Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn!
Trưa Chúa nhật 28 tháng Mười Một, đã có khoảng 8.000 người đến tham dự buổi đọc kinh Truyền tin với Đức Thánh cha Phanxicô, tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới bầu trời mây mù và khá lạnh. Tại đây đã có cây thông Giáng sinh cao 28 mét, 110 tuổi, được đưa từ miền bắc Ý và dựng lên gần cây tháp bút. Cạnh đó là hang đá theo kiểu Peru đang được kiến thiết.
G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA
Huấn dụ của Đức Thánh cha
Trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh, Đức Thánh cha đã diễn giải ý nghĩa bài Tin mừng Chúa nhật thứ I Mùa Vọng và mời gọi các tín hữu tỉnh thức cầu nguyện, chờ đón Chúa đến.
Đức Thánh cha nói: Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hãy ngẩng đầu lên vì Chúa đến gần
Tin mừng phụng vụ hôm nay, Chúa nhật thứ I Mùa Vọng, nói với chúng ta về việc Chúa đến vào thời sau hết. Chúa Giêsu loan báo những biến cố đau thương và sầu muộn, nhưng chính về điểm này Chúa mời gọi chúng ta đừng sợ. Tại sao? Phải chăng vì tất cả sẽ diễn tiến tốt đẹp? Không phải vậy, nhưng vì Ngài sẽ đến. Chúa nói: “Các con hãy ngẩng đầu lên, vì sự giải thoát của các con gần kề” (Lc 21,28). Thật là đẹp khi nghe lời khích lệ này: hãy ngước lên, hãy ngẩng đầu lên vì chính trong lúc tất cả dường như cáo chung, Chúa đến cứu thoát chúng ta; chờ đợi Chúa trong vui tươi, ngay cả giữa tâm điểm của sầu muộn, trong cuộc khủng hoảng của cuộc sống và trong những thảm trạng của lịch sử. Nhưng làm thế nào ngẩng đầu lên, không để cho chúng ta bị những khó khăn, đau khổ, thất bại hút mất? Chúa Giêsu chỉ đường cho chúng ta với một lời kêu gọi mạnh mẽ: “Các con hãy lưu tâm, đừng để cho tâm hồn trở nên nặng nề […]. Hãy tỉnh thức trong mọi lúc và cầu nguyện” (vv.34.36).
Hãy tỉnh thức
“Các con hãy tỉnh thức”: tỉnh thức. Chúng ta hãy dừng lại nơi khía cạnh quan trọng này của đời sống Kitô. Qua những lời của Chúa Kitô, chúng ta thấy sự tỉnh thức gắn liền với sự chú ý: các con hãy lưu tâm, đừng xao nhãng, nghĩa là hãy tỉnh thức! Tỉnh thức có nghĩa là đừng để cho tâm hồn mình trở nên biếng nhác và đừng để đời sống thiêng liêng trở nên ẻo lả trong sự tầm thường. Hãy quan tâm ta có thể là những “Kitô hữu ngái ngủ”, không có đà tiến tinh thần, không hăng hái cầu nguyện, không hăng say đối với sứ vụ, không say mê Tin mừng. Và điều này làm ta “ngái ngủ”: lê lết công việc vì ù lỳ, rơi vào tình trạng lãnh đạm, dửng dưng đối với mọi sự trừ, những gì làm chúng ta thoải mái.
Không kéo lê cuộc sống
Đức Thánh cha giải thích rằng: “Chúng ta cần tỉnh thức để không kéo lê cuộc sống trong thói quen, để không làm cho đời sống trở nên nặng nề vì những vất vả của cuộc sống, như Chúa Giêsu đã nói (Xc v.34). Vì thế, hôm nay là một cơ hội tốt để chúng ta tự hỏi: điều gì làm cho tâm trí tôi trở nên nặng nề? Điều gì làm cho tôi ươn lười trong ghế bành của sự lười biếng? Đâu là những thứ tầm thường làm tôi bị tê liệt, những tật xấu đè bẹp tôi dưới đất và ngăn cản tôi ngẩng đầu lên? Và đối với những gánh nặng đang đè trên vai anh chị em khác, tôi có chú ý đến hay là dửng dưng? Những câu hỏi hữu ích cho chúng ta, vì chúng giúp tâm hồn tránh được lười biếng, là đại kẻ thù của đời sống thiêng liêng. Sự biếng nhác và lười biếng làm ta rơi vào tình trạng buồn sầu, tước mất sự vui sống và ước muốn hành động. Đó là một tinh thần xấu xa, đóng đinh linh hồn trong sự tê liệt, tước mất niềm vui của tâm hồn. Sách Châm Ngôn dạy rằng: “Hãy gìn giữ tâm hồn của con, vì từ đó trào lên sự sống” (Cn 23,4). Gìn giữ con tim, điều này có nghĩa là tỉnh thức!”
Cầu nguyện để tỉnh thức
Và chúng ta đi tới một nhân tố thiết yếu: bí quyết để tỉnh thức là cầu nguyện. Thật vậy, Chúa Giêsu dạy: “Các con hãy tỉnh thức trong mọi lúc bằng cách cầu nguyện” (Lc 21,36). Chính kinh nguyện giữ cho ngọn lửa tâm hồn được cháy sáng. Đặc biệt khi chúng ta cảm thấy lòng nhiệt thành trở nên nguội lạnh, kinh nguyện tái thắp sáng, vì nó đưa chúng ta trở lại với Chúa là trung tâm mọi sự. Hãy đánh thức tâm hồn khỏi giấc ngủ và qui trọng tâm vào những gì quan trọng, về mục đích của cuộc sống. Cả trong những ngày bận rộn nhất, chúng ta đừng lơ là với việc cầu nguyện. Kinh nguyện trong tâm hồn, tâm nguyện có thể giúp ích bằng cách lập lại những lời cầu khẩn ngắn. Ví dụ, trong Mùa Vọng, chúng ta hãy tập thói quen nói: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến:”. Chúng ta hãy lập lại kinh nguyện này trong ngày: tâm hồn sẽ tỉnh thức!
Và giờ đây chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ: Mẹ là đấng đã chờ đợi Chúa với tâm hồn tỉnh thức, xin Mẹ đồng hành với chúng ta trên hành trình Mùa Vọng.
Chào thăm và nhắn nhủ
Sau khi đọc kinh Truyền tin và ban phép lành Tòa Thánh, Đức Thánh cha kể lại hôm thứ Bảy, 27 tháng Mười Một vừa rồi, ngài đã gặp các nhóm hiệp hội và những người làm việc với những người di cư, đồng thời ngài muốn nhấn mạnh rằng những người di dân đang chịu đau khổ rất nhiều. Đức Thánh cha đặc biệt nhắc đến những người chết trên biển Manche, trong lúc vượt biên từ Pháp sang Anh quốc. Những người khác đang ở Cộng hòa Belarus, trong đó có nhiều trẻ em. Có những người bị hồi hương, trả về Bắc Phi, họ bị những kẻ buôn người bắt, biến họ thành nô lệ. Chúng bán phụ nữ và tra tấn các người nam, hoặc những người chết tại Địa Trung Hải, trên đường vượt biên vào Âu châu. Đức Thánh cha kêu gọi các vị hữu trách chính quyền dân sự và quân sự tìm các giải pháp thích hợp cho những vấn đề này, và ngài không quên mọi người hiện diện cầu nguyện cho các nạn nhân di dân.
Sau cùng, Đức Thánh cha chào thăm tất cả các tín hữu Roma và khách hành hương, cầu chúc họ một Chúa nhật tốt lành; đồng thời xin họ đừng quên cầu nguyện cho ngài.