Giáo Hạt Cà Mau

Tại sao rung chuông khi cử hành Thánh Thể? 

Tại sao rung chuông khi cử hành Thánh Thể? 

Mỗi khi cử hành Mầu Nhiệm Thánh Thể, có 3 thời điểm rung chuông với 4 lần rung: Thời điểm thứ nhất (1 lần rung): Khi Linh Mục đặt tay trên bánh và rượu đọc lời nguyện xin Chúa Cha cử Chúa Thánh Thần đến thánh hóa lễ vật (Epiclesis). Thời điểm thứ hai (2 lần rung): Khi Linh Mục đọc lời truyền phép trên bánh và rượu. Thời điểm thứ ba (1 lần rung): Trước khi Cộng Đoàn Dân Chúa lên rước lễ. Tại sao phải rung chuông ở 3 thời điểm này?

Chúng ta lấy một hình ảnh loại suy để hiểu điều này: Khi cầm một viên thuốc trong tay, chúng ta sẽ tự hỏi: (1) Ai làm nên viên thuốc này, viên thuốc này có nguồn gốc từ đâu? (2) Trong viên thuốc này có những thành phần gì? (3) Viên thuốc này trị được bệnh gì, có công dụng gì?

Thời điểm rung chuông thứ nhất, các nhà Phụng Vụ muốn Cộng Đoàn Dân Chúa tập trung vào Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của Phụng Vụ, chính Người đã cử Chúa Thánh Thần đến thánh hóa bánh và rượu, để biến bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Hội Thánh Đông Phương xem thời điểm này là thời điểm quan trọng nhất của cử hành Thánh Thể. Đối với họ, đây là lời truyền phép, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô tại thời điểm này.

Thời điểm rung chuông thứ hai, các nhà Phụng Vụ muốn Cộng Đoàn Dân Chúa tập trung vào Đức Giêsu, Đấng hiện diện thực sự trong Thánh Thể. Hội Thánh Công Giáo xem đây là thời điểm quan trọng nhất khi cử hành Thánh Thể. Sau khi Linh Mục đọc lời truyền phép, thì lập tức, bánh và rượu trở thành Mình và Máu Đức Kitô.

Thời điểm rung chuông thứ ba, các nhà Phụng Vụ muốn Cộng Đoàn Dân Chúa tập trung vào hiệu năng, ơn ích mà Thánh Thể mang lại cho người tin và lãnh nhận. Hội Thánh Tin Lành chú trọng vào điểm này. Đối với họ, biết ai là tác nhân làm cho bánh và rượu trở thành Thánh Thể, hay biết Bánh và Rượu đó chính là Thịt và Máu của Đức Kitô, thì có ích gì, nếu như bản thân chúng ta không chịu chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận. Có thuốc, biết nguồn gốc, biết thuốc trị hết bệnh cho mình, mà nếu, mình không chịu cầm thuốc lên uống, thì có ích gì?

Cần lưu ý về thời điểm rung chuông thứ nhất: Hầu hết ở các giáo xứ, những người giúp lễ, rung chuông ngay, khi Linh Mục vừa đặt tay trên bánh và rượu để đọc Lời Nguyện Epiclesis, điều này đúng và rất đúng, nhưng, ở một số ít nơi, những người giúp lễ chờ cho đến khi Linh Mục làm Dấu Thánh Giá ở cuối Lời Nguyện, họ mới rung chuông, điều này e rằng chưa sát với tinh thần mà các nhà Phụng Vụ muốn chúng ta rung chuông vào thời điểm này, bởi vì, khi Linh Mục đặt tay đọc Lời Nguyện Epiclesis là chúng ta đang hướng tới Chúa Thánh Thần, Đấng là tác nhân làm cho bánh và rượu trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, chứ không phải nhắm tới Dấu Thánh Giá ở cuối Lời Nguyện. Điều này chúng ta cũng thấy tương tự nơi Bí Tích Thêm Sức, nhiều người gọi Phép Thêm Sức là Phép Xức Trán, cách gọi này không chính xác, bởi vì, họ chú trọng đến thời điểm mà Giám Mục ghi dấu Thánh Giá trên trán của người lãnh nhận, nhưng, thật ra, cái “mô thể”, cái làm cho Bí Tích Thêm Sức là Bí Tích Thêm Sức chính là thời điểm Giám Mục đặt tay và đọc Lời Nguyện xin bảy ơn Chúa Thánh Thần cho người lãnh nhận, chứ không phải lúc xức dầu trên trán người lãnh nhận.

Ước gì khi cử hành Thánh Thể, mỗi khi nghe rung chuông, chúng ta ý thức và hiểu được ý nghĩa của những nghi thức Phụng Vụ, để việc tham dự Thánh Lễ của chúng ta thêm phần trang nghiêm, và sốt sắng, với những cảm nghiệm thiêng liêng sâu sắc, hầu làm nảy sinh những hoa trái tốt đẹp cho đời sống của chúng ta. Ước gì được như thế!

Tác giả: Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *