Giáo Hạt Cà Mau

Cha Giuse Nguyễn Bá Long kỷ niệm 45 năm hồng ân Linh Mục

Cha Giuse Nguyễn Bá Long kỷ niệm 45 năm hồng ân Linh Mục

BBT/WGPCT: Ngày 27/06/2022, lúc 9 giờ sáng, tại Nhà Thờ Sóc Trăng. Thánh Lễ đồng tế mừng kỷ niệm 45 năm hồng ân Linh Mục, có khoảng 60 linh mục cùng đồng tế và đông đảo tu sĩ, bà con giáo dân (đặc biệt các chị em Dòng MTG tại thế do Ngài phụ trách) cùng hiệp dâng Thánh Lễ Tạ Ơn. Chúng ta cùng tìm hiểu chặng đường 45 LM của cha Giuse qua bài chia sẻ của cha Gioan Vũ Đình Thuần sau đây:

Chúa Biết Con Yêu Mến Chúa

Bài phúc âm mà chúng ta vừa nghe thuật lại cuộc đối thoại của Chúa Giêsu và thánh Phêrô trong bầu khí thân thương giữa thầy và trò sau bữa ăn. Qua đó, chúng ta thấy rằng: trước khi trao cho thánh Phêrô sứ vụ chăm sóc đoàn chiên của Người, Chúa Giêsu muốn thánh Phêrô ý thức rõ về hai nhân đức mà người lãnh đạo cần phải có. Đó là: lòng yêu mến và lòng khiêm nhường.

  1. Lòng yêu mến: Lòng yêu mến phải kiên vững và trọn vẹn dành cho Chúa và cho tha nhân. Vì tình yêu chính là động lực thúc đẩy con người dám hy sinh và phục vụ tha nhân cách vô vị lợi. Bởi lẽ, “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu”(Ga 15,13). Đối với Đức Giêsu, lòng yêu mến chính là điều kiện căn bản của người môn đệ đích thực. Vì có yêu mến Chúa, thánh Phêrô mới yêu mến đoàn chiên của Chúa; vì yêu mến Chúa, thánh Phêrô mới dám hy sinh mạng sống vì Chúa và vì Giáo Hội. Có thể nói rằng, lòng yêu mến Chúa chính là nền tảng ơn gọi và sứ vụ của những ai muốn theo Chúa, đặc biệt là ơn gọi linh mục.

Ba lần lặp lại lòng yêu mến vào Chúa giúp thánh Phêrô xác tín vào tình thương của Chúa hơn và để Chúa tự do dùng ngài cho chương trình của Chúa. Như thế, lòng mến đã trở thành điều kiện tiên quyết mà Chúa muốn thánh Phêrô phải có trước khi  trao sứ vụ cho ông “hãy chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Thầy.”

Đức Giêsu chỉ đòi thánh Phêrô một điều kiện duy nhất là yêu mến Ngài. Chính lòng yêu mến Chúa sẽ giúp giúp ông đứng dậy sau những vấp ngã. Chính lòng yêu mến sẽ giúp thánh Phêrô vượt qua mọi thử thách để can đảm ra đi rao giảng Tin Mừng và làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống và cái chết của mình.

  1. Lòng khiêm nhường. Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi với thánh Phêrô đến ba lần: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?” (x. Ga 21,15-17) để giúp ông ý thức rõ hơn thân phận mỏng giòn yếu đuối của mình. Nhờ đó, sau này trong sứ vụ lãnh đạo Giáo Hội, ngài đã sống khiêm nhường với Chúa và với mọi người. Bởi lẽ trước đây thánh Phêrô từng hùng hồn tuyên bố trước Đức Giêsu và mọi người rằng: “Dẫu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26, 33). Và ông còn quả quyết: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26, 34). Tuy mạnh miệng như thế nhưng khi Đức Giêsu bị bắt và bị kết án tử, thánh Phêrô đã khăng khăng chối: “Tôi không biết người ấy” (Mt 26, 74). Nơi thánh Phêrô, bề ngoài xem ra mạnh mẽ, can trường, nhưng bên trong lại mềm yếu và nhát sợ. Thánh Phêrô tưởng mình sẽ đứng vững như bàn thạch, nhưng không ngờ ông lại vấp ngã. Ông tưởng lòng tin của ông nơi Thầy sẽ không bao giờ lay chuyển, nhưng giờ đây đã lung lay tận gốc rễ. Bởi quá cậy dựa vào sức mình nên “Đá tảng Phêrô” ngày nào giờ đây đã tan nát thành cát bụi. Từ kinh nghiệm cay đắng ấy, thánh Phêrô ý thức hơn về thân phận yếu hèn của mình, mà khiêm tốn đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17). Qua lời thưa này, thánh Phêrô nhìn nhận rằng Chúa thấu suốt tâm can của ông, Ngài biết rõ những yếu đuối, những lầm lỗi của ông và cũng biết rất rõ tình yêu của ông và từ đó ông sống khiêm nhường hơn.

Câu hỏi ngày nào Đức Giêsu đặt ra cho thánh Phêrô, thì hôm nay Ngài cũng đang đặt ra cho chính mỗi  người chúng ta và đặc biệt cho các linh mục “con có yêu mến Thầy không?” Mỗi người sẽ có câu trả lời của riêng mình.

Với hồng ân 45 thánh chức linh mục, Cha Giáo Gs Nguyễn Bá Long có rất nhiều cảm nghiệm về điều này. Con xin mạn phép nói đôi điều.

  1. Thời kỳ “lên bờ, xuống ruộng”

1977-1990: 13 năm: Cha Sở HĐ Chàng Ré

Vào năm 1977, Chúa Giêsu đến hỏi Thầy Phó Tế Giuse Nguyễn Bá Long: “Ngày anh Bá Long, anh có yêu mến thầy hơn những người này không?”. Thầy trả lời: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúa nói: “Con hãy chăn dắt chiên con của Thầy”. Thế là Thầy Phó Tế Giuse Nguyễn Bá Long được truyền chức Linh mục và làm Cha Sở Họ đạo Chàng Ré và kiêm luôn Họ đạo Nhu Gia. Đây là thời kỳ “lên bờ, xuống ruộng”.

Lên bờ vì Cha thường xuyên đi bộ để thăm bà con giáo dân, nhất là những gia đình rối rắm và khô khan nguội lạnh.

Lên bờ khi Cha đi bộ để thăm các bệnh nhân và ban các bí tích. Nếu đi vào ban đêm lại còn khó khăn hơn vì chưa có đèn pin, nên phải xử dụng đuốc lá dừa.

Lên bờ để đi dâng lễ tại Nhà thờ Nhu Gia…

Xuống ruộng để cấy lúa.

Xuống ruộng để trồng mía.

Đôi khi xuống ruộng vì đường trơn trợt khi gặp trời mưa.

  1. Thời kỳ “Tu lại”

1990-2018: 28 năm: Cha giáo ĐCV Thánh Quý

Đến năm 1990, Chúa Giêsu đến hỏi Cha Giuse Nguyễn Bá Long: “này anh Bá Long, anh có yêu mến Thầy không?”. Anh Đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúa nói: “Con hãy chăn dắt chiên “đực” của Thầy”. Thế là Cha Giuse khăn gói lên đường về Chủng Viện Thánh Quý, Cái Răng, Cần Thơ. Đầy là thời kỳ “Tu lại”. Đang là Cha Sở của Họ đạo Chàng Ré, bây giờ Đức Cha lại kêu về ĐCV Thánh Quý, vào lớp của anh em chúng tôi.  Vì là niên trưởng nên được ngồi trên anh em chúng tôi và chúng tôi thì ngồi quay lên, còn người bạn cùng lớp cao tuổi thì ngồi quay xuống. Vì là người tu lại nên đưa ra nhiều sáng kiến lắm, làm anh em chúng tôi chạy bở hơi tai mới theo kịp. Chẳng hạn như: Nào là đưa ra Luật đời sống. Sáng thức dậy phải làm gì, trưa phải thực hiện những chi, tối trước khi đi ngủ phải rao sao. Rồi lại đưa ra phương pháp làm việc: xem – xét – làm. Thêm vào đó là cửu mẫu pháp. Hoặc là khuyến cáo mọi người ăn gạo lức muối mè để trị bệnh. Hết ăn gạo lứt muối mè lại kêu gọi chúng tôi tuyệt thực. Bên cạnh đó lại tâm đắc với tâm lý chiều sâu của Cha Giáo Ninh; hoặc là hùa theo Buông Theo ân Sủng của Cha Giáo Bửu… Những năm tháng tu lại của ngài có nhiều điều thú vị.

  1. Thời kỳ “tu nghiệp”

2018-2022: 04 năm: Linh giám DMTG Cần Thơ

Vào năm 2018, Chúa Giêsu đến hỏi Cha Giuse Nguyễn Bá Long: “này anh Bá Long, anh có yêu mến Thầy không?”.

Anh gãi tai và nghĩ trong lòng, câu hỏi cũ rích và xưa như diễm mà cứ đưa ra hỏi hoài. Sau một thoáng suy nghĩ, anh đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúa nói: “Con hãy chăn dắt chiên “cái”  của Thầy”. Thế là Cha Giuse khăn gói lên đường đến Hội Dòng MTG Cần Thơ để thi hành nhiệm vụ mới.

Ở môi trường mới này, mọi sự đều khác với Chủng Viện, nên mọi thứ đều phải chỉnh chu và cẩn trọng. Chẳng hạn như, trước khi nói phải uốn lưỡi 7 lần, nên lưỡi mới cứng đơ như vậy đó. Nghe nói đâu là dan díu với Cô 19 gì đó nên bị bệnh và suýt nữa là toi mạng…

  1. 2022 – …: Cha Sở HĐ Tham Tướng

Và gần đây, Chúa Giêsu đến hỏi Cha Giuse Nguyễn Bá Long: “này anh Bá Long, anh có yêu mến Thầy không?”. Anh đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúa nói: “Con hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Giờ đây Cha Giuse đang chuẩn bị để thi hành một sứ vụ mới.

Nhìn lại 45 năm hồng ân thánh chức linh mục, Cha Giuse Nguyễn Bá Long đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống: vui – buồn – sướng – khổ, Cha Giuse luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình và an vui trong cuộc sống, bởi vì Cha Giuse luôn tâm niệm: “Nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui” (Tv  62,8).

Nhìn lại 45 năm hồng ân thánh chức linh mục của Cha Giuse Nguyễn Bá Long, con mạo muội nói lên vài ghi nhận sau:

Sau 13 năm là Cha Sở Họ đạo Chàng Ré, Cha Giuse được mệnh danh là “Cha Sở lên bờ xuống ruộng”

Sau 27 năm “tu lại” tại ĐCV Thánh Quý, Cha Giuse được công nhận là “thạc sĩ tu lại”

Sau 04 năm “tu nghiệp” tại HD Mến Thánh Giá Cần Thơ Cha Giuse có danh hiệu là“tiến sĩ tu nghiệp”.

Hy vọng rằng, với ơn Chúa và với những kinh nghiệm trong suốt 45 năm hồng ân Thánh Chức Linh Mục, Cha Giuse sẽ hoàn thành tốt sứ vụ của mình nơi nhiệm sở mới và trở nên người mục tử nhân lành như lòng Chúa muốn.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, nhìn lại hành trình ơn gọi, chúng ta xác tín rằng: chúng ta được Chúa gọi không phải vì chúng ta xứng đáng, thánh thiện hay tài năng, nhưng đơn giản là vì chúng ta được Chúa thương và chúng ta muốn đáp lại tình yêu của Ngài.

Cũng như Phêrô, chúng ta cảm nghiệm sâu xa sự bất xứng của mình trước tình thương vô biên của Chúa. Trong khiêm tốn thẳm sâu, chúng ta chỉ dám thưa lên: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa.” Chúng ta tin rằng: “Ơn của Chúa sẽ đủ cho chúng ta, vì sức mạnh của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta” (x. 2 Cr 12, 9). Để từ đó, chúng ta luôn sống theo lời của thánh Phaolo khuyên nhủ: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).

Để xứng đáng là con cái của Chúa và để trở nên mục tử như lòng Chúa mong muốn, chúng ta cần có hai nhân đức: sống yêu thương và sống khiêm nhường. Như vậy, chúng ta mới có thể chu toàn sứ vụ của mình trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta mới có thể nên thánh trong những công việc thường ngày. Ước gì từ tư tưởng, lời nói và hành động của mỗi người chúng ta hôm nay đều minh chứng lòng yêu mến và khiêm nhường của chúng ta đối với Chúa và với tha nhân. Và như thánh Phêrô, chúng ta hân hoan thưa lên: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa!”

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *