Chính trong Bí tích Thánh Thể: trong lễ vật tha thứ, trong sức mạnh tình yêu của Chúa Phục sinh, Đấng ngày nay vẫn bẻ bánh cho chúng ta và lặp lại với chúng ta: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22:29).

Nguồn mạch sự sống

51. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được kết hợp với Thầy và chúng ta nhận ra rằng mọi chứng từ đều phát xuất từ Người. Vì Người là chứng nhân tối cao nên mọi chứng từ của chúng ta luôn là sự tham gia vào lời chứng của Người, và mang hình thức loan báo Nước Trời và phục vụ tha nhân bằng việc hiến thân mình. Đây là điều mà khoa Giáo hội học hiệp thông của Vatican II nhắc nhở chúng ta: “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch, đồng thời là chóp đỉnh của mọi công cuộc truyền giáo […] là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Giáo hội”[52].

Đúng là luôn có sự cám dỗ tránh né thực tế này bằng cách núp đằng sau những nghi lễ phụng tự và những linh đạo thâm sâu, nhưng nếu chân thành với những gì mình cử hành, chúng ta phải ngay lập tức loại bỏ mối đe dọa này. Nơi Đấng Chịu Đóng Đinh, chúng ta chiêm ngắm tình yêu cao cả nhất và sự khinh miệt tàn ác nhất, nhưng đức tin hướng ánh mắt vào tình yêu, đến nỗi lời cuối cùng không còn là hận thù mà là Tình Yêu: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23). :34). Mặc dù ngọn giáo của người lính La Mã dường như phong ấn tội ác bằng cú đâm cuối cùng của bạo lực giết người, Thiên Chúa vẫn cho sự sống và ơn cứu độ tuôn chảy: máu và nước (Ga 19:34). “Chúng ta hãy là những ngôn sứ của niềm hy vọng, những người loan báo tình yêu của Thiên Chúa trong những thời điểm khủng hoảng này, những người tố cáo các hệ tư tưởng và cơ cấu của tội lỗi và những người từ bỏ mọi ý muốn thống trị, chiếm hữu hoặc thao túng đàn chiên của Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng vị tiên tri (ngôn sứ) không phải là người nhìn thấy trước tương lai, nhưng là người của Thiên Chúa, người biết đọc và giải thích lịch sử dân tộc mình tựa như một lịch sử cứu độ”[53].

52. Chứng tá này thấm nhập vào đời sống các cộng đoàn Kitô hữu của chúng ta ở mọi thời gian và mọi nơi. Năm 1954, cha Leonidas Proaño Villalba được bổ nhiệm làm giám mục Giáo phận Riobamba (Ecuador), một lãnh thổ có dân số bản địa lớn nhất cả nước. Được khởi hứng bởi Công đồng Vatican II, ngài tập trung sứ mệnh mục vụ của mình vào việc ưu tiên lựa chọn những người nghèo, là gương mặt cụ thể của hàng trăm cộng đồng bản địa, bị bóc lột và bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị tước các quyền lợi về giáo dục, y tế, việc làm, đất đai, ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống được công nhận trong cuộc sống của họ.

Taita Leonidas (Taita “cha” trong tiếng Quechua) Cha Leonidas, bắt đầu quảng bá Giáo hội, một cộng đồng bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, được đánh dấu bằng tình huynh đệ và lấy Bí tích Thánh Thể làm trung tâm: “Tôi đến thăm một cộng đoàn […] người dân đã chuẩn bị phụng vụ, các bài đọc Lời Chúa, có ý nghĩa về cộng đồng, nói về các cộng đồng Kitô hữu đầu tiên. Vì thế tôi hỏi họ: Còn bạn, bạn có ý thành lập một cộng đoàn Kitô hữu không? Có, họ trả lời. Tôi yêu cầu họ giải thích cho tôi những đặc điểm tạo nên một cộng đoàn Kitô giáo. […] Họ bắt đầu kể cho tôi nghe những gì họ đang làm với tư cách là một cộng đoàn, và đột nhiên, một phụ nữ ăn mặc tồi tàn giơ tay lên xin được phát biểu, vừa khóc vừa nói với tôi: “Vâng, thưa Đức ông, cộng đồng Kitô giáo ở đây còn sống và đang hoạt động, tôi là nhân chứng cho những gì cộng đồng đã làm. Chồng tôi bị bệnh nặng, và vì chúng tôi nghèo nên chúng tôi không có gì để đi Riobamba, trả tiền bác sĩ, mua thuốc, chúng tôi không có gì cả, nhưng cộng đồng đã chăm sóc chúng tôi, họ đến thăm chồng tôi, họ quyên góp, họ thuê bác sĩ, họ đưa anh ấy đi bằng taxi, họ trả tiền thuốc – rất đắt. – Nhờ tất cả họ, nhờ cộng đồng mà tôi không phải làm góa phụ”[54].

53. Nếu chúng ta đã từng trải nghiệm một sự im lặng sau phát súng giết chết Giám mục Oscar Romero, nếu chúng ta lắng nghe tiếng nói của Montesinos, người tiếp tục thách thức chúng ta, và nếu chúng ta ngắm nhìn vào mỗi cộng đồng của mình, chứng tá của rất nhiều người nam nữ đã hiến mạng sống mình vì tình huynh đệ để chữa lành thế giới, thì đây là bằng chứng cho thấy Đấng Chịu Đóng Đinh Phục Sinh tiếp tục hiệp nhất chúng ta với Người và với Chúa Cha vì trong Người “tất cả chúng ta đều là anh em với nhau” (x. Mt, 23:8).

 

KẾT LUẬN
Thánh Thể: một thánh vịnh của tình huynh đệ
“Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23:8)

54. Vết thương do tội lỗi gây ra đã khiến Ađam đã cắt đứt cuộc đối thoại với Thiên Chúa và mối dây huynh đệ đã bị vấy bẩn bởi máu của Abel. Vết thương đó đã được Con Thiên Chúa chữa lành qua cái chết và sự phục sinh của Người, mà chúng ta cử hành Bí tích Thánh Thể trong lễ tưởng niệm, bữa ăn vượt qua của giao ước mới và vĩnh cửu. Chúa Cha yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con của Người và Người Con đã trở thành món quà tình yêu cho đến chết, chết trên thập giá (x. Phil 2:8). Sự vĩnh cửu của tình yêu đã đi vào lịch sử.

Con người không còn phải trốn tránh cái nhìn của Thiên Chúa dưới lớp lá cây vả. Ánh sáng sống động của tình yêu Chúa Kitô tái lập cuộc đối thoại và hiệp thông của Thiên Chúa với nhân loại. Bữa ăn vượt qua là Địa Đàng mới, rốt cuộc lại là nơi con người được trở thành những người con đích thực ngồi vào bàn tiệc Nước Trời. Đồng thời, Bí tích Thánh Thể được biến đổi thành phòng tiệc tình huynh đệ bởi vì Bí Tích Thánh Thể kết hợp chúng ta với Chúa Con, Đấng trở thành tấm bánh bẻ ra và chén chúc tụng, biến chúng ta thành anh em: “Vì chỉ có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều nhưng vẫn chỉ là một thân xác, vì thực ra tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ một tấm bánh duy nhất” (1 Cô-rinh-tô 10:17).

Sự ích kỷ đã đầu độc trái tim Adam và làm vấy máu bàn tay của Cain đã được Con Thiên Chúa làm người chinh phục. Trong bữa tiệc Thánh Thể, Chúa Kitô, với bánh trên tay, dâng lời tạ ơn lên Chúa Cha, cứu chuộc mọi hình ảnh méo mó về Thiên Chúa, coi Thiên Chúa như kẻ thù của nhân loại. Và bằng cách bẻ bánh và trao cho các môn đệ, Người đã chữa lành vết thương của tình huynh đệ. Thực vậy, Bí tích Thánh Thể chữa lành cách yêu thương của chúng ta. Trong lời cầu nguyện của Chúa Kitô, chúng ta có một vị trí đặc biệt vì tất cả chúng ta đều được mời gọi hiệp thông: “Xin cho họ tất cả nên một như Cha ở trong Con và con ở trong Cha” (Ga 17:21). Và đồng thời, lời tuyên xưng “chúng ta”, là lời tuyên xưng mới của Bí tích Thánh Thể không bị đóng kín trong phòng tiệc: Tình yêu Thánh Thể tràn ngập để chữa lành những vết thương của thế giới, hướng chúng ta phục vụ lẫn nhau, những người hàng xóm cụ thể và hữu hình của chúng ta.

55. Tại Châu Mỹ Latinh, trọng tâm quan trọng của tính năng động Thánh Thể của các cộng đồng Giáo hội chính là “cử hành” việc lắng nghe Lời Chúa và trong việc “bẻ bánh”. Cũng như trong cuộc họp tại công đoàn Giêrusalem, Giacôbê, Phêrô và Gioan bắt tay Thánh Phaolô và Barnaba như dấu hiệu của sự nhìn nhận, hiệp thông và truyền giáo, với lời cầu nguyện “nhớ đến người nghèo” (Gal 2:10), ngày nay, chúng ta cũng làm như vậy trong mỗi Thánh Lễ.

Câu trả lời mà Thiên Chúa Cha đưa ra cho lòng khao khát tình huynh đệ của con người chính là con người của Chúa Giêsu Kitô, Đấng vì tình yêu thương đã biến mình thành Bánh Sự Sống để chữa lành những vết thương của thế giới. Đó là lý do tại sao Giáo hội phải luôn ra đi và đổi mới hoa trái của hoạt động rao giảng Tin Mừng của mình bằng cách nhận ra Thân Mình Chúa Kitô trong thân xác bị ngược đãi của người lân cận, những người rốt hết và hèn mọn nhất; Vì thế, Giáo hội đã dấn thân phục vụ nhân loại đau khổ bằng những cử chỉ và lời nói sống động, sự gần gũi, yêu thương và với phẩm giá mà Chúa Kitô đã thể hiện đối với những người hèn mọn nhất. Chỉ bằng cách này, Bí tích Thánh Thể mới tiếp tục là Lời và Bánh sự sống chữa lành những vết thương của những người bé mọn nhất và bị lãng quên nhất trong lịch sử.

56. Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, khi còn là tổng giám mục của Buenos Aires, đã rao giảng rằng Bí tích Thánh Thể là dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa trong chúng ta và qua chúng ta, đối với những người hèn mọn nhất: “Xin tấm bánh bẻ ra biến đổi đôi bàn tay trống rỗng của chúng ta thành những đôi bàn tay được đổ đầy đến độ ‘đã được dằn, được lắc và đầy tràn’ những gì Chúa hứa với những ai có lòng quảng đại với những khéo léo của mình. Ước gì sức nặng ngọt ngào của Bí tích Thánh Thể để lại dấu ấn tình yêu trên đôi tay của chúng ta được Chúa Kitô xức dầu, trở thành những bàn tay chào đón và ôm lấy những người yếu đuối nhất. Xin cho hơi ấm của bánh thánh hiến cháy bỏng trong tay chúng ta với lòng khao khát sống động được chia sẻ món quà tuyệt vời như vậy với những ai đang đói bánh, công lý và Thiên Chúa”[55].

57. Giáo hội là bí tích của ơn cứu độ phổ quát khi Giáo hội được kết hợp với Chúa Kitô[56]. Nếu Chúa Kitô là sự hiệp thông thì Giáo hội cũng là sự hiệp thông, không chỉ giữa con người với nhau, mà còn “vì Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô”, là sự hiệp thông với tình yêu Ba Ngôi Vĩnh Cửu của Thiên Chúa. Giáo hội, được sinh ra từ Trái tim Chúa Kitô, được sai đi để tạo ra những mối tương quan mới của tình huynh đệ với tình yêu Thánh Thể, bao gồm tất cả mọi người mà không bỏ sót một ai. Đồng thời, Bí tích Thánh Thể là bàn thờ của thế giới, nơi lời tạ ơn Thiên Chúa được dâng lên và giao ước về sự sống và sự chăm sóc mọi thọ tạo được đổi mới.

58. Hiệp thông với Đức Trinh Nữ Maria, “Người Phụ Nữ Thánh Thể”[57], với Thánh Marianita của Chúa Giêsu[58], người đã hiến mạng sống vì dân chúng ta, và với Chân phước Emilio Moscoso[59], vị tử đạo trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta hiệp nhất với toàn thể nhân loại, trở thành tiếng nói của mọi loài thọ tạo, từ ngôi nhà chung của chúng ta, chúng ta cất lên bài Thánh vịnh của tình huynh đệ này:

Hỡi các quốc gia, dân tộc, trái đất, các chủng tộc!
Hỡi các bạn hàng xóm, bạn bè và gia đình các bạn,
Bạn bị tổn thương và đắng cay, bị chia rẽ và phân tán,
Vì những vũ khí đã giết chết rất nhiều người,
Vì những thứ thuốc chặn nghẽn cuộc sống và tiếng hát ca…

Xin Chúa tha thứ cho sự cứng cỏi của con,
cho thấy con không nhận ra thân phận đất sét của mình
làm con xa lạ với con người và Thiên Chúa,
phá vỡ tình anh em và làm cho Chúa phải buồn,
phải ẩn mình thầm lặng trong bánh và rượu.

Máu người đổ ra do bởi con người
là dòng máu anh em, bởi những cuộc xung đột chết người.
Lạy Chúa, hãy nhìn xem, xin tỏ lòng khoan dung và cao cả,
tâm trí con bối rối, trái tim con rách nát,

Đôi môi cầu xin sự chấp nhận:
cầu mong họ tìm được nơi nương tựa trong trái tim yêu thương của Chúa.

Vì thứ thuốc bóp nghẹt cuộc sống và tiếng hát ca,
Xin Chúa tha thứ cho sự ích kỷ của con,
Xin Chúa tha thứ cho sự cứng cỏi của con,
cho thấy con không nhận ra thân phận đất sét của mình
làm con xa lạ với con người và Thiên Chúa,
phá vỡ tình anh em và làm cho Chúa phải buồn,
phải ẩn mình thầm lặng trong bánh và rượu.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở thành Giáo hội,
trong hành trình đồng nghị, luôn là anh em
và bây giờ không còn hận thù, ích kỷ hay oán hận
chúng ta hãy tận hưởng sự bình an thân mật của đối thoại và tình yêu,
Chúa là liều thuốc chữa lành vết thương,
những vết thương của thế giới đang kêu gào tới Chúa.

PHỤ LỤC

1. LỜI CẦU NGUYỆN CỦA ĐẠI HỘI

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Là bánh hằng sống từ trời xuống:
Xin nhìn đến những người Chúa hết dạ yêu thương,
Hôm nay đang ca ngợi, phụng thờ và tôn vinh.

Chúa qui tụ chúng con quanh bàn tiệc,
Lấy Mình Thánh Chúa dưỡng nuôi,
Xin giúp chúng con thắng vượt mọi chia rẽ, hận thù và ích kỷ,
Xin hợp nhất chúng con thành anh chị em thật sự,
con cùng một Cha trên trời.

Xin ban xuống chúng con Thánh Thần Tình Yêu của Chúa,
để chúng con bước theo những nẻo đường huynh đệ –
đường hoà bình, đối thoại và tha thứ,
rồi biết cùng nhau nỗ lực chữa lành thế giới đau thương này, Amen.

2. LOGO

Thập Giá

Thập giá Chúa Kitô đi vào xác thịt của thế giới để chữa lành những vết thương do tội lỗi gây ra. Nơi nào nhân loại đã gây ra bạo lực ghê ghớm nhất trên Chiên Thiên Chúa, thì Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu của Ngài cho họ qua các dấu hiệu nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Kitô, Đấng Phục Sinh Chịu Đóng Đinh ôm lấy tất cả mọi người như anh em được hòa giải với Chúa Cha.

Trái Tim

Trái Tim rộng mở của Chúa Kitô trên Thập Giá là nguồn tình yêu làm cho mọi sự trở nên mới mẻ. Vết thương của Người là nguồn sống và sự hòa giải. Những vết thương đang hở của Đấng Phục Sinh là những vết thương của tình yêu chữa lành những vết thương hận thù, oán ghét, bạo lực và cái chết đang hành hạ nhân loại.

Mình Thánh

Bánh Thánh nhắc nhớ Bí tích Thánh Thể, chóp đỉnh và nguồn mạch của đời sống Kitô hữu. Bí Tích Thánh Thể chỉ ra một hướng đi mới cho lịch sử nhân loại vì Thiên Chúa tiếp tục quy tụ dân của Người, từ Đông sang Tây, quy tụ họ xung quanh Lời sự sống và Bánh hằng sống từ trời xuống. Bí tích Thánh Thể là mối dây liên kết tình huynh đệ: nếu tội lỗi phá vỡ tình huynh đệ, cử hành Thánh Thể sẽ đoàn tụ chúng ta tại một bàn tiệc, như con cùng một Cha Trên Trời.

Quito

Quito, một thành phố ở giữa thế giới, nằm ở vĩ độ 0, đang mở rộng lều trại của mình để trở thành một thành phố Thánh Thể rộng lớn, nơi tất cả mọi người được mời gọi xây dựng giấc mơ về một tình huynh đệ được chữa lành bởi tình yêu của Chúa Kitô, Đấng trong giờ lịch sử này đã nói với chúng ta: “Tất cả các con đều là anh em với nhau” (Mt. 23:8).

