TÔNG THƯ
DESIDERIO DESIDERAVI
CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC VÀ PHÓ TẾ,
NHỮNG NGƯỜI SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN VÀ GIÁO DÂN
VỀ ĐÀO TẠO PHỤNG VỤ CHO DÂN THIÊN CHÚA
Thầy rất mong ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi Thầy chịu khổ hình (Lc 22,15)
1. Anh chị em rất thân mến, tôi muốn gửi thư này đến tất cả anh chị em – sau khi công bố Tự sắc Traditionis Custodes mà tôi chỉ viết cho các giám mục – nay tôi viết thư này để chia sẻ với anh chị em một số suy tư về Phụng vụ, một chiều kích căn bản trong đời sống Hội Thánh. Chủ đề này rất rộng lớn và đáng được xem xét cẩn thận về mọi lãnh vực: tuy nhiên, trong thư này, tôi không có ý định trình bày vấn đề cách cặn kẽ. Đúng hơn, tôi muốn đưa ra một vài hướng suy tư có thể giúp ích cho việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp và chân lý trong cử hành Kitô giáo.
Phụng vụ: “ngày hôm nay” trong lịch sử cứu độ
2. “Thầy rất mong ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi Thầy chịu khổ hình” (Lc 22,15). Câu nói này của Chúa Giêsu đã mở ra trình thuật về Bữa Tiệc Ly, và như một khe cửa hé mở cho phép chúng ta có thể cảm thụ được chiều sâu của tình yêu Ba Ngôi Chí Thánh dành cho chúng ta.
3. Phêrô và Gioan được sai đi chuẩn bị những gì cần thiết cho bữa tiệc Vượt Qua, nhưng khi nhìn kỹ hơn, có thể thấy rằng tất cả thụ tạo, tất cả lịch sử – mà chung cuộc cũng là lịch sử cứu độ – đều tham dự vào cuộc chuẩn bị quy mô cho bữa tiệc này. Phêrô và những người khác hiện diện nơi bàn tiệc, không hiểu biết gì nhưng lại là những người cần phải có mặt, vì bất kỳ món quà nào, để trở thành một món quà, phải có người sẵn lòng đón nhận nó. Ở đây, khoảng cách bất cân xứng giữa sự to lớn của món quà và sự nhỏ bé của người nhận là vô hạn và không thể không làm chúng ta ngỡ ngàng. Tuy nhiên, bởi lòng Chúa thương xót, món quà được trao cho các Tông đồ để các ngài mang đến cho tất cả mọi người, nam cũng như nữ.
4. Không ai tự kiếm được một chỗ ngồi trong bữa tiệc này, nhưng ai cũng được mời, hay nói đúng hơn, tất cả đều bị lôi cuốn bởi nỗi khao khát mãnh liệt của Chúa Giêsu muốn ăn Lễ Vượt Qua với họ: Người biết mình là Con Chiên Vượt Qua, và là chính Lễ Vượt Qua. Chính tính cách mới mẻ tuyệt đối của bữa ăn, điều mới mẻ thực sự duy nhất trong lịch sử, đã làm cho bữa tiệc này trở nên độc đáo và mang tính tối hậu, một lần duy nhất: “Bữa tối cuối cùng”. Tuy nhiên, khát vọng vô hạn của Người muốn tái lập mối hiệp thông với chúng ta, đã và vẫn là dự định từ đầu của Người, sẽ không được thoả mãn cho đến khi mọi người, thuộc mọi chi họ, ngôn ngữ, dân tộc và quốc gia (Kh 5,9) được ăn Thịt và uống Máu của Người: đó là lý do tại sao chính bữa tiệc này phải được hiện tại hóa trong việc cử hành Thánh Thể, cho đến khi Người trở lại.
5. Thế gian chưa biết điều đó, nhưng tất cả đều được mời dự tiệc cưới của Chiên Con (x. Kh 19,9). Để được vào dự lễ, chỉ cần mặc áo cưới là đức tin, có được nhờ đã nghe Lời Người (x. Rm 10,17): Hội Thánh may áo này vừa vặn với mỗi người, bằng tấm vải trắng được giặt trong Máu Chiên Con (x. Kh 7,14). Chúng ta không được cho phép mình nghỉ ngơi dù chỉ một phút giây, bởi biết rằng không phải tất cả mọi người đã nhận được lời mời tham dự bữa ăn này, hoặc có những người đã lãng quên hoặc lạc bước trong những lối quanh co của cuộc đời. Đó là điều tôi đã từng nói tới: “Tôi ước mơ một chọn lựa truyền giáo có thể làm thay đổi mọi sự, để các thói quen, phong cách hành động, giờ giấc chương trình, ngôn ngữ và cơ cấu của Hội Thánh được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh” (Evangelii gaudium, số 27): để tất cả mọi người có thể ngồi ăn bữa tiệc hy tế của Chiên Con và được sống nhờ Người.
6. Trước khi chúng ta đáp lại lời mời, thì từ rất lâu trước đó, Chúa đã khao khát muốn gặp chúng ta. Có thể chúng ta không nhận thức đủ, nhưng lý do chính để chúng ta đi tham dự Thánh lễ, là vì chúng ta bị thu hút bởi sự khao khát của Chúa dành cho chúng ta. Về phần chúng ta, câu trả lời của chúng ta – cũng là điều đòi hỏi chúng ta phải hy sinh nhiều nhất – đó là luôn để cho Người yêu thương chúng ta, để cho Người thu hút chúng ta. Việc rước Mình Máu Chúa Kitô chắc chắn là điều Người đã muốn trong Bữa Tiệc Ly.
7. Tấm bánh được bẻ ra chính là thánh giá của Chúa Giêsu, là hy lễ vâng phục của Người vì tình yêu đối với Chúa Cha. Nếu không có Bữa Tiệc Ly, nghĩa là nếu không có việc cử hành hướng về cái chết của Người, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được rằng việc Người đón nhận án chết là một hành vi phụng tự hoàn hảo và đẹp lòng Chúa Cha, hành vi phụng tự đích thực duy nhất. Chỉ vài giờ sau Bữa Tiệc Ly, các Tông đồ, nếu có đủ sức chịu đựng, đã có thể nhìn thấy nơi thập giá của Chúa Giêsu, ý nghĩa của lời Người nói: “mình bị nộp”, “máu đổ ra”. Đây là điều chúng ta tưởng niệm mỗi khi cử hành Thánh Thể. Khi Đấng Phục Sinh trở lại từ cõi chết để bẻ bánh cho các môn đệ ở Emmaus, và đối với các môn đệ trở lại biển Galilêa để lưới cá chứ không muốn đi lưới người, thì cử chỉ bẻ bánh này sẽ làm mắt họ mở ra. Cử chỉ ấy chữa lành đôi mắt mù lòa do nỗi kinh hoàng của cây thập giá, và giúp họ “thấy được” Đấng Phục sinh, có thể tin vào sự Phục sinh.
8. Giả sử bằng cách nào đó chúng ta đến Giêrusalem sau Lễ Ngũ Tuần và không chỉ muốn có những thông tin về Đức Giêsu người Nazareth, mà còn khao khát gặp lại Người, chúng ta không có cách nào khác hơn là tìm các môn đệ để nghe lời Người nói và thấy cử chỉ Người làm, sống động hơn bao giờ hết. Chúng ta không còn khả năng nào khác để gặp gỡ Người ngoài khả năng của cộng đoàn cử hành. Đó là lý do tại sao Hội Thánh luôn gìn giữ lệnh truyền của Chúa như kho tàng quý giá nhất của mình, “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
9. Ngay từ đầu, Hội Thánh đã ý thức rằng đây không phải là sự thể hiện, dù là thiêng liêng, về Bữa Tối của Chúa. Việc làm này sẽ chẳng có ý nghĩa gì, và không ai lại nghĩ đến việc “trình diễn” – đặc biệt là trước mắt Đức Maria, Mẹ của Chúa – giây phút cao quý nhất trong cuộc đời của Thầy. Ngay từ đầu, Hội Thánh được Chúa Thánh Thần soi sáng, đã hiểu rằng những gì có thể nhìn thấy nơi Chúa Giêsu, những gì có thể nhìn thấy bằng mắt và chạm đến bằng tay, các lời nói và cử chỉ của Người, tính cụ thể của Ngôi Lời Nhập Thể, tất cả những gì thuộc về Người đã được chuyển thể qua cách cử hành các bí tích.[1]