Hiệp Nguyện Lần Chuỗi Mân Côi: Ngày 24.06.2022
Ý CẦU NGUYỆN CHUNG
+ Cầu cho thế giới được hoà bình,
+ Cầu cho Giáo Hội được hiệp thông và nhiệt tình loan báo Tin Mừng,
+ Cầu cho con người luôn biết sám hối, trở về với Chúa,
+ Cầu cho quê hương, đất nước,
+ Cầu cho các gia đình,
+ Cầu cho gia đình, người thân, bản thân mình,
+ Cầu cho các linh hồn nơi luyện ngục,…
LỜI HAY Ý ĐẸP VỀ KINH MÂN CÔI
Nếu sự dữ gia tăng, thì lòng đạo đức của Dân Thiên Chúa cũng phải gia tăng. Và vì thế, thưa anh em đáng kính, Tôi muốn anh em hãy đi đầu trong việc thôi thúc và khuyến khích dân chúng cầu nguyện sốt sắng với Mẹ Maria rất mực khoan nhân bằng việc đọc Kinh Mân Côi… lời kinh này rất thích hợp với lòng đạo đức của Dân Thiên Chúa, làm vui lòng Mẹ Thiên Chúa nhất và có hiệu quả nhất trong việc kín múc phúc lành từ thiên đàng.
Chân phước giáo hoàng Phaolô VI
1. KHAI MẠC
Làm Dấu Thánh Giá
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen.
Kinh Đức Chúa Thánh Thần
Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng. Chúng con xin Đức Chúa Thánh Thần xuống đầy lòng chúng con, là kẻ tin cậy Đức Chúa Trời, và đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời trong lòng chúng con, chúng con xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần xuống.
– Sửa lại mọi sự trong ngoài chúng con.
Chúng con cầu cùng Đức Chúa Trời xưa đã cho Đức Chúa Thánh Thần xuống soi lòng dạy dỗ các thánh Tông đồ, thì rầy chúng con cũng xin Đức Chúa Trời cho Đức Chúa Thánh Thần lại xuống yên ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành; vì công nghiệp vô cùng Đức Chúa Giêsu Kitô là Chúa chúng con. Amen.
HỒI TÂM (im lặng xét mình và thầm nguyện)
2. LẦN CHUỖI MÂN CÔI: NĂM SỰ THƯƠNG
{Lời dẫn: Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới XVI với chủ đề “Vì một Hội Thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”, được tổ chức theo các cấp độ từ giáo hội địa phương (10.2021 – 04.2022), châu lục rồi đến Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới vào tháng 10.2023. Trong tâm tình đó, chúng ta cùng suy niệm và cầu nguyện cho Giáo Hội (cụ thể là cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới XVI này) dựa trên Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (viết tắt: LG) của Công đồng Vatican II}.
MẦU NHIỆM 1: ĐỨC CHÚA GIÊSU LO BUỒN ĐỔ MỒ HÔI MÁU.
“Giáo Hội, thực tại hữu hình và thiêng liêng. Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất, đã thiết lập Giáo Hội thánh thiện, một cộng đoàn đức tin, cậy và mến, như một toàn bộ cấu trúc hữu hình trên trần gian mà Người không ngừng bảo vệ. Qua Giáo Hội, Người đổ tràn chân lý và ân sủng cho mọi người. Giáo Hội là xã hội có tổ chức qui củ, và Nhiệm Thể Chúa Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, Giáo Hội tại thế và Giáo Hội dư tràn của cải trên trời không được quan niệm như hai thực thể nhưng chỉ là một thực thể phức tạp, duy nhất, do yếu tố nhân loại và thần linh kết thành. Vì thế, nhờ loại suy xác thực, chúng ta có thể ví Giáo Hội với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thực vậy, nhân tính mà Ngôi Lời mặc lấy phục vụ Người như cơ quan cứu rỗi sống động và kết hợp với Người cách bất khả phân ly; cũng thế, toàn thể cơ cấu xã hội của Giáo Hội phục vụ Thánh Thần Chúa Kitô, Ðấng làm cho Giáo Hội sống động để tăng triển thân thể (x. Ep 4,16).
Ðó là Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô mà trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Sau khi phục sinh, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta đã trao phó cho Phêrô chăn dắt Giáo Hội đó (Ga 21,17); Người phó thác cho Phêrô cũng như cho các Tông Ðồ khác truyền bá, cai quản (x. Mt 28,18tt), và thiết lập Giáo Hội nên ‘rường cột và nền tảng chân lý’ đến muôn đời (x. 1 Tm 3,15). Như một xã hội được thiết lập qui củ trên trần gian, Giáo Hội ấy tồn tại trong Giáo Hội Công Giáo, do Ðấng kế vị Phêrô và các giám mục hiệp thông với Ngài điều khiển, và mặc dù bên ngoài cơ cấu của Giáo Hội còn có nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý, nhưng những yếu tố ấy là những ơn riêng của Giáo Hội Chúa Kitô, thúc bách đến sự hiệp nhất công giáo.” (LG 8)
{Thinh lặng suy niệm chốc lát, rồi dâng lời cầu cho Đức Thánh Cha}:
Lạy Chúa là Đấng an bài mọi sự thật khôn ngoan, chính Chúa đã chọn thánh Phêrô làm thủ lãnh các Tông Đồ, làm đá tảng để xây dựng Hội Thánh, xin đưa mắt nhìn Đức Thánh Cha Phanxicô; Chúa đã chọn người để kế vị thánh Phêrô. Xin ban cho người nên đá tảng luôn luôn bền vững để người củng cố đức tin của dân Chúa và làm cho các tín hữu hiệp thông với nhau. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.[1]
{Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh, Lời Nguyện Fatima}.
+++(Có thể hiệp ý lần hạt trực tuyến tại đây)+++:
MẦU NHIỆM 2: ĐỨC CHÚA GIÊSU CHỊU ĐÁNH ĐÒN.
“Như Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo Hội cũng được mời gọi đi cùng đường lối ấy hầu thông ban ơn cứu rỗi cho loài người. Chúa Giêsu Kitô ‘vốn có hình thể Thiên Chúa… tự hủy mình, tự nhận thân phận tôi tớ’ (Pl 2,6-7), và ‘vốn giàu có, Người đã hóa ra nghèo hèn’ vì chúng ta (2 Cr 8,9): cũng thế, tuy cần đến những phương tiện nhân loại để chu toàn sứ mệnh mình, Giáo Hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để truyền bá khiêm nhường và từ bỏ, bằng gương lành của chính mình. Chúa Kitô được Chúa Cha phái đến ‘rao truyền Phúc Âm cho kẻ bần cùng… cứu chữa các tâm hồn đau khổ’ (Lc 4,18), ‘tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư mất’ (Lc 19,10). Cũng thế, Giáo Hội trìu mến và ấp ủ tất cả những ai đau khổ vì sự yếu hèn của con người, nhất là nhận biết nơi những kẻ nghèo khó và đau khổ hình ảnh Ðấng Sáng Lập khó nghèo và khổ đau, ra sức giảm bớt nỗi cơ cực của họ và nhằm phụng sự Chúa Kitô trong họ. Nhưng Chúa Kitô ‘thánh thiện, vô tội, tinh tuyền’ (Dt 7,26), không hề phạm tội (x. 2 Cr 5,21), chỉ đến để đền tội lỗi dân chúng (x. Dt 2,17), còn Giáo Hội, vì ôm ấp những kẻ có tội trong lòng, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân.
‘Lữ hành giữa cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa’, Giáo Hội rao truyền cái chết và thánh giá Chúa, cho đến khi Người trở lại (x. 1 Cr 11,26). Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa phục sinh, để toàn thắng các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương và kiên trì, và trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn giấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết.” (LG 8)
{Thinh lặng suy niệm chốc lát, rồi dâng lời cầu cho các Đức giám mục}:
Lạy Chúa, Chúa không ngừng chăm sóc đoàn dân Chúa, và đã chọn các Tông Đồ để hướng dẫn chỉ huy. Chúng con xin phó thác cho Chúa người kế vị các thánh Tông Đồ (là Đức Cha T.) mà Chúa đã đặt làm giám mục chúng con. Xin ban cho người thần trí khôn ngoan và mạnh mẽ, thần trí sáng suốt và thánh thiện để người lãnh đạo Hội Thánh chúng con. Nhờ đó, trong thế giới hôm nay, Hội Thánh toàn cầu sẽ xuất hiện như dấu chỉ ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.[2]
{Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh, Lời Nguyện Fatima}.
+++(Có thể hiệp ý lần hạt trực tuyến tại đây)+++:
MẦU NHIỆM 3: ĐỨC CHÚA GIÊSU CHỊU ĐỘI MÃO GAI.
“Giao Ước mới và Dân Tộc mới. Chắc chắn trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Ngài đoái thương (x. Cv 10,35). Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế, Ngài đã chọn dân Israel là dân Ngài, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần bằng cách tỏ chính mình và ý định mình qua lịch sử dân ấy, và Ngài đã thánh hóa họ để dành riêng cho mình. Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và hình bóng của giao ước mới và hoàn hảo, sẽ được ký kết trong Chúa Kitô, và là chuẩn bị cho mạc khải trọn vẹn hơn do chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mang đến. Thiên Chúa phán: ‘Này đây sẽ tới ngày Ta ký giao ước mới với nhà Israel và nhà Giuđa… Ta sẽ ban luật Ta trong lòng chúng, và khắc ghi luật ấy vào trái tim chúng, và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ trở thành dân Ta… Tất cả mọi người từ nhỏ chí lớn đều sẽ nhận biết Ta. Ðó là Lời Chúa phán’ (Gr 31,31-34). Chúa Kitô đã thiết lập minh ước mới ấy, đó là giao ước mới trong máu Người (x. 1 Cr 11,25), Người triệu tập dân chúng từ dân Israel và từ các dân ngoại, họp thành một khối duy nhất trong Thánh Thần chứ không theo xác thịt, để làm họ nên dân tộc mới của Thiên Chúa. Thực vậy, những ai tin kính Chúa Kitô đều được tái sinh không phải bởi mầm mống hay hư nát, nhưng do mầm mống bất diệt nhờ lời Thiên Chúa hằng sống (x. 1 Pr 1,23), không phải bởi xác thịt nhưng bởi nước và Thánh Thần (x. Ga 3,5-6), và cuối cùng trở thành một ‘dòng giống được tuyển chọn, thành hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, dân tộc đã được Thiên Chúa thu phục, trước kia không phải là một dân, mà nay là dân của Thiên Chúa’ (1 Pr 2,9-10).” (LG 9)
{Thinh lặng suy niệm chốc lát, rồi dâng lời cầu nguyện}:
Lạy Chúa, Chúa hướng dẫn và phù trì Hội Thánh, xin đưa mắt nhìn các tôi tớ Chúa họp thượng hội đồng giám mục ở các cấp độ “vì một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”. Xin ban cho các ngài Thần Khí đem lại ánh sáng, dẫn tới sự thật và xây dựng bình an. Ước chi các ngài ra công tìm hiểu thánh ý Chúa và quyết chí thực hành. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.[3]
{Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh, Lời Nguyện Fatima}.
+++(Có thể hiệp ý lần hạt trực tuyến tại đây)+++:
MẦU NHIỆM 4: ĐỨC CHÚA GIÊSU VÁC CÂY THÁNH GIÁ.
“Dân thiên sai này có vị thủ lãnh là Chúa Kitô, ‘Ðấng đã bị nộp vì tội lỗi ta và phục sinh cho ta nên công chính’ (Rm 4,25), và bây giờ Người được một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, và đang hiển trị trên trời. Ðịa vị dân này là được vinh dự và tự do làm Con Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ. Luật của họ là giới răn mới: phải thương yêu nhau như chính Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34). Sau cùng, cứu cánh của họ, tức là phát triển thêm Nước Thiên Chúa, đã được Ngài khai nguyên trên trần gian, cho tới khi được Ngài hoàn tất trong ngày tận thế, ngày mà Chúa Kitô, sự sống của chúng ta, hiện đến (x. Cl 3,4), ngày mà ‘chính tạo vật cũng được giải phóng khỏi ách nô lệ hư nát, lại được tự do trong vinh quang con cái Thiên Chúa’ (Rm 8,21). Vì thế, dân tộc thiên sai ấy, tuy hiện nay chưa bao gồm toàn thể nhân loại và đôi khi tỏ ra như một đàn chiên nhỏ, nhưng lại là một mầm mống vững chắc nhất của hiệp nhất, hy vọng và cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Dân tộc thiên sai ấy được Chúa Kitô thiết lập để thông dự vào sự sống, bác ái và chân lý, được Người sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x. Mt 5,13-16).” (LG 9)
{Thinh lặng suy niệm chốc lát, rồi dâng lời cầu nguyện}:
Lạy Chúa, Chúa đã quy tụ chúng con lại trong cộng đoàn Hội Thánh, để chúng con cùng nhau tìm ý Chúa. Xin khơi dậy trong lòng chúng con niềm khát vọng đi tìm sự thật. Xin dẫn chúng con đi trong ánh sáng của Chúa, và giúp chúng con sống trong tinh thần yêu chuộng hoà bình. Và một khi chúng con biết được điều Chúa đòi hỏi, xin cho chúng con một lòng một ý và mau mắn thực hành. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.[4]
{Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh, Lời Nguyện Fatima}.
+++(Có thể hiệp ý lần hạt trực tuyến tại đây)+++:
MẦU NHIỆM 5: ĐỨC CHÚA GIÊSU CHỊU CHẾT TRÊN CÂY THÁNH GIÁ.
“Cũng như dân Israel theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc, đã được gọi là Giáo Hội của Thiên Chúa (x. Ds 20,4; Đnl 23,1tt), dân Israel mới tiến bước trong thời đại này đang tìm về thành thánh tương lai bất diệt (x. Dt 13,14) cũng được gọi là Giáo Hội Chúa Kitô (x. Mt 16,18). Thực vậy, chính Người đã lấy máu mình mà chuộc lấy Giáo Hội đó (x. Cv 20,28), Người đổ tràn Thánh Thần và ban các phương thế thích hợp để kết hiệp thành một xã hội hữu hình. Thiên Chúa triệu tập tất cả những người tin kính và mong đợi Chúa Kitô, Ðấng ban ơn cứu độ và hiệp nhất, nguyên lý của sự hòa bình; Ngài thiết lập họ thành Giáo Hội để Giáo Hội trở nên bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ ấy cho toàn thể và cho mỗi người. Với bổn phận phải lan rộng khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào lịch sử nhân loại. Tuy nhiên Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng không hề tắt.” (LG 9)
{Thinh lặng suy niệm chốc lát, rồi dâng lời cầu nguyện}:
Lạy Chúa Giêsu Kitô, xưa Chúa đã hứa sẽ ở giữa những người cùng nhau hội họp nhân danh Chúa. Xin thực hiện lời Chúa đã hứa, mà tiếp tục ở giữa chúng con và ban cho chúng con bình an của Chúa. Nhờ đó, chúng con sẽ có thể, làm chứng cho tình thương và sự thật. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.[5]
{Đọc: 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng, 1 Kinh Sáng Danh, Lời Nguyện Fatima}.
+++(Có thể hiệp ý lần hạt trực tuyến tại đây)+++:
3. KẾT THÚC
KINH LẠY NỮ VƯƠNG
Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành, làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con con cháu Evà ở chốn khách đày kêu đến cùng Bà, chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay! Nhân thay! Dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.
MẸ MARIA (hát hoặc nghe: một câu hoặc hết bài)
ÐK. Mẹ Maria, Mẹ Maria, Mẹ Maria hiển vinh. Tuyệt đối khiêm nhường, lửa mến phi thường. Thương con lòng Mẹ ước ao. Mẹ Maria, Mẹ Maria, Mẹ Maria hiển vinh. Trinh khiết vẹn tuyền, không vướng tội truyền. Trái Tim Mẹ đáng mến yêu.
1. Ðây xác hồn của con, nguyện xin Mẹ hãy trông coi. Con hết tình nỉ non, đường Mẹ con quyết theo đòi.
2. Ðây Giáo Hội thân yêu và cả thế giới phân vân, nghe những lời cao siêu, của Mẹ hiện xuống bao lần.
Làm dấu Thánh Giá +++ (kết thúc) +++