Tin Mừng theo thánh Mác-cô 10,35-45

35 Khi ấy, hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói : “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” 36 Người hỏi : “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?” 37 Các ông thưa : “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” 38 Đức Giê-su bảo : “Các anh không biết các anh xin gì ! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?” 39 Các ông đáp : “Thưa được.” Đức Giê-su bảo : “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống ; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.” 41 Nghe vậy, nhóm mười (môn đệ) kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. 42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em ; 44 ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. 45 Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”

NHÓM MƯỜI HAI CỦA ĐỨC GIÊ-SU

Tin Mừng hôm nay cho biết Đức Giê-su đang ưu tư về “chén mình sắp uống”, trong khi các môn đệ thì lại quan tâm đến vị trí, chỗ đứng chỗ ngồi của mình mà thôi. Có thể chúng ta thường thắc mắc không hiểu tại sao các môn đệ của Đức Giê-su sống gần bên Thầy lại có nhiều phản ứng vô tâm vô tình, nhiều câu hỏi ngờ nghệch đến thế. Xem ra việc Đức Giê-su “thức suốt đêm cầu nguyện” để rồi “kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ” chẳng có hiệu quả gì. Xem ra trò chẳng hiểu Thầy bao nhiêu, còn Thầy thì luôn tin tưởng và kiên nhẫn chỉ bảo cho trò từng vấn đề, trong từng chi tiết…

Bản văn Tin Mừng chúng ta vừa nghe thật sự không có chỗ nào thánh Mác-cô dùng từ “môn đệ” hay “tông đồ”, hay “Nhóm Mười Hai”. Thánh Mác-cô chỉ kể lại câu chuyện hai ông Gia-cô-bê và Gio-an đến xin cho họ được ngồi bên tả và bên hữu Thầy Giê-su. Điều này khiến mười người còn lại “tức tối” (ἀγανακτέω) khiến Đức Giê-su phải lên tiếng cho 12 người này biết điều gì cần xin, điều gì là quan trọng và hướng dẫn họ tư cách “làm lớn”, làm lãnh đạo có nghĩa làm “đầy tớ” phục vụ.

Chúng ta cùng đọc lại cách trình bày của Tin Mừng Nhất Lãm để hiểu về Nhóm Mười Hai :

Mt 10,1-16

Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ :

đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông ; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô ; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế ; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô ; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người.

Lc 6,12-16

Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.

Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Quá Khích, Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

Mc 3,13-19

Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ. Người lập Nhóm Mười Hai và đặt tên cho ông Si-môn là Phê-rô, rồi có ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê –Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi–, rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Tađê-ô, Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

Chúng ta thấy có đôi chút khác biệt trong 3 danh sách trên, vì có chút diễn giải riêng của mỗi tác giả Tin Mừng Nhất lãm. Còn ông Gio-an có đề cập đến Nhóm Mười Hai, nhưng không đưa ra danh sách đầy đủ, chỉ nói chung chung, trừ Ba-tô-lô-mê-ô. Phải chăngBa-tô-lô-mê-ôlà họ của Na-tha-na-en, “người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1,45-47) ?

Nhưng nhìn chung, các Tin Mừng trình bày đầy đủ danh sách 12 người theo sát Đức Giê-su : Si-môn Phê-rô, An-rê, Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Tô-ma, Mát-thêu, Gia-cô-bê, Ta-đê-ô, Si-môn, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt.

Nhóm Mười Hai, những người được chọn, biểu tượng của Dân Mới của Thiên Chúa

Trên thực tế, con số 12 không hề mang tính giai thoại nhưng có ý nghĩa trong Kinh Thánh, cho thấy có một sự lựa chọn. Cựu Ước đề cập nhiều bộ lạc chi tộc, nhưng chúng ta thường nghe nói đến 12 chi tộc It-ra-en hợp thành dân Thiên Chúa, tương ứng với tên mười hai người con trai của tộc trưởng Gia-cóp. Con số 12 chi tộc này tượng trưng cho toàn thể nhà It-ra-en. Còn trong Tân Ước, Tin Mừng nhắc đến danh tánh 12 môn đệ/tông đồ của Đức Giê-su và thường được gọi vắn tắt là Nhóm Mười Hai. Các ngài là những người được chọn, nhưng Đức Giê-su không chọn một cách tình cờ, mà đã cầu nguyện suốt đêm để hôm sau chọn lựa. Đến khi ông Giu-đa tự sát, chỉ còn lại 11 người thì Nhóm Mười Hai buộc phải chọn người thay thế. Sách Công vụ Tông Đồ 1,23-26 thuật lại : “Họ đề cử hai người : ông Giô-xếp…và ông Mát-thi-a. Họ cầu nguyện rằng : ‘Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người ; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Giu-đa đã bỏ để đi về nơi dành cho y.’ Họ rút thăm, thăm trúng ông Mát-thi-a : ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ”. Sau biến cố Phục sinh, Nhóm Mười Hai có sứ mạng làm chứng rằng Giáo hội chính là Dân Mới của Thiên Chúa. Thánh Gia-cô-bê đã từng ám chỉ Dân Mới trong lời chào thăm như sau : “Tôi là Gia-cô-bê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô, kính gửi mười hai chi tộc đang sống tản mác khắp nơi. Chúc anh em được an vui mạnh khoẻ !” (Gc 1,1)

Theo Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ, chọn mười hai ông và gọi là Tông ĐồNhư vậy, Nhóm Mười Hai vừa là “môn đệ”, vừa là “tông đồ” ? Vậy Môn đệ là gì ? Tông đồ là gì ? vì sao Nhóm Mười Hai cần đến hai danh từ này để xác định căn tính ?

Danh từ “môn đệ” talmîd תַּלְמִיד chỉ xuất hiện một lần trong Cựu Ước, trong sách I Sử Biên niên 25,8 : “Họ bắt thăm về phiên công tác phải giữ, nhỏ cũng như lớn, thầy cũng như trò”. Ngoài ra còn có gốc tính từ chỉ những người học hỏi/thực hành : “Người đánh thức để tôi lắng tai nghe như những người môn đệ” kallimmûdîm‎ כַּלִּמּוּדִֽים (Is 50,4). Mối quan hệ thầy-trò phát triển khi Do-thái giáo ra đời và khi dân Ít-ra-en tiếp xúc với nền văn hóa Hy-lạp. Vì thế, người thầy sẽ truyền lại cho các môn đệ của mình thẩm quyền để thực thi sứ mạng.

Trong Tân Ước, nếu từ “môn đệ” xuất hiện 216 lần thì từ “tông đồ” chỉ xuất hiện 9 lần : 1 lần trong Mát-thêu, 2 lần trong Mác-cô và 6 lần trong Lu-ca. Tin Mừng thánh Gio-an không bao giờ dùng từ “tông đồ” để nói về Nhóm Mười Hai, mà chỉ dùng “môn đệ”, và nhóm “các môn đệ” thường có nghĩa rộng hơn Nhóm Mười Hai, vì bao hàm tất cả người tin qua mọi thời đại. Ngược lại, các sách còn lại trong Tân Ước, đặc biệt là sách Công vụ và các thư của thánh Phao-lô thì dùng “tông đồ” đến 71 lần. Còn trong Cựu Ước (bản Bảy Mươi) thì không thấy từ tương đương, ngoại trừ người Do-thái giáo dùng để ám chỉ các đại diện ở Thượng Hội đồng hay sứ giả của thầy thượng tế.

Trong tiếng Hy-lạp “môn đệ” là Μαθητής, có gốc động từ manthanô μανθάνω có nghĩa là học hỏi/học tập. Vì vậy, trong Tân Ước, chúng ta thấy danh từ này mô tả thực tế về những “môn đệ của Mô-sê” (Ga 9,28), “môn đệ của nhóm Pha-ri-sêu” (Mt 22, 15-16), môn đệ của Gio-an Tẩy Giả (Cv 19,1) và đặc biệt môn đệ của Đức Giê-su (Mt 10,1 ; Mc 6,45 ; Lc 5,30 ; Ga 4,1…). Sau cái chết của Đức Giê-su, sách Công vụ Tông Đồ ám chỉ tất cả Ki-tô hữu đều là môn đệ (Cv 9,1). Như thế, học trò sẽ gắn bó với thầy chứ không chỉ gắn bó với lời dạy của thầy. Làm môn đệ của Đức Giê-su, mỗi người được kêu gọi từ bỏ tất cả mọi sự để đi theo Thầy (Mt 8, 21-22) và thậm chí dám hiến mạng sống mình vì Thầy (Mt 10, 23-25).

Còn “tông đồ” có gốc Hy-lạp cổ là ἀπόστολος / apóstolos ám chỉ một người được sai đi cho một sứ mạng, đảm nhận trách nhiệm của sứ mạng. Từ này ám chỉ Nhóm Mười Hai, những người đã đồng hành cùng Đức Giê-su trong suốt hành trình rao giảng của Người và đã trở thành nhân chứng của Tin Mừng Phục sinh. Đối với Tin Mừng Lu-ca và sách Công vụ, chỉ có các môn đệ trong Nhóm Mười Hai mới được gọi là “tông đồ”. Tuy nhiên, như đã biết, thánh Phao-lô dù không thuộc Nhóm Mười Hai, nhưng vẫn tự xưng là “tông đồ” (Gl 1,1) mà không cần giải thích gì thêm, thậm chí ngài còn được nhìn nhận là “tông đồ của các dân ngoại”.

Sứ mạng của Nhóm Mười Hai

Như vậy, Nhóm Mười Hai là những người thuộc mọi thành phần trong dân (nông dân, kẻ thu thuế, người đánh cá, kẻ quá khích) được mời gọi đi theo Thầy Giê-su, đó là “những kẻ Người muốn”. Và các ông tự nguyện“đến với Người”. Thánh Mác-cô nói rõ : Đức Giê-su “lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảngvới quyền trừ quỷ”(Mc 3,13-14).Động từ μένω – “ở lại” với Đức Giê-su, hàm nghĩa hiện diện và chia sẻ cuộc sống với Thầy Giê-su trong tư cách là học trò. Việc “ở lại với Thầy Giê-su” làm cho họ trở thành người môn đệ, nhận biết Người là Đấng Mê-si-a để rồi được Người sai đi công bố Tin Mừng cứu độ.

Bên cạnh đó, Tin Mừng Mt 10,1-16 cho chúng ta hiểu rõ sứ mạng Nhóm Mười Hai trong chi tiết cụ thể : “Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng : “…hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng : Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lạicho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn…Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy… Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại… Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”.

Sau biến cố phục sinh và thăng thiên của Chúa Ki-tô, Nhóm Mười Hai được lãnh nhận ân huệ Chúa Thánh Thần vào ngày Lễ Ngũ Tuần, mạnh mẻ ra đi làm chứng nhân Tin Mừng Phục Sinh, loan truyền ơn cứu độ cho thế giới, cho dù phải hy sinh chịu chết. Nhóm Mười Hai chu toàn trách nhiệm lãnh đạo trong cộng đoàn Hội Thánh tiên khởi. Về sau, sự phát triển của cộng đoàn tiên khởi và sự đa dạng về gốc gác của các thành viên đã nhanh chóng buộc những người có trách nhiệm phải đáp ứng nhiều mối quan tâm cũng như nhu cầu cấp bách của cộng đồng, vậy là mỗi người trong Dân Thánh Mới đều đảm nhận một trách vụ trong cộng đồng : “Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn. Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,10-13).

Ngày nay, một khi chúng ta đã xác định được căn tính Nhóm Mười Hai là môn đệ và là tông đồ của Chúa Giê-su, thì chúng ta có thể hiểu rằng bất kỳ người Ki-tô hữu nào tin và đi theo Chúa Giê-su, chia sẻ cuộc sống và sứ mạng của Người, thì đều tiếp nối sứ mạng của Nhóm Mười Hai, làm hình thành một Dân Mới, gắn kết hiệp nhất với nhau nhờ một đức tin và một phép rửa để gầy dựng Nước Thiên Chúa giữa thế gian này. Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ : “Anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại ; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4,1-6).

Cầu nguyện :

Lạy Thiên Chúa cao cả quyền năng, xin nghe lời chúng con cầu nguyện cho Hội Thánh là Mẹ chúng con và là Hiền thê của Đức Ki-tô, Con Một Chúa. Ước gì Hội Thánh được chia sẻ vinh quang với Đức Ki-tô khi làm cho muôn dân được tham dự vào sự sống của Chúa và được mang danh là Ki-tô hữu. Ước gì đoàn con của Hội Thánh ngày càng thêm đông đảo và trở thành những tín hữu đích thực của Đức Ki-tô. A-men.

Nguồn: tgpsaigon.net