1.700 NĂM SAU NICEA, HY VỌNG CỬ HÀNH LỄ PHỤC SINH CHUNG

10/04/2025
Vatican News (10/4/2025) – Ngày 20/5 tới đây đánh dấu kỷ niệm 1.700 năm công đồng đại kết đầu tiên trong lịch sử, diễn ra tại Nicea vào năm 325. Nhân dịp này, ngày 03/4, Ủy ban Thần học Quốc tế đã công bố văn kiện “Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế”, trong đó nhắc lại ý nghĩa cơ bản của Kinh Tin Kính, nền tảng của đức tin Kitô giáo. Vatican News đã có cuộc phỏng vấn một trong những tác giả của văn kiện này, Đức cha Etienne Veto, Giám mục phụ tá Reims ở Pháp.
Trong Năm Thánh này, Giáo hội cử hành kỷ niệm Công đồng Đại kết đầu tiên, diễn ra vào năm 325 tại Nicea. Văn kiện này chú tâm tạ ơn về Tín biểu của công đồng Nicea. Tại sao lại có tinh thần ngợi khen này?
Định hướng của chúng tôi là ngợi khen, vì đây là một lễ kỷ niệm Công đồng đã diễn ra cách đây 1.700 năm trong năm nay, và nói lên trung tâm đức tin của chúng ta. Chính ở đó mà thần tính của Chúa Giêsu đã thực sự được xác định, một cách chắc chắn, và sự thật Thiên Chúa là một và ba: một Thiên Chúa duy nhất, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mặt khác, đây là một công đồng được hầu hết các Kitô hữu trên khắp thế giới công nhận, vì thế đây thực sự là một điểm hiệp nhất đặc biệt mạnh mẽ.
Với Công đồng Nicea, hoàng đế Constantine muốn đáp lại cuộc khủng hoảng do phái Ariô gây ra vào thời đó: phủ nhận thần tính trọn vẹn của Chúa Giêsu. Tại Nicea, cái nhìn đức tin về Chúa Ba Ngôi đã được khẳng định. Liệu ngày nay điều đó có cần phải xác nhận nữa không?
Tôi nghĩ là có, theo nghĩa Ba Ngôi thực sự là Thiên Chúa tình yêu, Thiên Chúa của mối tương quan. Việc chúng ta có thể nói Chúa Kitô là Thiên Chúa có nghĩa là chính Thiên Chúa đến cứu độ chúng ta. Người không sai ai khác vì không ai khác ngoài Thiên Chúa có thể cứu độ chúng ta. Và việc Thiên Chúa làm người để cứu độ chúng ta cũng nhấn mạnh đến phẩm giá cao cả của con người.
Những hệ quả rất quan trọng. Chẳng hạn, ngay từ lúc chúng ta có thể xác định phẩm giá rất cao cả của con người, chính Thiên Chúa mặc lấy nhân tính, chúng ta có thể nhấn mạnh đến sự bình đẳng của tất cả mọi người. Theo một nghĩa nào đó, cũng có một chiều kích chính trị. Ariô nghĩ rằng Chúa Kitô là một dạng siêu thụ tạo, ở trên thụ tạo, và trong chính trị cũng có nguy cơ người ta đặt các nhà lãnh đạo chính trị lên bệ, biến họ thành những dạng siêu thụ tạo. Trong khi đó, đức tin Kitô giáo nói với chúng ta rằng mọi người đều bình đẳng.
Một số người cảm thấy khó chấp nhận nhân tính trọn vẹn của Chúa Kitô…
Tôi nghĩ chúng ta cần nhấn mạnh đến cả hai khía cạnh của Chúa Kitô. Công đồng Nicea cho phép chúng ta nói, và điều này sẽ được xác định rõ hơn nữa tại Công đồng Chalcedon vào năm 451, rằng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Điều này thật sự rất cần thiết cho chúng ta.
Chúng ta thực sự cần được chính Thiên Chúa cứu độ và chúng ta cũng thực sự cần một Thiên Chúa hiểu con người đến tận sâu thẳm, đến tận tế bào cuối cùng. Không có ai trong nhân loại đẹp đẽ, nhiều sức mạnh như Chúa Kitô. Và một lần nữa, đó luôn luôn vì Chúa Kitô vừa là Thiên Chúa và là con người. Tôi nghĩ việc loan báo Tin Mừng dựa trên điều đó.
Kinh Tin Kính, tuyên xưng đức tin vào ơn cứu độ nơi Chúa Giêsu, là kết quả của Công đồng Nicea. Văn kiện mà Đức cha đóng góp xem xét sự tiếp nhận này trong thực hành tôn giáo. Vậy hôm qua và hôm nay điều này có giống nhau không?
Trước hết, thật đẹp khi thấy Kinh Tin Kính Nicea-Constantinople hiện đang được tái khám phá và được đọc rất nhiều. Việc đọc Kinh Tin Kính thực sự nối kết chúng ta với các thế hệ và các thế hệ Kitô hữu. Và điều này cho phép chúng ta thấy rằng trọng tâm thực sự giống nhau. Đó là ơn cứu độ.
Ngoài ra còn có chiều kích hiệp nhất, nghĩa là Giáo hội nhận ra mình cần và có bổn phận hiệp nhất chung quanh đức tin. Đối với tôi, đây là một điều gì đó rất thời sự, theo nghĩa là có nhiều cách sống đức tin Công giáo và đức tin Kitô giáo. Nhưng ở đó, chúng ta đồng ý về trọng tâm của đức tin và điều này cho phép chúng ta làm nên sự hiệp nhất trong sự đa dạng của mình.
Trước khi đạt đến sự hiệp nhất Kitô hữu, liên quan đến Kinh Tin Kính, trong tài liệu này, Đức cha nhấn mạnh đến cách thức làm cho đức tin có thể tiếp cận được với tất cả mọi người.
Đức tin Kitô giáo không chỉ là đức tin của các nhà thần học, mà còn là đức tin của tất cả mọi người. Vì vậy, việc có một lời tuyên xưng đức tin rõ ràng sẽ cho phép có được một điểm tham chiếu cho mọi người. Tương tự như vậy, việc Kinh Tin Kính này đã được đưa vào phụng vụ giúp mọi người có thể tiếp cận được.
Kinh Tin Kính là một điểm quy chiếu chung cho tất cả các Kitô hữu. Trong văn kiện này, Đức cha nhấn mạnh “những gì kết hợp chúng ta mạnh mẽ hơn những gì chia rẽ chúng ta” và bày tỏ hy vọng được cử hành Lễ Phục Sinh vào cùng một ngày. Điều này đã được thiết lập một phần nhờ vào công đồng Nicea trước cuộc cải cách của Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIII. Tại sao điều này thích hợp hoặc cần thiết?
Tôi đã sống ở Giêrusalem, nơi các Kitô hữu mừng Lễ Phục Sinh vào những ngày khác nhau, mặc dù họ sống trong cùng một khu phố, gần nhau, và đôi khi trong cùng một gia đình. Chúng ta có thể thấy rõ những khó khăn khi không thể cử hành lễ Phục Sinh cùng một lúc. Đó là một phản chứng. Người Hồi giáo hay Do Thái giáo thường ngạc nhiên khi thấy các Kitô hữu không thể cùng nhau cử hành lễ Phục sinh.
Điều quan trọng nhất là chúng ta có một đức tin chung, nhưng có một số vấn đề cần giải quyết khi có một ngày lễ chung: vấn đề nội bộ, vấn đề liên quan đến cái nhìn về Giáo hội và vấn đề liên quan đến vai trò của Giáo hội. Một trong những vai trò của Giáo hội là thúc đẩy sự hiệp nhất của xã hội, của con người và của thế giới. Theo nghĩa này, sẽ là một sự đóng góp lớn lao nếu có một ngày Lễ Phục Sinh chung. Đó sẽ là dấu hiệu của sự hiệp nhất của chúng ta.
Năm nay, năm 2025, có sự trùng hợp về lịch, nhưng có lẽ cũng là sự quan phòng.
Cuối cùng, vào tháng 11 năm ngoái, trong buổi tiếp kiến Ủy ban Thần học, trích dẫn Lumen Gentium, Đức Thánh Cha đã nhắc rằng Công đồng Nicea là “dấu chỉ và công cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”. Chúng ta có thể nói rằng công đồng Nicea đã truyền cảm hứng cho Đức Thánh Cha, người đã đề xuất một con đường hiệp hành cho Giáo hội không? Đây có phải là hiện tại hóa công đồng Nicea không?
Công đồng Nicea là kết quả của một quá trình trong đó Giáo hội thực hiện tính hiệp hành của mình. Vào thời đó, cụm từ “Thượng hội đồng” và “Công đồng” có cùng một ý nghĩa.
Đã có các thượng hội đồng trong suốt các thế kỷ đầu tiên và điều mới mẻ của công đồng Nicea là đây là lần đầu tiên một thượng hội đồng liên quan đến toàn thể Giáo hội, cùng nhau. Vì vậy, đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi nghĩ chính toàn bộ cách tiếp cận của các thế kỷ đầu tiên đã truyền cảm hứng cho ngài, Công đồng Nicea là một ví dụ quan trọng cho cách tiếp cận này.
Đức cha có nghĩ rằng tiến trình hiệp hành mà Giáo hội Công giáo đã bắt đầu có thể là bước đầu tiên hướng tới việc tổ chức một thượng hội đồng bao gồm tất cả các Kitô hữu không?
Điều này sẽ thực sự tuyệt vời. Một trong những thành quả đẹp nhất của lễ kỷ niệm 1.700 năm Công đồng Nicea là khuyến khích tất cả các Giáo hội và các cộng đoàn Giáo hội mong muốn một Công đồng mang lại sự hiệp nhất hữu hình giữa các Kitô hữu. Tôi nghĩ điều này chắc chắn có thể thực hiện được trong thế kỷ XXI.
Nguồn: vaticannews.va/vi