3. BÀI HÁT CHÍNH THỨC CỦA ĐẠI HỘI

“En torno a tu mesa”

Rit. Fraternidad para sanar el mundo eso nos muestras, Señor, desde la cruz.
Tú nos congregas en torno a tu mesa y nos enseñas al hermano a amar.

1. Con tu cuerpo y sangre, misterio divino, te haces presente aquí en el altar.
Tú estás con nosotros en el pan y el vino que reconcilian, que dan vida y paz.

2. Señor amigo, Palabra de Dios, tu nos invitas a ser fraternidad.
Por ti aquí estamos y eres alimento que nos llena de amor para sanar.

3. Fraternidad es más que una palabra, es un abrazo olvidando el rencor,
es dar la mano al pobre y desvalido, es consolar al hermano en la aflicción.

4. Tú nos enseñas a amar al más pequeño, ustedes son todos hermanos, sean uno.
Desde Ecuador, para el mundo entero, anunciamos: Tú eres la vida, Jesús.

Nhạc: Marco Antonio Espín Landázuri
Lời: Marco Antonio Espín Landázuri y Solideo

4. NHỮNG HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH CỬ ĐIỆU TRONG ĐẠI HỘI THÁNH THỂ

Theo Sách Nghi Lễ Roman: Rước Lễ và Tôn Thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ

Phút tạm dừng để cầu nguyện và đoan hứa

80. Những đại hội Thánh Thể đã được đưa vào đời sống Giáo hội trong những năm gần đây như một biểu hiện rất đặc biệt của việc tôn thờ Thánh Thể. Những đại hội này phải được coi như một “statio” loại trạm dừng chân, nghĩa là một sự tạm dừng để dấn thân và cầu nguyện, nơi đó có một cộng đồng cụ thể nào đó mời gọi Giáo hội Hoàn Vũ, hoặc với tư cách một Giáo hội địa phương mời gọi các Giáo hội khác của một khu vực, một quốc gia hoặc thậm chí của toàn thế giới đến tham gia, mục đích là để đào sâu một khía cạnh nào đó của mầu nhiệm Thánh Thể và tôn thờ Thánh Thể một cách công khai trong mối dây bác ái và hiệp nhất. Những đại hội như vậy phải là một dấu chỉ đích thực của đức tin và đức ái vì có sự tham gia hoàn toàn của Giáo hội địa phương và sự hiện diện đại diện của các Giáo hội khác.

Công việc chuẩn bị Đại Hội

81. Cần phải nghiên cứu trước về địa điểm, chủ đề và chương trình của đại hội, cả trong Giáo hội địa phương và các Giáo hội khác. Những cuộc khảo sát này xem xét những nhu cầu thực tế và sẽ thúc đẩy sự tiến triển của những nghiên cứu thần học cũng như lợi ích của Hội Thánh địa phương. Trong công việc nghiên cứu và chuẩn bị này, chúng ta tận dụng sự cộng tác của các chuyên gia nghiên cứu thần học, Kinh Thánh, phụng vụ, mục vụ và khoa học về con người.

Để chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể, trước hết phải xem xét những vấn đề sau:

a) Những bài giáo lý về Bí tích Thánh Thể, đặc biệt là về mầu nhiệm Chúa Kitô sống và hoạt động trong Giáo hội. Việc dạy giáo lý cần phải được kỹ lưỡng và phù hợp với khả năng tiếp thu của các nhóm khác nhau;

b) Tham gia tích cực hơn vào phụng vụ, khuyến khích việc chăm chỉ lắng nghe lời Chúa, khơi dậy cảm thức về tình huynh đệ và tính cộng đồng;

c) nghiên cứu các sáng kiến và thúc đẩy các cam kết xã hội nhằm thăng tiến con người và phân phối tài sản cách hợp lý, kể cả tài sản tạm thời, theo mẫu gương cộng đồng Kitô giáo nguyên thủy, để Bàn Tiệc Thánh Thể, tượng trưng cho chất men của Tin Mừng, như một sức mạnh thúc đẩy sự phát triển của xã hội đương thời và như là bảo chứng cho vương quốc tương lai.

Cử hành Đại Hội

83. Việc cử hành đại hội phải tuân theo các tiêu chí sau:

a) Cử hành Thánh Thể phải là trung tâm và chóp đỉnh của đại hội, của mọi biểu hiện và hình thức sùng kính khác nhau;

b) Các buổi cử hành Lời Chúa, các buổi học giáo lý và các hội nghị công cộng phải được lên kế hoạch để nghiên cứu kỹ lưỡng chủ đề của đại hội và đề xuất rõ ràng các khía cạnh thực tiễn cần thực hiện;

c) Nên có một chương trình thích hợp cho các buổi cầu nguyện chung và việc chầu kéo dài trước Mình Thánh được chuẩn bị tại các nhà thờ được chỉ định, thích hợp cho việc thực hành hình thức đạo đức này;

d) Cần phải tuân thủ các quy định về các cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa qua các đường phố trong thành phố với các bài thánh ca và lời cầu nguyện chung, phù hợp với các điều kiện về địa phương, xã hội và tôn giáo.

Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Trịnh Như Cung, SSS

Từ: iec2024.ec

Nguồn: Dòng Thánh Thể Việt Nam, dongthanhthe.net

________

[1] Về bản chất của Đại Hội Thánh Thể, Tham chiếu. SÁCH LỄ ROMANUM, De Sacra Communione et de Cultu Mysterii Missam, [Nghi lễ Rôma: Rước lễ và tôn thờ Mầu nhiệm Thánh Thể bên ngoài Thánh lễ], số 109-112

[2] Cf. Tuyên bố chung về “Học thuyết Khám phá” của Bộ Văn hóa, Giáo dục và Cổ vũ Phát triển con người toàn diện (30 tháng 3 năm 2023).

[3] TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU về SỰ TIẾN BỘ của XÃ HỘI, Châu Mỹ Latinh. Diagnósticos y desafíos Chẩn đoán và những thách thức, CISAV. (tài liệu nghiên cứu về Mỹ Latinh)], (Querétaro 2023), 23.

[4] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Giây phút cầu nguyện ngoại thường vào thời điểm xảy ra đại dịch, ngày 27 tháng 3 năm 2020.

[5] Xem. Tổng Thư ký Thượng Hội đồng, “Hãy mở rộng không gian lều của bạn” (Is 54:2). Tài liệu làm việc cho Vùng Lục địa, ngày 24 tháng 10 năm 2022, số. 31. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tai-lieu-lam-viec-cho-giai-doan-chau-luc-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-2021-2024-48805

[6] Cf. ỦY BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ, Thượng Hội Đồng Giám Mục về đời sống và sứ mệnh của Giáo hội, ngày 2 tháng 3 năm 2018, số. 47.

[7] Xem. Công đồng Vatican II, Lumen gentium, số. 3. 11.

[8] Xem. Đức Giáo hoàng Phanxicô, Desiderio desideravi, (Tông thư về việc đào tạo phụng vụ Dân Chúa, 29 tháng 6, 2022), số 24-26. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-thu-desiderio-desideravi-ve-dao-tao-phung-vu-cho-dan-thien-chua-46390

[9] Đức Giáo hoàng Phaolô VI, Investigabiles Divitias Christi, Có thể tìm gặp Chúa Ki-tô (Tông thư, 6 tháng 2 năm 1965), số. 57

[10] Xem. Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI, Deus caritas est – Thiên Chúa là Tình yêu, (Thông điệp, 25/12/2005), số 14. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-deus-caritas-est-thien-chua-la-tinh-yeu–49105

[11] Desiderio desideravi (Niềm khát vọng của tôi or Tôi đã khao khát nó) số 57

[12] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, Thông điệp Tất cả là Anh Em, ngày 3 tháng 10 năm 2020, số 8.

[13] Xem Ibid., số272.

[14] Giáo lý Giáo Hội Công Giáo số 357.

[15] Xem. Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành, op. cit., số. 12

[16] Xem Đức Giáo hoàng Phanxicô, Sứ điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới lần thứ XLVII năm 2014. Fraternity, the Foundation and Pathway to Peace, (Tình huynh đệ, nền móng và đường dẫn đến hòa bình) 01.01.2014, số. 2

[17] Xem Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tiếp kiến chung, ngày 02/09/2020

[18] Xem Đức Giáo hoàng Phanxicô, Address to participants at the meeting promoted by the “Organization of Catholic Universities of Latin America and the Caribbean,” 4 May 2023. Bài phát biểu với những người tham gia cuộc họp do “Tổ chức các trường Đại học Công giáo ở Châu Mỹ Latinh và Caribe” cổ vũ, ngày 4 tháng 5 năm 2023.

[19] Xem. Fratelli tutti, số 18-21. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-diep-fratelli-tutti-ve-tinh-huynh-de-va-tinh-bang-huu-xa-hoi-41849

[20] XemĐức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn tại Quỹ Vatican “Joseph Ratzinger – Benedict XVI” nhân dịp trao “Giải thưởng Ratzinger”, ngày 17 tháng 11 năm 2018; Diễn văn gửi đến những người tham gia cuộc họp do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống cổ vũ, ngày 18 tháng 2 năm 2023.

[21] ÓSCAR ROMERO Homilías, Tomo VI, (UCA Editores, San Salvador 2009), 453 – Bản dịch tiếng Anh từ Đức Tổng Giám mục Romero Trust, (London) – trực tuyến < http://www.romerotrust.org.uk/>

[22] Ibid., trang. 457.

[23] Xem Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Synodality (Tính hiệp hành), op. cit., số. 49-53.

[24] LITURGY OF THE HOURS, PHỤNG VỤ CÁC GIỜ KINH, Solemnity of Mary, Mother of God (Lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, First antiphon of First Vespers (Điệp ca thứ nhất của Kinh Chiều một)

[25] Xem Đức Giáo hoàng Phanxicô,  Dịp Tiếp Kiến Chung ngày 11 tháng 4 năm 2018Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 1213

[26] Xem Vatican Council II, Sacrosanctum Concilium (Thánh Công Đồng) , số 56; General Instruction on the Roman Missal (Hướng dẫn tổng quát sách lễ Roma), số. 28.

[27] Xem Sacrosanctum ConciliumThánh Công Đồng  số 7; General Instruction on the Roman Missal, (Hướng dẫn tổng quát sách lễ Roma), số 3-5.

[28] Xem Đức Giáo hoàng Phanxicô, Desiderio desideravi, số 19, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-thu-desiderio-desideravi-ve-dao-tao-phung-vu-cho-dan-thien-chua-46390

[29] Xem Order of Readings for Mass, (Huấn thị các Bài Đọc trong Thánh Lễ) số 5. 60.

[30] Xem Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, (Post-Synodal Apostolic Exhortation, 22 February 2007) Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám mục ngày 22 tháng 2 năm 2007, số 89

[31] Xem Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tiếp Kiến chung ngày 21 tháng 3 năm 2018

[32] Ibid (Xem cùng một trích dẫn 31)

[33] NGHI THỨC ROMA, De Sacra Communione ( Về việc Rước Lễ), op. cit., số 5

[34] Xem Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, số 68.

[35] Xem Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích,  Hướng dẫn về phụng vụ và lòng đạo đức bình dân. Những Nguyên tắc và chỉ dẫn (tháng 12 năm 2001), n. 86.

[36] Xem Đức Giáo hoàng Phanxicô, Evangelii gaudium, Niềm vui Tin Mừng (ngày 24 tháng 11 năm 2013), số 122-123, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656Address at the National Marian Shrine of El Quinche (Diễn Văn tại Đền thánh Đức Mẹ El Quinche (Quito), 8 tháng 7, 2015.)

[37] These structures made of cane, which when burnt set off spectacular fireworks. (Translator’s note) Những cấu trúc này được làm bằng mía, khi đót sẽ tạo ra những màn pháo hoa ngoạn mục (chú thích của người dịch)

[38] Xem Directory on popular piety, op. cit.Hướng dẫn về lòng đạo đức bình dân số 262.

[39] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Evangelii gaudium (Niềm Vui Tin Mừng), số 197, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tong-huan-niem-vui-cua-tin-mung-evangelii-gaudium-46656

[40] Xem Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, Sacramentum caritatis, số 88

[41] BARTOLOMÉ DE LAS CASAS, Historia de las Indias, Lịch sử của Dân Tộc Da Đỏ t. III, cap. IV, (Madrid: Printed by Miguel Ginesta, in bởi nhà xuất bản Miguel Ginesta 1875), 365-366.

[42] An encomendero is a holder of an encomienda, which is an estate of land comprising an indigenous village, or group of villages, granted to Spanish colonists, who collected taxes from the indigenous people in kind or in the form of compulsory labour. (Translator’s note) Encomendero: Lãnh chúa, là người nắm giữ vùng lãnh địa encomienda, là phần đất bao gồm một làng bản địa hoặc một nhóm làng, được cấp cho thực dân Tây Ban Nha, những người này thu thuế từ người dân bản địa bằng hiện vật hoặc dưới hình thức lao động bắt buộc. (Chú thích của người dịch)

[43] Vide GENERAL CONFERENCE OF THE LATIN AMERICAN AND CARIBBEAN EPISCOPATE, Concluding Document of Aparecida, 128. Tổng Công Hội của Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribe. Tài liệu đúc kết của Hội nghị Aparecida.

[44] Ibid., xem cùng chú thích số. 28-29.

[45] Xem Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn tại buổi phong tặng Huân chương Hiệp sĩ và Phu nhân, Huân chương Pian cho ngài Philip Pullella và phu nhân Valentina Alazraki, ngày 13 tháng 11 năm 2021

[46] Xem Đức Giáo hoàng Phanxicô, Cuộc gặp gỡ với các dân tộc bản địa của các quốc gia thuộc thế giới thứ nhất, Métis và Inuit tại Maskwacis (Canada), ngày 25 tháng 7 năm 2022; Bài phát biểu với những người tham gia cuộc họp được thúc đẩy bởi “Liên minh chiến lược nghiên cứu các trường đại học Công giáo” và Quỹ Centesimus Annus Pro Pontifice, ngày 11 tháng 3 năm 2023.

[47] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Bài giảng trong Thánh lễ Loan Báo Tin Mừng cho các Dân tộc, tại Quito, ngày 7 tháng 7 năm 2015

[48] Xem Đức Giáo hoàng Phanxicô, Fratelli tutti, thông điệp Tất cả là anh em số 194: “‘Sự dịu dàng là gì? Đó là tình yêu đến gần và trở thành hiện thực. Một chuyển động bắt đầu từ trái tim của chúng ta và đến mắt, tai và bàn tay […] Sự dịu dàng là con đường được lựa chọn cho những người đàn ông và phụ nữ mạnh mẽ nhất, can đảm nhất [….], Những người nhỏ bé nhất, yếu đuối nhất, nghèo nhất nên chạm tới trái tim của chúng ta: thực sự, họ có ‘quyền’ thu hút trái tim và tâm hồn của chúng ta. Họ là anh chị em của chúng ta và vì vậy chúng ta phải yêu thương và chăm sóc họ”.

[49] Xem Đức Giáo hoàng Phanxicô, Laudato Sì’, Thông điệp Hãy ca tụng Chúa, Lễ trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, 24 tháng 5 năm 2015, nn. 161. 236.

[50] Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Ecclesia de Sacramentia, Giáo Hội Của Bí Tích Thánh Thể (Thông điệp, 17 tháng 4 năm 2003), số 1.

[51] Xem Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tiếp kiến chung, ngày 04.04/2018.

[52] Xem Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Giáo Hội của Bí Tích Thánh Thể số 22. 31.

[53] Tác phẩm ESPINOZA (Tuyệt vời), tác giả Alfredo José, Carta Pastoral “Profeta de Esperanza”. Thư mục vụ “ Chứng nhân của niềm hy vọng, (Quito, 22 April 2022).

[54] Tác phẩm BELLINI ( i.e a cocktail consisting of peach juice mixed with champagne.), Tác giả Luciano (c), Palabras de Liberación. Discursos y Homilías de Mons. Proaño ( Lời Giải Thoát, Các phát biểu và các bài giảng của Đức ông Proaño , (Quito: Abya Yala, 2009), các số 58-59.

[55] BERGOGLIO JORGE MARIO, El verdadero poder es el servicio (Sức mạnh thực sự là Sự Phục Vụ), (Buenos Aires: Claretiana, 2013) số 243-244.

[56] Xem Lumen gentium, 1-2 (Hiến chế: Ánh Sáng Muôn Dân)

[57] Xem Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Ecclesia de Eucharistia – Giáo Hội của Bí Tích Thánh Thể, số 53-58.

[58] “Đóa Hoa huệ thành Quito” là biệt danh của vị thánh đầu tiên người Ecuador, người đã hiến mạng sống mình để cứu đất nước mình đang bị ảnh hưởng bởi một trận dịch khủng khiếp. Quốc hội Ecuador năm 1946 đã phong cho bà danh hiệu “Nữ anh hùng của Tổ quốc”.

[59] Salvador Víctor Emilio Moscoso Cárdenas (Cuenca, 1846 – Riobamba, 1897) là một linh mục Dòng Tên bị sát hại vì lòng căm thù đức tin của những người lính trung thành với chế độ cách mạng trong cuộc đấu tranh huynh đệ tương tàn đẫm máu ở Riobamba.

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *