Trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, mọi người thinh lặng chờ đợi Chúa phục sinh. Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày tưởng nhớ việc Chúa Giêsu xuống Ngục Tổ Tông yên ủi các thánh. Cử hành bằng cách nào? Đây là 12 điều chúng ta cần biết.
I. ĐIỀU GÌ XẢY RA VÀO THỨ BẢY TUẦN THÁNH?
Khi còn tại thế, các môn đệ của Chúa Giêsu đã đau buồn vì cái chết của Ngài, vì đó là Thứ Bảy, ngày họ nghỉ ngơi. Thánh Luca cho biết rằng các phụ nữ “trở về nhà chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày sabat, các bà nghỉ lễ như Luật truyền” (Lc 23:56). Tại ngôi mộ, lính gác cẩn mật để các môn đệ không thể lấy trộm thi hài Chúa Giêsu.
II. ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI CHÚA GIÊSU TRÚT HƠI THỞ?
Giáo lý Công giáo cho biết:
633. Kinh Thánh gọi nơi ở của những người chết gọi là “âm ty” (Hell – tiếng Do Thái là Sheol, tiếng Hy Lạp là Hades – Việt ngữ gọi là Ngục Tổ Tông), Chúa Giêsu cũng đã đến nơi đó sau khi Ngài trút hơi thở, bởi vì những người ở đó không nhìn thấy Thiên Chúa.
Mọi người chết đều vào đó, dù kẻ dữ hay người lành, trong lúc chờ đợi Đấng Cứu Thế: điều này không có nghĩa là số phận của họ giống nhau, vì Chúa Giêsu đã cho biết qua dụ ngôn ông nhà giàu và Ladarô nghèo khó (Lc 16:19-31). Người nghèo khó Ladarô được đem vào lòng ông Ápraham: “Rõ ràng những linh hồn thánh thiện, những người mong chờ Đấng Cứu Thế trong lòng ông Ápraham, những người mà Chúa Giêsu Kitô giải thoát khi Ngài xuống Ngục Tổ Tông”.
Chúa Giêsu xuống Ngục Tổ Tông không phải là để giải thoát những người đã bị kết án, cũng không phá hủy nơi ở của những kẻ bị kết án, nhưng để giải thoát những người công chính. [Kinh ở Việt Nam đọc: Chúa Giêsu xuống Ngục Tổ Tông yên ủi các thánh].
634. “Tin Mừng được rao giảng cho cả những người chết”. Chúa Giêsu xuống Ngục Tổ Tông để hoàn tất sứ điệp Tin Mừng Cứu Độ.
Đó là sứ vụ cuối cùng của Chúa Giêsu, sứ vụ được coi là đúng lúc nhưng nhiều ý nghĩa thực tế: lan tỏa công cuộc cứu độ của Đức Kitô dành cho con người mọi thời và mọi nơi, vì tất cả những ai được cứu độ đều trở thành những người chia sẻ Ơn Cứu Độ.
III. CHÚNG TA TƯỞNG NHỚ NGÀY NÀY NHƯ THẾ NÀO?
Theo tài liệu chính về việc cử hành các nghi thức liên quan Lễ Phục Sinh, Paschales Solemnitatis – Đại Lễ Vượt Qua, cho biết:
73. Trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội ở tại ngôi mộ của Chúa, suy niệm Cuộc Khổ Nạn và Sự Chết của Ngài, suy niệm việc Ngài xuống Ngục Tổ Tông, chờ đợi sự phục sinh bằng việc cầu nguyện và ăn chay.
Trong ngày này, Phụng Vụ Kinh Sáng được cử hành bằng việc tham dự của dân Chúa (số 40). Tại nơi thực hiện việc này, nên cử hành Phụng Vụ Lời Chúa, hoặc tỏ lòng sùng kính phù hợp với mầu nhiệm được cử hành trong ngày này.
74. Hình ảnh Đức Kitô chịu đóng đinh hoặc nằm trong mộ, hoặc xuống Ngục Tổ Tông, được tưởng niệm vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, hình ảnh Đức Mẹ Sầu Bi cũng có thể đặt trong nhà thờ cho các tín hữu tôn kính. Trong ngày này, việc ăn chay cũng được khuyến khích, nhưng không bắt buộc.
IV. CÁC BÍ TÍCH CÓ ĐƯỢC CỬ HÀNH?
Paschales Solemnitatis cho biết:
75. Trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội không cử hành Thánh Lễ, có thể rước lễ như của ăn đàng (form of Viaticum).
Cấm cử hành bí tích Hôn Phối, kể cả các bí tích khác, ngoại trừ bí tích Hòa Giả và Xức Dầu Bệnh Nhân.
Không được cử hành Thánh Lễ bất cứ lúc nào trước Thánh Lễ Vọng Phục Sinh. Được cử hành bí tích Rửa Tội trong trường hợp nguy tử.
V. VỌNG PHỤC SINH LÀ GÌ?
Vọng Phục Sinh là nghi thức quan trọng, cử hành vào tối trước Lễ Phục Sinh. Trong tiếng Latin, thuật ngữ vigilia nghĩa là “canh thức”, được sử dụng khi các tín hữu thức đêm để cầu nguyện và tỏ lòng sùng kính để tham gia vào đại lễ. Nghi thức Vọng Phục Sinh được cử hành vào đêm trước Lễ Phục Sinh.
Paschales Solemnitatis cho biết:
80. Ngay từ đầu, Giáo Hội đã cử hành Lễ Vượt Qua hằng năm, là lễ trọng của lễ trọng, trên hết là Đêm Vọng Phục Sinh.
Sự phục sinh của Đức Kitô là nền tảng đức tin và đức cậy, đồng thời qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, chúng ta được tháp nhập và Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, cùng chết, mai táng và sống lại với Ngài, rồi cùng Ngài thống trị. Ý nghĩa trọn vẹn của Đêm Vọng Phục Sinh là chờ đợi cuộc giáng lâm của Ngài.
VI. KHI NÀO CỬ HÀNH VỌNG PHỤC SINH?
Paschales Solemnitatis cho biết:
78. “Việc cử hành trọn vẹn nghi thức Vọng Phục Sinh vào ban đêm. Không nên bắt đầu trước khi màn đêm buông xuống, nên kết thúc trước bình minh Chúa Nhật”.
Luật này được áp dụng theo nghĩa nghiêm túc nhất. Đáng trách các cách lạm dụng và việc thực hành vi phạm quy luật này, tức là nghi thức Vọng Phục Sinh được cử hành vào ban ngày theo thói quen cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật.
Các lý do đã được đề xuất ở một số nơi về việc tham dự Đêm Vọng Phục Sinh, chẳng hạn vì trật tự công cộng, không được thúc đẩy liên quan Đêm Giáng Sinh, hoặc các dạng tụ họp đa dạng khác.
VII. ĐIỀU GÌ XẢY RA TRONG ĐÊM VỌNG PHỤC SINH?
Paschales Solemnitatis cho biết:
81. Quy luật về Đêm Vọng Phục Sinh được sắp xếp để sau nghi thức làm phép lửa và công bố Tin Mừng Phục Sinh (phần thứ nhất của Đêm Vọng Phục Sinh), Giáo Hội suy niệm về công trình kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm cho dân Ngài từ thời kỳ đầu (phần thứ hai hoặc Phụng Vụ Lời Chúa), tới khi tái sinh qua bí tích Rửa Tội (phần thứ ba), Giáo Hội được mời gọi tới bàn tiệc được Chúa chuẩn bị cho Giáo Hội của Ngài – tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Ngài – cho tới khi Ngài đến (phần thứ tư).
VIII. ĐIỀU GÌ XẢY RA TRONG NGHI THỨC LÀM PHÉP LỬA?
Paschales Solemnitatis cho biết:
82. …Nếu có thể, nên chuẩn bị một nơi phù hợp ở bên ngoài nhà thờ để làm phép lửa mới, chính lửa đó xua tan bóng tối và tỏa sáng trong đêm.
Nên chuẩn bị Nến Phục Sinh, biểu tượng hiệu quả của nến đó phải làm bằng sáp, đừng bao giờ dùng loại giả tạo, nên thay nến mới mỗi năm, và nến cần đủ lớn để có thể gợi lên sự thật về Đức Kitô là ánh sáng thế gian. Nến này được làm phép với các dấu và chữ đã quy định trong Sách Lễ Rôma hoặc theo Hội đồng Giám mục.
83. Nên rước Nến Phục Sinh vào nhà thờ. Như con cái dân Israel được hướng dẫn trong đêm bằng các cột lửa, các Kitô hữu cũng đi theo Đức Kitô Phục Sinh. Mọi người thưa “Tạ ơn Chúa” sau lời tôn vinh “Ánh Sáng Đức Kitô”.
Nên tắt hết đèn điện, và ánh sáng từ Nến Phục Sinh được truyền qua các nến của mọi người.
IX. ĐIỀU GÌ XẢY RA KHI CÔNG BỐ TIN MỪNG PHỤC SINH?
Paschales Solemnitatis cho biết:
84. Phó tế công bố Tin Mừng Phục Sinh, theo dạng thi ca, toàn bộ mầu nhiệm Phục Sinh được đặt trong bản văn về công cuộc cứu độ. Nếu cần, khi không có phó tế, mà linh mục không thể hát, một người khác có thể hát thay. Hội đồng Giám mục có thể thích nghi việc công bố này bằng cách xen kẽ phần đáp của cộng đồng.
X. ĐIỀU GÌ XẢY RA TRONG PHỤNG VỤ LỜI CHÚA?
Paschales Solemnitatis cho biết:
85. Các bài đọc hình thành phần thứ hai của Đêm Vọng Phục Sinh, cho biết những hành động nổi bật trong lịch sử cứu độ, mọi người có thể suy niệm bằng các bài hát Thánh Vịnh, thinh lặng một chút và chủ tế đọc lời nguyện.
Phụng Vụ Lời Chúa trong Đêm Vọng Phục Sinh có 7 bài đọc trích từ Cựu Ước (luật lệ và các ngôn sứ), được dùng theo truyền thống cổ xưa của Đông phương và Tây phương, cùng với 2 bài đọc trích từ Tân Ước (thư của Thánh Phaolô và Phúc Âm).
Như vậy, Giáo Hội giải thích Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, “bắt đầu với Môsê và các ngôn sứ”. Nếu có thể, nên đọc đủ các bài đọc để đặc tính của Đêm Vọng Phục Sinh được tôn trọng đúng mức.
Tuy nhiên, vì điều kiện mục vụ cần giảm bớt, có thể đọc ít nhất là 3 bài trích từ Cựu Ước, không được bỏ bài trích sách Xuất Hành với bài thánh ca trong đó.
87. Sau các bài đọc trích từ Cựu Ước thì hát Kinh Vinh Danh và rung chuông theo thói quen địa phương, rồi chuyển sang các bài trích từ Tân Ước.
Mọi người đứng dậy và cùng xướng – đáp “Alleluia” ba lần, mỗi lần cao giọng hơn. Nếu cần, một người có thể xướng “Alleluia” và mọi người cùng đáp sau các câu của Tv 117 [118], Thánh Vịnh này thường được các Tông Đồ sử dụng khi rao giảng trong dịp Lễ Phục Sinh.
Cuối cùng, Tin Mừng Chúa Phục Sinh được công bố qua Phúc Âm, đỉnh cao của phần Phụng Vụ Lời Chúa. Sau Phúc Âm, có thể giảng – dù rất ngắn gọn.
XI. ĐIỀU GÌ XẢY RA TRONG PHỤNG VỤ THÁNH TẨY?
Paschales Solemnitatis cho biết:
88. Phần thứ ba của Đêm Vọng Phục Sinh là Phụng Vụ Thánh Tẩy. Cuộc vượt qua của Đức Kitô và của chúng ta được cử hành lúc này.
Đây là cách diễn tả trọn vẹn ở các nhà thờ có Giếng Rửa Tội, nơi thường cử hành bí tích Thánh Tẩy cho người lớn, hoặc ít nhất là cho trẻ em. Nếu không có tân tòng, việc làm phép nước nên cử hành trong nhà thờ xứ. Nếu không làm phép nước tại Giếng Rửa Tội, mà làm ở cung thánh, nước đã làm phép nên để ở nơi phù hợp.
Nếu không có tân tòng hoặc không cần làm phép Giếng Rửa Tội, bí tích Thánh Tẩy nên được cử hành bằng việc làm phép nước – gọi là nước phép – để rảy trên mọi người.
89. Tiếp theo là lặp lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, chủ tế nên giới thiệu đôi lời.
Cộng đoàn đáp lại những câu hỏi, khi đó đứng và cầm nến sáng, được rẩy nước phép để nhắc nhớ về bí tích Thánh Tẩy mà mình đã lãnh nhận. Khi linh mục rảy nước phép, mọi người hát thánh ca “Vidi Aquam” – hoặc một bài hát phù hợp với đặc tính của bí tích Thánh Tẩy.
XII. ĐIỀU GÌ XẢY RA TRONG PHỤNG VỤ THÁNH THỂ?
Paschales Solemnitatis cho biết:
90. Việc cử hành Thánh Thể là phần thứ tư trong Đêm Vọng Phục Sinh và là đỉnh cao, vì đó là ý nghĩa trọn vẹn của Hy Lễ Phục Sinh, nghĩa là tưởng niệm Hy Tế Thập Giá và sự hiện hữu của Đức Kitô Phục Sinh, hoàn tất việc khai tâm Kitô giáo, và nếm trước Lễ Vượt Qua vĩnh hằng.
92. Việc rước lễ trong Đêm Vọng Phục Sinh diễn tả trọn vẹn về Thánh Thể, nghĩa là tiếp nhận Thánh Thể qua hình bánh và rượu.
JIMMY AKIN
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ NCRegister.com)