ĐHY Parolin: Thoả thuận với Trung Quốc là thoả thuận về những lợi ích cốt yếu cho đời sống Giáo hội Trung Quốc
Trả lời phỏng vấn của ông Andrea Tornielli, Tổng Biên tập Vatican News, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh khẳng định rằng “Trọng tâm của Thỏa thuận chắc chắn liên quan đến việc củng cố một cuộc đối thoại tốt về thể chế và văn hóa, nhưng nó chủ yếu liên quan đến các lợi ích cốt yếu cho đời sống hàng ngày của Giáo hội ở Trung Quốc”.
Ngày 22/9/2018, Tòa Thánh và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã ký Hiệp định tạm thời về việc bổ nhiệm Giám mục.
“Tạm thời”
Đức Hồng y nói rằng Hiệp định “tạm thời” vì đang trong quá trình thử nghiệm. Ngài giải thích: “Như thường lệ, những tình huống khó khăn và tế nhị như vậy đòi hỏi thời gian áp dụng thích hợp để sau đó có thể xác minh tính hiệu quả của kết quả và xác định bất kỳ cải thiện nào. Hơn nữa, như chúng ta đã biết, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những trở ngại có thể hiểu được đối với các cuộc họp giữa các phái đoàn, những người đang theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng việc áp dụng Hiệp định. Vì những lý do này, hiệu lực của Hiệp định đã được gia hạn lần đầu tiên vào năm 2020 và nay lại được gia hạn thêm hai năm nữa.”
Bổ nhiệm những mục tử tốt và xứng đáng
Đức Hồng y nhận định rằng Đức Thánh Cha Phanxicô, “với quyết tâm và tầm nhìn xa kiên nhẫn, đã quyết định tiếp tục con đường này không phải với ảo tưởng tìm kiếm sự hoàn hảo trong các quy tắc của con người, nhưng với hy vọng cụ thể là có thể đảm bảo cho các cộng đồng Công giáo Trung Quốc, ngay cả trong bối cảnh phức tạp như vậy, sự hướng dẫn của những mục tử xứng đáng và phù hợp với nhiệm vụ được giao phó.”
Không bao giờ giảm nhẹ điều cốt yếu
Nói về các thủ tục đặc biệt đã thỏa thuận với chính quyền Bắc Kinh được để bổ nhiệm các giám mục mới ở Trung Quốc, Quốc vụ khanh Toà Thánh cho biết, “trong vấn đề tế nhị và quan trọng về việc bổ nhiệm các giám mục, Toà Thánh thường đi đến việc đồng ý về các thủ tục có xem xét đến các điều kiện cụ thể của một quốc gia, tuy nhiên, không bao giờ giảm đi những gì cần thiết và cơ bản cho Giáo hội, đó là việc bổ nhiệm những mục tử tốt và xứng đáng.”
Nhấn mạnh đến những đau khổ và chia cắt trong Giáo hội
Đức Hồng y Parolin cho biết: “Thủ tục dự kiến trong Thỏa thuận đã được cân nhắc cẩn thận, có tính đến các đặc điểm cụ thể của lịch sử và xã hội Trung Quốc cũng như những phát triển nảy sinh từ đó của Giáo hội ở Trung Quốc. Về vấn đề này, tôi không thể không đề cập đến nhiều đau khổ và đôi khi là sự chia rẽ mà các cộng đồng Công giáo đã gặp phải trong những thập kỷ gần đây. Do đó, cần thận trọng và khôn ngoan xem xét cả những đòi hỏi của chính quyền quốc gia và nhu cầu của các cộng đồng Công giáo.”
Ba thành quả chính của Hiệp định
Hiệp định tạm thời giữa Toà Thánh về việc bổ nhiệm Giám mục đã có hiệu lực 4 năm. Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh nói rằng trước mắt có thể thấy được ba thành quả chính nhưng ngài mong trong thời gian tới sẽ có thêm những thành quả khác.
Tất cả Giám mục Trung Quốc đã hiệp thông với Đức Thánh Cha
Trước hết, “cùng thời điểm với Hiệp định, kể từ tháng 9/2018, tất cả các giám mục của Giáo hội Công giáo ở Trung Quốc đã hiệp thông trọn vẹn với Người kế vị thánh Phêrô và không có thêm vụ tấn phong giám mục trái phép nào nữa. Đối với các tín hữu, điều này có thể được nhận thấy hàng ngày trong Thánh lễ do bất kỳ linh mục Trung Quốc nào cử hành: thực tế, Đức Giáo hoàng được nhắc đến một cách rõ ràng trong lời kinh nguyện Thánh Thể, điều không thể tưởng tượng được từ nhiều năm trước.”
Việc bổ nhiệm giám mục mới theo Hiệp định và đúng thủ tục
“Thành quả thứ hai là 6 lễ tấn phong giám mục đầu tiên được diễn ra theo tinh thần của Hiệp định và theo đúng thủ tục đã được thiết lập, đó là Đức Thánh Cha có tiếng nói cuối cùng và quyết định.”
6 Giám mục “hầm trú” được hợp phoá hoá
“Và kết quả thứ ba là trong thời gian này, 6 giám mục “hầm trú” đầu tiên đã được đăng ký và do đó vị trí của họ đã được hợp pháp hoá, được các cơ quan công nhận công nhận là giám mục.”
Những bước nhỏ bé nhưng quan trọng
Đức Hồng y nói thêm: “Đây có vẻ là những kết quả nhỏ bé, nhưng đối với những người nhìn lịch sử bằng con mắt đức tin, chúng là những bước quan trọng để tiến tới việc chữa lành dần dần những vết thương gây ra cho sự hiệp thông trong Giáo hội bởi những biến cố trong quá khứ. Do đó, cần phải nhấn mạnh một lần nữa, nếu cần, rằng trọng tâm của Hiệp định chắc chắn liên quan đến việc củng cố một cuộc đối thoại tốt về thể chế và văn hóa, nhưng nó chủ yếu liên quan đến những lợi ích cốt yếu cho đời sống hàng ngày của Giáo hội ở Trung Quốc.
Đức Hồng y đưa ra ví dụ là hiệu lực của các bí tích được cử hành và sự chắc chắn là hàng triệu tín hữu Trung Quốc có thể sống đức tin của họ trong sự hiệp thông trọn vẹn của Công giáo, mà không phải nghi ngờ mình không phải là công dân trung thành với đất nước của họ.
Nguồn: Vatican News