Giáo Hạt Cà Mau

Lễ Phong Thánh cho hai chân phước Scalabrini và Artemide Zatti

Lễ Phong Thánh cho hai chân phước Scalabrini và Artemide Zatti

 

Lễ Phong Thánh cho hai chân phước Scalabrini và Artemide Zatti

Tại quảng trường thánh Phêrô, vào lúc 10 giờ 15 sáng Chúa Nhật 09/10/2022, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ phong thánh cho 2 chân phước Giovanni Battista Scalabrini và Artemide Zatti, với sự hiện diện của khoảng 50 ngàn tín hữu.

Sau khi hát ca nhập lễ, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh, cùng với các cáo thỉnh viên án phong thánh, đến trước Đức Thánh Cha và xin ĐTC phong thánh cho 2 chân phước.

Tiếp theo Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh trình bày tóm tắt tiểu sử của hai vị Chân phước được phong thánh hôm nay.

Sau khi Đức Thánh Cha và cộng đoàn hát kinh Thương Xót và kinh Cầu Các Thánh, ĐTC đã đọc công thức phong thánh:

Để tôn vinh Chúa Ba Ngôi, đề cao đức tin Công giáo và gia tăng đời sống Kitô hữu, bằng quyền của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta và của các thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô và của chính chúng tôi, sau khi đã suy tư và cầu xin sự trợ giúp của Chúa và nghe ý kiến của các anh em Giám mục của chúng tôi, chúng tôi tuyên bố và xác định các chân phước Giovanni Battista Scalabrini và Artemide Zatti là hiển thánh và ghi tên các ngài vào sổ bộ các thánh, truyền rằng các ngài được tôn kính bởi toàn thể Giáo hội. Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Thánh lễ tiếp tục với phần phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật XXVIII thường niên.

Trong bài giảng sau bài Phúc Âm, ĐTC nhấn mạnh 2 điều trong bài Tin Mừng: cùng nhau bước đi và tạ ơn.

Bài giảng Thánh Lễ

Đang khi Chúa Giêsu đi trên đường thì có mười người phong cùi đến gặp Người và kêu lớn: “Xin thương xót chúng tôi” (Lc 17,13). Tất cả mười người đều được chữa lành, nhưng chỉ có một người trong số họ quay lại cảm ơn Chúa Giê-su: anh ta là người Samari, một người lạc giáo đối với người Do Thái. Khởi đầu họ đi cùng nhau, nhưng sau đó sự khác biệt xảy ra khi người Samari đó quay lại “lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa” (câu 15). Chúng ta hãy dừng lại ở hai khía cạnh mà chúng ta có thể rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay: cùng nhau bước đi và tạ ơn.

Cùng nhau bước đi

Trước hết là cùng nhau bước đi. Khởi đầu câu chuyện không có sự phân biệt giữa người Samari và chín người khác. Câu chuyện chỉ đơn giản nói về mười người phong cùi, những người này tạo thành một nhóm cùng nhau và không có sự tách biệt, đi gặp Chúa Giê-su. Bệnh phong cùi, như chúng ta biết, không chỉ là vết thương thể lý – mà ngay cả ngày nay chúng ta phải dấn thân để loại bỏ -, mà còn là một “căn bệnh xã hội”, bởi vì thời đó, vì nỗi sợ ô uế, người phong cùi phải ở ngoài cộng đồng (x. Lv 13,46). Vì vậy, họ không thể vào các trung tâm dân cư, họ bị giới hạn ở một khoảng cách xa, bị đẩy ra rìa của đời sống xã hội và thậm chí cả tôn giáo, họ bị cô lập. Cùng nhau bước đi, những người phong cùi này biểu lộ tiếng kêu của họ đối với một xã hội loại trừ họ. Chúng ta cũng lưu ý rằng: người Samari, ngay cả khi bị coi là một kẻ lạc giáo, một “người ngoại quốc”, cũng ở trong cùng một nhóm với những người khác. Anh chị em, bệnh tật và yếu đuối thường phá vỡ các rào cản và vượt qua mọi loại trừ.

Đây cũng là một hình ảnh đẹp đối với chúng ta: khi thành thật với chính mình, chúng ta nhớ rằng chúng ta đều đau bệnh nơi lòng mình, rằng chúng ta đều là tội nhân, tất cả đều cần đến lòng thương xót của Chúa Cha. Và do đó, chúng ta không còn phân chia dựa trên công trạng, vai trò mà chúng ta đảm nhận hoặc những yếu tố bên ngoài khác của cuộc sống, và do đó, phá vỡ bức tường bên trong, phá vỡ những định kiến. Vì vậy, cuối cùng, chúng ta lại nhận ra mình là anh em. Ngay cả Naaman người Syri – mà chúng ta nghe ở bài đọc I -, dù giàu có và quyền thế, cũng phải làm một việc đơn giản để được chữa lành: dìm mình trong dòng sông nơi tắm của tất cả những người khác. Trước hết, ông phải cởi bỏ áo giáp, y phục của mình (x. 2V 5): thật tốt khi chúng ta cởi bỏ áo giáp bên ngoài, các hàng rào phòng thủ và tắm một cách khiêm nhường; hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều mong manh bên trong, tất cả chúng ta cần được chữa lành, tất cả là anh chị em. Chúng ta hãy nhớ điều này: đức tin Kitô giáo luôn đòi hỏi chúng ta phải cùng nhau bước đi với những người khác, đừng bao giờ trở thành những người bước đi đơn độc; nó luôn luôn mời gọi chúng ta ra khỏi chính mình để đến với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta, đừng bao giờ khép lại trong chính mình; Thiên Chúa luôn luôn đòi chúng ta nhận ra bản thân cần được chữa lành và được tha thứ, và chia sẻ sự yếu đuối của những người bên cạnh chúng ta, mà không thấy mình là người vượt trội.

Anh chị em thân mến, hãy kiểm điểm xem trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình của chúng ta, nơi chúng ta làm việc và lui tới hàng ngày, chúng ta có thể cùng nhau bước đi với những người khác không? Chúng ta có thể lắng nghe, vượt qua cám dỗ dựng rào chắn bằng cách tự quy chiếu về mình và chỉ nghĩ đến nhu cầu của mình không? Nhưng cùng nhau bước đi – là “hiệp hành” – cũng là ơn gọi của Giáo hội. Chúng ta hãy tự hỏi mình xem chúng ta thực sự hướng tới những cộng đoàn mở và hoà nhập đến mức nào; xem chúng ta có thể làm việc cùng nhau, linh mục và giáo dân, để phục vụ Tin Mừng; xem chúng ta có thái độ chào đón – không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những cử chỉ cụ thể – đối với những người ở xa và đối với tất cả những người đến gần chúng ta, những người cảm thấy hụt hẫng vì cuộc sống gập ghềnh của họ. Chúng ta có làm cho họ cảm thấy là thành phần của cộng đoàn hay chúng ta loại trừ họ? Tôi rất sợ khi thấy các cộng đoàn Kitô hữu phân chia thế giới thành tốt và xấu, người thánh và kẻ tội lỗi: theo lối này, chúng ta đi đến chỗ cảm thấy mình tốt hơn những người khác và tránh xa nhiều người mà Thiên Chúa ôm vào lòng. Xin hãy vui lòng luôn đón nhận trong Giáo hội, cũng như trong xã hội, nơi vẫn còn bị đánh dấu bởi rất nhiều bất bình đẳng và nhiều người bị gạt ra bên lề xã hội.

Hãy luôn đón nhận. Hôm nay, trong ngày Scalabrini trở thành một vị thánh, tôi muốn nghĩ đến những người di cư. Thật là tệ hại khi loại trừ người di cư! Thật vậy, loại trừ những người di cư là tội phạm, nó khiến họ chết trước mặt chúng ta. Ngày nay chúng ta có Địa Trung Hải là nghĩa trang lớn nhất trên thế giới. Việc loại trừ những người di cư là kinh tởm, là tội lỗi, là tội phạm. Chúng ta có thể nói: “Không, chúng tôi không loại trừ họ, chúng tôi gửi họ đi”: đến các trại tập trung, nơi họ bị bóc lột và bị bán làm nô lệ. Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta nghĩ đến những người di cư của chúng ta, những người đã chết. Và đối với những người được vào, chúng ta có nhận họ như anh chị em hay chúng ta bóc lột họ? Tôi chỉ đặt ra câu hỏi.

Tạ ơn

Khía cạnh thứ hai là tạ ơn. Trong nhóm mười người phong cùi chỉ có một người, khi thấy mình được chữa lành, đã quay lại ngợi khen Thiên Chúa và diễn tả lòng biết ơn đối với Chúa Giêsu. Chín người còn lại được chữa lành, nhưng rồi họ đi luôn, quên mất Đấng đã chữa lành cho họ. Quên mất những ân sủng mà Chúa ban cho chúng ta. Ngược lại, người Samari làm cho món quà nhận được trở thành khởi đầu của một cuộc hành trình mới: anh ta quay trở lại với Đấng đã chữa lành cho anh, tìm hiểu kỹ hơn về Chúa Giêsu, bắt đầu một tương quan với Người. Do đó, thái độ biết ơn của anh không đơn thuần là một cử chỉ lịch sự, nhưng là khởi đầu của một hành trình biết ơn: Người sấp mình dưới chân Đức Kitô (x. Lc 17,16), nghĩa là, anh làm một cử chỉ thờ lạy: nhận rằng Đức Giêsu là Chúa, và điều đó còn quan trọng hơn sự chữa lành đã nhận được.

Anh chị em thân mến, đây là một bài học lớn cho chúng ta, những người được hưởng nhờ ơn huệ mỗi ngày từ Thiên Chúa, nhưng lại thường bỏ đi theo con đường riêng của mình mà quên trau dồi mối tương quan sống động và thực sự với Người. Đây là một căn bệnh tinh thần rất xấu: chẳng để tâm gì, ngay cả với đức tin, thậm chí mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, đến mức trở thành những Kitô hữu không còn biết ngạc nhiên, không còn biết nói lời “cảm ơn”, không diễn tả lòng biết ơn, không biết nhìn thấy điều kỳ diệu của Chúa. Và, do đó, chúng ta đi đến chỗ nghĩ rằng mọi thứ chúng ta nhận được hàng ngày là hiển nhiên và phải có. Ngược lại, lòng biết ơn, biết cách nói “cảm ơn”, dẫn chúng ta đến việc nhận biết sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa. Và cũng nhận ra tầm quan trọng của những người khác, chiến thắng sự cay đắng và thờ ơ khiến tâm hồn chúng ta trở nên xấu xí. Điều cần thiết là phải biết cảm ơn. Mỗi ngày nói lời tạ ơn Chúa, mỗi ngày biết cảm ơn nhau: trong gia đình, vì những điều nhỏ chúng ta nhận được mà đôi khi chẳng buồn hỏi chúng đến từ đâu; ở những nơi chúng ta thường lui tới hàng ngày, vì nhiều sự phục vụ mà chúng ta nhận được và những người hỗ trợ chúng ta; trong các cộng đoàn Kitô của chúng ta, vì tình yêu của Thiên Chúa mà chúng ta cảm nghiệm qua sự gần gũi của anh chị em, những người thường cầu nguyện trong thinh lặng, dâng hiến, chịu đau khổ, bước đi cùng với chúng ta. Xin đừng quên từ khóa này: “cảm ơn”! Đừng quên nghe và nói “cảm ơn”!

Noi gương hai vị tân hiển thánh

Hai vị được phong thánh hôm nay nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bước đi cùng nhau và biết tạ ơn. Giám mục Scalabrini, người đã thành lập hai Hội Dòng, một nam và một nữ, chăm sóc người di cư, khẳng định rằng khi bước đi chung với những người di cư, đừng chỉ nhìn thấy các vấn đề, mà còn nhận ra một kế hoạch của Chúa quan phòng. Ngài nói: “Chính nhờ sự di cư ép buộc do bị bách hại mà Giáo hội đã vượt ra khỏi biên giới của Giêrusalem và Israel, và trở thành “Công giáo”; nhờ những cuộc di cư ngày nay, Giáo hội sẽ là khí cụ của hòa bình và hiệp thông giữa các dân tộc ”(L’emigrazione degli operai italiani, Ferrara 1899). Ngay lúc này, có một cuộc di cư ở Châu Âu khiến chúng ta đau khổ rất nhiều và khiến chúng ta phải mở lòng: cuộc di cư của những người Ucraina chạy trốn khỏi chiến tranh. Chúng ta đừng quên Ucraina khốn khổ hôm nay! Thánh Scalabrini đã có tầm nhìn xa, hướng tới một thế giới và một Giáo hội không có rào chắn, không có người xa lạ. Về phần mình, Artemide Zatti, tu huynh Salêdiêng, với chiếc xe đạp của mình, là một tấm gương sống động về lòng biết ơn: được chữa lành khỏi bệnh lao, thầy đã dành cả cuộc đời mình để cho người khác, để chữa lành người bệnh bằng tình yêu thương và sự dịu dàng. Người ta kể đã nhìn thấy thầy mang trên vai xác của một trong những người bệnh. Với lòng biết ơn về những gì mình đã nhận được, thầy muốn nói lời “cảm ơn” của mình bằng cách gánh lấy vết thương của người khác. Hai tấm gương cho chúng ta!

Chúng ta hãy cầu nguyện xin những người anh em thánh thiện này của chúng ta giúp chúng ta bước đi cùng nhau, không có bức tường ngăn cách; và để nuôi dưỡng tâm hồn cao thượng này trở nên đẹp lòng Thiên Chúa, đó là lòng biết ơn.

Nguồn: vaticannews.va

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *