Hôm 27-5-2020, có một tin thu hút nhiều chú ý đối với những người quan tâm theo dõi phong trào đại kết Kitô và những cộng đoàn mới trong Giáo Hội, đó là quyết định của Tòa Thánh, cụ thể là của chính ĐTC, buộc Thầy Enzo Bianchi, 77 tuổi, vị sáng lập cộng đoàn đại kết Bose và 3 thành viên thân tín phải rời cộng đoàn này và ngưng mọi chức vụ.
Quyết định được đề ra trong sắc lệnh được ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ký ngày 13-5-2020 với sự phê chuẩn đặc biệt của ĐTC, nghĩa là không thể khiếu nại lên thẩm quyền nào khác trong Giáo Hội, và công bố ngày 27-5 vừa qua. Tin này có thể gây ngỡ ngàng cho dư luận, nhưng không gây ngạc nhiên lắm đối với những người am tường vấn đề.
Thầy Enzo Bianchi và cộng đoàn Bose
Thầy Enzo Bianchi không phải là một giáo sĩ, sinh năm 1943 tại tỉnh Asti. Năm 11 tuổi, cậu Enzo vào tiểu chủng viện, nhưng chỉ ở lại 5 ngày rồi về. Thầy tốt nghiệp ngành kế toán, sau đó theo học kinh tế tại Đại học Torino, bắc Italia.
Ngày 8-12 năm 1965, ngày bế mạc Công đồng chung Vatican 2, Enzo Bianchi, lúc ấy mới được 23 tuổi, quyết định đến sống 1 mình trong căn nhà thuê gần các nông trại ở Bose, một thôn hẻo lánh bị bỏ hoang thuộc làng Magnano, trong khu rừng núi Serra di Ivrea tỉnh Biella. 3 năm sau đó, có những người khác đến xin gia nhập cộng đoàn với thầy Enzo, trong đó cũng có một phụ nữ và một mục sư Tin lành.
Được giáo quyền phê chuẩn
Ngày 17-11 năm 1967, Đức Cha Carlo Rossi, GM giáo phận Biella sở tại cấm sự hiện diện của những người không Công Giáo không được trở nên thành viên cộng đoàn, vì có những buổi lễ chung, nhưng ĐHY Michele Pellegrino, TGM Torino, can thiệp và lệnh cấm đó được hủy bỏ vào năm sau. Và 6 năm sau, chính ĐHY phê chuẩn tu luật của cộng đoàn ngày 22-4 năm 1973 nhân dịp ngài đến chủ lễ tuyên khấn của 7 đan sĩ đầu tiên.
Đời sống cộng đoàn Bose
Trong cộng đoàn, mỗi đan sĩ nam nữ được mời gọi thức dậy lúc 4 giờ rưỡi sáng và dành ít là 1 giờ để đọc và nguyện gẫm Lời Chúa (lectio divina) về một bản văn Kinh Thánh được cộng đồng quyết định chung để nhấn mạnh việc lắng nghe Lời Chúa là nguồn mạch thực sự duy nhất của tình hiệp thông. 6 giờ bắt đầu kinh chung đầu tiên. Từ 6.45 đềm 7 giờ là công hội ngắn hằng ngày, và cũng là dịp sửa lỗi huynh đệ. Từ 7 đến 8 giờ có 1 giờ thinh lặng cầu nguyện đọc sách thiêng liêng.
Từ 8 đến 12 giờ làm việc chuyên môn. 12.30 kinh nguyện chung trong ngày. Ăn trưa trong thinh lặng. 14 giờ lại làm việc đến 5 giờ chiều, rồi 1 giờ ở trong phòng, đọc sách, cầu nguyện. 6 giờ rưỡi chiều, kinh chung. Sau đó là bữa ăn tối, được đối thoại, trao đổi với nhau. 8 giờ tối thinh lặng hoàn toàn.]
Hiện nay cộng đoàn có khoảng 80 thành viên, gồm Công Giáo và các hệ phái Kitô khác: Chính Thống và Tin Lành, nam cũng như nữ thuộc 5 quốc tịch. Trong số các thành viên có 5 LM và 1 mục sư. Cộng đoàn đại kết Bose có các huynh đoàn tại Jerusalem và 4 nơi khác ở Italia.
Xét về phương diện giáo luật, cộng đoàn đại kết Bose không thuộc Bộ các dòng tu, vì trong đó có cả nam nữ và các thành viên thuộc các Giáo Hội Kitô khác, nhưng là một Hiệp Hội giáo dân tư nhân được Giáo Hội phê chuẩn. Và với tư cách đó Tòa Thánh có thể can thiệp.
Các đan sĩ nam nữ ở Bose sống đời sống cộng đoàn theo giáo huấn của các thánh tu hành như thánh Pacomio, Basilio, Biển Đức, cầu nguyện và lao tác, sống bằng công việc của mình. Sứ mạng duy nhất của cộng đoàn là sống theo giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô.
Cộng đoàn canh tác, chế tạo các đồ thủ công, có xưởng mộc, nhà in và nhà xuất bản Qiquajon, nghiên cứu Kinh Thánh và giảng thuyết huấn giáo. Hơn 800 sách được xuất bản, được chia thành 15 bộ, kể cả về giáo phụ, kinh thánh, thần học, phụng vụ, các tác phẩm truyền thống Do thái giáo và linh đạo Chính Thống giáo.
Ngoài ra cộng đoàn đón tiếp các tín hữu hành hương và có 1 nhà nguyện đại kết.
Năm 2016, Cộng đoàn được giải thưởng Heufelder vì những dấn thân giúp các Giáo Hội Đông và Tây phương xích lại gần nhau.
ĐTC Phanxicô ca ngợi cộng đoàn Bose
Ngày 11-11 năm 2018, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập cộng đoàn Bose, ĐTC Phanxicô đã gửi thư cho thầy Enzo Bianchi để chúc mừng và ngài đánh giá cao sứ vụ đón tiếp, hiếu khách của cộng đoàn, không phân biện họ là tín hữu hay người không tin. ĐTC khích lệ cộng đoan Đan viện ngày càng trở thành những chứng nhân tình thương theo Tin Mừng giữa các thành viên, sống tình hiệp thông huynh đệ đích thực.
Hai cuộc thanh tra tông tòa
Thầy Enzo Bianchi cai quản cộng đoàn hơn 50 năm trời, nhưng cách thức hành xử quyền bính của thầy với thời gian đã gây vấn đề: có những người không đồng ý với thầy về vấn đề này, nên năm 2014, chính thầy đã xin Tòa Thánh cử hai vị do thày chọn đến thanh tra, đó là Cha Michel Van Parys và nữ tu Anne-Emmanuelle Devêche. Sau 5 tháng điều tra, hai vị khuyến khích thầy Enzo Bianchi tiếp tục nhiệm vụ bề trên cộng đoàn thêm 2 năm nữa, nhưng cũng nhấn mạnh rằng ”Việc thực thi các quyền bính khác nhau trong cộng đoàn đừng có tính cách độc đoán, nhưng minh bạch và có tính cách công nghị”.
Cuối năm 2016, thầy Enzo tuyên số sẽ từ nhiệm Bề trên vào ngày 25-1 năm sau đó 2017. Sau đó đến thầy Luciano Manicardi, năm nay 63 tuổi (1957) Phó Bề trên, đảm nhận nhiệm vụ Bề trên cộng đoàn. Tuy từ chức nhưng thầy Enzo Bianchi tiếp tục sống trong chiếc am của thầy và cầu nguyện với cộng đoàn, tuy rằng trong thời gian gần đây người ta ít thấy thầy hiện diện.
Cuộc thanh tra thứ hai
Gần đây, có nhiều than phiền và căng thẳng trong cộng đoàn đại kết Bose nhất là về sự xen mình của thầy Enzo Bianchi vào các hoạt động của thầy Bề trên Manicardi và ban lãnh đạo mới, nên ngày 6-12 năm 2019, ĐTC đã quyết định cử 3 vị đến thanh tra Đan viện Bose trong hai tháng, đó là Cha Arboleda Tamayo, người Tây Ban Nha, Viện Phụ Chủ tịch chi dòng Biển Đức Sublacense-Cassino, Cha Amedeo Cencini, dòng Nam Tử Bác ái thánh Canossa, quen gọi là dòng Canossiano (F.d.CC), Cố vấn của Bộ các dòng tu, và Mẹ Anne Emmanuelle Devêche, Viện Mẫu Đan viện Blauvac dòng Trappiste, người đã tham dự cuộc thanh tra năm 2014. 3 vị xác nhận có những vấn đề trầm trọng về cách hành xử quyền bính của vị sáng lập Enzo Bianchi và toàn bộ hồ sơ điều tra được gửi về Tòa Thánh. Và sau nhiều suy nghĩ cầu nguyện, Tòa Thánh đi đến kết luận truyền thầy Enzo Bianchi và 3 cộng sự viên thân tín phải ra khỏi cộng đoàn Bose. Tòa Thánh cũng bổ nhiệm Cha Amedeo Cencini, 72 tuổi, làm Đặc Ủy toàn quyền của Tòa Thánh về Đan Viện Bose. Cha được sự phụ giúp của Đức TGM José Rodriguez Carballo, Tổng thư ký Bộ các dòng tu và Đức Cha Marto Arnolfo, TGM giáo phận Vercelli, bắc Italia.
Kín đáo
Thông cáo của Tòa Thánh cho biết ”thông tin trên đây được diễn ra trong sự tôn trọng tối đa quyền được kín đáo của những người liên hệ, nhưng vài đối tượng ấy, khi được thông báo không đón nhận quyết định và sự từ khước ấy tạo thêm một tình trạng hỗn độn và khó khăn thêm”.
Thanh minh của Thầy Enzo Bianchi
Sau khi thông cáo của Tòa Thánh được công bố, thầy Enzo Bianchi công bố thông cáo biện minh và phản đối những lời trách cứ và quyết định của Tòa Thánh. Thầy viết:
”Tôi, tu sĩ Enzo Bianchi, người sáng lập, nữ tu Antonella Cariraghi, nguyên Tổng phụ trách, thầy Lino Breda, Tổng thư ký cộng đoàn, và thầy Goffredo Boselli, đặc trách phụng vụ, chúng tôi được mời tạm thời rời bỏ cộng đoàn và đi sống nơi khác”
”Chúng tôi đã yêu cầu người trao sắc lệnh cho biết những bằng chứng về những thiếu sót của chúng tôi, để có thể tự vệ chống lại những lời cáo gian, nhưng không được đáp ứng”
”Hai năm qua, trong đó tôi đã cố tình vắng mặt nhiều trong cộng đoàn, nhất là sống trong chiếc am của tôi, tôi đã đau khổ vì không thể góp phần hợp pháp như người sáng lập. Trong tư cách là người sáng lập, cách đây hơn 3 năm, tôi đã tự nguyện từ chức Bề trên, nhưng tôi hiểu rằng sự hiện diện của tôi có thể là một vấn đề. Dầu vậy không bao giờ tôi phản đối bằng lời nói hoặc bằng việc làm quyền bính hợp pháp của bề trên Luciano Manicardi, một cộng tác viên thân tín của tôi trong hơn 20 năm trời, với tư cách là giáo tập và phó bề trên cộng đoàn, thầy đã chia sẻ với tôi, trong sự hiệp thông hoàn toàn, về những quyết định và trách nhiệm”..
Câu hỏi lớn bây giờ là: cộng đoàn đại kết Bose sẽ ra sao? Người ta hy vọng Cha Cencini và 2 vị TGM trợ giúp sẽ giúp bảo tồn được đoàn sủng và ơn gọi đặc biệt của cộng đoàn này mà không có sự hiện diện ”cồng kềnh” của người sáng lập.
G. Trần Đức Anh OP