Giáo Hạt Cà Mau

Sứ Thần Tòa Thánh tại CHDC Congo đánh giá về chuyến viếng thăm của ĐTC tại nước này

Sứ Thần Tòa Thánh tại CHDC Congo đánh giá về chuyến viếng thăm của ĐTC tại nước này

 

Sứ Thần Tòa Thánh tại CHDC Congo đánh giá về chuyến viếng thăm của ĐTC tại nước này

Đức Tổng Giám mục Sứ thần Toà Thánh tại CHDC Congo nói rằng Đức Thánh Cha đã vạch ra “một lộ trình” cho những thập kỷ tới, cho Giáo hội và Nhà nước Congo.

Đức Tổng Giám mục Ettore Balestrero 58 tuổi, người Ý. Ngài gia nhập ngành ngoại giao Toà Thánh từ năm 1996 và đã làm việc tại các Toà Sứ thần ở Hàn Quốc, Mông Cổ và Hà Lan. Sau một thời gian trở về làm cố vấn tại Phân bộ Ngoại giao của Phủ Quốc vụ Khanh Toà Thánh, tháng 2/2013 ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần tại Colombia. Tháng 7/2018 ngài được Đức Thánh Cha gửi đến CHDC Congo để xử lý các công việc của Tòa Sứ thần tại thủ đô Kinshasa và ngày 27/4/2019, ngài được bổ nhiệm làm Sứ thần Tòa Thánh tại nước này.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của Vatican News, khi nhìn lại chuyến viếng thăm mới đây của Đức Thánh Cha tại CHDC Congo, kéo dài bốn ngày, từ ngày 31/1 đến 3/2, với 11 hoạt động tại 6 địa điểm, với các cuộc gặp gỡ với hầu hết các thành phần của xã hội và Giáo hội ở Congo, Đức Tổng Giám mục Sứ thần Toà Thánh tại nước này nói rằng Đức Thánh Cha đã vạch ra “một lộ trình” cho những thập kỷ tới, cho Giáo hội và Nhà nước Congo. Ngài cũng bày tỏ lòng biết ơn về việc tổ chức tốt và sự tham gia đông đảo của người dân Congo. Khi nói về việc thực hiện các thoả thuận khung giữa Giáo hội và Nhà nước CHDC Congo, Sứ thần Tòa Thánh tại nước này nói rằng Giáo hội và Nhà nước cần nhau, trong sự tôn trọng lẫn nhau. Cần tiếp tục việc hợp tác.”

Congo trong chuyến viếng thăm 3 ngày của Đức Thánh Cha

Trước hết, Đức Tổng Giám mục Ettore Balestrero bày tỏ lòng biết ơn đối với người dân Congo vì sự chào đón nồng nhiệt dành cho Đức Thánh Cha. Ngài nói: “Trên hết, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả người dân Congo vì cách họ đón tiếp Đức Thánh Cha và trên hết là cách họ tổ chức chuyến thăm, với niềm đam mê, niềm vui và sự linh hoạt”. Trong ba ngày, Congo không chỉ là quốc gia “đẫm máu với các cuộc đấu tranh vũ trang, nạn nhân của sự bóc lột; quốc gia mà quốc gia láng giềng muốn có một phần để có được tài sản to lớn trong lòng đất của nó”. Thay vào đó, trong ba ngày, “Congo là thủ đô của Giáo hội trên toàn thế giới, một biểu tượng của hy vọng và sức sống, ngay cả đối với các cộng đồng Công giáo khác.”

Một chương mới trong lịch sử của Congo

Đối với Sứ Thần Tòa Thánh tại CHDC Congo, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đã chứng minh rằng Congo “không chỉ có các khoáng sản quý hiếm và chiến lược”, nhưng trên hết là có những con người, những người nam nữ và trẻ em. CHDC Congo “không chỉ là những vấn đề”, mà còn hơn thế nữa: đó là hy vọng và sự kiên cường, trái tim của nó đập mạnh mẽ nhờ trái tim của những người Congo trẻ tuổi, “những người đại diện cho ¾ dân số của nó”. Nhịp độ của các sự kiện xung quanh chuyến viếng thăm “cuồng nhiệt như tiếng trống.” Theo Đức Tổng Giám mục Balestrero, CHDC Congo không thể chờ đợi lâu hơn nữa để mở ra một chương mới trong lịch sử “hòa giải và yêu thương của nó.”

“Công việc của chúng ta, công việc của tất cả mọi người”

Nói về kết quả của chuyến viếng thăm này, trước hết Đức Tổng Giám mục Balestrero nhắc lại chứng tá của những người sống sót sau bạo lực ở khu vực phía đông của đất nước, được họ trình bày trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha vào ngày 1/2. Đối với ngài, những câu chuyện cảm động này cho thấy rằng ở Congo, niềm tin được thể hiện trong trái tim của hàng chục triệu người. Sức sống của những người trẻ tuổi và trí thông minh của họ, “điều mà Đức Thánh Cha đã đề cập trên chuyến bay trở về từ Juba”, cho thấy sự phong phú của nguồn nhân lực. Sự sáng tạo của người dân, cách sống và sự thể hiện bản thân của họ cũng diễn tả rõ trong các điệu múa và âm nhạc.

Mặc dù còn nhiều điều cần cải thiện, chuyến thăm của Đức Thánh Cha đã cho thấy khả năng của người Congo, ý thức họ thuộc về Giáo hội và Nhà nước, nhưng cũng phải thiết lập các mức độ trách nhiệm, bởi vì, đại diện của Đức Thánh Cha tại CHDC Congo nhấn mạnh: “Congo là việc của chúng ta, đó là việc của mọi người.” Ngài nói thêm rằng chuyến viếng thăm là một sự kiện đa chiều, với sự tham gia đông đảo, là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch sử đất nước, tạo nên một thời điểm quan trọng trong đời sống của đất nước và cho các thế hệ mai sau.

Không chỉ là miền đất để khai thác bóc lột

Sứ thần Tòa Thánh tại CHDC Congo cũng nói về khía cạnh địa chính trị. Đối với ngài, các cường quốc biến đất nước này thành chiến trường của họ phải loại bỏ mặc cảm tự tôn cho rằng Congo, “pháo đài bị bao vây này, phải bị khai thác.” Bởi vì họ cần tài nguyên khoáng sản và tuổi trẻ của Congo, họ cũng cần đến sự ổn định và hòa bình. Do đó, họ phải ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa thánh chiến và chứng minh rằng tất cả các tuyên bố về nhân quyền không chỉ là những hệ tư tưởng không liên quan gì đến con người bằng xương bằng thịt. Trên thực tế, mọi người đều có tất cả các quyền này, ngay cả khi họ không sống ở phương Tây.

Một “lộ trình” cho những thập kỷ tới

Trong bối cảnh này, Đức Tổng Giám mục Balestrero suy tư về những thông điệp mạnh mẽ của Đức Thánh Cha. Ngài khẳng định rằng Đức Thánh Cha đã vạch ra “lộ trình” cho những thập kỷ sắp tới, ngài đã mang đến một phong cách và nội dung cho người dân Congo, “một phong cách gần gũi để chăm sóc mục vụ, những hình ảnh có nội dung sâu sắc cho việc dạy giáo lý và thông truyền đức tin”. Chương trình này phải được thực hiện một cách toàn diện và khai thác tất cả sự phong phú của nó, cả ở những điểm “mà chúng ta thích” và những gì mời gọi chúng ta thay đổi. “Những lời được Tin Mừng thuật lại này phải trở thành tiêu chuẩn cho cuộc sống, hành động và thừa tác vụ của Giáo hội trong xã hội Congo.”

Đặc biệt, Sứ Thần Tòa Thánh đánh giá cao sáng kiến ​​của các giám mục để giúp cho các bài diễn văn của Đức Thánh Cha được nhiều người biết đến hơn, học hỏi các bài diễn văn đó và biến chúng thành chủ đề của việc dạy giáo lý. Đối với Đức Tổng Giám mục Balestrero, đó là một sáng kiến​​quan trọng bởi vì chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô không thể diễn ra nhanh chóng như tin tức xuất hiện và biến mất: “Chúng ta phải hiểu những bài phát biểu này đúng với bản chất của chúng: một lời mời đầy trìu mến, phù hợp với Tin Mừng, để trở nên ngôn sứ theo Tin Mừng hơn.”

Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha “bắt đầu bây giờ”

Theo Sứ thần Toà Thánh tại CHDC Congo, chúng ta có thể nói rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha “bắt đầu ngay bây giờ”, theo nghĩa là sau ba ngày rưỡi Đức Thánh Cha ở thủ đô Kinshasa, “bây giờ bắt đầu ngày thứ tư, là ngày khó khăn nhất, bởi vì nó dài nhất và đòi hỏi tất cả chúng ta dấn thân và kiên trì.” “Ngày” này càng trở nên khó khăn hơn “vì chúng ta cần phải chấm dứt việc chỉ tay chống lại người khác, nhưng cần chống lại mọi sự bóc lột.” Nhà ngoại giao của Tòa Thánh nói rằng bây giờ là lúc để củng cố mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và xem xét lại mối quan hệ của chúng ta với những người xung quanh.

Giáo hội và Nhà Nước được kêu gọi cộng tác với nhau

Đức Tổng Giám mục Balestrero, đại diện Tòa thánh tại CHDC Congo từ 5 năm nay, nhận xét rằng Giáo hội và Nhà nước được kêu gọi cộng tác, bởi vì cả hai đều phục vụ người dân, trong sự phân biệt vai trò và trách nhiệm của mỗi bên. Ngài nhận xét: “Ở đất nước này, non trẻ về nhiều mặt, không thể tránh khỏi những căng thẳng nảy sinh, nhưng chuyến thăm của Đức Thánh Cha là ‘một khoảnh khắc hợp tác tuyệt vời’. Cá nhân tôi đã có thể quan sát thấy rằng, cuối cùng, phải nhận thức Giáo hội và Nhà nước luôn cần nhau, trong sự tôn trọng lẫn nhau, vẫn luôn chiếm ưu thế.”

Việc áp dụng các thoả thuận khung

Liên quan đến việc áp dụng các thoả thuận khung đã được ký kết và phê chuẩn, Đức Tổng Giám mục Balestrero tin rằng các điểm quan trọng đã đạt được và đang được thực hiện đúng hướng. Đối với ngài, cả hai bên đều được kêu gọi duy trì động lực này. Ngài nhận định: “Chuyến thăm của Đức Giáo hoàng là một cơ hội để tạo ra sự thay đổi”, bởi vì nhờ chuyến thăm này, Giáo hội và Nhà nước Congo đã cùng nhau hợp tác để thực hiện những thỏa thuận này.

Cần nói thêm rằng nhờ những thoả thuận mới này, Giáo hội Công giáo ở Congo không còn chỉ được nhìn nhận là một hiệp hội phi lợi nhuận như trong quá khứ, nhưng trong tình trạng giáo luật thực sự của nó. Đối với Giáo hội Công giáo, Cộng hòa Dân chủ Congo, ngày 2/7/2022 sẽ được ghi nhớ như một “ngày lịch sử”. Trước sự hiện diện của Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, năm thỏa thuận cụ thể đã được ký kết trong một số lĩnh vực hoạt động của Giáo hội, cụ thể là: chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chăm sóc mục vụ nhà tù, tiền thuế. Những thỏa thuận cụ thể này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Giáo hội. Đức Hồng y Ambongo nói rằng đây là “một bước được chờ đợi trong hơn sáu năm”.

Cụ thể hơn, với các thỏa thuận được ký giữa các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Y tế, Tư pháp, Tài chính, Giáo dục Cao học và Đại học, Các vấn đề Địa phương với Chủ tịch Hội đồng Giám mục Congo là Đức cha Marcel Utembi Tapa, Thỏa thuận khung được Tòa Thánh và Cộng hòa Dân chủ Congo ký vào ngày 20/5/2016, về các vấn đề lợi ích chung, được thực hiện. Thỏa thuận này đã được ký kết tại Vatican bởi Đức Tổng Giám mục Ngoại trưởng Toà Thánh Paul Richard Gallagher và bộ trưởng ngoại giao Congo khi đó, ông Raymond Tshibanda N’Tungamulongo. Thoả thuận thừa nhận sự độc lập và quyền tự chủ của Giáo hội và Nhà nước, đã thiết lập khuôn khổ pháp lý cho các mối quan hệ giữa hai bên và đặc biệt, thừa nhận tình trạng pháp lý của Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực dân sự và quyền tự do của Giáo hội trong hoạt động tông đồ và trong việc điều chỉnh các vấn đề nội bộ thuộc thẩm quyền của Giáo hội.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Tổng Giám mục Balestrero cho biết rằng một văn phòng điều phối giữa Giáo hội và nhà nước đã được thành lập trong Bộ Nội vụ, và Giáo hội hiện nay phụ thuộc vào bộ này. Theo ngài, các cột mốc quan trọng đã được thiết lập và những gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào thiện chí của cả hai bên.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Facebook
Twitter

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *