HƯƠNG TÌNH THẬP GIÁ
Tác giả: Nt. Anna Hiền Linh – MTGQN
WGPQN (11.9.2021) – Nếu như chúng ta nhìn thấy những chồi non lấm tấm trên cây cùng với tiết trời nhè nhẹ, dịu dàng thì ta biết mùa Xuân đã về. Nhìn màu đỏ của những cành phượng vĩ trước sân trường gợi lên trong ta một ký ức của thời học sinh với mùa Hè rực nóng đang đến. Nhìn những làn gió nhè nhẹ bay về cùng với sắc trời trong xanh mát mẻ ta nhận ra rằng trời Thu bên cạnh. Hôm nay nhìn lên cây thập giá, trong tôi bỗng thấp thoáng tình yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh. Nơi đây đang dẫn lối tôi về, để thêm một lần cảm nhận được một tình yêu với đủ loại sắc hương của cuộc sống.
Có quá chủ quan không, khi có người nghĩ rằng, thập giá chỉ có và dành riêng cho những người thánh hiến, cách riêng là người nữ tu Mến Thánh Giá? Thật ra, thập giá xuất hiện mọi nơi, mọi lúc, và dành cho tất cả mọi người. Trong cuộc sống thường ngày, mỗi người đều được Chúa trao cho một công việc và nhiệm vụ; và chúng ta phải hoàn thành công việc đó theo khả năng của mình. Và thế là phải chấp nhận mọi rủi ro, thành công cũng như thất bại, niềm vui cũng như nỗi buồn … ; thập giá đời mình phát sinh từ đó.
Thập giá, trong ý nghĩa thông thường, đã có từ lâu trong xã hội phương Tây, là một hình phạt đáng sợ, ghê tởm, một sự thất bại hoàn toàn. Vì thế, thập giá luôn gợi lên một trải nghiệm, một cảm giác đau đớn, ê chề, thất vọng…; và thường dẫn lối đưa đường đến thái độ chán nản, chào thua, thất vọng…
Nhưng, kể từ “buổi chiều thứ Sáu trên Đồi Sọ” cách đây hai ngàn năm, dưới nhãn quan đức tin của những người thuộc về “Đấng bị treo lên”, thì thập giá là đỉnh cao của tình yêu mà Thiên Chúa dùng để cứu chuộc loài người tội lỗi chúng ta. Vì từ nơi thập giá, Thiên Chúa đã nối kết chúng ta lại trong ân nghĩa với Thiên Chúa, nhờ tình yêu, chúng ta được trở lại làm con Chúa: “Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).
Sau khi ông bà Nguyên Tổ phạm tội, toàn thể nhân loại đã đánh mất tình nghĩa với Thiên Chúa; nhưng nhờ “công trình cứu độ qua thập giá của Đức Kitô” đã đưa chúng ta trở lại tình trạng nguyên vẹn sau khi đã hư mất: “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người” (Ep 1,7). Nhờ thập giá mà tình Chúa và tình người được giao hòa với nhau. Từ nơi thập giá ấy, Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót vô biên của Ngài đối với loài người tội lỗi, bất trung. Từ nơi thập giá ấy, Chúa Giêsu đã dùng chính tình yêu của mình để chiến thắng tội lỗi, dùng sự tha thứ bao dung để chiến thắng hận thù chia rẽ; để từ đó “nối kết đất với trời” và “người với người” để xây dựng một mối giây hiệp thông hoàn hảo như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cắt nghĩa trong thông điệp Thiên Chúa Đấng giàu lòng thương xót (Dives in Misericordia): “Thập giá Đức Kitô ở Núi Sọ được dựng lên trên con đường của admirabile commercium, của tương giao (việc giao tiếp) đáng thán phục của Thiên Chúa với con người và đồng thời kêu gọi con người tham dự vào sự sống thần linh, bằng cách tự hiến mình cho Ngài và dâng hiến vũ trụ cùng với mình; tham dự với tư cách nghĩa tử vào chân lý và tình thương ở nơi Thiên Chúa và xuất phát từ Thiên Chúa.” (Số 7).
Thập giá là tiếng nói mạnh mẽ, là bằng chứng hùng hồn nhất, là bài ca tuyệt vời nhất dành cho nhân loại. Cái chết của Chúa Giêsu nói lên rằng: “Tình yêu mạnh hơn sự chết”; và tình yêu ấy, một khi được con người tin nhận và đem vào cuộc sống, sẽ là sức mạnh để tiêu diệt bất công, hận thù, chia rẽ và đem lại sự sống bất tận cho con người. Chúa Giêsu đã chấp nhận cái chết trên thập giá, đó là quà tặng vô giá của tình yêu, vì “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu” (Ga 15,13). Ta có thể mạnh mẽ nói lên rằng: Thập giá là “bài ca tuyệt mỹ”, là “quà tặng tuyệt hảo” của tình yêu mà chỉ duy nơi Thiên Chúa mới có được. Bài ca đó, phải chăng, đã vang vọng lên trong tâm hồn chúng ta mỗi ngày qua những lo lắng, sợ hãi, khổ đau, bệnh tật, nghèo túng, cơm áo gạo tiền, hận thù, chia rẽ, chiến tranh, bạo lực, dịch bệnh … cùng bao nhiêu “thánh giá” khác, những thực tại khiến cho nhiều người phải vật lộn từng ngày và đã lắm phen lâm vào cảnh bế tắc, khốn cùng…
Là nữ tu Mến Thánh Giá, khi ta chiêm ngắm Đức Kitô trên thập giá, phải chăng chính là lúc ta được gọi mời để sống, để cảm nghiệm và nhận ra tình yêu của Thiên Chúa ngay trong lúc khốn cùng nhất; và chỉ có nơi tình yêu trên thập giá, mới giúp ta sống và vượt qua được những khó khăn trong đời sống thánh hiến; chỉ có tình yêu trên thập giá mới có thể lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn ta. Lắm lúc trong sứ vụ cũng như trong đời sống cộng đoàn, ta cảm thấy chán nản, thất vọng, trống vắng, hụt hẫng… vì đời tu không như ta tưởng; và không ít lần, ta cũng muốn đi tìm đâu đó một “bờ vai đỡ nâng” hay một chút ủi an trần tục… để lấy lại quân bình sau những bước chân khập khiễng và mệt nhoài. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có thập giá mới là nguồn trợ lực, là sức mạnh giúp ta vững bước trên hành trình phục vụ. Đức Hồng Y Tagle đã chia sẻ: “Nếu chúng ta không có tình yêu, chúng ta không thể sống cách trọn vẹn được, bởi vì sự năng động của cuộc sống chính là tình yêu. Đức Giêsu đã yêu, đã chết cho nhân lại được sống và sống lại để cho chúng ta được sống trọn vẹn”. Chỉ khi nào chúng ta ngụp lặn trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể hiến dâng thân mình cách trọn vẹn. Chính vì thế mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định:“Khi chúng ta bước đi mà không có thánh giá, khi chúng ta xây dựng cuộc sống này mà không có thánh giá, khi chúng ta rao giảng Tin Mừng mà thiếu vắng thánh giá, chúng ta không phải là môn đệ đích thật của Chúa Giêsu. Nếu thiếu vắng thánh giá trong cuộc đời, chúng ta chỉ đơn thuần là những Kitô hữu, chúng ta không phải là môn đệ của Đức Giêsu”[1]
Chúa Giêsu trên thập giá đang nhìn ta với ánh nhìn yêu thương. Trong thinh lặng của cõi lòng, ta sẽ nhận ra rằng, thập giá không hoàn toàn “tiêu cực” như ta tưởng: là khổ đau, là thất bại, là ghê tởm, là gánh nặng… nhưng là hạnh phúc đích thực; vì chỉ ở nơi thập giá ta mới nhận ra tình yêu thương thực sự; và là nơi dạy ta bài học của tình bác ái, tha thứ, bao dung… Thập giá cho ta cái nhìn mới về sự đau khổ, về giá trị của sự hy sinh tha thứ, về các mối tương quan trong đời sống chung. Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, sẽ giúp ta hiểu thấu được nỗi đau, nỗi mất mát của anh chị em đồng loại. Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, tôi hiểu được giá trị cao quý của đời sống cộng đoàn, để từ đó trở thành chứng nhân của “lòng thương xót” như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Đức Kitô, Đấng bị đóng đinh vào Thập giá, là Lời sẽ không qua đi. Người là kẻ đứng bên cửa và gõ vào lòng dạ mọi người, không ép uổng sự tự do của họ mà chỉ tìm cách dấy lên từ lòng dạ ấy một tình thương chẳng những là một hành động kết hợp với Con Người đau khổ mà còn là một hình thức “lòng thương xót” mà mỗi chúng ta biểu lộ với Con của Cha muôn đời” (Thông điệp Thiên Chúa Đấng giàu lòng thương xót số 8).
Phải chăng cộng đoàn là nơi mọi người chen vai vác thập giá cùng với Đức Kitô ! Nhưng nếu mọi người đều khước từ “thập giá của đau khổ, bệnh tật”, “thập giá của cô đơn, thất bại”, “thập giá của chia ly, mất mát”, “thập giá của thua thiệt, khinh thường”…, thì cuộc đời tu sớm muộn gì cũng đi vào ngõ cụt; và đời sống cộng đoàn mãi mãi là một gánh nặng mà hằng ngày bất đắc dĩ phải mang và lê lết bước đi trong chán chường mệt mỏi. Nhưng với cũng với những “thập giá đó”, nếu tất cả mọi người đều nhìn thấy tình yêu của Đức Kitô, thì mọi sự sẽ nhẹ nhàng hơn, dễ chịu hơn, bởi vì “ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11,30).
Chính vì thế, chúng ta, những người đang dấn thân sống đời thánh hiến, cần phải thường xuyên chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá và gặp gỡ Ngài với một tình yêu sâu thẳm. Dĩ nhiên, còn nhiều con đường khác, nhưng đây chính là phương thế cần thiết và hiệu nghiệm nhất để ta dần dần học biết và cảm thấu được tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta. Mỗi ngày, nếu biết trân trọng “cởi dép ra” và thành tâm dừng lại nơi “vùng đất thánh thiêng của thập giá” (Xh 3,4-5), chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra hương tình yêu luôn luôn tỏa ngát và bao phủ cuộc đời mình; đó là hương thơm của hy sinh, khiêm nhường, của bác ái, vâng phục, của khó nghèo, khiết tịnh, của độ lượng, bao dung, của thứ tha, phục vụ,…
Nào chẳng phải, những “người Chị Tôi Tớ Chúa của chúng ta”, các chị Anê Soạn, Anna Trị, vì đã cảm nhận được mùi hương của Đức Kitô tỏa ra từ thập giá và đã đáp trả tình yêu của Đức Kitô dành cho mình, nên đã làm cho hương thơm ấy tỏa lan trên mọi nẻo đường phục vụ giữa mùa bách hại; và sau cùng, đã viết trọn cuộc đời bằng tình yêu hy tế tử đạo !
Ước gì hôm nay, “mùi hương thập giá” ấy cũng lan tỏa trên mỗi người chúng ta, trên mỗi cộng đoàn chúng ta, những thế hệ cháu con và đàn em của biết bao vị thánh âm thầm, giản đơn nhưng đời đời bất diệt !
[1] Bài giảng trong Thánh lễ với các Hồng Y, ngày 14/3/2013, Bản dịch của Cha Vương Đình Khởi, OFM