TÓM TẮT SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2023
( theo bản dịch của Cha Đaminh Ngô Quang Tuyên và cha Micael Nguyễn Khắc Minh, Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng / HĐGMVN)
CHỦ ĐỀ: LÒNG BỪNG CHÁY, CHÂN BƯỚC NHANH
(x. Lc 24:13-35)
Trong phần 1, con tóm tắt sứ điệp truyền giáo thành những tiêu đề để có cái nhìn tổng quát. Phần 2 con trích dẫn những câu quan trọng trong Sứ Điệp. Phần 3 con gọi lên một số câu hỏi như là kết quả của việc học hỏi sứ điệp đọng lại trong người đọc.
PHẦN 1: TÓM TẮT THÀNH TIÊU ĐỀ
A. GIỚI THIỆU TRUYỀN GIÁO DỰA TRÊN NỀN TẢNG THÁNH KINH
B. NÔI DUNG
I. Lời Chúa Soi Sáng Tâm Hồn
- Tác Động Của Lời Chúa
- Tầm Quan Trọng Của Kinh Thánh Với Sứ Mạng Truyền Giáo
II. Thánh Thể Và Truyền Giáo
- Tác Động Của Thánh Thể Với Nhà Truyền Giáo
- Người Truyền Giáo Phải Trở Nên Tấm Bánh Cho Đời
III. Các Tông Đồ Là Mẫu Gương Truyền Giáo
- Cất Bước Đi Ra
- Trở Nên Chứng Nhân
IV. Nuôi Dưỡng Hồn Tông Đồ
- Sứ Mệnh Trường Tồn của Truyền Giáo
- Đón Sự Mệnh Bằng Tình Yêu Đức Ki-tô
V. Thực Hành Truyền Giáo
- Cầu Nguyện, Đóng Góp, Dấn Thần
- Cần Biết Hợp Tác Để Truyền Giáo
- Hân Hoan Truyền Giáo
C. KẾT LUẬN
PHẦN II: TÓM TẮT CÓ TRÍCH DẪN SỨ ĐIỆP
A. GIỚI THIỆU TRUYỀN GIÁO DỰA TRÊN NỀN TẢNG THÁNH KINH
Sứ điệp Truyền giáo năm nay dựa trên đoạn Tin Mừng theo Thánh Luca khởi đi từ câu chuyện các môn đệ trên đường Emmaus, (x. 24:13-35): “Lòng bừng cháy, chân bước nhanh”. “Lòng các ông bừng cháy khi nghe Chúa Giêsu giải thích Kinh Thánh, mắt các ông mở ra khi nhận ra Người và cuối cùng, chân các ông rảo bước lên đường. Bằng cách suy niệm về ba hình ảnh phản ánh hành trình của tất cả các môn đệ truyền giáo này, chúng ta có thể đổi mới lòng nhiệt thành rao giảng Tin Mừng trong thế giới ngày nay.”
B. NỘI DUNG
I. Lời Chúa Soi Sáng Tâm Hồn
- Tác Động Của Lời Chúa
“Tâm hồn chúng ta bừng cháy “khi Người giải thích Kinh Thánh cho chúng ta”. Trong hoạt động truyền giáo, lời Chúa soi sáng và biến đổi các tâm hồn như biến đổi tâm hồn hai môn đệ trên đường Emmaus từ u sầu thành thành hân hoan vui mừng đi Loan Báo Tin Mừng Phục Sinh.”
“Chính Chúa Giêsu là Lời hằng sống, Đấng duy nhất có thể làm cho trái tim chúng ta bừng cháy trong chúng ta, khi Người soi sáng và biến đổi tâm hồn chúng ta từ buồn sầu thành hy vọng (“đừng để buồn sầu cướp mất hy vọng”) (SĐ số 3 trích lại Evangeli Gaudium 86). Và hãy biết phó thác như “người đầy tớ vô dụng” (Lc 10,17)
Đức Thánh Cha luôn đồng cảm với các nhà truyền giáo và nhắn nhủ : “Trong thế gian, các con sẽ gặp những gian truân, nhưng hãy can đảm lên: Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16:33).
- Tầm Quan Trọng Của Kinh Thánh Với Sứ Mạng Truyền Giáo
Bằng cách này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn câu châm ngôn của Thánh Giêrônimô rằng “không biết Kinh thánh là không biết Đức Kitô” (Chú giải về Isaia, Lời mở đầu). Theo đó, kiến thức về Kinh thánh rất quan trọng đối với đời sống Kitô hữu, và thậm chí còn quan trọng hơn đối với việc rao giảng Chúa Kitô và Tin Mừng của Người. Nếu không, bạn đang truyền lại điều gì cho người khác nếu không phải là ý tưởng và dự án của riêng bạn? Một trái tim lạnh lùng không bao giờ có thể khiến những trái tim khác bừng cháy! Trái lại chúng ta hãy luôn sẵn sàng để mình được Chúa Phục Sinh đồng hành khi Người giải thích cho chúng ta ý nghĩa của Sách Thánh (SĐ số 7)
II. Thánh Thể Và Truyền Giáo
- Tác Động Của Thánh Thể Với Môn Đệ
“Mắt chúng ta “mở ra và nhận ra Người” khi bẻ bánh…Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của sứ mạng.”
“Việc trái tim các môn đệ trên đường Emmaus cháy bỏng vì lời Chúa đã thúc đẩy họ yêu cầu Người lữ hành bí ẩn ở lại với họ khi trời sắp tối. Khi họ quây quần quanh bàn, mắt họ mở ra và họ nhận ra Người khi Người bẻ bánh.”
“Ở đây, nên nhớ rằng việc bẻ bánh vật chất của chúng ta để chia sẻ với những người đói khát nhân danh Chúa Kitô cũng đã là một công việc truyền giáo của Kitô giáo rồi. Hơn thế nữa, việc bẻ bánh Thánh Thể, là chính Chúa Kitô, là một công việc truyền giáo tuyệt hảo, vì Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh.
‘Một Giáo Hội Thánh Thể đích thực là một Giáo Hội truyền giáo’” (Sacramentum Caritatis, 84).
- Người Truyền Giáo Phải Trở Nên Tấm Bánh Cho Đời
“Theo đó, mọi môn đệ truyền giáo đều được kêu gọi trở nên, giống như Chúa Giêsu và trong Người, nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần, trở thành người bẻ bánh và là tấm bánh được bẻ ra cho thế giới.” (SĐ số 8)
Thánh Thể không chỉ là nguồn mạch và đỉnh cao của đời sống Giáo hội; nó cũng là nguồn gốc và tột đỉnh sứ vụ của Giáo Hội: ‘Một Giáo Hội Thánh Thể đích thực là một Giáo Hội truyền giáo’” (Sacramentum Caritatis, 84).
Để sinh hoa trái, chúng ta phải luôn kết hiệp với Chúa Giêsu (x. Ga 15,4-9). Sự hiệp nhất này đạt được qua lời cầu nguyện hằng ngày, đặc biệt trong giờ chầu Thánh Thể, khi chúng ta giữ thinh lặng trước sự hiện diện của Chúa, Đấng ở lại với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể
III. Các Tông Đồ Là Mẫu Gương Truyền Giáo
- Cất Bước Đi Ra
“Đôi chân ta lên đường, hân hoan kể cho người khác biết về Chúa Kitô Phục Sinh.
“Sau khi được mở mắt và nhận ra Chúa Giêsu “khi bẻ bánh”, các môn đệ “hối hả lên đường và trở về Giêrusalem” (x. Lc 24:33). Việc vội vã lên đường để chia sẻ với người khác niềm vui gặp gỡ Chúa chứng tỏ rằng “niềm vui của Tin Mừng lấp đầy trái tim và toàn bộ cuộc sống của những ai gặp gỡ Chúa Giêsu. Ai để cho mình được Ngài cứu thì được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi buồn rầu, khỏi trống rỗng nội tâm, khỏi cô lập. Với Chúa Giêsu Kitô, niềm vui luôn được sinh ra và tái sinh” (Evangelii Gaudium, 1). Người ta không thể thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh mà không bừng cháy lòng nhiệt tình để nói cho mọi người về Người.”
- Trở Nên Chứng Nhân
“Họ có thể làm chứng cho sự sống không bao giờ chết, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất và những thời khắc đen tối nhất.”
IV. Nuôi Dưỡng Hồn Tông Đồ
- Sứ Mệnh Trường Tồn của Truyền Giáo
Hình ảnh “đôi chân bước đi” một lần nữa nhắc nhở chúng ta về giá trị trường tồn của sứ mệnh truyền giáo (missio ad gentes), sứ mệnh được Chúa Phục sinh trao phó cho Giáo hội để rao giảng Tin Mừng cho mọi người và mọi dân tộc, cho đến tận cùng trái đất.
- Đón Sự Mệnh Bằng Tình Yêu Đức Ki-tô
Như thánh Tông đồ Phaolô xác nhận, tình yêu của Chúa Kitô lôi cuốn và thúc đẩy chúng ta (x. 2 Cr 5,14). Tình yêu này có hai mặt: tình yêu của Chúa Kitô dành cho chúng ta, tình yêu kêu gọi, thôi thúc và khơi dậy tình yêu của chúng ta đối với Người. Một tình yêu làm cho Giáo Hội, trong việc không ngừng khởi đầu lại, luôn trẻ trung. Vì tất cả các thành viên của Giáo Hội đều được ủy thác sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô, với niềm xác tín rằng “Ngài đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì mình” (c. 15).
V. Thực Hành Truyền Giáo
- Cầu Nguyện, Đóng Góp, Dấn Thân
Tất cả chúng ta đều có thể đóng góp cho phong trào truyền giáo này: bằng những lời cầu nguyện và hoạt động của chúng ta, bằng những của lễ vật chất và dâng những đau khổ của chúng ta, và bằng chứng tá cá nhân của chúng ta. Các Hội Giáo hoàng Truyền giáo là phương tiện ưu tiên để thúc đẩy sự hợp tác truyền giáo này trên cả bình diện tinh thần và vật chất. Vì lý do này, số tiền quyên góp được vào ngày Chúa nhật Thế giới Truyền giáo được dành cho Hội Giáo hoàng Truyền bá Đức tin.
- Cần Biết Hợp Tác Để Truyền Giáo
Tính cấp bách của hoạt động truyền giáo của Giáo hội đương nhiên đòi hỏi sự hợp tác truyền giáo ngày càng chặt chẽ hơn về phía tất cả các thành viên của Giáo hội và ở mọi cấp độ. Đây là một mục tiêu thiết yếu của hành trình Hiệp Hành mà Giáo hội đã thực hiện, được hướng dẫn bởi các từ khóa: hiệp thông, tham gia, truyền giáo
- Hân Hoan Truyền Giáo
Cũng như hai môn đệ Emmaus đã thuật lại cho những người khác những gì đã xảy ra dọc đường (x. Lc 24:35), cũng vậy, lời loan báo của chúng ta sẽ là một lời hân hoan kể về Chúa Kitô, cuộc đời, cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người, và những điều kỳ diệu mà tình yêu thương của Người đã hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta.
C. KẾT LUẬN
Do đó, nguồn lực chính và chủ yếu của việc truyền giáo là những người đã biết Chúa Kitô phục sinh trong Kinh thánh và trong Bí tích Thánh Thể, những người mang ngọn lửa của Người trong trái tim và mang ánh sáng của Người. Họ có thể làm chứng cho sự sống không bao giờ chết, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất và những thời khắc đen tối nhất.
Vì vậy, chúng ta hãy lên đường một lần nữa, hãy để mình được soi sáng bởi cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh và được Thần Khí của Người thúc đẩy. Chúng ta hãy lên đường một lần nữa với trái tim rực cháy, với đôi mắt mở to và đôi chân của chúng ta chuyển động. Chúng ta hãy lên đường để làm cho những trái tim khác bừng cháy Lời Chúa, mở mắt cho những người khác nhìn thấy Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và mời gọi mọi người cùng nhau bước đi trên con đường bình an và cứu độ mà, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã ban cho toàn thể loài người.
Lạy Đức Mẹ Soi Đường, Mẹ của các môn đệ truyền giáo của Đức Kitô và là Nữ Vương Truyền Giáo, xin cầu cho chúng con!
Rôma, Đền Thánh Gioan Lateranô, ngày 6 tháng 1 năm 2023, Lễ Chúa Hiển Linh
Phần 3: CÂU HỎI
- Theo sứ điệp truyền giáo của Đức Giáo Hoàng, Lời Chúa có vai trò gì với người truyền giáo. Bạn có kinh nghiệm gì về tác động của Lời Chúa đối với sứ vụ truyền giáo?
- Theo Sứ điệp truyền giáo của Đức Giáo Hoàng, Thánh Thể có vai trò gì với người truyền giáo. Bạn có kinh nghiệm gì về tác động của việc Chầu Thánh Thể với việc truyền giáo
- Theo sứ điệp của Đức Giáo Hoàng, chúng ta cần đón nhận sứ mạng với tâm tình nào? Xin chia sẻ kinh nghiệm của bạn về việc đón nhận sứ mạng của bề trên trao phó?
- Theo Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng, chúng ta làm gì để nuôi dưỡng hồn tông đồ?
- Theo Sứ Điệp của Đức Giáo Hoàng, thực hành truyền giáo gồm những việc nào?
- Ba yếu tố chính của Sứ Điệp truyền giáo năm nay là gì?
Người tóm tắt: Lm. Vinh Sơn Vũ Đức Toàn