Làm thế nào để phát triển ơn gọi truyền giáo trong một giáo xứ là mối bận tâm đang được đặt ra cho công cuộc loan báo Tin Mừng hôm nay. Việc phát triển này nói lên vai trò đặc biệt quan trọng của mỗi giáo xứ có ảnh hưởng sâu rộng đối với sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội. Do đó, giáo xứ trở thành hạt nhân cơ bản giúp phát triển ơn gọi truyền giáo cách hiệu quả và bền vững.
Là thành viên của từng xứ họ nhất định, người Kitô hữu ngày càng ý thức thâm sâu hơn ơn gọi của mình nhờ việc khám phá và làm triển nở các giá trị Tin Mừng trong hoàn cảnh và môi trường sống đặc thù tại nơi mình đang sinh sống. Đây là yêu cầu cấp thiết đòi hỏi sự tâm huyết và khôn ngoan của các mục tử và cộng đồng tín hữu nói chung. Nhờ đó, tương quan Đức ái không chỉ biểu tỏ trong nội bộ từng giáo xứ nhất định mà còn hướng tới việc cố kết ngày càng khăng khít hơn với các cộng đồng lương dân trên cơ sở tôn trọng, đối thoại và hiệp nhất.
1. Giáo xứ, hạt nhân phát triển ơn gọi truyền giáo
Như đã đề cập, giáo xứ là hạt nhân cơ bản để phát triển ơn gọi truyền giáo. Mọi định hướng, chương trình cụ thể mang tính vĩ mô liên quan đến việc xúc tiến công cuộc truyền giáo nếu không được triển khai bước đầu từ mỗi giáo xứ thì e rằng khó có thể đạt được những kết quả khả quan. Do đó, giáo xứ trở thành địa bàn lý tưởng nhất để khơi dậy và phát triển ơn gọi truyền giáo vốn tiềm tàng và phong phú từ chính tâm hồn của mỗi Kitô hữu. Dù có những đặc thù, mỗi giáo xứ đều hội tụ những khả năng cần thiết nhằm thúc đẩy việc truyền giáo. Vấn đề là là làm sao để phát hiện và vận dụng những khả năng ấy. Trên thực tế, tại các giáo xứ ở Việt Nam nói chung, hướng phát triển này còn rất hạn chế do bị chi phối bởi những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Chúng ta có thể nhận ra một thực trạng, đó là, hoạt động truyền giáo tại các giáo xứ chưa thoát ra khỏi những đường hướng truyền thống kém hiệu quả, còn mang tính hình thức và khép kín, nặng về số lượng… Yếu tố con người chưa được đề cao, nhất là ơn gọi truyền giáo chưa được khơi dậy cách đúng mức.
Để phát triển ơn gọi truyền giáo trong một giáo xứ, linh mục quản xứ và cộng đoàn tín hữu cần hoạch định một kế hoạch toàn diện, trong đó việc phát triển nhân bản và làm sáng tỏ gương mặt đích thực của Đức Kitô là sứ vụ căn yếu nhất. Phải làm sao tạo cho môi trường giáo xứ thành một cộng đồng sinh động, mang đậm bản sắc liên đới vị tha là giá trị nền tảng của Tin Mừng.
2. Định hướng phát triển
2.1. Gây ý thức ơn gọi truyền giáo
Đây là điều cần làm trước hết của người mục tử khi đến nhận lãnh nhiệm sở. Bởi mọi định hướng liên quan đến hoạt động truyền giáo sẽ không đạt hiệu quả mong muốn nếu không gây được ý thức về ơn gọi truyền giáo. Do đó, cha sở phải biết cách tạo lập nơi người giáo dân tinh thần xả kỷ, sẵn sàng tận hiến cho hoạt động tông đồ.
Gây ý thức ơn gọi truyền giáo được được thực hiện qua việc tác động cách toàn diện sâu rộng trên mọi sinh hoạt tâm linh và đời sống xã hội thường nhật của của người giáo dân, phải làm sao đưa họ “trở lại với Đức Kitô, cởi bỏ hết mọi ý thức hệ, mọi quan niệm thần học hoài nghi, cả chính mình, mà theo Đức Kitô trong sứ mệnh của Ngài: “Không thể mời gọi người khác trở lại nếu chính chúng ta không trở lại mỗi ngày” (Sứ mệnh…, 47) (Felipe Gómez, SJ, Truyền giáo học 1, Antôn & Đuốc sáng, tr. 173). Những tác động này luôn được đặt dưới ánh sáng Lời Chúa với Đức ái Kitô giáo làm kim chỉ nam cho mọi ý tưởng hướng tới sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Việc gây ý thức về ơn gọi truyền giáo là một tiến trình đầy khó khăn nhưng đó là bước chuẩn bị có tính quyết định đối với một giáo xứ trong sứ vụ truyền giáo nói chung.
2.2. Phát triển đội ngũ truyền giáo
Một khi đã gây được ý thức truyền giáo, hay nói cách khác đã tạo lập được “tinh thần truyền giáo” mạnh mẽ, giáo xứ sẽ gặp được lợi thế cho bước tiếp theo là phát triển đội ngũ truyền giáo. Có thể nói, ơn gọi truyền giáo tại mỗi giáo xứ có biểu hiện sinh động và bừng phát mạnh mẽ hay không cần phải kể đến đội ngũ truyền giáo tại giáo xứ ấy phát triển tới mức độ nào. Do đó, việc xây dựng đội ngũ truyền giáo là yêu cầu cấp thiết giúp cho hoạt động truyền giáo trong giáo xứ được phát triển có hệ thống trên nền tảng liên đới.
Đội ngũ truyền giáo được quy tụ trên cơ sở lòng tự nguyện của người giáo dân, làm sao cho họ ý thức được trách vụ cao cả khi quên mình dấn thân xây dựng giáo xứ thành cộng đoàn truyền giáo năng động.
Cha xứ là người tiên phong trong đội ngũ truyền giáo của giáo xứ. Ngài là người chủ động hoạch định mọi chương trình liên quan đến việc phát triển ơn gọi truyền giáo trong giáo xứ, đồng thời nỗ lực tạo điều kiện cho hoạt động truyền giáo tại nhiệm sở của mình đạt hiệu quả nhất.
Hội đồng mục vụ, các ban – ngành, đoàn thể là những nòng cốt của đội ngũ truyền giáo trong một giáo xứ. Do đó, các đối tượng này được xây dựng, phát triển song song cả về lượng và chất. Về lượng: phải làm sao cho số thành viên tự nguyện tham gia các ban, ngành, hội đoàn ngày càng đông đảo, đủ mọi lửa tuổi, trình độ học vấn… Về chất: thành viên tham gia đội ngũ truyền giáo chính thức của giáo xứ phải là các đối tượng giàu nhiệt huyết tông đồ, biết dấn thân cho lợi ích chung của cộng đoàn giáo xứ và mọi người. Do đó, việc đào luyện “tinh thần truyền giáo” cho đội ngũ truyền giáo là mục tiêu quan trọng xuyên suốt hoạt động truyền giáo.
Cha xứ thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện về kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ truyền giáo của giáo xứ đã được thiết lập. Các lớp học này do chính cha xứ trực tiếp hướng dẫn hoặc do các chuyên gia có chuyên môn, kinh nghiệm về hoạt động đoàn thể Công giáo được mời đến chia sẻ.
Giáo xứ cần đầu tư và tạo những điều kiện cần thiết cho các hội đoàn có linh đạo truyền giáo dễ thích nghi với môi trường truyền giáo của giáo xứ như: Hội Têrêxa, Gia đình Khôi Bình, Gia đình Thánh Tâm, Hội Lêgiô…
Cha xứ thường xuyên tổ chức tĩnh tâm định kỳ cho các ban, ngành, đoàn thể vào các dịp quan trọng có liên quan đến những sự kiện truyền giáo của Giáo Hội: Ngày Quốc tế Truyền giáo, Ngày Quốc tế Bệnh nhân…Chủ đề tĩnh tâm cần tập trung nhắm tới ơn gọi truyền giáo, khích lệ và kêu mời các thành viên trong đội ngũ truyền giáo nòng cốt của giáo xứ hãy dấn thân bằng cả tâm huyết cho việc loan báo Tin Mừng. Cha xứ cần tận dụng các kỳ tĩnh tâm cho các hội đoàn để hâm nóng tinh thần truyền giáo, bầu khí liên đới trong hoạt động truyền giáo giữa các thành viên này, thúc đẩy và nâng đỡ họ vượt qua mọi khó khăn khi phải đối diện với lợi ích riêng tư của gia đình và của cộng đoàn.
Trong tương quan ơn gọi truyền giáo nói chung, cha xứ không ngừng nỗ lực kêu gọi, khích lệ về tinh thần, vật chất để nâng đỡ ơn gọi truyền giáo, đặc biệt là ơn gọi linh mục, tu sỹ nơi những người trẻ trong giáo xứ – Đây là những hạt mầm Đức tin sẽ triển nở và giúp cho mảnh đất truyền giáo tại mỗi giáo xứ ngày càng màu mỡ, phong phú và dồi dào hơn. Không chỉ trên tòa giảng, cha xứ nên thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ thân tình với các bạn trẻ trong giáo xứ về ơn gọi và thao thức loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Qua những buổi gặp gỡ này, cha xứ sẽ là người đồng hành cùng các em trong việc tháo gỡ những khúc mắc, khó khăn và tạo điều kiện cho các em được phát triển lý tưởng cao đẹp nơi mình, là trở thành tông đồ mẫu mực của Chúa Kitô, hết lòng phục vụ những người nghèo khổ nhất.
2.3. Phát triển ơn gọi truyền giáo trong giáo xứ qua đời sống thực tiễn
Để phát triển ơn gọi truyền giáo trong giáo xứ, ngoài các yếu tố đã nêu trên thì việc sống “tinh thần truyền giáo” qua đời sống thực tiễn là yêu cầu quan trọng nhất nhằm đem lại hiệu quả tích cực cho hoạt động truyền giáo của mỗi giáo xứ.
2.3.1 Chứng nhân sống niềm tin
Phát triển ơn gọi truyền giáo ở khía cạnh này được bắt đầu từ mỗi cá nhân và gia đình trong giáo xứ. Cha xứ, Hội đồng mục vụ giáo xứ, đội ngũ giáo lý viên tích cực chăm lo nuôi dưỡng đời sống Đức tin của của người giáo dân và định hướng cho họ sống tốt vai trò tông đồ qua những hoạt động thực tiễn thường ngày.
Kêu mời và tạo điều kiện cho mọi gia đình trong giáo xứ trở thành điểm sáng như những “Gia đình Nazareth nhỏ” biết tận tâm phục vụ lợi ích những người xung quanh. Quy tụ các bậc làm cha mẹ vào các hội đoàn của giáo xứ như Hội Giuse, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo…Thông qua các Hội này, cha xứ thường xuyên tiếp xúc, chia sẻ và thúc đẩy các hội viên hãy trở nên những mẫu mực tuyệt hảo cho con cái trong việc sống ơn gọi truyền giáo. Chính các bậc cha mẹ là những tông đồ giáo dân đắc lực khi tham gia các hoạt động truyền giáo của giáo xứ. Cha xứ cũng thường xuyên chia sẻ và gợi mở cho những người làm cha mẹ những đường hướng tâm linh giúp họ trở nên điển chứng Tin Mừng giữa “chợ đời”.
Các ban – ngành, đoàn thể của giáo xứ là những trung gian giữa cha xứ và các gia đình. Trong trường hợp gia đình nào xẩy ra bất hòa bất thuận nội bộ hay với những người lương dân thì cha xứ và các đại diện của các đoàn thể sẽ trực tiếp giải hòa và nối lại dây liên đới giữa các bên liên quan.
Thông qua các lớp giáo lý thuộc Khối Vào Đời và Tiền Hôn Nhân, cha xứ và các giáo lý viên cần gợi mở và tạo cho các học viên ý thức được vai trò chứng nhân của “phía” Công giáo khi được mời gọi “nên duyên” cùng người bạn đời không chung niềm tin với mình.
2.3.2 Chủ động đối thoại
Cha xứ và cộng đoàn giáo xứ chủ động trong việc đối thoại với bà con lương dân và những người theo các tôn giáo khác cùng sinh sống ngay trên địa bàn giáo xứ cũng như các cộng đồng phụ cận. Tinh thần truyền giáo chỉ có thể lan tỏa khi mỗi thành viên trong giáo xứ biết cởi mở, tôn trọng những khác biệt đối với anh chị em không cùng niềm tin với mình. Do đó, để có thể phát triển ơn gọi truyền giáo, cha xứ và Hội đồng mục vụ giáo xứ cần định ra những hình thức đối thoại nhằm củng cố và siết chặt tình liên đới giữa cộng đoàn của mình với các cộng đồng xung quanh.
Tôn trọng những khác biệt: cha xứ thường xuyên nhắc nhở bà con giáo dân không nên có thái độ thành kiến trước những dị biệt trong văn hóa ứng xử của bà con lương dân xung quanh, nhưng thấy được giá trị nhân văn ẩn tàng trong lối sống, cách sống của họ. Tuyệt đối tránh những cuộc cãi cọ, tranh luận vô bổ về quan điểm tín ngưỡng, tôn giáo hay hệ tư tưởng giữa những người có đạo với những người lương dân.
2.3.4 Nhịp cầu tâm giao
Những định hướng trên chỉ có thể trở thành hiện thực khi cộng đoàn giáo xứ biết chủ động bắc những “nhịp cầu tâm giao”. Nhịp cầu này được khởi phát từ con tim đã thấm nhuần Đức ái Kitô giáo, biết chia sẻ yêu thương với hết mọi người.
Để nhịp cầu tâm giao được thông suốt, mọi thành viên trong xứ cần xóa bỏ mọi dị nghị, ác cảm với anh chị em lương dân xung quanh. Cha xứ và những người hữu trách của giáo xứ là những người đi bước trước để khai thông những bế tắc làm cản trở tình thân hữu giáo lương.
Về giao thông: phối hợp làm những trục lộ chung giữa hai làng giáo – lương nhằm tạo thuận lợi cho việc giao lưu gặp gỡ được dễ dàng, thuận tiện.
Về giải trí: giáo xứ nên tổ chức các sân chơi chung: sân bóng chuyền, bóng đá…, và tạo điều kiện đón tiếp bà con, nhất là các bạn trẻ từ các làng lương lân cận đến cùng giao hữu thường xuyên tại các sân chơi này. Tùy điều kiện cho phép, các sân chơi có thể đặt tại một địa điểm nhất định trên địa bàn giáo xứ, tốt nhất là gần nhà thờ xứ.
Về giáo dục: giáo xứ mở các lớp học phụ đạo về văn hóa tại trường giáo lý của giáo xứ và cho các em học sinh lương dân đến tham dự các lớp học này. Các em không chỉ được nâng cao về trình độ văn hóa mà còn có cơ hội tiếp xúc để hiểu biết nhau hơn.
Vào các dịp đại lễ như Noel, Tết Nguyên đán…, các gia đình, nhất là các bạn trẻ trong giáo xứ tổ chức mời các gia đình nhất là các bạn trẻ lương dân đến tham dự các chương trình canh thức, họp mặt đầu xuân và dự tiệc vui thân mật. Nếu được, giáo xứ nên cho phép bạn bè lương dân được tham gia các tiết mục hoạt cảnh, ca hát giàu tính nhân văn và chia sẻ những cảm nghiệm riêng tư liên quan đến đời sống tâm linh và triết lý nhân sinh.
Để nhịp cầu tâm giao ngày càng bền vững hơn, giáo xứ cần tổ chức các nhóm tình nguyện viên, các đội cứu trợ của giáo xứ thường xuyên tham gia các hoạt động thăm hỏi, cứu trợ các gia đình, cá nhân tại các làng lương bị đau nặng, gặp tai ương, hoạn nạn.
2.3.5 Hoạt động từ thiện – bác ái
Để phát triển ơn gọi truyền giáo trong giáo xứ, việc xúc tiến và đẩy mạnh hoạt động từ thiện – bác ái được coi là đòi hỏi đặc biệt cần thiết cho hành vi “sống đức tin” trong sứ vụ truyền giáo. Do vậy, giáo xứ cần phải đặt hoạt động từ thiện – bác ái làm tiêu chí hàng đầu cho thành công của hoạt động truyền giáo.
Muốn hoạt động từ thiện bác ái thành công, giáo xứ cần có chương trình đào luyện “tinh thần truyền giáo” cho đội ngũ truyền giáo như đã nêu trên. Đội ngũ này không chỉ năng động trong công tác mà luôn chứng tỏ được phẩm tính của người môn đệ Chúa Kitô, biết quên mình vì hạnh phúc của người khác.
Thành lập Quỹ bác ái: kêu gọi mọi người trong giáo xứ hãy bỏ những “đồng xu bà góa nghèo” vào quỹ bác ái của giáo xứ với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Quỹ này do Ban Bác Ái – Caritas nắm giữ.
Kêu gọi các gia đình khá giả, các nhà hảo tâm trong giáo xứ nâng đỡ cách đặc biệt cho những gia đình, cá nhân đang lâm vào hoàn cảnh quá bi đát do nghèo túng, bệnh tật.
Hoạt động từ thiện – bác ái được mở rộng đến các đối tượng không phân biệt lương giáo: các gia đình nghèo, người đau ốm, neo đơn, học sinh nghèo vượt khó…
Các ban – ngành, đoàn thể của giáo xứ, đặc biệt là Ban Bác Ái lập danh sách cụ thể các đối tượng giáo dân cũng như lương dân cần được quan tâm thăm hỏi, chăm sóc, cưu mang trong điều kiện có thể. Đối với những người già yếu neo đơn, giáo xứ nên cắt cử hoặc mời gọi những người thiện nguyện trong cộng đoàn đến chăm sóc, lo lắng thuốc men và các nhu cầu cần thiết khác cho họ. Giáo xứ có thể xây sẵn vài ba căn hộ nhỏ trên vùng đất thuộc giáo xứ và ưu tiên mời những người neo đơn không có nhà cửa đến ở tại căn hộ này. Đối với những trường hợp gặp rủi ro, hoạn nạn, mất mát về tinh thần, các ban ngành, đoàn thể của giáo xứ đến động viên, khích lệ và nâng đỡ họ bằng tinh thần hay vật chất, giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Khi có người trong giáo xứ hay bà con lương dân sống trên địa bàn giáo xứ và những vùng phụ cận qua đời, cha xứ và các ban ngành đoàn thể kịp thời đến phân ưu, cầu nguyện, giúp đỡ tang quyến.
Công tác từ thiện – bác ái của giáo xứ không đơn thuần chú trọng việc trao ban vật chất, mà còn hơn thế nữa, các thành viên trong giáo xứ khi tham gia hoạt động này được hướng tới việc biểu tỏ gương mặt đích thực của Đức Kitô biết “chạnh lòng thương” những ai bé mọn, yếu đuối, bần cùng.
2.3.6 Cùng tham gia hoạt động công ích và phát triển nhân bản
Cha xứ và các ban ngành đoàn thể phát động, cổ vũ bà con giáo dân cùng với anh chị em lương dân tham gia các hoạt động công ích: bảo vệ môi trường, bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng các công trình phúc lợi chung nhằm phục vụ đồng thời cho cả bà con giáo dân và lương dân đang sinh sống trên địa bàn giáo xứ. Chúa nhật hàng tuần, cha xứ kêu gọi các em trong Hội Têrêxa, Hội Thiếu Nhi Thánh Thể cùng với các bạn trẻ lương dân tham gia thu gom rác thải và làm vệ sinh các trục đường công cộng…
Trên tinh thần cùng nhau xây dựng, phát triển, mọi thành viên trong giáo xứ có trách nhiệm liên đới với cộng đồng lương dân và những những người theo tôn giáo khác trong những vấn đề có liên quan đến phẩm giá và quyền lợi chính đáng của con người.
Giáo xứ kêu mời và phát động các bạn trẻ trong giáo xứ tham gia các nhóm bảo vệ sự sống của giáo xứ, giáo phận hay liên giáo phận. Cha xứ thường xuyên tổ chức các cuộc nói chuyện với các bạn trẻ về tác hại của phá thai theo nhãn quan luân lý; khích lệ và tạo điều kiện cho họ trở nên chứng nhân đắc lực bảo vệ sự sống, bảo vệ các quyền căn bản của con người.
Kết luận
Phát triển ơn gọi truyền giáo trong giáo xứ là yêu cầu cấp thiết cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Vấn đề này đòi hỏi sự nỗ lực và dấn thân cao độ của mọi thành phần dân Chúa tại mỗi giáo xứ nhất định. “Tinh thần truyền giáo” không chỉ biểu tỏ và giới hạn trong các nhóm, các hoạt động mang tính hình thức nhỏ lẻ. Trên hết, ơn gọi truyền giáo là một hồng ân và được khởi đi từ chính con tim tràn đầy yêu thương của Đức Kitô. Do vậy, để giáo xứ thực sự trở thành điểm sáng của đời sống chứng nhân Tin Mừng, các tín hữu được mời gọi bước theo Đức Kitô trên hành trình thứ tha, chia sẻ, nhất là biết chấp nhận những thiệt thòi, để qua đó, mọi người nhận ra cộng đoàn Đức tin sinh động đang hiện tỏ giữa lòng thế giới hôm nay.
Tháng 06/2011
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn